Quyết định của Giáo hội Chính thống Nga được công bố vào chiều ngày 13 tháng Sáu. Cùng với các Giáo hội Antiokia, Bulgaria và Georgia, họ cho biết sẽ từ chối tham dự Công đồng nếu Công đồng không được hoãn lại.
Tổng giám mục Hilarion Alfeyev, Trưởng ban đối ngoại của Toà Thượng phụ Moskva, nói rằng “Công đồng Toàn Chính thống phải có sự tham dự của tất cả các Giáo hội thì các quyết định của Công đồng mới hợp thức”. Nhưng ngài cũng tìm cách trấn an: “Tình hình không đến nỗi bi thảm, đó là điều bình thường”.
Tổng giám mục Hilarion nhấn mạnh: “Phải mất 55 năm để tổ chức Công đồng Toàn Chính thống và chúng ta đã nói đến thực tế rằng Công đồng cần phải là một yếu tố thống nhất cho Giáo hội, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được gây chia rẽ. Nếu chúng ta thấy rằng việc chuẩn bị chưa được đầy đủ và một số vấn đề chưa được giải quyết, thì hoãn lại Công đồng này còn tốt hơn là làm một cách vội vã và nhất là sẽ vắng mặt nhiều Giáo hội địa phương”. Ngài cảnh báo: “Không thể là một Công đồng Toàn Chính thống mà lại vắng một hoặc nhiều Giáo hội địa phương”.
Giáo hội đầu tiên tuyên bố không tham dự Công đồng là Giáo hội Bulgaria, tiếp theo là Giáo hội Serbia –nhưng sau đó Giáo hội này lại đổi ý– và Toà Thượng phụ Antiokia. Antiokia quyết định không tham dự vì một tranh chấp đã có từ lâu với Toà Thượng phụ Giêrusalem về quyền tài phán đối với Qatar. Giáo hội Georgia đã nói về “những trở ngại” khiến họ không tham dự Công đồng, đang khi ai cũng biết sự chống đối của các tu sĩ ở núi Athos. Sự bất đồng nằm ở nội dung của một số tài liệu sẽ được thảo luận và ban hành tại Công đồng, trong đó có tài liệu nói về mối tương quan giữa các Giáo hội Chính thống và các hệ phái Kitô khác. Những người phê bình đã yêu cầu sửa đổi văn bản, cũng như hoãn lại Công đồng. Nhưng Toà Thượng phụ Constantinopolis, nơi chịu trách nhiệm tổ chức Công đồng, đã không đồng ý.
Trong thực tế, quyết định của các Giáo hội nói trên không tham dự Công đồng, quả là bất ngờ vì theo truyền thống của một số Giáo hội Chính thống, tất cả các quyết định liên quan đến Công đồng: lịch trình, thủ tục và các văn bản đưa ra thảo luận đều luôn được các nhà lãnh đạo Giáo hội hoặc các đại diện đồng thuận. Tại sao lịch trình ban đầu đã được mọi người đồng thuận bây giờ lại bị đặt thành vấn đề? Điều gì làm cho các Giáo hội xét lại, đưa ra hình ảnh một Chính thống giáo đầy chia rẽ nội bộ? Chắc hẳn Toà Thượng phụ Moskva đã đóng một vai trò quan trọng trong việc này.
Giáo hội Nga, vốn mạnh hơn về số lượng, về kinh tế và về cơ cấu, đồng thời có một bản sắc quốc gia vững vàng và mối quan hệ rất sâu sắc với chính phủ Nga. Cũng có thể nói như thế về các Giáo hội khác, hiện nay đang lưỡng lự về việc tham dự Công đồng, do mối quan hệ chặt chẽ của họ với Giáo hội Nga. Có lẽ Moskva không muốn nhìn nhận vai trò của Thượng phụ Bartholomaios là rất quan trọng. Vị Thượng Phụ Constantinopolis có một ưu quyền danh dự trên toàn Chính thống giáo nhưng lại có số tín hữu ít ỏi và điều đáng nói là chỉ đại diện cho một Giáo hội thiểu số trong một quốc gia Hồi giáo lớn là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nhưng sức mạnh của Vị Thượng phụ Constantinopolis lại nằm ở điểm yếu này: Constantinopolis có các nhân vật sáng giá như Thượng phụ Athenagoras hồi những năm 1950 và 1960, người đã đem lại một thúc đẩy mạnh mẽ cho con đường đại kết các Kitô hữu, một di sản vẫn còn được tiếp tục dưới thời Thượng phụ Bartholomaios. Với sự lãnh đạo của Thượng phụ Bartholomaios, Toà Thượng phụ Constantinopolis đã có thể lên tiếng với thế giới và trở thành một thẩm quyền chính thức về luân lý.
Hôm Chúa nhật 12-06, Tổng giám mục Hilarion cũng nói rằng quyết định của Giáo hội Nga là “rất quan trọng và số phận của Giáo hội Chính thống sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định ấy: hoặc chúng ta sống trong hoà bình và hoà hợp với các Giáo hội địa phương khác hoặc chúng ta sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn và tranh cãi”. Ngài kết luận: “Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần luôn can thiệp vào lịch sử của Giáo hội và Người vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy; chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta có được quyết định đúng”. Cuối cùng, Giáo hội Chính thống Nga đã quyết định không tham dự Công đồng. Những mâu thuẫn, tranh cãi và xét lại đã thắng. Đang khi đó Thượng phụ Bartholomaios lại hy vọng rằng mọi nghi ngờ, tranh cãi và bất đồng sẽ được trình bày trong các cuộc tranh luận tại Công đồng.
Chuyện gì sẽ xảy ra thì vẫn còn phải chờ xem. Constantinopolis nói rằng Công đồng nhóm họp ở Kriti vào ngày 19 tháng Sáu sẽ vẫn được tiến hành: vì mọi người đều đã đồng thuận rồi, nên chỉ có Thượng phụ Bartholomaios mới có thể quyết định hoãn lại.
Công đồng Toàn Chính thống sẽ thảo luận các vấn đề như: các cộng đồng Chính thống sống tản mác, quyền tự trị của các Giáo hội và cách thực thi quyền này, bí tích hôn nhân và những ngăn trở, tầm quan trọng của việc chay tịnh và áp dụng vào ngày nay, sứ vụ của Giáo hội Chính thống trong thế giới hiện nay cũng như mối tương quan của Giáo hội Chính thống với các Giáo hội Kitô giáo khác.
Về phía Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gửi các quan sát viên cấp cao đến dự Công đồng Toàn Chính thống để bày tỏ lòng kính trọng, sự ủng hộ và khích lệ Giáo hội Chính thống. Ngoài ra Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu cũng đã tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày thứ Bảy 11 tháng Sáu 2016, như một cách thể hiện tình hiệp thông với Giáo hội Chính thống. Buổi cầu nguyện diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
(Theo Vatican Insider)