Chiều thứ hai 19 tháng 6, Đức Phanxicô chủ tọa buổi khai mạc kỳ họp thường niên của Hội đồng giám mục địa phận Rôma ở nhà thờ Thánh Gioan Latran, cùng với Hồng y phụ tá địa phận Rôma Agostino Vallini và Đức ông Giám mục Angelo De Donatis sẽ kế vị Hồng y Vallini sau này.
Kỳ họp có chủ đề giáo dục trẻ vị thành niên và mang tựa: “Đừng để họ một mình! Tháp tùng các cha mẹ trong việc giáo dục các em tuổi vị thành niên”.
Đức Phanxicô khuyên các nhà giáo và nhất là các cha mẹ, không nên chỉ dạy dỗ con mình tuyền về mặt tri thức, nhưng làm sao để cho trẻ vị thành niên đừng bị “khiếm khuyết” trong các lãnh vực cảm xúc, các dự án vẫn “chưa xong” vì chúng ta không dạy các em “cách làm”: “chỉ tập trung vào cái đầu mà coi thường quả tim và bàn tay“ tạo nên một dạng “phân mảnh của xã hội”, Đức Phanxicô triển khai một nguyên tắc giáo dục thiết thân của ngài.
Ngài cũng kêu gọi một giáo dục đi ngược dòng, giáo dục nếp sống “khắc khổ” , một nếp sống thuận lợi cho trí tưởng tượng và tình đoàn kết.
Sau phần trình bày của Hồng y Vallini, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh khác nhau: sự cần thiết phải suy nghĩ khởi đi từ “đời sống cụ thể” của giáo dục ở thành phố này, giáo dục về việc mang “gốc rễ” đến cho trẻ vị thành niên, tăng trường “trong chuyển động” để thấm nhập vừa tri thức (cái đầu), vùa cảm xúc (quả tim) và hành động (bàn tay).
Làm việc khởi đi từ đời sống cụ thể của gia đình vì giáo dục ở một thành phố lớn như Rôma khác với giáo dục của một làng nhỏ. Có một vài khác biệt trong sinh hoạt của các thành phố lớn như khoảng cách giữa các gia đình, từ nhà đến sở xa, có khi phải đi cả hai tiếng, thiếu dây liên lạc gần với thân nhân gần vì phải dọn nhà gần sở làm, điều kiện sinh sống eo hẹp vì tiền nhà cao không như ở làng quê, thì giờ không đủ, không biết cả hàng xóm láng giềng và đôi khi phải để con ở nhà một mình… ”
Trao truyền gốc rễ
Đức Phanxicô cũng nêu lên đặc nét của các gia đình ở thành phố lớn: cảm thấy mình bị mất gốc, các gia đình dần dần mất liên lạc với nhau, mà đây lại là điều quan trọng để cảm thấy mình thuộc về nhau, cùng nhau tham dự vào một công việc chung. Điều này rất quan trọng đối với đời sống của con cái chúng ta. Một văn hóa mất gốc, một gia đình mất gốc là gia đình không có lịch sử, không có ký ức, không có gốc rễ. Và khi không có gốc rễ thì bất cứ ngọn gió nào đến cũng làm bật gốc.
Vì thế chúng ta phải dạy trẻ con thế nào để chúng bám vào gốc rễ, để tạo các dây liên hệ, tìm được gốc rễ, lớn lên trong bầu khí sinh động cho phép chúng ta cảm thấy mình “đang ở nhà mình” vì không có gì tha hóa cho bằng không cảm thấy mình có gốc rễ, mình thuộc về ai.
Đức Phanxicô chỉ trích lối giáo dục “quá độ trong một vài lãnh vực mà chúng ta cho là quan trọng cho tương lai của trẻ em” nhưng lại không mang tầm quan trọng cho việc chúng phải biết đất đai, gốc rễ của mình: “Chúng ta không cho con cái biết các việc làm tốt lành và đời sống các thánh đã hun đúc chúng ta như thế nào”.
Đức Phanxicô trích một câu của tiên tri Joël: “Người già của quý vị có giấc mộng, người trẻ của quý vị có thị kiến”, có nghĩa là, để cho người trẻ có thị kiến, chúng phải là những người “mơ mộng” để chúng có thể can đảm và dám đối diện với tương lai, thiết yếu là chúng cần nghe các giấc mơ ngôn sứ của tổ tiên chúng. Chỉ như vậy chúng mới bay cao, nếu không chúng bị ảnh hưởng bởi các thị kiến của người khác.
Luôn ở trong chuyển động
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến “chuyển động”: Tuổi vị thành niên là một đoạn đường đi trong đời sống của chúng và của gia đình: chúng không ở đây cũng không ở kia, chúng đang trên đường đi, đang quá cảnh.
Ngài nói rõ thêm về “chuyển động” này: Chúng không còn là trẻ con (và chúng không muốn bị xem là trẻ con) và chúng chưa phải là người lớn (nhưng chúng lại muốn được xem như người lớn, đặc biệt theo một số ưu tiên nào đó).
