Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Gần đây, cha xứ của tôi loan báo rằng ngài sẽ đi nghỉ hè hai tuần lễ. Ngài cho biết các linh mục của các giáo xứ lân cận chỉ đến trong trường hợp khẩn cấp, tang lễ hay các nhu cầu khác. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không có một linh mục khách trong hai ngày Chúa Nhật mà cha vắng mặt. Thay vào đó, thầy phó tế của chúng tôi sẽ cử hành phần Phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ, từ Mình Thánh lưu giữ trong Nhà tạm. Không có các giáo xứ khác trong khu vực, nhà thờ gần nhất là xa khoảng 10-20 phút lái xe. Thưa cha, liệu việc tôi tham dự phần Phụng vụ Lời Chúa của phó tế tại giáo xứ có đáp ứng luật buộc dự lễ Chúa Nhật không? Hoặc tôi phải đi đến một giáo xứ lân cận, vì cũng là rất gần? –
Đáp: Tôi tin rằng có hai câu hỏi liên quan ở đây. Một câu liên quan đến luật buộc dự lễ Chúa Nhật cho cá nhân tín hữu, trong khi câu kia là quyết định mục vụ để tổ chức phần phụng vụ Rước lễ khi vắng linh mục.
Câu hỏi đầu tiên được giải quyết ở điều 1247 và 1248 trong Bộ Giáo Luật.
Điều 1247 nói “tín hữu buộc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và các lễ buộc”, trong khi số 1248.2 nói “Nếu không có tác viên thánh hay vì lý do quan trọng khác khiến cho việc tham dự Thánh Lễ không thể thực hiện được, thì phải hết sức khuyên nhủ giáo dân tham dự phụng vụ Lời Chúa, nếu được cử hành trong nhà thờ xứ hay tại một nơi thánh khác theo như chỉ thị của Giám Mục giáo phận”.
Ý nghĩa của giáo luật là rõ ràng. Việc tham dự Thánh Lễ là bắt buộc, ngoại trừ một “lý do quan trọng”. Việc sử dụng từ ngữ “lý do quan trọng” nêu ra rằng luật buộc là một lý do rất quan trọng. Đối với luật buộc nào có thể chấp nhận dễ dàng hơn cho trường hợp ngoại lệ, giáo luật thường sử dụng các từ ngữ khác, như “một lý do chính đáng”.
Một điều quan trọng cần nêu ra, đó là luật buộc phải tham dự Thánh lễ, chứ không buộc phải “tới nhà thờ”. Theo nguyên tắc giáo luật và luân lý “ad impossibilia nemo tenetur” (không ai buộc làm điều bất khả), khi có một sự bất khả khách quan, thì sự bắt buộc liên quan biến mất. Tuy nhiên, Giáo Hội khuyên chứ không bắt buộc người Công Giáo thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách khác nào đó, chẳng hạn tham dự một phụng vụ Lời Chúa và Rước lễ, xem một thánh lễ được truyền hình, hoặc cầu nguyện ở nhà.
Tuy nhiên, việc tham dự một phụng vụ Lời Chúa và Rước lễ không thay thế luật buộc của Chúa Nhật, mà trong thực tế là không còn tồn tại, khi việc tham dự Thánh Lễ là bất khả. Khi và chỉ khi sự bất khả này tồn tại, thì sự bắt buộc liên quan biến mất theo các nguyên tắc cổ điển của thần học luân lý.
Một sự bất khả khách quan không luôn cần một tình huống nghiêm trọng. Các thí dụ của sự bất khả khách quan có thể là cao niên, bệnh tật, sự cần thiết chăm sóc một người thân bị bệnh nặng, hoặc sự thay đổi thời tiết theo mùa làm cho việc rời khỏi nhà một việc nguy hiểm. Các người Công Giáo tham gia vào các ngành nghề ngày Chúa Nhật như cảnh sát, nhân viên y tế và tiếp viên hàng không cũng được miễn luật buộc do làm nhiệm vụ.
Không luôn dễ dàng để phán đoán điểu nào là khách quan, vì các điều kiện thay đổi từ người này đến người khác. Tuy nhiên, người Công Giáo không nên quá nhẹ trong việc đánh giá các khó khăn của mình, và nên sẵn sàng thực hiện các sự hy sinh hợp lý để tham dự Thánh Lễ.
Vì vậy, nếu một người Công Giáo có thể tham dự Thánh lễ tại một giáo xứ khác mà không có sự bất tiện lớn nào, thì trong lương tâm người ấy buộc phải làm như thế.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến quyết định mục vụ, khi một giáo xứ thực hiện phần Phụng vụ Lời Chúa và cho Rước lễ, thay vì có thánh lễ Chúa Nhật. Điều này sẽ được thực hiện, để cho phép các người Công Giáo nào, không thể tham dự Thánh Lễ ở nơi khác, làm theo khuyến nghị của Giáo Hội để thánh hóa Chúa Nhật bằng cách nào đó.
Năm 1988, Bộ Phụng Tự công bố Chỉ nam về các cử hành Chúa Nhật khi vắng linh mục Christi Ecclesia, để các Giám mục có thể cung cấp chính xác các qui định trong giáo phận của mình, nhằm làm cho các cử hành ấy trở nên cần thiết. Trong số điều kiện để tổ chức các cử hành Chúa Nhật khi vắng linh mục, có các điều sau đây:
“18. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào Thánh Lễ không được cử hành ngày Chúa Nhật, điều đầu tiên cần xác định chắc chắn là liệu các tín hữu có thể đi đến một nhà thờ gần đó để tham dự mầu nhiệm Thánh thể không. Vào lúc này, giải pháp này cần được khuyến khích và được duy trì vì nó có hiệu quả; nhưng nó đòi hỏi rằng các tín hữu, nhờ sự hiểu biết đầy đủ một cách đúng đắn về việc cộng đoàn qui tụ ngày Chúa Nhật, đáp trả với thiện chí cho một tình hình mới.
“19. Mục đích là rằng sự phong phú của Thánh Kinh và lời cầu nguyện của Giáo Hội được cung cấp rộng rãi cho các tín hữu tụ họp vào ngày Chúa Nhật trong nhiều cách khác nhau, ngay cả ngoài Thánh Lễ. Các tín hữu không nên bị tước các bài đọc được đọc trong Thánh Lễ trong suốt một năm, và cũng không bị tước các lời nguyện của các mùa phụng vụ.
“20. Trong số các hình thức của việc cử hành được tìm thấy trong truyền thống phụng vụ, khi Thánh Lễ không thể được cử hành, việc cử hành Lời Chúa được đề nghị đặc biệt, và được đầy đủ, khi có thể được, bằng việc Rước lễ. Bằng cách này, các tín hữu có thể được nuôi dưỡng bằng cả lời Chúa và Mình Chúa Kitô. “Nhờ việc nghe Lời Chúa, các tín hữu biết rằng các sự tuyệt vời mà lời Chúa rao truyền đạt đỉnh điểm của chúng trong mầu nhiệm vượt qua, trong đó Thánh Lễ là một sự tưởng niệm bí tích, và trong đó họ chia sẻ với việc rước lễ”. Hơn nữa, trong một số trường hợp, việc cử hành ngày Chúa Nhật có thể được kết hợp với việc cử hành một hoặc nhiều bí tích, và đặc biệt các á bí tích, và trong nhiều cách thức chúng là phù hợp với nhu cầu của mỗi cộng đoàn.
“21. Điều bắt buộc là các tín hữu được dạy để nhìn được tính cách thay thế của các cử hành này, vốn không nên được xem là giải pháp tối ưu cho các khó khăn mới, và cũng không phải là một sự đầu hàng cho sự thuần túy tiện lợi. Do đó, một sự tập hợp theo kiểu này không bao giờ có thể được tổ chức vào ngày Chúa Nhật, tại những nơi mà thánh lễ đã được cử hành, hoặc sẽ được cử hành hay được cử hành vào chiều tối thứ Bảy trước đó, ngay cả khi Thánh Lễ được cử hành bằng ngôn ngữ khác. Cũng là không đúng khi có hơn một lần tập hợp như thế vào bất kỳ Chúa Nhật nào.
“22. Phải cẩn thận tránh xa mọi hình thức lẫn lộn giữa những buổi họp cầu nguyện thuộc loại này với việc cử hành Thánh Thể. Các buổi họp cầu nguyện của loại hình này không nên bỏ đi, nhưng tốt hơn làm tăng sự ước muốn của các tín hữu tham gia vào việc cử hành Thánh lễ, và nên làm cho họ mong muốn nhiều hơn để hiện diện tại buổi cử hành Hy tế tạ ơn.
