

Dẫn nhập
Xuyên suốt dòng lịch sử đã có biết bao vĩ nhân từng khai đạo yêu thương, Đức Phật: từ bi, Đức Khổng: nhân ái, Mặc tử: kiêm ái… và Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu ấy. Ngài đã hành động để đưa định nghĩa tình yêu bước ra từ thế giới trừu tượng và đi vào tâm khảm sống động của con người. Có như thế người ta mới cho phép tình yêu vượt ra ranh giới giao hoán hay vị kỷ.
Thiên Chúa sẽ giải nghĩa tình yêu cho mỗi chúng ta theo hoàn cảnh và điều kiện mà mỗi người có thể lãnh hội. Và tình yêu là hạt mầm mà Thiên Chúa đã phú bẩm trong mọi tâm hồn (ngay cả những kẻ tàn bạo nhất cũng có thể yếu lòng trước một đứa trẻ), cái mà Người hy vọng mãnh liệt nhất cho sự tồn tại của chúng ta. Tuy nhiên, tình yêu đó – tình yêu nguyên thủy mà Thiên Chúa đã phú bẩm phải là nền tảng trong tâm hồn, để mọi hành động luôn mang tính phổ quát và được sinh hoa kết trái ngọt ngào. Đây là một trong những thước đo giá trị luân lý của các hành vi như một luật của lương tâm. Luật vì Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa. “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Điều quan trọng là, tình yêu thường bị lãng quên như là gốc rễ bởi hành vi các hành vi bất nhân chống lại nó. Càng theo đuổi những thứ phù phiếm, lương tâm ta càng bị chai sạn và hao mòn khả năng yêu thương người khác. Và khi đã mất mối tương quan liên vị con người, thì tình yêu với Thiên Chúa cũng bị sụp đổ. Theo lời khuyên của Thánh Tôma: “Yêu Chúa thì tốt hơn là biết Ngài và biết các sự vật thì tốt hơn là yêu chúng”.
1. Về Thiên Chúa qua hạn từ Tình yêu
Tình yêu mà Chúa Giêsu mặc khải như một danh xưng còn đi xa hơn thế nữa. Khi định nghĩa Ngài là tình yêu thì tình yêu đó phải là tình yêu thuần túy siêu linh, tình yêu bao trùm mọi tình yêu bởi chính Ngài là Đấng linh thánh và cao cả. Vậy nên, khi đặt ngữ nghĩa tình yêu này vào khuôn hiểu biết về tình yêu của con người thì nó không còn phù hợp nữa, bởi tình yêu con người pha nhiều tạp chất cảm xúc.
Tình yêu con người cần được phản chiếu từ người khác, còn với Thiên Chúa thì không. Tình yêu con người luôn tồn tại cảm xúc đau khổ do đối tượng mình yêu gây ra nhưng Thiên Chúa thì đã trọn vẹn và đầy đủ. Tình yêu này không đóng khung trong philia, không phải tương quan qua lại như Aristote, hay không chiếm hữu nhục dục eros như của Freud, nhưng đó là một Agape, một tình yêu không phải cảm nhận tự nhiên thiếu thốn, trái lại là một cảm nhận tràn đầy của hữu thể. Thiên Chúa là hữu thể trọn vẹn nên tình yêu mà Ngài đồng hóa đó cũng phải hoàn hảo giống như Ngài. Chính vì thế, chúng ta cần loại bỏ ý niệm một tình yêu luôn thương xót và không có án phạt như ngôn từ diễn đạt về phẩm tính hoàn hảo của tình yêu con người.
Một khi cho hai loại tình yêu một ranh giới rạch ròi, ta có thể lờ mờ nhận ra những phẩm chất khác như công chính, từ tâm, khoan dung đều ẩn náu dưới tác động của tình yêu. Bởi vì khi ta nói Thiên Chúa là đấng công bằng, thì ta đang tách rời một thuộc tính trong số các thuộc tính của Ngài để áp dụng vào một bối cảnh cụ thể – thưởng và phạt. Khi ta tách rời sẽ dễ gây mâu thuẫn, bởi vì làm sao ta có thể hiểu được lúc này là một Thiên Chúa lân tuất, lúc khác lại là Thiên Chúa ghen tương. Vậy, tình yêu đại diện cho dung mạo Thiên Chúa đòi hỏi phải giải quyết rốt ráo vấn đề bao trùm mọi thuộc tính khác của Thiên Chúa.
