Dhaka – Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Bangladesh mạnh mẽ lên án luật mới về hôn nhân vị thành niên, được chính quyền Dhaka phê chuẩn hôm 27/02.
Đức cha Gervas Rozario, Giám mục của Rajshah, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình nói với hãng tin Á châu: Quốc hội đã sai lầm nghiêm trọng khi phê duyệt luật “Hạn chế Hôn nhân vị thành niên năm 2017”, với một điều khoản cho các trường hợp đặc biệt. Điều khoản này là phần gây tranh cãi nhất của đạo luật vì nó cho phép hôn nhân trong một số trường hợp như “có thai vô tình và bất hợp pháp” để “cứu danh dự một cô gái”. Đức cha Rozario nói là ngài đã hy vọng hôn nhân trẻ vị thành niên sẽ được loại bỏ hoàn toàn, nhưng với điều khoản cho trường hợp đặc biệt, số các cuộc hôn nhân của trẻ em sẽ gia tăng.
Luật mới cho phép độ tuổi kết hôn của nam giới là từ 21 tuổi và nữ giới từ 18. Tuy vậy, các nhà hoạt động than phiền về điều khoản “những hoàn cảnh đặc biệt”, thực tế là hợp pháp hóa hôn nhân của các bé gái có thai vì bạo lực tình dục, một vấn đề phổ biến rộng rãi tại Bangladesh. Đức cha Rozario cũng đồng ý với họ, ngài lưu ý: “Bangladesh là một quốc gia tham nhũng. Bây giờ nhiều người coi sóc có thể sắp xếp những cuộc hôn nhân trẻ em. Cảnh sát và các nhà hoạt động không thể ngăn cản đươc.” Đức cha cho biết là Giáo hội Công giáo sẽ không theo luật mới và vẫn tiếp tục chấp nhận giới hạn tuổi kết hôn là từ 21 cho người nam và 18 cho nữ giới.
Bà Ayesha Khanom, chủ tịch tổ chức phụ nữ “Bangladesh Mahila Parishad” cho rằng luật này là một nỗi xấu hổ và bất hạnh cho tất cả chúng tôi. Kazi Reazul Hoque, chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền quốc gia của Bangladesh nói thêm: “Chúng tôi đã cố gắng để loại bỏ ‘các trường hợp đặc biệt’, nhưng họ đã giữ nó vào phút cuối. Luật này sẽ không bao giờ giúp chấm dứt hôn nhân trẻ em.”
Các con số thống kê chính thức cho thấy là Bangladesh có tỉ số cô dâu và chú rể dưới tuổi kết hôn cao nhất ở Á châu. Khoảng 52% cô dâu dưới 18 tuổi và 18% dươic 15 tuổi.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 03.03.2017/
Asia News 03/03/2017)