“23. Các tín hữu cần phải hiểu rằng Hy tế tạ ơn không thể diễn ra mà không có linh mục, và rằng việc Rước lễ, mà họ nhận lấy trong hình thức tập hợp ấy, kết nối chặt chẽ với hy tế Thánh Lễ. Trên cơ sở đó, các tín hữu nên được cho biết thật là cần thiết biết bao khi cầu nguyện xin Chúa “ban cho Giáo Hội có thêm nhiều linh mục và giữ các ngài trung thành trong tình yêu và sự phục vụ”.
“24. Giám mục giáo phận, sau khi lắng nghe hội đồng linh mục, có bổn phận quyết định liệu buổi họp cầu nguyện ngày Chúa Nhật mà không có cử hành Thánh lễ nên được tổ chức một cách thường xuyên trong giáo phận của ngài hay không. Ngài cũng có bổn phận, sau khi xem xét các địa điểm và người có liên quan, đặt ra các qui định chung và riêng cho các cử hành ấy. Do đó, các tập hợp này chỉ được thực hiện trong sự triệu tập của Giám mục và chỉ dưới thừa tác mục vụ của cha xứ.
“25. “Không một cộng đoàn Kitô-hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Phép Thánh Thể Chí Thánh”. Vì vậy, trước khi Giám mục quyết định về việc có sự tập hợp ngày Chúa Nhật mà không có cử hành bí tích Thánh Thể, điều sau đây ngoài tình trạng của giáo xứ (xem số 5 ) cần được xem xét: khả năng nhờ cậy đến các linh mục khác, ngay cả linh mục Dòng, vỉ các ngài không trực tiếp được giao việc chăm sóc các linh hồn, và cử hành nhiều Thánh lễ tại các giáo xứ và nhà thờ khác nhau. Sự ưu tiên của việc cử hành bí tích Thánh Thể, đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật, cần phải được tôn trọng hơn các hoạt động mục vụ khác.
“26. Hoặc chính bản thân hoặc thông qua các đại diện của mình, Giám mục, nhờ một huấn giáo thích hợp, sẽ dạy cho cộng đoàn giáo phận về các nguyên nhân đòi hỏi phải cung cấp các cử hành ấy, nêu ra sự nghiêm túc của vấn đề, yêu cầu sự hỗ trợ và hợp tác của cả cộng đoàn. Giám mục cần bổ nhiệm một đại biểu hoặc một ủy ban đặc biệt, để xem xét liệu cộng đoàn đã tiếp nhận sự dạy bảo cần thiết chưa. Nhưng sự quan tâm của Giám mục luôn là rằng trong một năm nhiều lần các tín hữu liên quan có cơ hội tham gia vào việc cử hành bí tích Thánh Thể.
“27. Nhiệm vụ của cha xứ là thông báo cho Giám mục về các dịp cử hành như thế trong lãnh thổ của ngài, để chuẩn bị cho các tín hữu đối với các dịp ấy, đến thăm họ trong tuần lễ, và tại một thời điểm thuận tiện, cử hành các bí tích cho họ, đặc biệt là bí tích sám hối. Bằng cách này, cộng đoàn liên quan sẽ nghĩ rằng sự tập hợp của họ trong ngày Chúa Nhật không phải là một cộng đoàn “không có linh mục”, nhưng là một cộng đoàn “vắng linh mục”, hoặc tốt hơn nữa, một cộng đoàn “mong chờ linh mục”.
“28. Khi Thánh Lễ không thể được cử hành, cha xứ phải bảo đảm rằng việc Rước lễ được thực hiện. Ngài cũng phải liệu xem để có cử hành Thánh lễ trong thời gian phải lẽ ở mỗi cộng đoàn. Các Mình Thánh cần được đổi mới thường xuyên và giữ ở một nơi an toàn.
“29. Là trợ lý chính cho các linh mục, các phó tế được mời gọi một cách đặc biệt để dẫn dắt các buổi họp cầu nguyện ngày Chúa Nhật. Bởi vì phó tế đã được truyền chức để nuôi dưỡng và gia tăng dân Chúa, phó tế có bổn phận hướng dẫn việc cầu nguyện, loan báo Tin Mừng, thuyết giảng lời Chúa, và cho Rước lễ…
“32. Khi vào một ngày Chúa Nhật, một buổi cử hành Lời Chúa và cho Rước lễ không thể diễn ra, các tín hữu được kêu gọi mạnh mẽ “dành một thời giờ phải chăng để cầu nguyện, cách riêng tư hay với gia đình, hoặc nếu thuận tiện, với cả liên gia”. Trong các trường hợp này, chương trình truyền hình của cử hành phụng vụ có thể cung cấp sự hỗ trợ hữu ích.
