Giữ Đạo tại tâm – khép kín hay Đạo hình thức – cảm giác?

Cách thế giữ đạo của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc có khác nhau tuỳ theo nhân cách tính, tâm tính, lòng đạo của mỗi người. Thêm vào đó cách giáo dục trong gia đình, cách dạy giáo lý tại nhà thờ hoặc văn hoá mà người ta chịu ảnh hưởng, nhất là từ tuổi thơ ấu, thiếu niên cũng có ảnh hưởng đến việc giữ đạo của mỗi cá nhân.

giudao.jpgGiữ đạo tại tâm – khép kín

Nghe những người không đến nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ biện minh cho mình rằng họ chỉ cần giữ đạo tại tâm trong lòng là đủ. Họ viện dẫn lời Đức Giêsu nói với người đàn bà xứ Samari: Nhưng giờ đã đến- và chính là lúc này đây – giờ mà những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23) để lý giải cho việc không đến nhà thờ để cầu nguyện và thờ phượng. Họ không ý thức được rằng Đức Giêsu dùng lời Thánh Kinh này để trả lời cho người đàn bà khi chị ta thắc mắc về một tranh chấp có tính cách chính trị giữa người Do Thái và người Samari là không biết phải thờ phuợng Chúa ở Giêrusalem hay ở trên núi Gerizim?

Triết gia cũng như thần học gia thường tìm kiếm xem Thiên Chúa ở đâu và hiện diện thế nào trong vũ trụ. Người ta cho rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, nhưng họ cũng dành những cách thế và những nơi chốn đặc biệt cho Thiên Chúa ngự trị. Trong thời Cựu ước, đền thờ và hòm bia giao ước được coi là những nơi ngự trị đặc biệt của Thiên Chúa như Chúa phán với vua Salômôn: Ta đã chọn và thánh hoá nhà này, để muôn đời danh Ta ngự tại đây (x. 2 Sb 7,16; 1 V 9,3). Ðó là lý do tại sao Đức Giêsu tỏ ra khó chịu với những người đổi tiền bạc quanh Đền Thờ vì họ đã biến Nhà Chúa thành nơi buôn bán (Ga 2,16). Trong Tân ước, thánh đường có Nhà Tạm hay nhà chầu là nơi Mình Thánh Chúa Kitô ngự. Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng hiện diện khắp nơi, nhưng đặc biệt Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nơi Nhà Tạm. Ðó chính là thánh đường Chúa Giêsu ngự trị, như Người nói đến (x. Ga 2,21).

Thánh đường hay nhà thờ là biểu hiệu của hai sự việc quan trọng. Trước hết, thánh đường là biểu hiệu của sự hiệp nhất và cộng đồng [1], quy tụ giáo dân lại trong một Nhiệm Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, để cầu nguyện, thờ phượng, cảm ta và xin ơn. Thứ đến, thánh đường còn là biểu hiệu của sự tiếp nối và truyền thống, có liên kết với quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai [2] để đối phó với những đổi thay và thách đố mới trong xã hội và Giáo hội. Nhìn về quá khứ, chẳng hạn giáo xứ mà người tín hữu thuộc về được thiết lập năm này năm nọ do cha nọ cha kia sáng lập. Nhà thờ giáo xứ được xây dựng thời cha Cột, cha Kèo,…

Có những người cho rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi nên họ không cần phải đến thánh đường để cầu nguyện và thờ phượng. Tuy nhiên, họ phải nhận thức rằng, loài người có xác nên cần những biểu hiệu bên ngoài để khơi dậy những tâm tình đạo đức bên trong. Loài người cũng cần những biểu hiệu đạo giáo để đưa họ vào thế giới thần linh và để khơi dậy những tâm tình thiêng liêng. Nếu là thiên thần, loài người không cần biểu hiệu. Còn loài người có thân xác thì lại cần biểu hiệu như thánh đường, bàn thờ, tượng ảnh, hoa nến, đèn điện, hương khói để giúp đi vào thế giới linh thiêng. Loài người cũng cần những tác động phụng tự như chắp tay, khoanh cánh, cúi đầu, phủ phục… trong việc thờ phượng để khơi dậy đức tin và tâm tình đạo đức bên trong. Do đó, người chủ trương giữ đạo tại tâm, không cần đến thánh đường để cầu nguyện và thờ phượng, là lừa dối mình vì không có được những biểu hiệu để giúp khơi dậy tâm tình nội tại; cũng không có được sự thúc đẩy của người khác cho việc thực hành đức tin.

