|
Nói với hãng tin Fides hôm 02/02, cha Prosp Mbumba, thừa sai người Congo, đang truyền giáo tại Mông cổ, nói rằng: các thừa sai dâng tặng chính cuộc sống của họ cho Mông cổ; họ trung thành với ơn gọi gieo trồng mối liên hệ sâu thẳm với Chúa và trao tặng chính mình cho tha nhân. Nhờ sự phục vụ của các thừa sai và tu sĩ, Giáo hội Mông cổ sẽ sớm có thể chính thức có 3 giáo xứ.
Hôm 02/02, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh và cũng là ngày Đời sống thánh hiến, Đức cha Wenceslao Padilla, giám quản Tông tòa của Ulan bato, đã nói với các tu sĩ hiện diện tại Phủ doãn tông tòa rằng “đó là một cơ hội để suy tư về ơn gọi thánh hiến của chúng ta, để nhìn lại nội tâm của mình và đi lại con đường của mình.
Nữ tu Nirmala, người Ấn độ, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, đã hoạt động tại Mông cổ hơn 10 năm, cũng đã chia sẻ rằng: “Đời sống thánh hiến nghĩa là có mối liên hệ với Chúa, mối liên hệ hàm ý sự dâng hiến bản thân. Mối tương quan với Chúa, đời sống cộng đoàn và sứ vụ ở trọng tâm của đặc sủng của chúng ta, là những yếu tố cấu tạo nên đời thánh hiến.” Chị mời gọi các thừa sai hiện diện ở Mông cổ trung thành sống một cuộc sống xứng đáng với ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận. Chị cũng nhấn mạnh: “Chỉ trong cách thế này, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể tìm được âm vang trong cuộc sống chúng ta: đời tu cổ võ sự phát triển trong Giáo hội bởi sự thu hút.”
Chị cũng nhắc rằng năm vừa qua Giáo hội tại Mông cổ được mạnh hơn với việc một Linh mục bản xứ được thụ phong Linh mục và năm 2017 này, Giáo hội chuẩn bị mừng 25 năm truyền giáo. Chị cho biết Giáo hội Mông cổ hiện có hơn một ngàn người Mông cổ được rửa tội và hàng trăm dự tòng đến từ 3 giáo xứ và 3 điểm truyền giáo. 3 điểm truyền giáo sẽ được nâng lên thành giáo xứ trong dịp kỷ niệm 25 năm Giáo hội được tái thành lập tại đây. Chị nhận định “đây là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa, Đấng yêu thương dân tộc Mông cổ.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 03.02.2017/
Agenzia Fides 3/2/2017)