“33. Đặc biệt phải nhớ rằng khả năng cử hành một số phần của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chẳng hạn, Giờ Kinh Sáng hay Giờ Kinh Chiều, trong đó các bài đọc Chúa Nhật của năm hiện tại có thể được đưa thêm vào. Vì “khi người ta được mời tham dự Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và đến với nhau trong sự hiệp nhất của con tim và giọng đọc, họ chứng tỏ Giáo Hội trong việc cử hành mầu nhiệm của Chúa Kitô”. Vào cuối cuộc cử hành như thế, việc Rước lễ có thể được thực hiện (xem số 46).
“34. “Ân sủng của Đấng Cứu Chuộc là không thiếu cho từng tín hữu hoặc toàn bộ cộng đoàn tín hữu, mà do sự bách hại hoặc thiếu linh mục, họ bị tước đi việc cử hành bí tích Thánh Thể trong một thời gian ngắn hoặc thậm chí trong một thời gian dài. Họ có thể được chuyển biến bởi một mong muốn sâu sắc đối với bí tích, và được hiệp nhất trong lời cầu nguyện với toàn thể Giáo Hội. Sau đó, khi họ kêu cầu Chúa và nâng tâm hổn lên với Chúa, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ đi vào hiệp thông với Chúa Kitô và với Giáo Hội, thân thể sống động của Ngài … và do đó họ nhận được hoa trái của bí tích Thánh Thể”.
Trong ánh sáng của tài liệu này, các Giám mục và cha xứ phải cân nhắc các yếu tố trên một cách nghiêm túc.
Khi xét các điểm này, điều quan trọng là xem xét tình hình của những người ít có khả năng để tìm ra sự sắp xếp chọn lựa, như người nghèo, người bệnh tật và người cao tuổi, để họ không bị tước đi sự thuận tiện của ít là việc Rước lễ. Tuy nhiên, cũng có thể cung cấp một cơ hội để thực hiện và phát triển sự bác ái ở cấp giáo xứ, trong việc mời gọi các tín hữu tự nguyện chia sẻ trong việc vận chuyển người nghèo và người yếu kém đến dự Thánh lễ tại một giáo xứ khác.
Nếu điều này là không thể được, và có rất nhiều người không được Rước lễ, thì tốt nhất là sau đó nên xin phép Giám mục để cử hành buổi phụng vụ Rước lễ Chúa Nhật. Nhưng các tín hữu cần được thông báo rằng việc cử hành này chỉ dành cho các người không có sự chọn lựa phương tiện để di chuyển, khác, và rằng những ai có thể di chuyển được, nên đi dự Thánh lễ ở nơi gần nhất. Tất nhiên, một người Công Giáo, ngay cả người có ý niệm mơ hồ về ý nghĩa đầy đủ của Thánh Lễ, sẽ không bao giờ tự nguyện giải quyết cho một buổi phụng vụ Rước lễ.
Thiên Chúa không cần sự hiện diện của chúng ta trong Thánh Lễ, và chúng ta không tạo ân huệ nào cho Ngài khi chúng ta đi lễ. Nhưng chúng ta chắc chắn cần sự hiện diện của Ngài, và chúng ta là người hưởng lợi ân huệ của Ngài.
Vì vậy, thay vì đóng khung câu hỏi về luật buộc, việc tham dự Thánh lễ nên được xem như là sự chấp nhận yêu thương lời mời gọi của Chúa, để chia sẻ trong bữa tiệc hiến tế của Con Chúa. Do đó, nhiệm vụ của mục tử là làm cho các tín hữu có ước vọng sâu sắc để tham dự trọn vẹn vào khía cạnh này của thiên đàng trong mầu nhiệm cao cả nhất.
Cuối cùng, như Chỉ nam trên nhắc nhở chúng ta, điều quan trọng cần nhắc lại là rằng các việc cử hành ngày Chúa Nhật mà vắng linh mục, nên luôn được xem như là một ngoại lệ, và cung cấp một động lực và một dịp, để chúng ta cầu xin Chúa của các mùa gặt gửi thêm các thợ gặt mới. (Zenit.org 21-7-2015)
Nguyễn Trọng Đa