Đức tin của người tín hữu không phải chỉ thuộc lĩnh vực tư riêng, nhưng cần phải làm chứng và chia sẻ. Trong Thánh Kinh Cựu ước, học trò theo học các thầy rabbi Do Thái giáo được gọi là môn đệ. Trong Thánh Kinh Tân ước, những người nghe theo lời Chúa dạy và sống theo đường lối Phúc Âm cũng được gọi là môn đệ. Trong số các môn đệ, có mười hai người thân tín đi theo Ðức Giêsu được gọi là tông đồ (x. Mt 12,2-4; Mc 3,16-19; Lc 6,13-16, Cv 1,13).

Theo nghĩa hẹp thì linh mục và tu sĩ thường là thợ gặt cánh đồng truyền giáo. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng thì tất cả mọi người tín hữu đều là thợ gặt đồng lúa của Chúa. Qua Bí tích Rửa Tội, người tín hữu được gọi để sống đời sống đức tin. Qua Bí tích Thêm Sức, người tín hữu được gọi để làm chứng cho đức tin. Như vậy, mỗi người tín hữu đều là môn đệ của Đức Kitô. Ðời sống của người môn đệ phải là phản ảnh đức tin và là chứng nhân cho đức tin họ đã lãnh nhận.

Ðến thánh đường thờ phượng là một cách thế làm chứng cho đức tin. Khi thờ phượng công cộng nơi thánh đường thì người có đức tin yếu sẽ được nâng đỡ, khuyến khích do người có đức tin mạnh. Ðến thánh đường thờ phượng, người tín hữu được bổ dưỡng và tăng sức bằng Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi kiệt sức về đàng thiêng liêng, họ lại đến nhà thờ để được bổ dưỡng và tăng sức bằng Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Theo Thánh Giacôbê thì “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Đức tin của người Công giáo vừa dựa trên lý trí, vừa dựa trên tình cảm. Nếu đức tin chỉ dựa trên lý trí mà thôi, thì đời sống đức tin sẽ trở nên trừu tượng, lạnh lùng, khô khan và cằn cỗi. Ðời sống đức tin dựa trên tình cảm được biểu lộ qua lòng đạo đức bình dân như việc tôn thờ Mình Thánh Chúa trong giờ chầu Thánh Thể, việc suy gẫm đàng Thánh giá, việc cầu nguyện tạ ơn và xin ơn, việc tham dự vào các á bí tích như làm phép lành phục vụ cộng đoàn, làm phép lành trên người, trên nơi chốn, trên sự vật; việc tôn sùng Mẹ Maria và các thánh như hôn kính ảnh tượng và những cách thế người Công giáo bày tỏ đức tin như quỳ gối, chắp tay, cúi đầu, làm dấu Thánh giá… Ðó là những biểu hiệu để giúp người tín hữu khơi dậy và duy trì đức tin.

Như vậy, đời sống đức tin của người Công giáo được hỗ trợ một cách tối đa: bằng lời bầu cử của Mẹ Maria và các thánh, bằng việc người tín hữu cầu nguyện và nâng đỡ đức tin của người khác. Nếu vào nhà thờ Công giáo mà người ta cảm thấy ấm cúng là vì họ cảm thấy được bao bọc, ấp ủ và che chở qua sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể và sự hiện diện của Mẹ Maria và các thánh dưới hình thức tượng ảnh với những đèn nến lung linh và hoa lá trang hoàng làm cho bầu khí sống động.

Nhà thờ hay thánh đường là trung tâm điểm của đời sống đức tin của người Công giáo. Nhà thờ là nơi người tín hữu thường lui tới để cầu nguyện và thờ phượng hằng tuần hoặc hàng ngày, để nghe Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa. Ngoài giờ cầu nguyện và thờ phượng công cộng, người tín hữu còn đến nhà thờ để cầu nguyện riêng tư. Khi mẹ Têrêsa thành Calcutta được hỏi tại sao bà có đủ nghị lực để tiếp tục việc phục vụ trẻ em nghèo đói bên Ấn Độ một cách liên tục và hăng say như vậy, bà trả lời bà được sức mạnh nơi Chúa Thánh Thể và bà cầu nguyện hằng giờ trước Mình Thánh Chúa ngự. Có những người tín hữu khác cũng tìm đến nhà thờ cầu nguyện riêng để được sức mạnh và niềm an ủi. Họ ngồi đó một mình hàng giờ đồng hồ trong góc xó nhà thờ, chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa trong phép Thánh Thể và để cho lòng mình nói với Chúa.

Thánh đường hay nhà thờ còn là nơi mà người tín hữu đến để lãnh nhận các bí tích như Bí tích Rửa Tội, Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức, cưới hỏi, chịu phép, xức dầu thánh. Và khi nằm xuống vĩnh viễn thì xác người tín hữu lại được mang đến nhà thờ để được cử hành Thánh lễ An táng. Như vậy, có thể nói người tín hữu được sinh lại trong nước và Thánh Thần ở trong nhà thờ và khi chết, thi thể lại được mang đến nhà thờ để được làm lễ an táng.

Không đến nhà thờ đọc kinh, dâng lễ cũng có thể là do bất bình với linh mục sở tại, nghĩa là ‘giận cá băm thớt’. Có người giận linh mục này thì đi nhà thờ khác; có người giận một linh mục thì bỏ luôn nhà thờ, nại đến chủ trương giữ đạo tại tâm để bào chữa cho mình và rồi cứ giữ đạo tại tâm mãi cho tới lúc không còn gì để giữ nữa.

Giữ đạo hình thức – cảm giác

Tuy nhiên, có những cá nhân lại để cho hình thức – cảm giác điều khiến đời sống đức tin của họ, nghĩa là khi cảm thấy vui, thích thú thì họ đến nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ. Họ là loại người nhanh chân tìm đến những nơi mà người ta cho rằng có hiện tượng lạ về đạo giáo xảy ra. Họ đi đến những đám tụ tập hay họp mặt về tôn giáo là nơi họ có thể bày tỏ cảm giác bằng cách khóc lóc thảm thiết, hay nắm tay hoặc ôm nhau để được nâng đỡ về phương diện tình cảm.

Khi ước muốn có cảm giác mà không được toại nguyện, họ đổ lỗi cho đạo giáo vì đã không cung ứng cho họ cảm giác. Và họ đòi Chúa làm phép lạ cho họ tin, trước khi họ đặt tin tưởng. Ước mong quá nhiều cảm giác đạo giáo, hay tuỳ thuộc quá nhiều vào cảm giác đạo giáo là dấu hiệu chưa trưởng thành về đời sống đức tin.

Lại có những cá nhân cũng như dân tộc do tâm tính hay do ảnh hưởng từ ngoài vào lại ưa giữ đạo hình thức bề ngoài. Họ có khuynh hướng hay hỏi như là lễ hôm nay có gì đặc biệt không? Có giám mục hay linh mục khách nào về dâng lễ không? Có ca đoàn hát lễ không? Có rước sách không? Có dâng hoa không? Có kèn trống không? Có ngắm đứng không? Nếu không, thì họ ở nhà, không đi nhà thờ.

Nói đến ngắm đứng thì người viết không có ý tẩy chay việc ngắm đứng đâu. Tuy nhiên, đi nghe ngắm đứng, ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa, hoặc ngắm Dấu Đanh, không phải để nghe xem ai ngắm giọng Bắc, ai ngắm giọng Trung, ai ngắm giọng Nam, ai ngâm cung triều, ai ngâm cung dòng, ai ngắm hay hơn ai…, nhưng là để suy niệm về việc Chúa chịu nạn chịu chết vì tội lỗi loài người. Việc suy niệm về cuộc khải hoàn của Chúa vào thành Giêrusalem, về cuộc khổ nạn của Chúa trong Vườn cây dầu, về cuộc khổ hình thập giá chỉ mang lại ý nghĩa, nếu người ta biết đem ra áp dụng vào đời sống. Nếu thiếu lòng mến và những yêu tố nội tâm thúc đẩy khi làm việc đạo, thì người tín hữu cần nghe lời Đức Giêsu cảnh giác nhóm người Pharisêu về tính giả hình (x. Mt 23,28; Lc 12,1) và lòng đạo đức giả của họ (x. Mt 7,21).

Khuynh hướng ưa tổ chức mừng kỷ niệm dịp nọ kia cho lớn và rùm beng có thể là do mặc cảm: không có thực lực nên muốn bày ra cho có, hoặc mặc cảm ‘dân nghèo học làm sang’… Khuynh hướng ưa tổ chức nhấn mạnh đến những hình thức bên ngoài cũng có thể do ảnh hưởng từ ngoài vào – từ một quốc gia nào đó – được giới thiệu vào bản xứ. Chẳng hạn những cách biểu lộ lòng đạo đức bằng việc rước sách, kèn trống, những màn ‘bắt quân dữ’ trong Tuần Thánh tại một số giáo phận ở miền Bắc Việt, tại Phi Luật Tân và Trung Nam Mỹ, thì cũng là do ảnh hưởng của những nhà truyền giáo từ một quốc gia kia đem đến.

Vào dịp tổ chức mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ ngày 1 đến 10-10-2010, báo chí trong nước gồm Báo Lao Động (số ra ngày 14-10-2010), báo Công An Nhân Dân (xuất bản 16-10-2010), cũng như ngoài nước và giới blogger đưa ra những nhận xét được tóm gọn bằng những từ ngữ tựu trung như: phô trương, tốn kém, lãng phí, loè loẹt, vụng về, lai căng ‘Tàu’, kéo dài quá đến cả 10 ngày là không thiết thực, không nhắm đến thực tại của cuộc sống người dân nhất là ở miền quê vẫn còn nghèo đói. Trong những ngày Đại Lễ thì mưa lũ lụt tại một số tỉnh miền bắc Trung Phần, gây tử vong cho gần trăm sinh mạng, cuốn đi hàng trăm túp nhà tranh vách đất khiến người dân phải đói rét, chống chọi với lũ lụt, lo sợ cho mạng sống. Có những nạn nhân đứng trên mái nhà hay luồn tay ra khỏi mái kêu cầu được cứu trợ mà chương trình tổ chức vẫn tiếp diễn như không có gì xảy ra, chỉ giảm phần đốt pháo bông vào ngày cuối cùng. Có nhà báo nhắc lại kiểu nói của báo chí về việc phô trương là do kết quả của: ‘Văn hoá lùn, nên cái gì cũng phải muốn thật to, thật hoành tráng, thật xa xỉ, thật nhiều theo kiểu có bao nhiêu thì phô ra bằng hết’.

Rồi đến việc tổ chức Đại hội Dân Chúa 2010, từ ngày 21 đến 25-11-2010, mừng Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài tại Việt Nam năm 1659 và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960, diễn ra có vẻ lớp lang thứ tự theo sát chương trình. Tuy nhiên, cũng không thiếu lời phê bình như ‘ồn ào’, đại diện giáo dân thì quá khiêm tốn và những đề tài tham luận lại do đa số hàng giáo phẩm trình bày để học hỏi thì có vẻ cao siêu, xa vời, không thiết thực với giáo dân. Rồi chương trình văn nghệ không phải loại bỏ túi để giải lao cho khoan giãn sau hàng giờ ngồi nghe thuyết trình/tường trình, mà lại dành nhiều giờ tập dượt với những màn hoá trang phải mua sắm và có sửa soạn trước.

