Giáng sinh là một biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, nó không chỉ là sự kiện dành riêng cho người Kitô hữu, nhưng là ngày hội dành cho tất cả mọi người. Khi Giáng sinh về, mọi người tấp nập chuẩn bị cho ngày đại lễ. Một câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta: trong đêm Noel huyền diệu ấy, người Kitô hữu nên buồn hay vui? liệu trong đêm Giáng sinh, Hài nhi Giêsu có thật sự hiện diện trong hang đá hay lang thang tìm quán trọ ven đường? Đây là câu hỏi chất vấn lương tâm người viết và có lẽ đôi lần chạm vào cung lòng của bạn?
Cứ mỗi độ Giáng sinh về, người ta có thể dễ dàng nhận ra một không khí vui nhộn, náo nhiệt khác thường. Giáng sinh tại Việt Nam đang dần dần biến thành lễ hội cho tất cả mọi người, không kể lương giáo. Vì thế, dần dần ý nghĩa thuần túy cũng bị giảm sút, vì người ta chú trọng ngoại tại nhiều hơn nội tại, lo “phần nổi” nhiều hơn “phần sâu”. Những người có đạo vui mừng vì được kỷ niệm biến cố cách đây hơn 2000 năm, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Người lương dân cũng đón đợi Giáng sinh vì bao toan tính làm ăn đang còn bỏ ngỏ. Người người vui Giáng sinh, nhà nhà vui Giáng sinh. Đâu đâu, người ta cũng tưng bừng viết thiệp và chuyển tay nhau những cánh thiệp Giáng sinh. Chúng được đóng dấu và bọc gói kỹ càng nơi các bưu điện, để rồi tung bay gõ cửa từng nhà. Người ta hân hoan chúc nhau Giáng sinh bình an và gặp nhiều may lành trong cuộc sống. Nhìn thoáng qua xem ra có cái gì đó phấn khởi, vui vui, nhưng thử hỏi đó có phải là niềm vui sâu xa và bền vững hay chỉ là tạm bợ, chóng qua, nhất thời?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Đằng sau những cánh thiệp là cái gì? Đâu là ý nghĩa sâu xa hàm ẩn trong những cánh thiệp Giáng sinh? Thực tế cho thấy: có những người gửi thiệp như là những thủ tục mang tính xã giao, là phương tiện tạo lập mối quan hệ hoặc tìm kiếm những cơ hội làm ăn. Có những người gửi thiệp kèm theo những đồng tiền bất chính, phục vụ cho những mục đích xấu xa. Có những cánh thiệp được gửi đi vì tình quý mến, trân trọng, biết ơn. Có những cánh thiệp như là một quà tặng đến từ Thiên Chúa, vì chính Ngài là món quà vô giá tặng ban cho nhân loại. Vì thế, người ta gửi thiệp để cầu chúc cho nhau niềm vui và bình an, là chia sẻ với người khác về ân ban nhưng không mà họ đã lãnh nhận từ Đấng Emmanuel. Điều này thật đáng vui, đáng chúc mừng, đáng trân trọng biết bao! Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu người Kitô hữu hôm nay có được cảm thức như vậy?
Càng đi vào thực tế cuộc sống, chúng ta càng cảm thấy buồn và lo lắng. Ta buồn vì tôn giáo có nguy cơ biến thành văn hóa không hơn không kém. Ta lo vì người Công giáo đang dần dần đánh mất ý nghĩa nguyên tuyền của ngày lễ Giáng sinh. Người ta tục hóa Giáng sinh như là một lễ hội rất đỗi bình thường như bao ngày lễ khác. Tại nhiều khuôn viên Thánh đường, các ngõ ngách, các đường đi lối lại, đâu đâu đèn điện cũng nhấp nháy, loa đài tưng bừng, rộn rã. Người ta không tiếc nuối khi phải bỏ ra hàng trăm, thậm chí vài trăm triệu để làm một cái hang đá sao cho thật to và thật hoành tráng. Chúa Giêsu ngày xưa sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng khó nghèo, giản dị, đơn sơ, thế mà ngày nay, người ta “bắt” Chúa sinh ra ở nơi quá sang trọng, rất có thể Chúa không thích như vậy thì sao? Khắp nơi, người ta trưng những khẩu hiệu: “Mừng Chúa Giáng Sinh”, “Giáng Sinh An Lành”, “Chúc Mừng Giáng Sinh”, “Merry Christmas”, “Season’s Greetings”, “Joyeux Noël”, “Joyeuses Fêtes”… bên cạnh Hang Đá, Cây Thông, Tấm Thiệp, Ông Già No-en, Vòng Lá, Chiếc Giày, Linh Dương, Chú Tễu… với những ánh đèn mầu lấp lánh đủ sắc màu và những vật trang trí lộng lẫy khác. Các Kitô hữu ngày nay đang bị hút vào vòng xoáy trần tục. Nhiều khi người ta không hiểu hết ý nghĩa của các biểu tượng này, mà chỉ là trưng bày cho đẹp mắt mà thôi. Điều ấy quả là đáng buồn!
