Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 30 thường niên năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 30 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 10, 46-52

loi-chua-Gợi ý suy niệm Lời Chúa - Chúa nhật 30 thường niên năm B   

Chúa Giêsu đi ngang qua nơi một anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Anh hỏi thăm vì nghe đám đông đang đi qua. Khi biết là Chúa Giêsu, anh đã kêu xin. Chúa Giêsu cũng đi ngang qua cuộc đời chúng ta, chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài không?

Anh mù không thấy nhưng anh đã tìm hỏi và nhờ đó anh đã biết ai đang đi qua. Chúng ta không cần hỏi ai cả, chúng ta biết quá nhiều rồi, nhưng chúng ta có nhận ra được không? Nhiều người than thở rằng họ không thấy Chúa trong cuộc đời của họ, Chúa làm như vắng mặt trong cuộc sống của họ, nhất là khi họ bị khủng hoảng, đau buồn. Chúa vẫn có mặt nhưng chúng ta không thấy được. Có lẽ con mắt tâm hồn chúng ta mù chăng?

Anh mù đã kêu xin Chúa bằng một tước hiệu mà không ai ngờ: “Con Vua Đavít”. Những người đang đi với Chúa trên đường đã không nghĩ rằng Chúa Giêsu là con vua Đavít. Họ chỉ xem như một ngôn sứ nào đó. Anh mù, tuy không thấy nhưng anh đã nghe đọc Kinh thánh trong hội đường. Anh cũng trông chờ Đấng Cứu Thế được gọi là con vua Đavít như mọi người thiện chí ở Itraen. Hôm nay, anh đã nghe biết và tin rằng ông Giêsu Nadaret là con vua Đavít, là Đấng anh trông đợi.

Có lẽ anh nghe nhiều về những gì ông Giêsu đã làm cho bao nhiêu bệnh nhân và anh tin. Anh mù sáng suốt hơn những người thấy được. Anh kêu xin lớn tiếng làm cho nhiều người bực bội. Họ quát nạt anh, nhưng anh vẫn cứ kêu xin. Một anh ăn xin ngoài đường là cái gì mà dám làm rầy một vị tiên tri như thế? Nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Anh tiếp tục kêu xin.

Đây là một bài học cầu nguyện thực tế và sống động. Thế gian cản trở chúng ta, không để cho chúng ta yên để nhớ đến Chúa. Những công việc bề bộn hằng ngày, những lo toan cho cuộc sống, những tiếng ồn ào của truyền hình, những bực bội do người chung quanh làm cho chúng ta quên đi sự hiện diện của Chúa. Hãy làm như anh mù, cứ kêu xin giữa những chướng ngại bên ngoài.

Lời cầu bền bĩ của anh mù đã có kết quả. Chúa Giêsu dừng lại và bảo gọi anh mù đến. Chúng ta thấy rằng, khi đi ngang qua anh mù, nghe tiếng anh cầu khẩn, nhưng làm như Ngài không chú ý. Có lẽ Ngài muốn xem anh phản ứng ra sao. Thấy anh bền tâm cầu khẩn, Ngài dừng lại, chú ý đến anh.

Người ta không la rầy anh nữa mà lại khuyến khích: “Yên tâm, Ngài gọi anh đấy.”

Quá vui mừng anh đứng phắt dậy, vứt bỏ ào choàng, cái áo choàng rách bẩn của anh và đến với Chúa. Thánh Maccô để ý ghi nhận chi tiết đó. Chi tiết nầy được ghi lại không phải là vô ý, và nhiều người đã xem đó như một hành vi có ý nghĩa. Đến với Chúa, niềm vui đã xóa bỏ hết  sự nghèo cực của anh. Anh đến với Chúa, vứt đi hết mọi lo âu, bỏ cả cái thực tại mù lòa của anh. Giờ đây anh là người được gọi, là người được tuyển chọn.

Chúng ta cũng thấy một người khác là cô Maria, chị của Ladarô, khi nghe chị Matta nói: “Thầy đến và gọi em”. Maria đang ngồi khóc em với mấy chị bạn trong nhà đã đứng phắt dậy và chạy đến với Thầy.

Chúng ta có vui mừng chạy đến với Chúa khi Chúa đến gặp chúng ta không? Chúng ta có mau mắn lắng nghe tiếng Chúa mời gọi chúng ta không? Chúng ta có cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa trong đời là một cái gì quan trọng không ?

Anh mù đã nghe tiếng gọi anh mong chờ. Hãy chăm chú lắng nghe tiếng Chúa gọi âm thầm trong chúng ta từng lúc và nhanh chóng đáp trả. Giữ đạo không chỉ là đọc kinh, dự lễ hay giữ một số luật lệ mà là luôn gần gũi với Chúa, gắn bó với Chúa trong cuộc sống, lắng nghe tiếng Ngài trong các biến cố vui buồn của chúng ta.

Chúa Giêsu hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Xem ra là một câu hỏi thông thường, nhưng chứng tỏ sự tế nhị của Chúa Giêsu. Ngài không cho anh những gì Ngài muốn mà cho anh những gì anh đang mong đợi.Và anh mong đợi gì?