Còn chương trình Đại lễ Bế mạc Năm Thánh tại La Vang, từ ngày 4 đến 6-1-2011, thì lại nhấn mạnh đến hình thức trình diễn, phô trương. Phải chăng kiểu nói ‘văn hoá lùn’ mà báo chí bàn đến trong việc tổ chức Ngàn Năm Thăng Long cũng đã được áp dụng trong việc tổ chức mừng Năm Thánh 2010 tại đây? Người đến dự và người xem Đại hội Dân Chúa cũng như Đại lễ Bế mạc Năm Thánh trên mạng thấy có vẻ hoành tráng, đẹp mắt, vui tai. Tuy nhiên, người ta cũng thấy có vẻ chú tâm đến việc săn đón, chăm sóc thượng khách đạo đời. Chẳng hạn việc tặng hoa cho thượng khách mà để cho mấy bé gái tặng thì người được tặng hoa cũng thích khi thấy những vẻ đơn sơ, hồn nhiên, dễ thương của các em, thay vì để cho người lớn tặng hoa người lớn cùng phái. Việc nhấn mạnh đến hình thức trình diễn bề ngoài chỉ làm lu mờ những cố gắng kiến tạo và giúp cảm nghiệm bầu khí linh thiêng. Còn chính chương trình Đại Lễ xem ra thiếu yếu tố chinh phục lòng người, không biết có đánh động được tâm hồn và thay đổi được tâm trạng và đời sống nội tâm của người giáo dân tham dự không? Nếu không thì có phải chương trình Đại Lễ nhấn mạnh đến hình thức trình diễn và những mâu thuẫn trong lời giảng dạy và cách sống đạo của người giảng và việc đón tiếp cũng như nơi ăn chốn ở tại La Vang trong mấy ngày Đại Lễ quá khác biệt giữa giáo dân và hàng giáo sĩ-phẩm chăng? Một linh mục VN có cách truyền giáo bình dân được người ngoài Công giáo gọi một cách thân tình là ‘Anh Tám’ H. Trong một bài giảng Chúa Nhật, Anh Tám H. gọi việc phô trương về đạo là ‘khoe’ đạo. Theo nhận xét của Anh Tám linh mục thì việc khoe đạo chỉ làm cho người ngoài đạo ‘ghét’ đạo mà thôi [3].

Làm sao tránh việc giữ đạo tại tâm – khép kín?

Phần này được tóm gọn vì không phải là phần chính của bài viết. Đây phải là một tiến trình dạy giáo lý lâu dài trong gia đình, giáo xứ và học đường. Trong những giờ huấn đức hay dạy giáo lý nên đưa ra những ví dụ cụ thể như nói: Trong gia đình, khi có tiệc mừng những ngày kỷ niệm hôn nhân của bố mẹ, mừng ngày Tết, ngày sinh nhật của mỗi thành phần trong gia đình, thì bố mẹ mong muốn con cháu tham dự để chúc mừng, để chia vui và để gắn bó tình nghĩa gia đình. Trong bữa tiệc lễ ngày Chúa Nhật cũng vậy, người tín hữu cần hiện diện để thờ phượng Chúa cách công cộng để có thể chia sẻ niềm tin. Nếu một người chủ trương giữ đạo tại tâm ở nhà thì người khác không thấy gương sống đức tin của họ mà noi theo. Giáo xứ cần tổ chức những buổi học hỏi để giúp giáo dân hiểu tại sao cần đến nhà thờ để cầu nguyện và thờ phượng hầu hoàn thành bổn phận người con thảo và để làm chứng cho đức tin mà họ đã lãnh nhận theo Lời Chúa dạy: ‘Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy’ (Mt 10,8).

Làm sao để tránh việc giữ đạo hình thức – cảm giác?

Phần này cũng được tóm gọn vì không phải là phần chính. Ở đây cần bắt đầu khi con cháu Rước Lễ lần đầu, tới khi chịu phép Thêm Sức, cưới hỏi, phụ huynh cũng như giảng viên giáo lý và giáo sĩ cần dạy con em biết cầu nguyện riêng tư trong tâm hồn thay vì chỉ học thuộc lòng, bằng những lời cảm tạ, xin lỗi chứ không phải chỉ biết xin xỏ mà thôi. Rồi cần giúp con em sửa soạn tâm hồn bên trong chứ không phải chỉ để ý sắm quần áo, mua bông hoa để tạo ra hiện tượng pháo bông trong việc ăn mừng và chụp thật nhiều hình kỷ niệm. Đốt pháo bông trông thì đẹp nhưng lại rất mau tàn. Do đó mà con cháu không ghi được ấn tượng thiêng liêng nào vì không cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo khi lãnh nhận một bí tích. Không có cảm nghiệm tôn giáo khi lãnh nhận một bí tích, thì khi xem hình chụp cũng chỉ thấy vậy thôi, nghĩa là có thấy hình chụp mà không ghi nhớ được ấn tượng thiêng liêng. Hình chụp chỉ giúp hồi tưởng lại kỷ niệm ngày lãnh nhận một bí tích. Còn kinh nghiệm tôn giáo và ấn tượng thiêng liêng mới kéo dài và giúp cho con tim được vui mừng và hứng khởi trong việc sống đức tin. Và khi có cảm nghiệm về niềm tin tôn giáo rồi thì người ta không cần đặt nặng phần hình thức và đi tìm cảm giác.

Khi tổ chức mừng kỷ niệm ngân khánh, kim khánh hàng giáo sĩ-phẩm hay kỷ niệm hôn nhân, khi tổ chức nghị hội, lễ hội, đại hội, ban tổ chức cần đem ý nghĩa vào mỗi tác động của việc tổ chức ngõ hầu giúp người tham dự tìm ra ý nghĩa của mỗi tiết mục, mỗi tác động phụng vụ chứ không phải tổ chức sao cho rầm rộ bên ngoài mà không gây được ấn tượng thiêng liêng nơi người tham dự. Tổ chức đại hội, đại lễ cho có vẻ hoành tráng và rầm rộ mà thiếu bầu khí linh thiêng và thiếu chiều sâu về đức tin, thì người xem thấy có vẻ đẹp mắt. Và khi thấy người này, nhóm này tổ chức mừng lễ kỷ niệm biến cố nọ kia thì người khác, nhóm khác cũng muốn tổ chức và muốn tổ chức mừng lớn hơn và rầm rộ hơn. Tuy nhiên, muốn đánh động tâm hồn và muốn thay đổi cuộc sống, cần làm sao cho người ta thấy những chứng nhân như là những gương sống đức tin, gương hy sinh, bác ái, vị tha trong đời sống thường ngày – không nhất thiết phải là những gương anh hùng vĩ đại – nhưng là những gương sống đạo của đời thường như là ánh sáng và muối đất mà Phúc Âm nói đến (x. Mt 5,13-14). Nếu không thì những màn trình diễn trong việc tổ chức có thể chỉ là phản chứng và những bài thuyết trình nặng phần lý thuyết suông mà thiếu yếu tố làm chứng để chinh phục lòng người, thì người xem và nghe cũng chỉ nghe và thấy vậy thôi.

Lm. Trần Bình Trọng

———————-

[1]. Liturgical Commission, Diocese of Lansing, Lansing, Michigan. Oct. – Dec. 1977, tr. 313.
[2]. Như trên.
[3]. Bài giảng Chúa Nhật TGP/SG Tháng 10, 2011.