Giải pháp duy nhất cho vấn đề di cư là liên đới trợ giúp và tiếp đón

Lịch sử nhân loại là lịch sử của các cuộc di cư xảy ra tại khắp nơi trên thế giới. Giải pháp duy nhất là tình liên đới và sự tiếp đón. Đây là sự dấn thân liên lụy tới tất cả mọi người, không trừ ai: mọi kitô hữu đều được mời gọi tiếp đón các anh chị em phải chạy trốn chiến tranh, đói khát, bạo lực và các điều kiện sống vô nhân. Cần phải trao ban trở lại cho họ phẩm giá là người có quyền sống, có nhà ở và công ăn việc làm được trả lương xứng đáng.

PopeFrancis-26Oct2016-01.jpg

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét sau hết: “Ta là người ngoại quốc các ngươi đã tiếp đón Ta, Ta trần truồng các ngươi đã mặc cho Ta” (Mt 25,35-36). Ngài nói: chúng ta tiếp tục suy tư về các việc làm diễn tả lòng thương xót đối với thân xác, mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta để duy trì đức tin luôn luôn sống động và năng nổ. Thật thế, các công việc này minh nhiên rằng các kitô hữu không mệt mỏi hay lười biếng, khi chờ đợi cuộc gặp gỡ sau cùng với Chúa, nhưng mỗi ngày đi gặp gỡ Chúa, bằng cách nhận ra gương mặt của Ngài nơi gương mặt của biết bao người xin giúp đỡ. Đề cập tới hiện tượng di cư ĐTC nói:

Trong thời đại chúng ta thật là thời sự việc giúp người ngoại quốc. Cuộc khủng hoảng kinh tế, các xung đột vũ trang và các thay đổi khí hậu thúc đẩy biết bao người di cư. Tuy nhiên, các cuộc di cư không phải là một hiện tượng mới mẻ, nhưng chúng thuộc lịch sử nhân loại. Nghĩ rằng chúng chỉ thuộc thời đại chúng ta là thiếu ký ức lịch sử.

Thánh Kinh cống hiến cho chúng ta biết bao thí dụ cụ thể về các cuộc di cư. Chỉ cần nghĩ tới tổ phụ Abraham. Tiếng Thiên Chúa kêu gọi thúc đầy ông bỏ quê hương để đi tới một nơi khác: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1).

Dân Israel cũng thế, từ Ai Cập nơi họ là nô lệ, đã đi 40 năm trong sa mạc cho tới khi đến đất Thiên Chúa hứa. Chính thánh gia – Mẹ Maria Cha thánh Giuse và Chúa Giêsu bé thơ – cũng đã bị bắt buộc di cư sang Ai Cập để chạy trốn sự đe dọa của vua Hêrôđê: “Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.” (Mt 2,14-15). Lịch sử nhân loại là lịch sử của các cuộc di cư: tại mọi vĩ tuyến, không có dân tộc nào là đã không biết tới hiện tượng di cư.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong các thế kỷ chúng ta đã chứng kiến các kiểu diễn tả tình liên đới lớn lao, cả khi đã không thiếu các căng thẳng xã hội. Rất tiếc ngày nay bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tạo thuận tiện cho thái độ khép kín và không tiếp đón. Trong một vài phần của thế giới lại dựng lên các bức tường và hàng rào. Đôi khi xem ra công việc thinh lặng của nhiều người nam nữ, bằng nhiều cách xả thân trợ giúp các người tỵ nạn di cư, bị che mờ bởi tiếng la ó của những người khác nói lên bản năng ích kỷ của họ. Nhưng việc khép kín không phải là một giải pháp, trái lại nó kết thúc bằng việc tạo thuận tiện cho các tội phạm buôn người. Giải pháp duy nhất là con đường của tình liên đới. Liên đới… liên đới với người di cư, liên đới với khách ngoại kiều.

Dấn thân của các kitô hữu trong lãnh vực này cấp thiết ngày nay cũng như trong quá khứ. Chỉ nhìn vào thế kỷ vừa qua chúng ta nhớ tới gương mặt tuyệt vời của thánh nữ Francesca Cabrini, là người đã cùng với các bạn gái khác tận  hiến cuộc đời cho người di cư bên Hoà Kỳ. Cả ngày nay nữa chúng ta cũng cần các chứng tá này để lòng thương xót có thể đến với biết bao người cần được giúp đỡ. Đó là một dấn thân liên lụy tới tất cả mọi người, không trừ ai. Các giáo phận, các giáo xứ, các dòng tu, hiệp hội và phong trào cũng như từng kitô hữu, tất cả chúng ta đều được mời gọi tiếp đón các anh chị em trốn chạy chiến tranh, đói khát, bạo lực và các điều kiện sống vô nhân. Tất cả cùng nhau chúng ta là một sức mạnh lớn yểm trợ những người đã mất quê hương, gia đình, việc làm và nhân phẩm.

Cách đây mấy ngày có xảy ra một câu chuyện nhỏ này trong thành phố. Có một người tỵ nạn tìm đường, và một bà tới gần hỏi: “Ông tìm điều gì phải không?”. Người đó không có giầy. Và anh ta trả lời: “Tôi muốn đến đền thờ thánh Phêrô để bước qua Cửa Thánh”. Người đàn bà nghĩ thầm: “Mà anh ta không có giầy, làm sao mà đi bộ được” Bà gọi xe taxi, nhưng mà anh ta hôi hám quá, và ông tài xế tắc xi không muốn để cho anh ta lên xe, nhưng sau cùng ông cho anh lên. Người đàn bà ngồi cạnh anh và trên đường mườì phút đến đây, bà hỏi chuyện lịch sử di cư tỵ nạn của anh. Anh ta kể lại lịch sử khổ đau, chiến tranh, đói khát, và tại sao anh đã chạy trốn quê hương để di cư sang đây. Khi họ tới nơi, bà mở bóp trả tiền taxi. Ông tài xế taxi ban đầu không muốn cho anh lên xe, vì anh ta hôi hám quá, nói với bà: “Không, thưa bà, chính tôi mới phải trả tiền bà, vì bà đã làm cho tôi nghe một câu chuyện đã biến đổi trái tim tôi”. Người đàn bà đó đã biết thế nào là nỗi khổ đau của một người di cư, vì bà ta có dòng máu Armeni, và bà biết nỗi khổ đau của dân tộc bà. Khi chúng ta làm một điều tương tự, ban đầu chúng ta từ chối, vì nó cho chúng ta một chút khó chịu, “mà… anh ta hôi hám …” Nhưng sau cùng câu chuyện xức nước hoa cho linh hồn, và khiến cho chúng ta thay đổi. Anh chị em hãy nghĩ tới câu chuyện này và hãy nghĩ chúng ta có thể làm gì cho các anh chị em tỵ nạn.

Để cập tới việc mặc cho kẻ trần truồng ĐTC nói:

Và cho người trần truồng mặc có nghĩa là gì nếu không phải là tái lập nhân phẩm cho người đã mất nó? Chắc chắn là cho áo quần cho kẻ không có gì mặc, nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới các phụ nữ nạn nhân của nạn buôn người bị vứt ra đường phố, hay những người khác, quá nhiều kiểu sử dụng thân xác con người như món hàng, kể cả các trẻ em vị thành niên. Cũng như những người không có một việc làm, một đồng lương công bằng, đây là một hình thức của sự “trần trưồng”, hay các kỳ thị vì chủng tộc hay tôn giáo, tất cả đều là những hình thức “trần truồng”, mà chúng ta là các kitô hữu được mời gọi chú ý, tỉnh thức và sẵn sàng hành động.

Rôi ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta đừng rơi vào thái độ khép kín trong chính mình, thờ ơ với các nhu cầu của các anh chị em khác và chỉ lo cho chính mình. Chính trong mức độ chúng ta rộng mở cho tha nhân, mà cuộc sống trở thành phong phú, mà các xã hội tái chiếm được hoà bình và con người tái chiếm được nhân phẩm tràn đầy của nó. Và xin anh chị em đừng quên người đàn bà ấy, đừng quên người tỵ nạn hôi hám, và cũng đừng quên ông tài xế taxi mà người tỵ nạn đã thay đổi con tim.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp và Thuỵ sĩ nói tiếng Pháp, đặc biệt phái đoàn Paris do ĐHY Vingt Trois và các GM Phụ tá hướng dẫn, và các phái đoàn các giáo phận khác do các GM sở tại hướng dẫn. Ngài cầu mong mọi người biết sống quảng đại liên đới để cuộc đời được phong phú hơn.

Ngài cũng chào các nhóm hành hương Anh quốc, vùng Galles, Ai len, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Phần Lan, Na Uy, Israel, Australia, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. ĐTC nói tháng Mân Côi sắp kết thúc. Nó cũng là tổng hợp của lòng Thương Xót Chúa. Trong các mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi cùng với Mẹ Maria chúng ta suy niệm cuộc đời của Chúa Giêsu dãi toả lòng thương xót của chính Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy vui mừng vì tình thương và sự tha thứ của Ngài, và hãy rộng mở con tim cho tha nhân, cho người di cư và người nghèo.

Ngài cũng chào nhiều phái đoàn hành hương giáo phận Italia do các GM hướng dẫn; các Linh Mục món quà lòng tin; các nữ tu tham dự khóa học do Liên Hiệp các dòng nữ tổ chức; các bác sĩ chuyên khoa của nhà thương Umberto I, các trẻ em đau yếu và cha mẹ; và đông đảo sinh viên học sinh các trường Roma cũng như nơi khác. Ngài cầu mong chuyến hành hương Năm Thánh củng cố kinh nghiệm về Giáo Hội đại đồng của họ.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khuyên mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi. Lời cầu nguyện đơn sơ này giúp các bạn trẻ biết giải thích ý Chúa trong cuộc sống, trao ban ủi an cho tâm trí người bệnh, và là thời điểm giúp củng cố tình yêu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 26.10.2016)