Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 24 thường niên, năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 24 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 8,27-35   

 B24Vs-Gợi ý suy niệm Lời Chúa - Chúa nhật 24 thường niên, năm B

Dọc đường, trên hành trình đi tới vùng dân ngoại Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ một câu: “Người ta bảo Con Người là ai? Các ông trả lời: “Người ta bảo Thầy là Gioan Tẩy giả, là tiên tri Êlia, là một tiên tri nào đó”. Đó là dư luận của quần chúng. Chúa lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô”.

Hôm nay, Chúa cũng muốn hỏi chúng ta như thế. Người ta quan niệm về Thầy như thế nào, điều đó không quan trọng, anh em nghĩ thầy là ai đối với anh em?”

Chúng ta sẽ trả lời sao? Chắc chúng ta cũng trả lời như Phêrô thôi, nhưng câu trả lời của chúng ta có giá trị đến đâu? Hãy nhìn vào cuộc sống chúng ta mới có thể lượng giá được câu trả lời.

Nếu chúng ta tin thật Ngài là Đấng Kitô, sao chúng ta không thực sự gắn bó với Chúa? Sao chúng ta vẫn còn ham mê vật chất chưa dám gắn bó với Ngài?

Chúng ta vẫn đến nhà thờ đông đủ, nhưng có mấy người đã tin mãnh liệt vào Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta? Chúng ta là những con người yếu đuối. Ai cũng công nhận như thế, nhưng chúng ta cứ ở lì trong sự yếu đuối mà không làm hết sức để vượt qua, làm sao có thể nói rằng chúng ta tin?

Thánh Giacôbê nói: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động thì đức tin nào có ích gì?… Đức tin không có hành động là đức tin chết”. Khi chúng ta dám tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”, tức là Đấng Cứu Độ, mà không hành động, thì lời tuyên xưng của chúng ta trống rỗng, là “cơn gió thoảng ngoài”. Tin, tức là gắn bó với người mình tin. Chúng ta có thực sự gắn bó với Đấng đã thương chúng ta và đã liều mạng cho chúng ta không?

Nhiều người cũng nhận mình là người Công giáo, nhưng đức tin của họ chỉ là một thứ đức tin ngoài da. Tin bằng lời mà thôi chỉ đưa đến tuyệt vọng. Những làn sóng đau khổ, bệnh tật, thất bại sẽ quét sạch dấu vết.

Chúa Giêsu không mơ mộng. Ngài rất thực tế. Ngài mang lấy thân phận con người là một bằng chứng chính xác không thể chối cải. Ngài đi giữa cuộc đời với cái nhìn rất chính xác, Ngài hành động và biết mình làm gì và đi đâu.

Tin vào Ngài chính là đi vào con đường Ngài đã đi chứ không đứng nhìn và phê phán. Ngài hỏi các môn đệ: “Anh em nghĩ Thầy là ai đối với anh em?” Ngài muốn cho họ xác quyết rõ ràng mối liên hệ cần thiết để có thể theo Ngài, không ởm ờ. Phêrô và các môn đệ đã tuyên xưng đức tin cách rõ rệt, nhưng sau nầy, khi Thầy tử nạn, đức tin đó đã lụn tàn trong sợ sệt và chán nản. Qua cơn thử thách, niềm tin đã sống lại với Chúa phục sinh.

Có lẽ chúng ta không khác gì Phêrô, nhưng nếu chúng ta thành thật, qua những cơn sóng gió, chúng ta vẫn có thể tiếp tục đi tới.

Đức tin đòi hỏi một dấn thân triệt để, chứ không chỉ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa, không chỉ thờ bằng môi bằng miệng…”

“Thầy là đấng Kitô”. Chúa Giêsu thấu suốt mọi sự, tại sao Ngài còn hỏi làm gì? Ngài muốn họ xác định niềm tin của chính họ.

Đấng Kitô là Đấng Thiên Sai, nhưng đối với người Do thái thời bấy giờ, Đấng Thiên Sai phải là một vị vua đầy quyền thế, sẽ đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Rôma đang thống trị họ với bàn tay sắt. Họ không thể hiểu chương trình của Thiên Chúa.

Kinh thánh đã nói nhiều về Người tôi tớ của Thiên Chúa, phải gánh vác tội lỗi muôn dân, phải chịu khổ nhục để cứu nhân loại, nhưng họ vẫn không hiểu. Họ chỉ mong có ai đó giúp họ khôi phục lại đất nước và làm cho dân Do Thái bá chủ hoàn cầu như thời vua Đavít, Vì thế, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa cấm họ không được nói với ai vì có thể gây ra hiểu lầm, làm cho dân chúng hoang mang và có thể phương hại đến sứ vụ thiêng liêng của Ngài.

Sau khi các môn đệ tuyên xưng đức tin, Chúa mới tỏ cho họ biết sứ mệnh của Ngài làphải chịu đau khổ, bị loại trừ và bị giết. Maccô cũng nhấn mạnh: “Người nói rõ điều đó, không úp mở”. Phêrô phản ứng ngay, và Chúa phải mạnh tay phản ứng lại.

