Phải tránh kiểu ‘luân lý cứng ngắc’ và cả chủ trương lỏng lẻo lẫn khắc nghiệt. Phải đồng hành với tất cả mọi người, kể cả những người có tội, cho họ không gian để hoán cải, bởi ‘luân lý luôn là một hành động yêu thương, yêu Thiên Chúa, yêu người lân cận.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về gia đình trong buổi khai mạc Hội nghị của Giáo phận Roma tại vương cung thánh đường Gioan Lateranô. Trước hết ngài có bài diễn văn về những điểm trong 2 Hội đồng về Gia đình, rồi sau đó ngài trả lời ba câu hỏi.
Trả lời câu hỏi thứ nhất của một phụ nữ hỏi về ‘luân lý kép’ giữa chủ nghĩa khắc nghiệt và chủ nghĩa lỏng lẻo, Đức Phanxicô trả lời:
‘Nói không với chủ nghĩa khắc nghiệt và cả chủ nghĩa lỏng lẻo, Tin mừng chọn một đường lối khác. Chào đón, đồng hành, bao dung và nhận định …không có chuyện nhúng mũi vào đời sống luân lý của người khác. Hồng y Christoph Schönborn, một thần học gia lớn, đã nói về tông huấn Amoris Laetitia của cha về Gia đình, là ‘hoàn toàn đúng thần học Tôma, từ đầu đến cuối, là một giáo lý không thể bác được.’ Nhưng chúng ta thường muốn một giáo lý không thể bác được để có một sự chắc chắn kiểu toán học, một thứ không tồn tại.
Chúng ta hẳn biết những ví dụ trong Tin mừng, chuyện người phụ nữ ngoại tình, rồi chuyện người phụ nữ ở Samari, người có nhiều huân chương về ngoại tình, một phụ nữ rất nhiều huân chương đó (Đức Phanxicô đùa làm mọi người bật cười) Chúng ta hãy đến với Tin mừng, đến với Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là vì chuyện nhỏ mà bỏ chuyện lớn, không, mà là tìm kiếm sự thật, luân lý là luôn là một hành động yêu thương, yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận, luân lý là một hành động chừa chỗ cho sự hoán cải của người khác, chứ không phải là vội vã lên án.
Bậc tiền nhiệm của cha ở Buenos Aires, hồng y Juan Carlos Aramburu, từng khuyên cha rằng, khi cha khám phá ra linh mục của mình đang sống hai mặt, thì gọi linh mục ấy đến, nói chuyện rồi cho về nhà, bảo 15 ngày sau thì quay lại. Ban đầu linh mục ấy sẽ chối bay chối biến, rồi sau đó có thời gian để suy ngẫm, hối lỗi, thừa nhận tội của mình và xin giúp đỡ.
Người này mang tội trọng trong vòng 15 ngày, nhưng điều nào tốt hơn, hoặc giám mục rộng lượng cho linh mục đó 15 này để suy ngẫm hay áp dụng luân lý cứng ngắc? Ở trường đại học, một bạn học của cha đã trả lời trong một bài kiểm tra về môn xưng tội rằng: ‘Chuyện này chỉ có trong sách, chứ thực tế thì không.’ Nhưng đừng đem chuyện cha vừa nói thưa với hồng y Muller nhé.’
Trả lời câu hỏi thứ hai, về văn hóa thời nay, Đức Giáo hoàng nói:
‘Chủ nghĩa cá nhân là cái trục của nền văn hóa này, nó muôn hình muôn vẻ nhưng gốc rễ là từ sự ích kỷ. Nó nghĩa là, đừng đếm xỉa đến người khác, đến gia đình khác, và thậm chí có thể trở thành ‘sự nhẫn tâm trong mục vụ.’ Cha từng chứng kiến chuyện này ở một giáo phận khác gần Buenos Aires. Một vài cha xứ không muốn rửa tội cho con của những bà mẹ chưa đến tuổi trưởng thành, và đối xử với họ như thú vật.
Chủ nghĩa cá nhân cũng cùng đường với chủ nghĩa khoái lạc, cha chuẩn bị dùng một từ rất nặng, là ‘phúc lợi kinh tế đáng nguyền rủa’ thứ gây hại rất nhiều. Nước Ý ngày nay đang chứng kiến sự sụt giảm tỷ suất sinh, cha nghĩ là đang tỷ suất âm, chuyện này bắt nguồn từ văn hóa phúc lợi kinh tế từ 20 năm trước. Cha gặp nhiều gia đình thích có hai hay ba con mèo hay con chó, thay vì có con. Bởi có con là chuyện không dễ dàng gì, bạn trao sự sống cho một con người sẽ tự do khỏi bạn, trong khi con mèo con chó sẽ cho bạn tình cảm được lập định trước và chúng cũng không có tự do, nhưng con cái thì có tự do, nên chúng ta phải đối diện cuộc đời với nhiều nguy cơ mạo hiểm, và người ta sợ điều này.
Nhưng đôi khi, chúng ta sợ tự do, ngay cả trong chăm lo mục vụ, và nếu anh chị em theo kiểu mục vụ bàn tay sạch sẽ như của người Pharisiêu, nơi mọi thứ thật sạch sẽ, đúng trật tự, thì anh chị em sẽ không nhận ra được rằng bên ngoài môi trường này, có biết bao khốn khổ, biết bao đau đớn, nghèo đói, thiếu cơ hội để phát triển.
Chủ nghĩa cá nhân khoái lạc thì sợ tự do, nó là thứ đặt bẫy anh chị em, khóa anh chị em trong chiếc lồng không thể cất cánh bay. Không, không được như thế. Chúng ta cần phải mạo hiểm. Và cần phải có lòng ân cần. Đây là sự trìu mến của Thiên Chúa. Trong một hội đồng cha dự cách đây nhiều năm, có người đã gợi ý ‘cách mạng hóa sự trìu mến’ nhưng một vài linh mục lại nói là chuyện này có vẻ không đúng …nhưng ngày hôm nay, chúng ta có thể nói rằng thế giới đang thiếu sự trìu mến, chúng ta cần đem lại sự trìu mến không chỉ cho người bệnh mà còn cho người có tội.
Sự trìu mến là ngôn ngữ để nói với những người nhỏ nhất trong chúng ta, những người chẳng có gì, như trẻ em chẳng hạn. Cha thích nghe những người cha người mẹ trở nên trẻ nhỏ nói chuyện như trẻ con, đây chính là sự trìu mến, là hạ mình, đây là đường lối của Chúa Giêsu, Ngài không giữ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình và nói ngôn ngữ của chúng ta, dùng cử chỉ của chúng ta.’
Câu hỏi thứ ba là về việc chuẩn bị tiền hôn nhân, Đức Giáo hoàng trả lời:
‘Cha nhớ từng gọi điện cho một cậu bé ở Ý mà cha từng gặp, cậu ở Ciampino và đang chuẩn bị kết hôn. Cha gọi điện hỏi, mẹ con bảo là con sắp kết hôn? Và cậu trả lời, chúng con đang tìm một nhà thờ hợp với váy cưới của vợ con, và còn đủ mọi chuyện khác nữa, như quà cưới, tìm nhà hàng không quá xa. Vậy đâu là bận tâm của cặp vợ chồng tương lai này? Hôn nhân bị xem như một ‘sự kiện xã hội’ như vậy không được.
Nhưng về phần Giáo hội, không được đóng lại cánh cửa mà phải ‘kiên nhẫn’ tập trung vào việc chuẩn bị chu đáo cho các đôi bạn trẻ sắp kết hôn. Chuẩn bị cho hôn nhân phải có sự chặt chẽ, không sợ hãi gì, và làm từ từ. Có những thanh thiên thanh nữ trong sáng và yêu nhau vô cùng, nhưng không nhiều. Trong nền văn hóa thời nay, có nhiều người trẻ tốt, nhưng họ phải được hướng dẫn cho đến khi đủ trưởng thành. Hôn phối là bí tích cử hành với niềm vui. Cần phải kiên nhẫn nhiều, và không sợ hãi gì.’
Trong buổi nói chuyện, Đức Giáo hoàng nhiều lần khiến mọi người bật cười và vỗ tay. Ví dụ như, khi ngài nói về ‘mê tín’ ở vùng đông bắc Argentina, nơi các cặp vợ chồng bắt đầu bằng việc sinh con, rồi sau đó kết hôn theo thủ tục dân sự, và cuối cùng khi đã già, hai người mới làm phép hôn phối trong nhà thờ, họ nói rằng ‘lễ cưới trong nhà thờ làm cho các ông chồng sợ …không biết sợ chuyện gì nữa, chúng ta cũng phải chống lại kiểu mê tín này.’ Rồi còn chuyện phức tạp trong gia đình, chuyện ông bà gia …’Cha có nghe một chuyện thật đẹp …các bà hẳn sẽ thích chuyện này, là khi một bà nghe bác sỹ bảo mình đang mang thai con trai, thế là từ lúc đó, bà đã bắt đầu tập làm mẹ chồng rồi.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 18.06.2016/
Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi)