Được phép làm Thánh Giá với hình Chúa Kitô Phục Sinh không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

resurrection.jpg  

Hỏi: Thưa cha, liệu có tài liệu nào nói rằng Thánh giá có thể có hình Chúa Kitô Phục sinh không? Nhiều trang web nói về khả năng này, nhưng không có trang nào trình bày các tài liệu cả. – H. Y., São Paulo, Brazil.

Đáp: Có rất ít trong các văn bản chính thức nói về điểm đặc biệt này, mặc dù có rất nhiều phong tục và truyền thống.

Các quy tắc cơ bản được tìm thấy trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma. Về Thánh giá bàn thờ, Qui chế nói:

“117. Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến. Ðàng khác, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có hình Chúa chịu nạn khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ.

“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.

Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.

“188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt thánh giá gần bàn thờ, để thành thánh giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh.

“308. Trên bàn thờ hay gần cạnh, phải có thánh giá có hình Chúa chịu nạn, mà giáo dân tập họp có thể thấy rõ. Thánh giá như thế sẽ gợi cho trí các giáo dân nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa, và được để thường xuyên gần bàn thờ ngay cả ngoài lúc cử hành phụng vụ.

“350. Trên hết, phải lưu tâm đến những gì có liên quan trực tiếp đến bàn thờ và cử hành Thánh Lễ, như thánh giá bàn thờ và thánh giá cầm khi rước kiệu” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã công bố một tài liệu về xây dựng nhà thờ và trang trí nội thất, mang tên “Built of Living Stones” (Dựng xây từ những viên đá sống động). Tài liệu trình bày các hướng dẫn, trong khi không phải là luật lệ, dựa trên luật và kinh nghiệm mục vụ. Về Thánh giá bàn thờ, tài liệu cho biết:

“91. Thánh giá có hình Chúa Kitô chịu đóng đinh là một lời nhắc nhở của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Nó lôi kéo chúng ta đi vào mầu nhiệm đau khổ và làm cho niềm tin của chúng tôi nên hữu hình rằng sự đau khổ của chúng ta khi kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô dẫn chúng ta đến sự cứu chuộc. Nên có một tượng Chịu nạn ‘được đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, và … được toàn cộng đoàn phụng vụ nhìn thấy’. Bởi vì một tượng Chịu nạn được đặt trên bàn thờ và khá lớn, cho toàn cộng đoàn phụng vụ nhìn thấy, cũng có thể gây cản trở tầm nhìn của các hành động diễn ra trên bàn thờ, các lựa chọn thay thế khác có thể là thích hợp hơn. Tượng Chịu nạn có thể treo phía trên bàn thờ hoặc gắn trên tường cung thánh. Một tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước, có kích thước vừa đủ, được đặt trong một nơi có thể được mọi người nhìn thấy sau cuộc rước, là một tùy chọn tốt. Nếu tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước được sử dụng cho mục đích này, kích thước và trọng lượng của tượng Chịu nạn không nên gây khó khăn cho người mang thánh giá trong cuộc rước. Nếu đã có một tượng Chịu nạn trong cung thánh, tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước được đặt ngoài tầm nhìn của cộng đoàn sau cuộc rước”.

Về các quy định trước Công Đồng chung Vatican II, chúng ta có thể trích dẫn cuốn sách “Ceremonies of the Roman Rite Described”, Nghi thức của Nghi Lễ Rôma được mô tả” của Fortescue-O’Connell-Reid:

“Trên bàn thờ có một Thánh giá – với hình Chúa Kitô chịu đóng đinh – đủ lớn để được nhìn thấy bởi chủ tế và cộng đoàn. Thánh giá đứng ở giữa các cây nến lớn, phần đế cao bằng cây nến, và toàn Thánh giá cao hơn nhiều. Nếu có nhà tạm, Thánh giá không đứng trước Nhà tạm. Thánh giá không nên đứng trên Nhà tạm, và cũng không đứng ở bệ dùng để đặt Minh Thánh Chúa khi chầu, mặc dù các sử dụng ấy được dung thứ”.

Một ghi chú nói thêm rằng, nếu ngay sau bàn thờ có một tấm ảnh lớn về việc Chúa chịu đóng đinh, ảnh này có thể được xem như là Thánh giá bàn thờ.

Cùng với các qui định này, thủ bản phụng vụ bằng tiếng Ý chi tiết hơn của Trimeloni nêu thêm rằng một Thánh giá nhỏ trên Nhà tạm hoặc ở chân một bức tượng là không đủ.

Tất cả các tài liệu này nói về việc sử dụng Thánh giá với hình Chúa Kitô chịu đóng đinh, chứ không Thánh giá với hình Chúa Kitô vinh hiển hoặc uy hùng. Đúng là hầu hết các mẫu thời ban đầu của Thánh giá có hình Chúa Kitô có y phục, thân thẳng đứng, với đôi mắt mở to và không có dấu hiệu của đau khổ. Các nhà sử học chứng thực rằng hình thức này trình bày một Chúa Kitô uy hùng “trị vì từ thập giá”, là do một sự miễn cưỡng ban đầu trong việc mô tả một Chúa Kitô trần truồng và đau khổ. Tuy nhiên, đó không là hình ảnh của Chúa Kitô phục sinh, mặc dù nó dựa vào trình thuật sự phục sinh của Chúa Kitô. Việc sử dụng Thánh giá trình bày Chúa Kitô đau khổ và không quần áo đã trở thành phổ biến sau thế kỷ X.

Trong khi một số dấu hiệu cho thấy việc sử dụng ban đầu của thánh giá trong phụng vụ, bằng chứng hiển nhiên là việc sử dụng thông thường Thánh giá với hình Chúa Kitô chịu đóng đinh, thường là Thánh giá dẫn đầu đoàn rước, từ sau thế kỷ XI, và việc sử dụng như một Thánh già bàn thờ cố định từ thế kỷ XIII – lâu sau khi việc trình bày Chúa Kitô đau khổ đã trở thành tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, các tài liệu trên có thể ngăn cản sự thay thế cây Thánh giá bằng việc trình bày Chúa Kitô phục sinh, vì chúng luôn nhắc đến sự hiện diện của một hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trong mỗi Thánh Lễ.

Có lẽ là không khó trong việc đặt một hình ảnh Chúa Kitô Phục sinh trong cung thánh trong Mùa Phục Sinh, như một việc nhắc nhở rõ ràng cho Mùa Phục sinh. Đồng thời, chúng ta phải nhớ rằng biểu tượng phụng vụ chính của sự Phục Sinh là cây nến Phục sinh.

Như tài liệu “Dựng xây từ những viên đá sống động” nhắc nhở chúng ta:

“94. Cây nến Phục sinh là biểu tượng của “ánh sáng của Chúa Kitô, chỗi dậy trong vinh quang,” xóa tan “bóng tối của tâm trí chúng ta”. Trên tất cả, cây nến Phục sinh phải là một cây nến chính cống, biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Các lựa chọn về kích thước, thiết kế và màu sắc của nến nên được thực hiện hài hòa với cung thánh, nơi đặt cây nến. Trong Đêm Vọng Phục Sinh và trong suốt mùa Phục Sinh, cây nến Phục sinh đứng gần giảng đài hay ở giữa cung thánh. Sau mùa Phục Sinh, nó được chuyển đến một vị trí danh dự gần giếng rửa tội để sử dụng trong việc cử hành bí tích Rửa tội. Trong lễ tang, cây nến phục sinh được đặt gần quan tài như là một dấu hiệu của việc vượt qua của Kitô hữu từ sự chết đến sự sống”.

 

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 3-5-2016)