‘Đó là một hành động dũng cảm thiêng liêng vô cùng,’ là lời thổ lộ từ người bạn thâm giao với giáo hoàng, và là người đã cùng ngài thực hiện cuộc đối thoại liên tôn giáo giữa đại diện của hai thể chế, tổng giáo phận Buenos Aires và Nguyện đường quy tụ một trong những cộng đồng Do Thái xa xứ lớn nhất trên thế giới, với khoảng 230,000 thành viên.
Thầy Skorka, thầy có từng nghĩ đến việc bạn mình Bergoglio được bầu làm giáo hoàng hay không?
Có thể nói rằng tôi ấp ủ hi vọng là ngài sẽ được bầu.
Vậy khi ngày đó đến, thầy cảm thấy thế nào
Đó là một cảm xúc rất sâu sắc, rất thân mật, và quá đỗi mạnh mẽ mà tôi không thể diễn tả bằng lời. Đó không phải là kiểu vui sướng như khi đội bóng yêu thích của mình ghi bàn. Tim của tôi như ngừng đập khi hồng y Jean-Louis Tauran tuyên bố Chúng ta có giáo hoàng Habemus Papam rồi tiếp bằng “…. Dominum Georgium Marium Sanctae Romanae Ecclesiae…” và trước khi cái tên tân giáo hoàng được xướng lên, tôi đã nói với vợ mình, ‘Là Bergoglio!’ Tôi cảm được một niềm vui vô vùng bởi lúc đó tôi cảm thấy được ý nghĩa lịch sử trong tình bạn đã gắn kết hai chúng tôi: Đặc biệt tôi cảm nhận Thiên Chúa đã hòa quyện cuộc đời và lối đi của hai chúng tôi đến mức nào.
Và khi thầy thấy giáo hoàng trên ban công?
Tôi vô cùng xúc động khi thấy ngài trong bộ áo trắng: Tôi ngắm ngài và không thể không nhớ lại thời mà hai chúng tôi cùng tham dự buổi thảo luận trên truyền hình, chúng tôi có thói quen nhìn thẳng vào mắt nhau khi người kia lên tiếng, để hiểu ngay từ cái nhìn đầu tiên khi người kia chuẩn bị ngừng nói và rồi mình bắt đầu lên tiếng trả lời. Còn bây giờ, ngài ở đó, nói với đám đông trên Quảng trường thánh Phêrô, nhưng thực sự, đêm đó, đôi mắt biết cười của ngài đang nhìn vào tôi, ngài đang nhìn tôi ngồi trước màn hình vô tuyến ở Buenos Aires với đôi mắt dàn dụi nước mắt.
Thầy đã nói là Phanxicô sẽ là người bạn tốt nhất ở Vatican mà cộng đồng Do Thái từng có. Điều gì khiến thầy nói như vậy?
Tôi đang nghĩ trước hết là về hành động dũng cảm thiêng liêng vô cùng của ngài khi được các nhà xuất bản hỏi xem ngài muốn ai viết lời đề tựa cho quyển sách phỏng vấn tự thuật của mình, ngài đã chọn tôi. Đó là một cử chỉ rất mạnh mẽ! Tôi lại nghĩ đến chương trình truyền hình mà chúng tôi cùng tham dự, tất cả những buổi nói chuyện giữa chúng tôi và những hạt giống mà chúng tôi cùng nhau gieo giống. Tôi nghĩ đến một lần vào năm ngoái, ngài muốn tặng tôi bằng Tiến sỹ danh dự từ Đại học Công giáo Argentina, nhận dịp kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vatican II, đó là một cử chỉ đầy ý nghĩa và đáng nhớ, với tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn. Vâng, với mọi việc ngài đã làm, tôi thấy nơi ngài một người bạn trung tín của người Do Thái, bởi ngài đã thể hiện, thực sự thể hiện, một sự dũng cảm thiêng liêng vô cùng đối với người đại diện cho cộng đồng Do Thái cũng như sự tận tâm cho toàn thể dân Do Thái.
Lần đầu tiên một giáo sỹ ở gần gũi với giáo hoàng trong suốt vài ngày. Vậy thầy có ấn tượng gì khi đã trải nghiệm được một chuyện chưa từng có như thế này?
Niềm vui lớn nhất đối với tôi là được thấy tình bạn của chúng tôi tự lên tiếng, và suốt nhiều năm, đó không chỉ là một cuộc đối thoại liên tôn. Khi tôi đến Roma, tôi dùng bữa sáng, trưa, tối bên cạnh ngài, và tôi thấy thật tin tưởng khi nói chuyện với nhau: giữa chúng tôi chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau hết mực và tình cảm này thể hiện ra không chỉ qua lời nói mà còn trong các cử chỉ. Ví dụ như, khi tôi đến nơi, giáo hoàng đã yêu cầu chuẩn bị sao cho tôi có thể giữ trọn luật ăn kiêng của mình, và kiểm tra với các nhân viên để bảo đảm tôi có mọi thứ tôi cần, xem thử món ăn đã được kiểm tra chưa, và ngài còn để dành một chai rượu kosher (những món ăn thức uống theo đúng luật ăn kiêng của người Thái) cho tôi nữa … ngài đã lo lắng đến từng chi tiết với một sự ân cần chu đáo đáng kinh ngạc. Tôi hiểu rằng sự ân cần hết mực của ngài, ngay cả khi làm giáo hoàng, thể hiện rằng ‘đây là bạn tôi’. Thực sự là vào tối thứ sáu và thứ bảy, ngài đã cùng tôi dâng lời cầu nguyện ngày Shabbat, trước sự hiện diện của tất cả các hồng y, giám mục, và linh mục, đó quả thật là một biểu lộ của một tình mật thiết sâu sắc vô cùng. Nó có nghĩa là có sự tin tưởng dành cho nhau, và đây là điều hết sức quan trọng.
Cha nhìn nhận con đường thiết lập tình hữu nghị giữa hai giáo hội đã được khởi xướng từ thời Vatican II?
Rõ ràng là Tuyên ngôn Thời đại chúng ta (Nostra Aetate) đã đánh dấu một đường phân lưu trong lịch sự quan hệ giữa thế giới Do Thái và thế giới Kitô giáo. Sau vai trò lớn của của Gioan XXIII trong việc nâng đỡ bước chuyển mình này, lại có Gioan Phaolô II, người đã thúc đẩy rất nhiều cho sự thay đổi lớn này. Benedicto XVI có đi sâu hơn một chút, nhưng không nhiều bằng những người tiền nhiệm, và với nhiều người Do Thái, một vài thái độ của ngài có vẻ lập lờ.
Thầy muốn nói cụ thể là gì?
Chẳng hạn tôi đang nghĩ về bài nói chuyện tại Auschwitz (28/5/06). Giáo hoàng Benedicto gọi mình là ‘con của dân tộc Đức – đứa con của một dân tộc đã để một ổ kẻ thủ ác leo lên nắm quyền bởi tin vào những lời hứa hão …, nhưng còn bởi những hành động khủng bố và đe dọa của chúng, và kết quả là dân tộc chúng tôi đã bị sử dụng và lạm dụng thành công cụ cho lòng thèm khát quyền lực và hủy hoại của chúng.’ Tôi có ấn tượng rằng bằng cách nào đó giáo hoàng muốn tập trung hết tội lỗi lên đầu một thiểu số những kẻ thống trị suy nghĩ của đa số, nhưng tôi không tin là thế. Chuyện không phải như vậy. Tôi không nghĩ là có thể nói kiểu như vậy về tội ác của chủ nghĩa Quốc xã. Tất nhiên, có những người rất có uy tín, và có thể nắm đầu hết người khác, nhưng chính những người bị lôi kéo đó đã tự để mình bị lôi kéo, trong sự mù quáng của họ có một thái độ hoàn toàn tiêu cực mà chúng ta không thể chấp nhận hay cố gắng biện bạch được.
Trong quyển sách ‘Từ trời xuống thế’ thầy có nói rằng ‘sự thối nát như một điệu tango: có hai bước nhảy, một bị thối nát, và một làm thối nát.’
Chính xác là thế, bởi trong Do Thái giáo, có một nguyên tắc pháp lý căn bản về trách nhiệm cá nhân. Bạn có thể nói rằng những người xui khiến để người khác phạm tội sẽ mắc tội nặng hơn hay nhẹ hơn, tùy, nhưng những người để mình bị dắt đi lầm đường lạc lối cũng phải chịu trách nhiệm cho tội của mình.
Thầy kỳ vọng điều gì ở giáo hoàng Phanxicô?
Tôi kỳ vọng ngài sẽ có một bước đối thoại mới, không chỉ là về vấn đề thân ái và đồng điệu, mà còn là để chúng tôi có thể thật sự gắn kết sâu sắc bản thân vào những việc cụ thể để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, thực sự cảm nhận mình là anh em với nhau. Và chúng tôi sẽ nhận thức được hai truyền thống của mình, dù khác biệt, nhưng đều phát xuất từ chung một nguồn.
Theo ý thầy, đâu là lĩnh vực hành động cụ thể?
Tôi thấy trước hết là góp phần kiến tạo hòa bình giữa Israel và các nước lân cận, một sự đóng góp thật tâm với nhận thức rằng Israel có lẽ là biểu tượng cho sự tái sinh của người Do Thái và nhìn nhận Nhà nước Israel ngày nay đang phải đối diện với thách thức tái tạo lối sống Do Thái dựa trên những luân lý và đạo lý của Kinh thánh và của các hiền nhân. Israel đại diện cho thách thức cho người Do Thái, chính là xây dựng một nhà nước Do Thái.
Có vài lần thầy đã nói rằng nhà nước Palestine phải tồn tại song song với nhà nước Do Thái. Vậy thầy nghĩ sao về kết quả của tiến trình hòa bình này?
Tôi không nghĩ rằng đây là chuyện đã qua, thực sự là chúng tôi đang quay trở lại bàn đối thoại. Điều quan trọng là chúng tôi có đối thoại. Tôi hi vọng Thiên Chúa giúp sức cho chúng tôi để hòa bình đến với Israel, và chúng tôi xin điều này hằng ngày qua lời cầu nguyện. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những người, cả hai phía, đang đấu tranh vì hòa bình. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải chung tay góp sức: tất cả chúng ta đều có thể làm điều gi đó, mỗi một người đều phải thấy mình có trách nhiệm. Có nhiều nghị sự cần phải được bàn thảo, có những giới hạn và thỏa hiệp cần được đón nhận … Nhưng giấc mơ của người Do Thái là, sau 2000 lưu lạc,có được một Quốc gia hòa bình. Với việc thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948, 50% giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực, và 50% còn thiếu, chính là giấc mơ Israel được sống trong hòa bình. Quốc ca Israel có tên là HaTikvah, Hi vọng, và tôi chắc chắn rằng, Thiên Chúa, khi đã cho giấc mơ có một quốc gia của chúng tôi thành hiện thực, sẽ giúp cho chúng tôi đạt được hòa bình. Thánh vịnh (29, câu 11) có viết rằng: ‘Nguyện xin Thiên Chúa tăng sức cho dân Ngài, nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho dân Ngài được hòa bình.’
Những buổi gặp gỡ vì hòa bình giữa các lãnh đạo tôn giáo có ý nghĩa gì, khi trong thực tế việc này chỉ thay đổi rất ít hoặc là vô ích, đặc biệt là về việc các Kitô hữu bị ngược đãi ở một số vùng thuộc Trung Đông, Châu Phi, và Châu Á?
