Gioan chính là Êlia (09.12.2021 – Thứ Năm Tuần 2 Mùa Vọng)

Lời Chúa: Mt 11, 11-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.”

Suy nim:

Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.

Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.

Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.

Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.

Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do Thái

sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.

Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.

Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).

Êlia chính là người làm công việc đó:

Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).

Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,

tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.

Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.

Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.

để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.

Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.

Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.

Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).

Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,

loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.

Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.

Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.

Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.

Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),

vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).

Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,

và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.

Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.

Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.

Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,

nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,

vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.

Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).

Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.

Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,

vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.

Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).

Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).

Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.

Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.

Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,

để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian

để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.

Xin đừng mỉm cười mà nói rằng

Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.

Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?

Chúa đến để làm gì

nếu đời sống con cái của Chúa

cứ tiếp tục y như cũ ?

Xin hoán cải chúng con.

Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa

trở nên máu thịt của chúng con,

trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó

lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,

và đòi buộc chúng con,

làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,

sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con

bình an sâu xa,

thứ bình an khác hẳn,

đó là Bình An của Chúa.

(Helder Câmara)

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.