Một vấn nạn mà tư tưởng hiện đại thường đặt ra, nếu Thiên Chúa thực sự là tình yêu, thì hỏa ngục không tồn tại.
Chúng ta thường nhìn địa ngục là cảnh giới răn đe những ai bất tuân lề luật. Thiên Chúa là Đấng công minh, Ngài lập ra luật và buộc chúng ta phải tuân giữ, nếu ta sai phạm sẽ bị Ngài trừng phạt. Dĩ nhiên điều đó trái lẽ, vì luật của Thiên Chúa không phải là để trừng phạt mà là hướng dẫn, tựa như giấy hướng dẫn sử dụng một dàn âm thanh, nếu ta không tuân theo chỉ dẫn sẽ gây ra hư hỏng, náo loạn, lộn xộn. Cũng vậy, khi con người chống lại luật của Thiên Chúa thì sẽ xảy ập đến những hậu họa khôn lường, khi đó không phải Thiên Chúa trách phạt chúng ta, nhưng chính lựa chọn sai lầm của ta (không theo hướng dẫn của Thiên Chúa) nên ta phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả đó. Khi con người tự tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa thì họ cũng tự mình phá vỡ sự an toàn trong vòng tay của Ngài.
Con người chênh vênh giữa bất lực chấp nhận bi đát của thực tại và ngầm oán trách khổ đau đến từ Thiên Chúa. Khởi đi từ ý niệm, hoặc Thiên Chúa không toàn năng hoặc Ngài không có Tình Yêu. Nhiều người thường oán trách Thiên Chúa lúc rơi vào cùng cực bi ai. Họ kêu khóc vì nghĩ rằng mình đã bị Thiên Chúa bỏ lại đàng sau và chỉ thấy cái lưng của Ngài. Tuy nhiên, Kierkegaard chỉ ra rằng: “Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất”. Thật vậy, sự vĩ đại của Thiên Chúa đảo ngược với sự yếu đuối của con người và tình yêu đó chảy tràn xuống trên phận người. Nghịch lý là thế giới ngày càng trở nên hỗn độn, họ lại kêu gọi tẩy chay Kinh thánh, vốn soi sáng nền tảng cho luân lý cho con người.
Dù sao đi nữa, “Tình yêu của Ngài là tình yêu không thoái lui trước bất cứ điều gì mà lẽ công bằng đòi buộc. Do đó, “vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Người Con vô tội thành tội nhân.” Nếu Ngài “làm thành tội nhân” chính Người Con không có bất cứ tội nào, điều đó cho thấy tình yêu luôn lớn hơn toàn thể thụ tạo, tình yêu là chính Ngài, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (Thông điệp Redemptor Hominis, số 9).
Vì vậy, sự trọn vẹn của Thiên Chúa không biến tình yêu của Ngài nên thừa thãi, hờ hững với con người. Đó là lý do để chúng ta không thất vọng, vì “Bạn không phải là một tổng thể từ những tội lỗi bạn đã phạm, nhưng là kết tụ của tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn” (Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II). Thiệt thòi lớn nhất của tội nhân là họ không tin mình được trong sạch một lần nữa. Chính vì thế niềm tin đó phải được chuyển hóa mãnh liệt và dứt khoát nơi Thiên Chúa, một tình yêu điên cuồng và thường hằng. Thiên Chúa không có nghĩa vụ phải yêu thương ta, nhưng chính ta phải tỏ ra đáng yêu để xứng với tình yêu của Ngài.
2. Con người thường tìm kiếm tình yêu trong hạnh phúc hữu hạn
Ý nghĩa thành ngữ Tảng đá của Sisyphus trong văn học thế giới ám chỉ một công việc nặng nhọc mà không biết bao giờ mới chấm dứt, không biết kết quả thế nào, và luôn lặp đi lặp lại đến độ chán ngấy. Người ta thường lao mình tìm kiếm tình bền vững trong cái hữu hạn. Và để đạt được nó, họ dành hết tâm huyết và cả tình yêu để đạt được, như B. Spinoza xác quyết: “Tất cả hạnh phúc hay bất hạnh chỉ phụ thuộc vào phẩm chất của đối tượng mà tình yêu gắn bó chúng ta vào đó”.
Trước khi tìm được hạnh phúc Tuyệt Đối, người ta nhận ra rằng, những thứ bấy lâu họ theo đuổi chỉ là ảo vọng, là nấc thang mà xã hội đặt ra. Cái chính yếu thường không dễ gì thấy được, còn những thứ tùy phụ lại làm cho con người rối ren và dễ lầm tưởng. Sự lầm tưởng này bắt đầu cho một cuộc truy đuổi ở phạm trù ta có lặp đi lặp lại trường kì. Bất cứ ai lao mình vào những mục tiêu ngắn hạn bằng những ước muốn cực đại, họ sẽ dành cho chúng một tình yêu chiếm hữu. Theo chiều hướng đó, người ta có nguy cơ bị trộn lẫn cái chính yếu và cái tùy phụ hoặc bị đánh đồng sự vật như một phần để xây dựng nhân cách. Cứ thế, họ đạt được và tiếp tục để đạt được cho đến khi nhận ra thành quả của cuộc tìm kiếm chỉ là cái đáng thất vọng so với thứ chưa đạt được.
Những cái có rồi cuối cùng cũng bị thời gian tước đoạt và thiêu đốt. Hàng ngàn năm sau, những đứa con tinh thần của Shakespeare, Hamlet, Goethe, Dante hay của tất cả các vĩ nhân khác sẽ bị vùi trong đáy sâu miền ký ức và chẳng còn ai thấy dấu vết họ từng tồn tại trên thế giới này nữa. Ta còn biết rằng, danh thơm lưu truyền thì vô cùng ít ỏi, mà số tên viết trên bong bóng nước thì lại quá nhiều. Ý thức của ta lao đi tìm kiếm hạnh phúc và lặp lại hạnh phúc chóng vánh tương tự, đôi lúc còn vội vã lướt qua cả những thực tại là nền tảng cho hạnh phúc vĩnh cửu sau này.
Thật vậy, trong suốt cả cuộc đời con người chỉ nhắm đến và luôn theo đuổi một nhân cách mà người ta tự tạo cho ra mình. Họ nhất định phải hoàn thành nhân cách đó, một thứ ngụy tín mà Sartre đã nói rất đúng. Vô hình trung ta tạo ra một chương trình tìm kiếm và lặp đi lặp lại không ngừng. Bi kịch của sự lặp lại bị cắt đứt cho đến khi người ta nhận ra cuộc sống bị lột trần bởi sắc màu buồn nôn, ù lì, nhầy nhụa. Họ bán rẻ sự hiện hữu của mình cho lối sống duy lý cực đoan và xuôi dần về phần mộ mà có không có lý do. Tuy nhiên, một số người khác lại chới với giữa cái chết và cái tồn tại nên đã sa lầy vào cách sống bi quan. Bởi lẽ khi người ta điên cuồng, lùng sục, chiếm đoạt bất cứ gì ở hiện tại mà không có Thiên Chúa hiện diện, nó chỉ là hạnh phúc chớp nhoáng và tình yêu đó mỏng manh như bọt bong bóng. Khi ta kết ước với Thiên Chúa, một đối tượng vĩnh cửu và vô tận, ta sẽ không bao giờ thất vọng, bởi tình yêu đó luôn tràn đầy nên vô thủy vô chung, và ngược lại, khi ta gắn kết với một đối tượng khả giác, nói theo ngôn ngữ của Montaigne là phận người xác đất vật hèn, đồng nghĩa với việc chúng ta đã sa vào tình yêu có nguy cơ rủi ro cao, bởi phẩm chất tình yêu của họ vốn có yếu tố sứt mẻ của loài thụ tạo.
3. Thủy chung trong tình yêu
Sự chung thủy được bắt đầu từ Thiên Chúa, Đấng đã tự mình mạc khải là một Thiên Chúa “trung tín với chính mình” và luôn giữ lời hứa mãi yêu thương con người. Đó là điều mà Người đã bày tỏ trong ngày tạo dựng và kéo dài xuyên suốt lịch sử cứu độ. Con người cũng được thôi thúc tham dự vào sự chung thủy trong hôn nhân như một vẻ đẹp từ thuộc tính vô thủy vô chung của Thiên Chúa.