Tôi nghĩ là những buổi gặp lớn này là bước đầu tiên, và sau đó là vấn đề phải thực hiện bước thứ hai để cùng nhau làm một điều gì đó. Với cựu tổng giám mục Buenos Aires, bước đầu tiên rất nhanh: chúng tôi đã gặp nhau, chúng tôi thấy mình có thể thân với nhau, và bắt đầu cùng nhau làm nhiều việc. Đã hai mươi ba năm trôi qua, và tôi thấy đến ngày hôm nay khi ngồi chung bàn, chúng tôi vẫn nói với nhau: ‘Nghĩ xem, chúng ta có thể làm thế này …’ Rõ ràng là chúng tôi không còn có thể làm những việc mà chúng tôi từng làm với nhau, bởi Bergoglio bây giờ là giáo hoàng. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi sẽ bắt tay ngay lập tức để cùng nhau làm việc. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi thấy nhiều giáo phận có cộng đồng Do Thái đang sinh sống cũng bắt đầu làm theo gương hòa hợp của hai người chúng tôi. Đó là cách giáo hoàng và tôi bày tỏ lòng đối thoại và trách nhiệm. Và điều này hoàn toàn là tình bạn thuần túy.
Theo thầy, tại sao thật khó để thế giới chấm dứt những hành động bạo lực?
Khi tôi nhìn vào bạo lực nội bộ tôn giáo (giữa dòng Shite và Sunny của Hồi giáo) đang lan tràn ở Irắc, Syria, và Ai Cập, cũng như trong các đất nước Hồi giáo khác, tôi không thể không nghĩ rằng thế giới Hồi giáo đang phải đấu tranh với kẻ địch ở ngay bên trong họ, nếu chúng ta không hòa thuận với chính mình, thật khó để có thể đối thoại với người khác … Rõ ràng là trong thế giới Hồi giáo có những lãnh đạo tinh thần rất có thế giá, nhưng cũng rõ ràng là có tồn tại những khuynh hướng bạo lực và cuồng tín mà các lãnh đạo Hồi giáo phải ngăn chặn và tiêu diệt.
Thầy đã có nhiều năm nghiên cứu tại Israel. Vậy nơi nào làm thầy thích nhất?
Có hai nơi ghi dấu vào lòng tôi, thứ nhất, cũng như với tất cả mọi người Do Thái, đó là Jerusalem. Và thứ hai là Tel Aviv, bởi thành phố này tiêu biểu cho sự tái thiết của người Do Thái trên mảnh đất Israel. Cả hai đều đại diện cho tiền đồ mà Israel nhắm đến trong tương lai: Tel Aviv, dù rất khác biệt, nhưng cũng có một mối ràng buộc biểu tượng sâu sắc với Jerusalem.
Abraham Skorka – Một giáo sỹ và nhà lý sinh học
Sinh tại Buenos Aires năm 1950, với nền tảng kiến thức khoa học (bằng Tiến sỹ hóa học) và luật học (dạy luât Do Thái tại Đại học Chúa Cứu Thế ở Buenos Aires), giáo sỹ Abraham Skorka là hiệu trưởng của Trường Rabbi châu Mỹ La tinh đồng thời phụ trách môn văn học kinh thánh, Skorka cũng là trưởng cộng đồng Do Thái Benei Tikva. Năm 1990, Skorka gặp tổng giám mục Buenos Aires Jorge Mario Bergoglio, và hai người bắt đầu bàn luận về những di sản khôn ngoan của Do Thái giáo và Kitô giáo, cũng như về những vấn đề lớn của đời sống nhân loại: Thiên Chúa và ma quỷ, cầu nguyện và tội lỗi, gia đình và li dị, chính trị và quyền lực, y đức, đức tin, nạn nghèo đói, và Shoah, cuộc diệt chủng người Do Thái. Những cuộc đối thoại giữa hai người đã được chuyển thể thành một chương trình truyền hình với khoảng 30 tập, và được xuất bản thành sách với tựa đề Từ trời xuống thế (2010), được dịch ra nhiều thứ tiếng sau khi Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng. Tháng 10 năm 2012, mười lăm năm sau ngày khai mạc Công đồng Vatican II, Skorka được phong làm Tiến sỹ danh dự của Đại học Công giáo Argentina: lần đầu tiên danh hiệu này được một đại học Công giáo tặng cho một giáo sỹ ở châu Mỹ La tinh.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch