Vào cuối tháng 5 tới đây người dân Ailen sẽ tham sự cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới luật cho phép phá thai. Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua các Giám Mục Ailen đã chính thức bầy tỏ lập trường của Giáo Hội bênh vực quyền sống của các thai nhi, và trong khoá họp mùa xuân tại Maynooth đã công bố thư mục vụ tựa đề “Hai mạng sống, một tình yêu”.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung lá thư mục vụ bênh vực quyền sống này.
Mở đầu thư mục vụ các Giám Mục Ailen nhắc tới Năm Thánh Lòng Thương Xót Giáo Hội mới cử hành. Nó là lời mời gọi mọi người rộng mở tâm trí cho lòng thương xót cuả Thiên Chúa trong cuộc sống và cho các cách thức thực thi lòng thương xót đối với mọi người, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có các thai nhi. Nhắc lại sự kiện Hiến pháp bảo vệ quyền của các bà mẹ và các thai nhi trong 8 khoản tu chính, các Giám Mục khẳng định rằng mọi người đều có bổn phận bầy tỏ lòng thương xót cao độ đối với các bà mẹ và các thai nhi, nếu và khi họ yêu cầu được yểm trợ trong thời gian thai nghén. Cần phải sử dụng các nguồn lợi công cộng để thực thi lòng thương xót này với óc sáng tạo. Yểm trợ và nâng đỡ nền văn hoá sự sống là thiện ích của mọi thế hệ, và nó định nghĩa xã hội của chúng ta.
Các Giám Mục Ailen cũng tái khẳng định tính cách thánh thiêng của sự sống từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Các vị xin Thiên Chúa chúc lành và hướng dẫn mọi thành phần xã hội biết đáp ứng trách nhiệm bảo vệ quyền sống này cho thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai. Ngày nay có người cho rằng quyền sống của các thai nhi tuỳ thuộc sự lựa chọn cá nhân của bà mẹ. Người khác lại lý luận rằng họ chống phá thai như nguyên tắc chung, nhưng tin rằng quyền sống không được áp dụng cho những trẻ em có vấn đề y khoa trầm trọng, hay vì chúng là hậu của việc bị hiếp dâm. Nhưng bởi vì sự sống vẫn luôn luôn có giá trị nên Giáo Hội khước từ việc gợi ý một người có thể quyết định khi nào một người khác phải chết.
Trong phần hai của thư mục vụ các Giám Mục Ailen nêu bật sự kiện quyền sống là một trong các quyền nền tảng của con người. Nó được ghi trong khoản 40 của Hiến pháp Ailen nói về các quyền căn bản của con người: quyền sống, quyền tự do, quyền có nhà ở và quyền tự do phát biểu, từ rất lâu trước khi Liên Hiệp Quốc công bố Bản tuyên ngôn nhân quyền.
** Các quyền căn bản khác với các quyền dân sự. Trong khi các quyền dân sự được ban cho các công dân của một xã hội, thì các quyền căn bản là của mọi người vì là bản vị con người. Các quyền căn bản không do xã hội ban cho con người, vì thế xã hội không thể tước đoạt các quyền ấy. Các quyền căn bản được thừa nhận trong các hiến pháp và các tuyên ngôn cần được áp dụng. Chúng là các quyền mà Liên Hiệp Quốc coi là các “quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mọi thành phần gia đình nhân loại”.
Khoản 40 của Hiến Pháp Ailen khẳng định rằng nhà nước thừa nhận quyền sống của trẻ em chưa sinh ra, cũng như quyền sống của người mẹ và bảo đảm tôn trọng nó trong các luật lệ của mình, bảo vệ và áp dụng nó chừng nào có thể”. Tuy nhiên khoản tu chính sẽ được trưng cầu dân ý lại lấy mất quyền sống của vài loại trẻ em chưa sinh ra, và như thế là thay đổi nguyên tắc đối với các thai nhi và tất cả mọi người, vì chối bỏ quyền sống là quyền bất khả xâm phạm, không phân biệt các thai nhi với các trẻ em đã sinh như được ghi trong Thoả hiệp nhân quyền Âu châu cũng như Thoả hiệp nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Khoản 40 thừa nhận quyền sống như quyền căn bản của thai nhi cũng như của bà mẹ, vì là người và là thành phần của gia đình nhân loại, chứ không ban quyền đó cho họ. Hơn nữa nó cho thấy nhà nước bảo đảm tôn trọng quyền sống của thai nhi trong các luật lệ của mình như đối với các người khác. Quyền sống là duy nhất, vì nếu không có nó thì không có quyền dân sự hay tự nhiên nào có thể được thực thi, bây giờ cũng như trong tương lai.
Tiếp tục thư mục vụ bảo vệ quyền sống của thai nhi các Giám Mục Ailen tái khẳng định thực tại thai nhi là một bản vị có căn tính riêng và có tất cả mọi quyền con người, từ lúc được thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Giá trị của sự sống con người cao trọng và quyền sống của thai nhi trong lòng bà mẹ bất khả xâm phạm tới độ không có quyền nào của thân xác riêng có thể biện minh cho quyết định chấm dứt nó, và không bao giờ có thể bị coi là sở hữu của một người khác.
Trong ngôn ngữ thường ngày người ta vẫn coi các thai nhi khoẻ mạnh chưa chào đời như các trẻ em. Nhưng khi sử dụng các từ kỹ thuật chuyên môn như thai nhi, phôi thai và trứng thụ tinh, người ta cố ý không coi vài loại trẻ em chưa sinh ra là người để bình thường hoá việc phá thai.
** Các hiệu quả tích cực của khoản 40 trong Hiếp pháp Ailen đòi buộc chúng ta phải yểm trợ và nâng đỡ nền văn hoá sự sống thế nào để trợ giúp và nâng đỡ các cha mẹ trong thời gian bà mẹ mang thai, thắng vượt cuộc khủng hoảng, quyết định lựa chọn sự sống, tránh quyết định phá thai sẽ khiến cho họ ân hận suốt đời. Mục đích của việc săn sóc các bà mẹ mang thai là tránh cho họ khỏi chết. Rất tiếc là trên thực tế không thể tránh được. Nhưng cần phải làm mọi sự có thể để các bà mẹ không thiệt mạng khi sinh con.
Các Giám Mục Ailen cũng trưng dẫn giáo lý Giáo Hội công giáo liên quan tới bổn phận bảo vệ sự sống của thai nhi và của bà mẹ. Vì là người, cả hai đều có quyền sống. Trong trường hợp các phụ nữ mang thai bị bệnh cần được điều trị y khoa có phản ứng phụ có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, việc điều trị ấy luôn luôn có thể được phép trên bình diện luân lý đạo đức, nhưng cần làm mọi sự có thể để cứu sống cả hai mẹ con. Trong khi phá thai là can thiệp trực tiếp với ý định huỷ hoại thai nhi. Đây là điều vô luân nghiêm trọng trong mọi trạng huống. Nó không phải là việc điều trị y khoa.
Khi thai nhi chết trong lòng mẹ, thì không có chuyện người mẹ bị bó buộc tiếp tục tiến trình mang thai. Giờ đây chỉ có một bệnh nhân là bà mẹ. Khi đó bà mẹ trở thành tâm điểm của mọi săn sóc y khoa cần có. Giáo Hội cống hiến sự trợ giúp mục vụ cho cha mẹ đang buồn sầu vì mất con.
Trong bối cảnh của cuộc thảo luận liên quan tới 8 điểm tu chính thật là điều quan trọng minh giải hai trường hợp : thai nhi với các điều kiện sống bị hạn chế, và thai nhi như hậu quả của việc hiếp dâm.
Thật là điều khổ đau, khi bà mẹ khám phá ra rằng đứa con trong lòng mình bị đau nặng và sẽ không sống nổi. Nỗi buồn ấy khiến cho các mơ ước và hy vọng của cả hai vợ chồng bị tan biến. Người ta thường nói tới các trẻ em có các điều kiện sống hạn chế như thể chúng chết. Việc dùng các từ như “không thể tránh được” hay “gây ra cái chết” để miêu tả các điều kiện này bao gồm điều gì đó định đoạt và cái chết gần kề. Nhưng thực tế là mỗi trường hợp mỗi khác, vài trẻ em chết trước khi sinh ra, và có em khác sẽ chỉ sống vài giờ, nhiều em khác sẽ sống lâu hơn.
Các cha mẹ phải rơi vào tình trạng này cần được chúng ta giúp đỡ để đương đầu với hoàn cảnh khó khăn ấy. Cả trong các trường hợp tệ hại nhất tình hình của thai nhi có điều kiện sống hạn chế được so sánh với tình hình của một trẻ em hay người lớn bị bệnh ở giai đoạn cuối đời. Nhưng họ lại không được sự trợ giúp có phối hợp hữu hiệu. Cần phải cung cấp cho họ các phục vụ trước và sau khi sinh với nhiều hơi ấm tình người, sự dịu hiền, việc dưỡng nuôi đầy đủ giúp họ săn sóc con cái đau yếu cho tới khi chúng chết tự nhiên.
** Thứ hai là trường hợp bào thai là hậu quả của của một vụ hiếp dâm. Cần phải hiểu chấn thương thể lý và tâm lý của bà mẹ, và xã hội phải có bổn phận luân lý trợ giúp họ với tất cả lòng thương xót. Bào thai đó là một bản vị con người, có mọi quyền căn bản bao gồm quyền sống. Xã hội phải trợ giúp đứa bé chưa sinh ra. Có người đề nghị phá thai như giải pháp của lòng cảm thương. Nhưng các trẻ em này vô tội và chúng có quyền được chúng ta yểm trợ và săn sóc một cách tốt đẹp nhất.
Điểm sau cùng trong thư mục vụ của HĐGM Ailen đề cập đến tương quan giữa phụ nữ, nam giới và các trẻ em chưa chào đời. Liên hệ giữa một bà mẹ và đứa con chưa sinh ra không chỉ đơn thuần là thể lý hay sinh lý, mà còn là cảm xúc và tinh thần nữa. Gây thương tích cho đứa con là chống lại bà mẹ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trên quyết định phá thai, và trong nhiều trường hợp đó là một quyết định đau đớn và tăm tối. Vết thương tình cảm và tinh thần sẽ rất lâu lành. Thật đáng tiếc là người ta có khuynh hướng kết hợp việc phá thai với phu nữ đã làm điều đó. Nhưng giáo huấn của Giáo Hội dậy rằng cả những người thăng tiến, tổ chức và thực thị việc phá thai cũng có trách nhiệm như, và trong vài trường hợp có trách nhiệm nặng nề hơn là bà mẹ chấp nhận phá thai. Rất thường khi hành động huỷ hoại thai nhi bao gồm sự thất bại của các cá nhân hay cơ cấu yểm trợ bà mẹ trong việc nhận ra và lựa chọn các khả thể khác. Trong nghĩa đó các người cha cũng có tất cả trách nhiệm liên quan tới thực tại này. Khi đó là quyền sống thì nam nữ đều có trách nhiệm không thể khước từ phải bảo vệ các trẻ em chưa sinh ra không có tiếng nói. Mới đây ĐTC Phanxicô đã mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sự sống vô tội. Tuy nhiên, ngài cũng tuyên bố rằng không có tội nào mà lòng thương xót Chúa không thể tẩy xoá, khi tìm thấy một con tim thống hối kiếm tìm hoà giải với Thiên Chúa Cha.
Trong một nền văn hoá nêu cao các quyền cá nhân, xem ra thật lạ lùng khi quyền căn bản nhất của con người là quyền sống lại ngày càng bị đặt vấn đề và khước từ. Vấn đề xem ra là khi người ta đẩy việc tôn trọng các quyền cá nhân lên tột đỉnh, thì hậu quả là hình thức cuả khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa trong đó các quyền, kể cả quyền căn bản nhất của con người là quyền sống lại trở thành tương đối. Như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: trong trường hợp ấy quyền không còn là quyền nữa, vì nó không còn được xây dựng trên phẩm giá không thể xúc phạm của con người. Kết luận tất yếu là toàn ý niệm về nhân quyền bị phá huỷ, và mọi quyền còn lại tuỳ thuộc ý muốn của số đông. Khoản luật số 40, triệt 3 đọan 3 của Hiến Pháp Ailen có một quan niệm đặc biệt dựa trên việc tôn trọng quyền sống của mọi người. Chúng tôi tin rằng việc tu chính khoản luật này chỉ có thể có hậu quả là khiến cho các trẻ em chưa sinh ra gặp nguy cơ lớn hơn và không đem lại thiện ích nào cho sự sống hay sức khoẻ của các bà mẹ Ailen. Vì thế chúng tôi khích lệ quý vị, như là thành phần của gia đình nhân loại, hoạt động để duy trì quyền sống trong Hiến pháp nhân danh sự bình đẳng, ngay chính và cảm thương đối với mọi người.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 11.04.2018)