Ngày 12 tháng 2, Đức Phanxicô và Đức Thượng Phụ chính thống Kirill sẽ gặp nhau ở La Havana: một sự kiện lịch sử trọng đại, sử gia Jean-Baptiste Noé giải thích cho chúng tôi.
Từ vài ngày nay, đường phố Rôma đầy tin đồn: hy vọng sẽ có buổi gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và Đức Kirill trong chuyến đi Mêhicô sắp tới của Đức Giáo hoàng. Matxcơva cải chính nhưng không ai tin lời cải chính này. Ngày 5 tháng 2, lúc 12 giờ trưa, khi Văn phòng Báo chí Vatican triệu tập ký giả để loan báo một tin quan trọng, người ta hiểu ngay, Matxcơva phải thông qua Rôma. Cuộc gặp gỡ ngày 12 tháng 2 sắp tới ở La Havana là cuộc gặp gỡ lịch sử và cuộc gặp gỡ địa chính trị; một sự kiện lịch sử quan trọng chính yếu.
Công giáo và chính thống: Người La Mã và người Hy Lạp
Sự phân cách giữa người công giáo và người chính thống trước hết là sự phân cách văn hóa và chính trị. Đức tin có mặt ở đây là để có một sự biện minh về mặt thần học, mà từ nay nó không còn lý do chính đáng để có mặt. Vấn đề thần học đã được giải quyết, các tín hữu công giáo có thể rước lễ trong các thánh lễ chính thống với một vài điều kiện. Sự cắt đứt giữa Rôma và Constantinople trước hết là về mặt địa chính trị. Đó là sự cắt đứt giữa một phần Hy Lạp và một phần La Mã của Đế chế La Mã. Đó là sự cắt đứt giữa hai thủ đô Rôma và Byzance, họ đã chiến đấu trong bao nhiêu thế kỷ để khẳng định quyền trội hơn của mình. Chính hoàng đế Diocletian khi tạo ra Tứ Thủ Hiến (Tétrarchie) đã chính thức hóa sự cắt đứt về mặt chính trị và quản trị của Đế quốc giữa Tây phương và Đông phương. Khi kitô giáo phát triển thì nó đã thừa hưởng một tình trạng phức tạp, người Hy Lạp khinh người La Tinh, người La Tinh bị mặc cảm với các đại huynh văn hóa của mình, họ đau khổ chịu đựng. Tất cả công đồng đại kết của thiên niên kỷ thứ nhất đều được tổ chức ở Đông phương. Thần học kitô giáo được đào sâu ở Nixê, Antioche, Alexandria, Constantinople. Thánh Jérôme đến Giêrusalem để dịch Kinh Thánh ra tiếng la tinh, Thánh Âugutinô tiếc là đã không nói được tiếng Hy Lạp.
Ở Tây phương, Đế quốc bị biến mất và các thể chế bị giải thể. Ở Đông phương, Đế quốc La Mã vẫn tồn tại. Hoàng đế trị vì ở Constantinople là người thừa kế của các vua César. Charlemagne và các hoàng đế Đức ghen với người mang phẩm phục tía.
Vào điểm ngoặc của thế kỷ thứ 10, sự cắt đứt coi như đã xong nhưng nó vẫn còn dằng dai trong vài thế kỷ. Với sự sụp đổ của Constantinople năm 1453, thì khi đó Matxcơva lấy lại quyền thừa kế chính thống; có nghĩa là Rôma thứ ba.
Các bắt đầu của sự giải hòa
Phải đọc Taras Boulba của Gogol để hiểu tầm mức hận thù tồn tại giữa người công giáo và chính thống, nhất là ở vùng đất đông phương, nơi đức tin trùm lên các khác biệt của các chủng tộc. Ba Lan và Nga, Croatia và Serbia từ lâu đã xung đột nhau, bây giờ được làm sống lại với sự cắt đứt của người La Tinh và Hy Lạp, lại thêm tổn thương do sự cướp phá Constantinople bởi người Vénitiens năm 1204.