Khi chúng ta theo một “sếp” nào, chúng ta mong rằng sẽ được lợi lộc nào đó. Phêrô theo Chúa, ông vẫn nuôi mộng làm lớn như bao nhiêu người Do Thái thời bấy giờ. Đấng Kitô mà ông đang ủng hộ đã làm nhiều phép lạ, và được dân chúng hoan nghênh, sẽ là một vị tướng đầy uy quyền, sẽ là một anh hùng dân tộc. Ông sẽ được một chỗ đứng quan trọng sau nầy. Điều nầy không có gì lạ.

Vì thế, khi nghe Chúa báo về những đau khổ của Ngài, Phêrô không thể chấp nhận. Nếu thế thì những ước mơ của ông đều sụp đổ hết. Thầy của ông không thể như thế được!

Trước thái độ lầm lẫn của Phêrô, Chúa Giêsu phản ứng một cách cứng rắn: “Xatan ! Lui ra đàng sau Thầy ! Ngài không gọi là Phêrô nữa mà là Xatan. Xatan là chướng ngại, là tên quỷ dữ cản bước của Ngài. Ngài không xem Phêrô là môn đệ nữa mà là đại diện cho Xatan. Chúng ta phải cảnh giác. Xatan vẫn luôn cản bước chúng ta theo Chúa, lắm lúc lại là người thân nhất của chúng ta. Chúng ta dám phản ứng kịch liệt như thế không?

Nhiều lúc chúng ta chỉ nghĩ theo loài người mà không nhìn thấy con đường phải theo để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó cho mỗi người chúng ta. Chính chúng ta trở thành chướng ngại cho anh em chúng ta và cho Giáo Hội.

Liền sau đó, Chúa Giêsu đưa ra lời kêu gọi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Theo Chúa, ai cũng muốn, nhưng nửa chừng, hay chỉ theo khi cuộc sống chúng ta yên hàn, không có vấn đề. Khi gặp gian nan thử thách, chúng ta ngại ngùng hay bỏ cuộc. Chúa Giêsu không cần những thứ môn đệ vụ lợi. Ngài đòi buộc quyết liệt. Theo Ngài là phải dám liều, buông bỏ mọi ước vọng trần tục, bỏ cả mạng sống. Theo Ngài phải đi với bàn tay không.

Người thanh niên giàu có đã bỏ cuộc vì anh có quá nhiều của cải. Giuđa theo Chúa bao nhiêu năm, nhưng đã đi trệch đường vì ham mê tiền bạc. Theo Ngài không phải để đượcmà để mất.

Theo Ngài là yêu tuyệt đối, dám cho không cuộc đời. Chúng ta nghe những điều kiện của Chúa, chúng ta chùng chân: “Ai có thể theo Chúa được !”

Ở đời, khi yêu nhau, người ta dám bỏ tất cả để đi theo người yêu. Theo Chúa chính là yêu Chúa trên hết mọi sự. Những điều kiện Chúa đưa ra không có gì khó hiểu cả. Đó là điều kiện của tình yêu.

Theo Chúa là yêu Ngài hết lòng hết sức, hết trí khôn. Ngài không chỉ là một bóng mờ nào đó, Ngài trở thành người yêu duy nhất. Yêu Ngài, chúng ta mới dám bỏ mọi sự, bỏ cả mạng sống. Các tông đồ, lúc theo Thầy đã chập choạng, chạy trốn, nhưng khi bình tĩnh lại, họ đã dám chết cho Thầy. Phêrô đã chối Thầy ba lần vì hèn nhát, nhưng khi bừng tỉnh thấy được tình yêu của Thầy, Phêrô đã dám chết cho Thầy. Chúng ta cũng thế thôi. Yếu đuối, lầm lỡ… Chúa biết điều đó và Ngài luôn nhìn chúng ta với tất cả tình yêu. Ngài không sợ chúng ta yếu đuối. Ngài chỉ sợ chúng ta nản lòng.

Chúa luôn ở phía trước. Ngài đã yêu chúng ta đến liều mạng. Đến lượt chúng ta phải liều mạng cho Ngài, và liều mạng cho Ngài là sống. Liều mạng cho Ngài không phải chỉ là chết như các thánh tử đạo, mà là chấp nhận mọi khó khăn hôm nay để trung thành, dù quanh ta vẫn còn đầy cạm bẫy, cám dỗ, dù trong chúng ta vẫn còn nhiều ước muốn hưởng thụ.

Hôm nay. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta theo Ngài. Khuôn mặt yêu thương của Ngài vẫn ẩn hiện trong đám mây mù tội ác của thế giới quanh ta, khích lệ chúng ta bước tới trong hy vọng.

Hơn nữa, chúng ta vẫn gặp Ngài thường xuyên khi Ngài đến để tự hiến làm của lễ tôn vinh Chúa Cha và tự hiến để nên của ăn nuôi sống chúng ta. Ăn lấy Ngài là một hồng ân luôn luôn mới và nhờ đó, tình yêu của chúng ta luôn tươi trẻ và bước theo Ngài vô điều kiện, dù thánh giá vẫn nặng trên đôi vai.

Lm Trầm Phúc