“Thưa Thầy, xin cho con được nhìn thấy được”. Một lời xin có thể nói là vô lý. Vì ai có thể cho anh được điều đó? Hiện nay, nền văn minh kỹ thuật tiến rất nhanh và rất xa, nhưng chưa chắc có thể làm cho một người mù thấy được. Phải công phu lắm và phải nhờ những phương tiện tối tân mới có thể chữa được một số bệnh mắt. Thế nhưng anh mù nầy không xin tiền mà chỉ xin thấy được.

Trong lời xin của anh mù, chúng ta có thể thấy tiềm ẩn một cái gì trong đó. Đó là niềm tin. Anh tin rằng ông Giêsu đó, con vua Đavít kia, có thể cho anh hồng ân tuyệt diệu đó. Anh tin rằng ông Giêsu đó chính là Đấng Thiên sai như anh đã nghe nói đến nhiều lần trong hội đường: Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa…”

Và đúng thế, Chúa Giêsu chấp nhận lòng tin mộc mạc đó: “Lòng tin của anh đã cứu lấy anh”. Thánh Maccô nói: “Tức khắc, anh mù nhìn thấy được và đi theo Người.Chúng ta gặp từ tức khắc nầy trong Tin Mừng thánh Maccô rất nhiều lần, để nói rằng Chúa không cần thời gian. Việc Chúa làm luôn vượt xa những gì con người có thể nghĩ tới. Chúa Giêsu không cần một kỹ thuật nào. Quyền phép của Ngài vượt xa mọi khả năng của con người. Ngài cho thấy,Ngài là Đấng Thiên sai mọi người đang mong đợi, Ngài là Thiên Chúa. Ngài đến để mang ánh sáng cho trần gian u tối nầy. Ngài đến để mở mắt cho chúng ta nhìn thấy Chúa Cha và tình yêu vô biên của Người.

Chúng ta là những người mù ngồi bên vệ đường cuộc sống. Chúng ta nói rằng chúng ta tin Chúa, nhưng đức tin chúng ta mù mờ. Chúng ta giữ một thứ đạo buồn chán, nặng nề, oi ngợp. Chúng ta vẫn còn trong tăm tối. Chúng ta giống như mấy ông Pharisêu, thuộc Kinh thánh, giữ rất đúng luật, nhưng mù lòa. Mù lòa đến nỗi đứng trước những phép lạ cả thể của Chúa, họ vẫn không thấy và không tin.

Chúng ta cũng thế thôi. Chúng ta mù vì kiêu căng, vì tự mãn, tưởng mình đã đạo đức lắm rồi không cần phải làm gì hơn. Chúa Giêsu đã cảnh báo mấy ông Pharisêu: “Vì mấy ông nói mấy ông sáng mắt nhưng kỳ thực các ông mù”.

Hãy cầu xin như anh mù kia, xin cho chúng ta sáng mắt để chúng ta nhìn thấy tình thương Chúa trong cuộc sống chúng ta, cho chúng ta nhìn thấy chính bản thân mình đang mù lòa cần ánh sáng của Chúa, cho chúng ta nhìn thấy anh em chúng ta đang đau khổ hồn xác. Xin cho chúng ta trở thành những con cái ánh sáng, luôn sống trong ánh sáng, mặc lấy khí giới của ánh sáng như thánh Phaolô đã nói để không ai trách cứ chúng ta về một điều gì, và nhìn thấy những việc lành chúng con làm mà ngợi khen Cha chúng con ở trên trời.

Trên hết, xin cho chúng ta được niềm tin sáng suốt và vững mạnh để thấy được sự hiện diện của Chúa trong cả cuộc đời, trong gian nan thử thách cũng như trong mọi tình huống vui buồn của chúng ta. Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta thấy được những thực tại thiêng liêng, những thực tại của tình yêu Chúa, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Đây là một quà tặng cao quí nhất mà Chúa có thể ban cho chúng ta. Nhưng nhiều người rước Chúa mà không bao giờ thấy Chúa. Ngài đã cho chúng ta một của ăn trường sinh mà chúng ta không hay biết. Ăn Chúa mà không biết Chúa. Biết mới có thể yêu, yêu mới có thể vì người yêu hi sinh tất cả.

“Xin cho con thấy được”. Chúng ta cũng cần thấy được, thấy Chúa trong Thánh Thể. Hằng ngày chúng ta ăn lấy Chúa mà có thấy Chúa đâu ! Chỉ có cái nhìn đức tin thành thật và khiêm tốn mới giúp chúng ta thấy được Chúa, thấy được tình yêu của Ngài thể hiện qua một tấm bánh nhỏ. Giáo Hội cũng cho chúng ta biết rằng Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin. Và mầu nhiệm đòi hỏi đức tin, một đức tin chân thật. Chúng ta chỉ có thể tin khi chúng ta cầu khẩn như anh mù kia. Dù ai ngăn cản vẫn cứ bền tâm. Đến với Chúa hãy vứt bỏ cái áo choàng rách của chúng ta, chiếc áo choàng của tự mãn, của ích kỷ để chỉ nhìn thấy Chúa thôi, vì chỉ một mình Chúa mới ban cho chúng ta niềm vui và ánh sáng.

Lm Trầm Phúc