Chính Đức Lêô XIII (1878-1903) hiểu lợi ích của việc xích lại gần nhau giữa Rôma và Matxcơva. Ngài hiện đại hóa tầm nhìn địa chính trị của Tòa Thánh. Đầu tiên, ngài hiểu rằng thế kỷ này là thế kỷ của chủ nghĩa thực chứng và hận thù đức tin do cắt đứt không còn giữa người Hy Lạp và La Tinh, nhưng sự cắt đứt là giữa người bám vào Chúa và người chối bỏ sự hiện diện của Ngài. Chúng ta đang ở trọng tâm của các ván bài của tính hiện đại của thời buổi này. Giữa Rôma và Saint-Pétersbourg, các quan hệ ấm dần, Nga hoàng còn mời Giáo hoàng tham dự các buổi hội thảo quốc tế, điều mà nước Ý từ chối. Cuộc cách mạng Bônsêvich đã chận sự xích lại, và hy vọng được tái sinh vào năm 1991.
Đức Bênêđictô XVI đã làm việc tích cực để tái đoàn tụ hai lá phổi của Giáo hội. Ngài đã nhiều lần gặp Đức Kirill trước khi Đức Kirill lên làm Thượng Phụ Matxcơva, trong lễ tấn phong giáo hoàng của Đức Phanxicô, cánh tay mặt của Đức Kyrill có mặt ở Rôma. Đó đã là sự kiện có lần đầu tiên. Bức tường ảo Diocletian ngăn cách vương quyền giữa Phương Đông và Phương Tây đang sụp.
Cuba, trọng tâm địa chính trị của Tòa Thánh
Cuộc gặp gỡ ở Cuba không thiếu ngạc nhiên. Cần một nơi trung lập, Đức Giáo hoàng sẽ ngừng ở đó trước khi đến Mêhicô, và Đức Thượng phụ Kirill đang thăm Cuba. Người ta cũng có thể nghĩ sự trùng hợp của các chuyến đi này không phải do tình cờ.
Cuba là nơi chạm trán khủng khiếp giữa Kennedy và Khrouchtchev, nơi mà thế giới xém rơi vào cuộc chiến tranh nguyên tử. Cuba là một trong những nơi có cuộc cách mạng đẫm máu nhất của chủ nghĩa cộng sản, nơi nền chính trị ngoại giao của Tòa Thánh hoạt động suốt cả thế kỷ: Đức Gioan XXIII giải hòa nước Mỹ và Liên Xô, Đức Gioan-Phaolô II có chuyến đi lịch sử đầu tiên, Đức Bênêđictô XVI ngồi xuống để giải hòa và Đức Phanxicô làm giải tỏa cấm vận. Biến cố năm 2016 tại La Havana cũng sẽ quan trọng như biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. Raul Castro, người cha và nhân vật chính của một trong những cuộc cách mạng cộng sản đẫm máu nhất thế kỷ 20, bây giờ sẽ là nhân vật lớn cho cuộc cách mạng đại kết trong lịch sử. Và là nhà độc tài tàn bạo đã ăn năn hối cải sẽ đóng niêm cho cuộc gặp gỡ Đông phương và Tây phương chia cắt đã hơn 1000 năm nay. Đúng là một sự quay về của lịch sử! Miền đất cộng sản vô thần, hy vọng của các thế hệ 68, nhìn ở nhà cách mạng Che và nơi Castro như niềm hy vọng cứu chuộc của họ, thì bây giờ lại quay về đức tin và đón các vị đại diện của Chúa Kitô. Lúc mà có cơn khủng hoảng của các vụ bắn tên lửa, thì ai có thể hy vọng điều này sẽ xảy ra?
Đông phương đã thay đổi
Cuộc gặp gỡ giữa các Đỉnh cao sẽ làm thay đổi bộ mặt của Đông phương. Trong khi Âu Châu phương tây cắt đứt với Nga và không muốn xem Putin như đồng minh, thì sự giải hòa giữa Matxcơva và Rôma sẽ buộc các chính quyền xem lại chiến lược ngoại giao của họ, nếu họ có một tầm nhìn thực tế trong các quan hệ quốc tế. Cuối tháng 6 sẽ diễn ra ở Crète một công đồng của tất cả các Giáo hội chính thống. Đây là lần đầu tiên loại công đồng này được tổ chức. Sẽ có sự hiện diện của các thượng phụ Matxcơva và Constantinople. Chủ đề rôma sẽ là một trong các chủ đề trọng tâm của công đồng này. Sự sụp đổ của bức tường chia rẽ ở Cuba sẽ làm cho các ngọn gió lớn của Đông phương xoay chiều.
Jean-Baptiste Noé là sử gia, tác giả quyển Địa chính trị của Vatican, nhà xuất bản PUF, 2015.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch