Ghi khắc tên nhà hảo tâm trên vật dụng phụng vụ được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Một thành viên của hiệp hội chúng con đã tặng cho hội một ngọn cờ với hình Chúa Kitô chiến thắng sống lại từ ngôi mộ. Bà này thích có lời đề tặng hay tưởng niệm người chồng quá cố của bà trên ngọn cờ ấy. Thưa cha, điều này là thích hợp không? – G. A., West Vancouver, British Columbia

 

Đáp: Trong khi hầu như không có qui định chính thức nào về lời đề tặng ghi trên các vật dụng phụng vụ và vật trang trí nhà thờ, có một truyền thống lâu đời và việc thực hiện như thế theo một cảm thức chung.

 

Có một tập tục lâu đời là ghi lời đề tặng trên các vật dụng phụng vụ như chén thánh và đĩa thánh. Một trong các thí dụ xưa nhất còn tồn tại là một chén thánh gọi là chén thánh Tassilo, vốn đã được trao tặng cho đan viện Biển Đức ở Kremsmünster năm 777, bởi công tước Tassilo miền Bavaria và phu nhân Luitpirga. Một thí dụ khác là chén thánh Bedia trong thế kỷ X được trao tặng bởi hoàng hậu xứ Georgia. Lời khắc, viết bằng chữ Georgia cổ, là: “Lạy Mẹ rất Thánh của Chúa, xin mẹ cầu cùng Con Mẹ dủ lòng thương xót với Bagrat, Vua xứ Abkhazia, và thân mẫu ngài là Hoàng thái hậu Gurandukht, người đã dâng tặng chén thánh này. Amen”.

 

Dòng chữ như thế, trừ các chức danh hoàng gia, là khá điển hình cho lời đề tặng trong nhiều thế kỷ, và nêu rõ tên của các người hiến tặng và xin cầu nguyện.

 

Các vật trang trí nhà thờ, vốn có ghi lời đề tặng, là các cửa sổ kính màu và ghế ngồi trong nhà thờ. Thường các vật này có một tấm bảng bằng đồng thau hoặc một vật liệu bền chắc ghi các câu, chẳng hạn “Để tôn vinh Thiên Chúa và tưởng nhớ N., do con cái người này trao tặng”. Các câu khác thường là đơn giản hơn, chỉ xin cầu nguyện cho một người hoặc một gia đình, và tên người hiến tặng. Các người hảo tâm khác chỉ ghi đơn giản: “Xin cầu nguyện cho nhà tài trợ”, phó thác sự nghỉ yên trong Chúa. Thỉnh thoảng có lời ghi phức tạp hơn, nhưng tập tục Công Giáo Rôma có xu hướng ngắn gọn trong loại hình lưu niệm này.

 

Trên cửa sổ kính màu, lời lưu niệm thường nằm ở một phần kín đáo của khung cửa sổ, vốn không làm mất tập trung vào sứ điệp tôn giáo của nhân vật hoặc cảnh trí miêu tả.

 

Lời lưu niệm đặt trên các vật làm bằng vải thì ít phổ biến hơn, có lẽ vì ý tưởng đằng sau lời lưu niệm như vậy là rằng vật lưu niệm phải bền bỉ với thời gian, trong khi các vật bằng vải, dù là vải tốt đến mấy chăng nữa, có xu hướng hư nhanh hơn do sử dụng nhiều. Nói như thế không có nghĩa là không có vật lưu niệm bằng vải. Thí dụ tu viện Anh giáo Westminster, London, có một số ngọn cờ rước kiệu được làm thật công phu, vốn có lời đề tặng kỷ niệm và đã tồn tại hơn một thế kỷ. Tôi chắc rằng có, nhưng tôi không nắm rõ, các thí dụ về các ngọn cờ rước kiệu Công Giáo được hiến tặng tương tự như vậy.

 

Do đó, để kết luận, trong khi vật lưu niệm bằng vải là không mấy phổ biến, tôi không tin rằng có bất cứ điều gì không phù hợp, khi ghi lời lưu niệm kín đáo trên ngọn cờ, nếu người hiến tặng muốn làm như vậy.

 

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 8-9-2015)