Theo Đức Phanxicô, đây là thời gian quý báu trong đời sống của người trẻ, thời gian tăng trưởng của các em và của cả gia đình. Tuổi vị thành niên không phải là một bệnh lý vậy mà chúng ta đối diện nó như đối diện với bệnh lý. Một em bé sống tuổi vị thành niên của mình (dù khó khăn đối với cha mẹ) là một em bé có một tương lai và một hy vọng.
Ngài cảnh báo: Tuổi vị thành niên không phải là một bệnh lý mà chúng ta phải chữa chạy. Nó nằm trong sự tăng trưởng bình thường, tự nhiên của đời sống các em trẻ. Đâu có sự sống, đó có chuyển động, đâu có chuyển động, đó có thay đổi, có tìm tòi, có hoài nghi, có hy vọng, có niềm vui, có lo âu, có nản chí”.
Trong chuyển động này, Đức Phanxicô nói rõ, phải nhận định trận chiến nào mình phải đương đầu, trận chiến nào không và phải nhờ đến những người có kinh nghiệm.
Thấm nhập tư tưởng, xúc cảm và hành động
Như ngài vừa nói với các người trẻ của tổ chức Hiệp hội Trường học (Scholas Occurrentes), phải đặt nặng vấn đề giáo dục toàn diện, vừa đầu óc, quả tim và bàn tay, những gì mình nghĩ, tri thức, những gì mình cảm nhận, các cảm xúc và những gì mình làm, hành động.
Theo Đức Phanxicô, khi thấm nhập được ba tầm mức này cho người trẻ, thì khi đó sẽ có một sự phát triển hòa nhịp vừa ở mức độ cá nhân, vừa ở mức độ xã hội.
Và đây là một công việc khẩn cấp, tạo những nơi mà sự phân mảnh xã hội không được thống trị, dạy suy nghĩ những gì mình cảm nhận và mình làm, cảm nhận những gì mình nghĩ và mình làm, và làm những gì mình suy nghĩ và mình cảm nhận.
Ở đây là một năng động để phục vụ cho cá nhân và xã hội: người trẻ “năng động và là nhân vật chính” cho chính sự tăng trưởng của họ, họ sẽ cảm thấy mình được gọi để xây dựng cho sự phát triển cộng đoàn.
Vì các người trẻ muốn mình là diễn viên chính nên phải cho họ định hướng và dụng cụ cho sự tăng trưởng và xây dựng nhân cách này.
Đức Phanxicô khuyên các nhà giáo và nhất là các cha mẹ, không nên chỉ dạy dỗ con mình tuyền về mặt tri thức, nhưng làm sao để cho trẻ vị thành niên đừng bị “khiếm khuyết” trong các lãnh vực cảm xúc, các dự án vẫn “chưa xong” vì chúng ta không dạy các em “cách làm”: “chỉ tập trung vào cái đầu mà coi thường quả tim và bàn tay” tạo nên một dạng “phân mảnh của xã hội”, hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt khi nghe Đức Phanxicô trình bày như trên.
Không cạnh tranh nhưng đương đầu
Đức Phanxicô cũng nói đến một văn hóa mà trẻ vị thành niên muốn làm người lớn, còn người lớn thì muốn làm trẻ vị thành niên.
Bình thường, có sự đương đầu giữa các thế hệ với nhau, nhưng không có cạnh tranh. Vậy mà bây giờ “già” là chuyện không tốt, già đồng nghĩa với “hụt hẫng và kiệt sức” như thử đời sống không còn ý nghĩa.
Đức Phanxicô cũng tố cáo một trong các nguy hiểm của sự giáo dục người trẻ hiện nay là “loại họ ra khỏi tiến trình tăng trưởng vì người lớn đã lấy chỗ của họ, người lớn luôn đóng vai trò của trẻ vị thành niên”: một hình thức bên lề hóa người trẻ làm cho các em càng có khuynh hướng cô lập thêm.
Áp dụng một hình thức khắc khổ
Đối diện với một xã hội chủ trương tiên thụ, Đức Phanxicô khuyên nên tìm hiểu lại các đức tính của sự “khắc khổ”, một nguyên tắc thiêng liêng quan trọng và thường bị đánh giá thấp.
Đức Phanxicô tuyên bố: “Vì, giáo dục sự khắc khổ là một sự phong phú không gì sánh bằng: nó thức tỉnh sự khéo léo tài tình và sáng tạo, nó làm nảy sinh khả năng tưởng tượng và đặc biệt mở ra một tinh thần làm việc đồng đội, tương trợ. Nó mở ra con đường đến với người khác”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Đó là một cách để gặp gỡ nhau, để xây cầu, để mở ra các khoảng không gian, để tăng trưởng với người khác và cho người khác. Chỉ những ai biết sống khắc khổ mới làm được”.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Phanxicô trích một đoạn trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương: “Người ta không sống chung với nhau để ít có hạnh phúc, nhưng để được có hạnh phúc một cách mới hơn”.
Đức Phanxicô mời gọi sống tinh thần giáo dục trẻ con như “lời mời gọi của Chúa sống giai đoạn này trong gia đình, một giai đoạn tăng trưởng để biết nếm hương vị cuộc sống Chúa ban cho chúng ta”.
Marta An Nguyễn dịch