Ngày Giáng sinh, bà con phấn khởi đi xem văn nghệ, hoan ca, múa nhảy, ăn uống, tiệc tùng linh đình thâu đêm, suốt sáng. Trẻ con vui thích trong những bộ trang phục rực rỡ để trình diễn trên sân khấu. Các ông bố bà mẹ nở mày nở mặt vì con cái mình có dịp làm nghệ sĩ đêm đông. Vui văn nghệ là để nâng tâm hồn con người lên tới trời cao, ca hát để gặp gỡ Chúa và để gắn chặt tình liên đới với tha nhân. Thế nhưng, không thiếu những lần sau chương trình Hoan ca Giáng sinh lại khiến cho Cộng đoàn thêm chia rẽ, xung khắc, bất hòa. Có những nơi, người ta tổ chức Noel như một cuộc thi giống ngoài đời, cũng có tranh giành, cũng có giải thưởng. Nếu giải thưởng để khuyến khích và động viên tinh thần phục vụ cho mọi người thì đó là điều đáng trân trọng, nhưng có những nơi đã để lại hậu quả là chê bai hội này, phê bình nhóm kia một cách tiêu cực. Người ta đi xem văn nghệ thì đông nghịt, chen lấn, xô đẩy, nhưng đến giờ lễ thì Thánh đường sao mà thưa thớt, vắng vẻ, lạnh lẽo. Điều đó chẳng đáng buồn hay sao?
Chúng ta còn buồn vì không biết Giêsu ở đâu trong đêm Giáng sinh, nơi hang đá lạnh căm hay lang thang nơi đầu đường cuối phố? Rất có thể, Hài Nhi hai ngàn năm trước, cũng như hiện tại và mãi tới ngày cánh chung, Ngài vẫn lang thang đi tìm quán trọ? Thử hỏi: bao nhiêu cung lòng sẵn sàng mở cửa để đón Hài nhi Giêsu ngự vào? Đêm nay, khắp nơi từ thôn quê đến thành thị, từ đồng bằng lên miền núi, ánh đèn sẽ chói chang, nhưng có bao nhiêu điểm sáng trong lòng người sẽ được thắp lên? Một vài thứ ánh sáng nhỏ nhoi và yếu ớt liệu có đủ sức xua tan lạnh giá trong lòng con người hay chăng? Nhà hàng, khách sạn, quán xá lộng lẫy, những ánh đèn mầu rực rỡ, với dòng chữ: Chúc Mừng Giáng Sinh liệu có đem lại cho người ta niềm vui thực sự không? Trên những bàn tiệc, người ta bày biện la liệt nào là rượu Tequila, nào là Whisky, Vodka, Brandy, và cả Whiskey, cùng với các loại thịt ngon hảo hạng. Thực khách nào là Chúa? còn bao nhiêu “Cô gái bán diêm” đang lang thang trên đường phố? còn bao nhiêu người đang lê lết, hay thập thò trước các cửa hàng sang trọng để nài xin một chỗ nằm hay một chén cơm? Có bao nhiêu lời từ chối phũ phàng trước những cảnh đời bất hạnh? Rất có thể, Giêsu không ở trong hang đã mà đang ở nơi những cõi lòng đơn côi, những mái nhà tranh rách nát, hay trên những chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp, không chăn chiếu cũng chẳng mùng màn.
Một Giáng Sinh nữa lại đến với mỗi chúng ta trong cuộc đời. Giáng sinh ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta tìm ra giá trị lớn lao của biến cố này. Chúa Giêsu chính là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Cuộc đời chúng ta chỉ tìm được hạnh phúc khi có Chúa ở cùng và bao lâu ta biết chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân. Bạn và tôi đừng bao giờ để Giáng Sinh vụt qua mà không để lại chút dư âm nào. Hãy sống mùa Giáng sinh năm nay như là Giáng sinh cuối cùng của cuộc đời, và khi đó bạn sẽ biết cách để sống niềm vui Giáng sinh một cách đích thực.
Tâm Thành