Trong nền văn hóa phù phiếm hiện nay, ý niệm hôn nhân là mồ chôn của tình yêu vẫn còn tồn tại như một vết nứt của tư duy duy cấp tiến. Vì lẽ người ta nhận ra đầy rẫy những mối tình bạc như vôi, những hóa thân của Don Juan, của Theseus chỉ thỏa tình ong bướm rồi bỏ mặc cho hoa tàn nhụy rữa. Và họ không còn tin vào sự bền vững của tình yêu như Chu Nguyên Chương, công chúa Penelope, hay nàng Tô Thị. Lẫn đâu đó trong nhiều suy nghĩ của người trẻ hiện đại, họ đồng ý với Albert Camus: “sự lôi cuốn, hôn nhân, và sự chung thủy, trở thành những từ đồng nghĩa với sự trói buộc” và luận điệu biện hộ, tình yêu dù mặn nồng đến đâu cũng sẽ phải đối mặt với giai đoạn thoái trào. Tư tưởng này đã đẩy thuyền cho lối sống hưởng thụ khoảnh khắc hiện tại và dè dặt đứng trước cửa thềm hôn nhân.
Nhiều người thắc mắc: “Tại sao Chúa buộc những cặp đôi phải sống với nhau suốt đời, cho dù họ phải chịu đựng những giày vò, những cay đắng đến từ bạn đời? Tại sao Chúa và Giáo hội không giải thoát cho họ như một lựa chọn của tự do?” Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ, chắc chắn Người muốn con cái mình được hạnh phúc. Qua hôn nhân, Thiên Chúa cho thấy đó là một cam kết linh thiêng, chứ không phải là trải nghiệm. Khi người ta xem hôn nhân như một cuộc trải nghiệm hợp tan phụ thuộc vào thời gian, thì ngay từ đầu cả hai đã không xác tín sự bền vững của hôn nhân. Theo đó, mỗi người luôn sẽ thủ thế cho mình vì mập mờ nghĩ ly hôn sẽ có thể xảy ra vào một ngày nào đó. Suy nghĩ đó làm giảm cường độ vị tha, xả thân, tha thứ… và dễ dàng cho những những hạt sạn xen vào mối quan hệ của hai người. Và một ngày nào đó ly hôn sẽ như một hậu quả được báo trước theo suy nghĩ đó. Nhưng khi đã xác định hôn nhân là cùng đích, cả hai sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ, và họ cũng có thể vượt qua nhiều trở ngại dễ dàng.
Hôn nhân Công giáo là sự cam kết thiêng liêng bởi một hành vi nhân linh giữa người nam và người nữ trong tình yêu Chúa Ba Ngôi. Qua sự an bài của Thiên Chúa là Đấng tạo tác hôn nhân, cả hai tự hiến cho nhau bởi sợi dây liên kết thánh thiện chứ không do sở thích riêng của mỗi người. Từ phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội, Ngài sẽ phú bẩm lợi ích và mục tiêu khác cho đôi bạn (Gaudium et Spes số 48). Vậy nên, không phải văn tự pháp lý là nguyên nhân phát sinh hôn nhân nhưng tình yêu hôn nhân được khởi đầu từ Thiên Chúa. Tình yêu đó được quảng diễn là một huyền nhiệm như tình yêu của Chúa Kitô với Giáo hội (Ep 5, 32 và GLHTCG số 1617), khiến cho tình yêu tự nhiên bị lu mờ trước một vẻ đẹp thiêng liêng.
Thật thế, hôn nhân Kitô giáo không chỉ dừng lại ở hệ thống luân lý của con người nhưng còn cho thấy một niềm tin tưởng và hy vọng lớn lao giữa các mối tương quan dễ đổ vỡ ngày nay. Trong đó, hai người hướng toàn bộ ý thức về nhau bằng một sự đánh động mạnh mẽ và thúc bách nhất để mời gọi người phối ngẫu tin tưởng và khai sinh con người mới đang ngủ vùi nơi họ. Như thế, cả hai sẽ can đảm bước vào tương quan sâu đậm ngang qua mệnh lệnh gắn kết (Mt 9,16) để dám tỏ ra khiêm tốn, hiền lành, dịu dàng, đơn sơ trong việc tạo ra các giá trị hôn nhân. Họ tin vào sự trợ giúp của Chúa, cả hai sẽ chiến đấu cho món quà tình yêu mà Ngài đã ban cho họ, bằng ý chí, sự tận tâm, bổn phận và trách nhiệm mỗi người. Tất cả họ ủng hộ Kierkegaard, hủy bỏ hôn nhân là “hành động buông thả”, hèn nhát và phỉ báng hôn nhân.
4. Một vài suy tư cho hạnh phúc hôn nhân
Hôn nhân nào rồi cũng phải trải qua ít nhiều sương giá, bởi tình yêu con người mong manh như một cơn gió bụi. Schopenhauer cho rằng “Kết hôn có nghĩa là làm mọi thứ có thể để trở thành người đáng ghê tởm trong mắt người kia”, định nghĩa này chỉ thực sự trở thành bi kịch khi ta thất vọng và không chấp nhận người phối ngẫu như họ là. Ta cảm thấy bị lừa dối bởi tượng đài cao đẹp ngày xưa trong ký ức đã bị sụp đổ. Thay vì đáng ra ta phải biết: “yêu ai nghĩa là nhìn thấy nơi người ấy hình ảnh mà Thiên Chúa đã tiền định cho người đó” (Fyodor Dostoevsky). Thông thường, với những người mà ta tin chắc mình biết họ rất rõ, thì phần tốt nhất và đẹp nhất vẫn còn bí ẩn đối với chúng ta và điều đáng ngạc nhiên của họ vẫn chưa đến. Kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng đó là nét đặc trưng của lòng chung thủy. Tuy nhiên, khi không thể cứu vãn được tình yêu, ta thường giản lược người ta từng thương xuống chỉ còn một đặc điểm, đặc điểm đó thường là khuyết điểm .
So sánh hôn nhân của mình với kẻ khác là tội ác của hạnh phúc, là tạo cơ hội cho “hạt sạn” bất đồng xen giữa mối liên vị của hai người. Khi rạn vỡ thật khó để tìm lại cảm giác mặn nồng như thuở ta còn trong cơn say tình nhưng ta có thể cứu vãn tình yêu bằng một hy vọng của lòng chung tình. Một người chung tình là người có trái tim khép kín, quay lưng lại với thế giới, vì thế giới của họ là đối tượng mà họ hướng về.
Friedrich Nietzsche đã tiết lộ rằng: “Không phải sự thiếu thốn tình yêu, mà thiếu thốn tình bạn mới là nguyên nhân của những cuộc hôn nhân bất hạnh.” Tình yêu cần có khoảng cách, cần không gian riêng, như thế dù khi đã quá thân thuộc thì người này cũng cảm thấy mình được tôn trọng và bị cuốn hút bởi người kia. Như thế, sự lặp lại nhịp sống đơn điệu hằng ngày không làm họ quá chán nản, và khuyết điểm mà cả hai đã bộc lộ cũng không quá nặng nề hay gây mệt mỏi cho nhau. Đây là sự tự do trong ràng buộc mà nhiều người đã không nhận ra khiến họ sợ hãi không dám dấn thân vào hôn nhân.
Ai sống trong đặc sủng của bí tích hôn nhân thì tình yêu của họ sẽ được bén rễ trong tình yêu của Thiên Chúa. Họ sẽ được định hướng và không ngừng lớn lên nhờ thuộc tính trung tín của Người chảy tràn hôn nhân của họ. Vì lẽ “Tình yêu bao gồm toàn bộ cuộc hiện hữu, trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác đi được, vì lời hứa của tình yêu nhắm đến đích điểm rõ ràng: tình yêu nhắm vào sự vĩnh cửu.”
Một tình yêu chân chính là luôn khao khát về sự vô biên và vĩnh cửu, vì thế sự ràng buộc là món quà cho người mình thương. Ngược lại, nếu tình yêu không có tính chất cam kết đầy đủ thì đã phản bội lại cốt lõi của tình yêu. Ta cần giữ vững và bày tỏ cái ta là trung thực. Như thế mới biết tình yêu đích thực không còn là sự ủy mị, ướt át, nhưng là một sự chăm sóc ân cần chu đáo, đáp ứng nhu cầu người yêu mà không phải là chiều theo thứ hão huyền do bản ngã họ đặt ra.
Hạnh phúc không phải là điều ta mong mỏi truy tìm ở đâu xa, nhưng là điều ta phải nắm giữ, vì nó luôn ở trong tầm tay của ta. Nó rất gần gũi, không nhuốm màu của bất cứ sự suy xét nào, mà chỉ đơn giản tự chính ta nắm bắt và cảm nhận. Vậy nên điều kiện để sống hạnh phúc là không bị ràng buộc, dính líu đến những gì vượt quá khả năng của mình.
5. Tình yêu lặp lại của các đan sĩ
Có những sự kiện chỉ xuất hiện một lần cho mãi mãi, cũng có cảm xúc nỗi đau hay sự tức giận lặp lại, nếu không giải quyết sẽ dẫn đến dồn nén và tạo cơ hội bùng phát ở một thời điểm không ngờ. Cũng có những thứ lặp lại thường xuyên chỉ để sáng tạo, sản sinh cái mới mẻ, theo đuổi và bảo tồn một cùng đích, như cuộc sống của các đan sĩ trong đan viện.
Thật khó cho nhiều người nếu phải giải thích tại sao các đan sĩ lại chìm trong tĩnh lặng với thời gian biểu được chia đều cho việc cử hành thần vụ, nghiên cứu sách vở, lao động, sinh hoạt cá nhân, một sự lặp lại được đóng khung và tái diễn từ năm này qua năm khác mà không nhàm chán. Nhiều góc nhìn tinh tế, và không ít bộ óc đại tài như Nietzsche, Diderot, Voltaire nhìn vào đan sĩ: nếp sống hằng ngày của họ là kết quả của sự rập khuôn theo một thể chế tinh thần, hoạt động theo bầy đàn, xa lạ và vô nghĩa. Nếu đó quả thật là một cái nhìn thấu đáo và là những đòn phán xét mạnh mẽ thì sự tồn tại của các đan sĩ chỉ là rác rưởi của thế gian, là phế phẩm của thời đại. Điều này chỉ làm cho lời của Sartre thêm hiện thực: “sinh ra không lý do, kéo lê cuộc đời vì nhu nhược và chết do ngẫu nhiên”. Trong trạng huống đó, cuộc đời của đan sĩ thực sự là một bi kịch, bởi họ như những xác sống trong mồ chôn đan viện với một tá thời gian được sắp xếp đều đặn. Tất cả chấm dứt khi mà mọi thứ bên trong đan sĩ đã chết, dù bên ngoài vẫn xảy ra hàng loạt hành động, như thế sự hiện hữu lai rai của họ thừa mứa và vô cùng buồn chán. Tuy nhiên, mọi sự diễn ra đều có lý hữu của nó. Trước khi đi tìm lý do sống của các đan sĩ, ta sẽ nhận thấy về ý nghĩa một sự lặp lại khác cũng tương tự như thế, sự lặp lại trong tình yêu.
Một khung giờ hẹn hò nhất định, một nơi gặp gỡ cố hữu, một loại nước hoa được sử dụng riêng biệt là nét đặc biệt trong tình yêu nam nữ. Sự lặp đi lặp lại nhiều lần tạo nét đặc trưng trong thế giới riêng của hai người yêu nhau và góp phần thêm bề dày cảm xúc cho cuốn thiên tình sử của họ.
Đan sĩ cũng được lớn lên như thế trong mối tương quan với Thiên Chúa ngang qua những cuộc gặp gỡ hằng ngày với Ngài trong thần vụ, lao động hay sinh hoạt riêng tư. Họ tử đạo mỗi ngày với ý thức sâu xa về hành vi của mình trong bổn phận. Sự lặp lại của họ là một hiện chứng rõ rệt cho sự lặp lại của Thiên Chúa theo cách mà Victor Hugo diễn tả: “Ngài hiện hữu, hiện hữu, hiện hữu, hiện hữu một cách chồng chất”. Trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, ý niệm về Ngài trong mỗi đan sĩ được biến đổi theo cách “tình yêu của Ngài mỗi ngày một mới”. Sự lặp lại từ tình yêu hành vi hôm nay được rút ra từ hành vi hôm qua. Không như cách mà một người vô thần cười nhạo: “Chúa ư, Ngài cũng tiến hóa đấy”. Điều mà họ đã lầm lẫn vì chỉ có nhận thức về của con người về Ngài luôn “tiến hóa” chứ không phải Ngài thay đổi. Tình yêu Thiên Chúa luôn tròn đầy và căn cố trường tồn.
Nếu chúng ta hít vào thở ra liên tục để giữ sự sống, thì sự lặp lại của đan sĩ còn đi xa hơn thế, không chỉ để giữ lòng mến mà còn sáng tạo nên hạnh phúc ở giây phút hiện tại họ dâng hiến, vì “Tình yêu của sự lặp lại thực sự là thứ tình yêu duy nhất có thể hạnh phúc. Cũng giống như hồi tưởng, nó không có sự bồn chồn của hy vọng, sự phiêu lưu bất an của khám phá, mà cũng chẳng có cả sự buồn bã của hồi tưởng – thay vào đó nó có sự bình an đầy hạnh phúc của cái nhìn thoáng chốc”, Soren Kierkegaard. Đó là loại tình yêu trầm lặng mà các đan sĩ thể hiện. Loại tình yêu không được cắt nghĩa theo triết học hay trật tự logic thông thường, nhưng toát lên vẻ đẹp siêu nhiên trong chính môi trường thinh lặng, không vồn vã, không náo nhiệt, hay thất vọng theo cảm xúc. Đoạn câu sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian là một hình ảnh diễn tả cách thế hiện hữu của đan sĩ, nó đã khiến người ta khó hiểu thì càng khó hiểu hơn khi họ không biết sự trao đổi lạ lùng của tình yêu mà các đan sĩ dâng hiến là như thế nào. Dù thế, nhìn từ bên ngoài họ vẫn thấy một sự sống động ở hiện tại của đan sĩ, như việc nhìn cây bằng lăng xanh lá ta nhận ra nó còn sống dù không biết quá trình hoạt động trao đổi chất bên trong. Ít nhất, người ta còn có thể nhận ra các đan sĩ biết mình đang làm gì, theo đuổi lý tưởng nào và nỗ lực làm cho từng giây phút sống hiện tại thêm trọn vẹn như thể họ đang diễn tả cuộc sống mai sau cho người đời thấy. Còn nếu đan sĩ phớt lờ đi khoảnh khắc hiện tại là tội ác, theo dòng tư tưởng của Nietzsche, bởi việc đó đồng nghĩa với phủ nhận tồn tại của chính họ. Kiểu như, đan sĩ chỉ sống theo lịch trình lặp lại một cách vô thức, vì ngây thơ tin rằng nó có thể làm cho họ có phần thưởng đời sau.
Ở mặt tiêu cực, vẫn tồn tại một sự lặp lại trái ngược làm tư duy của đan sĩ mục ruỗng. Khi tâm của một đan sĩ luôn bị xáo trộn bởi nhiễu ảnh từ thế giới bên ngoài, họ sẽ mất thăng bằng trong việc đảm bảo ơn gọi của mình. Nếu họ cứ thường xuyên lặp lại những mơ tưởng về thực tại trần tục hơn là hiện tại mà mình đang sống, thì những mảnh vụn suy nghĩ đó sẽ sớm dệt thành một quan điểm bao biện và lúc lâm vào nội chiến anh sẽ dễ dàng phản bội lý tưởng thay vì chọn ở lại cộng đoàn. Những đan sĩ này cũng bắt đầu chán nản và thấy luật lệ như cái ách nặng nề, đồng thời muốn thoát ra khỏi đó để tìm kiếm cái gì đó mới mẻ hơn. Kết quả này giải thích cho việc ta lựa chọn giữa cái xấu và cái tốt mỗi ngày, mặc dù chỉ là những chọn lựa nhỏ nhặt thôi nhưng nó có sức ảnh hưởng rất lớn khi ta quyết định vào một thời điểm quan trọng. Từng chút một ta chọn lựa cái tốt thay vì cái xấu dù chúng nhỏ nhặt đến đâu, cứ theo chiều hướng đó lòng đạo đức của ta sẽ đi lên và lâu dần tạo thành một khuynh hướng chủ. Rồi đến lúc phải đưa ra quyết định cốt tử, ta sẽ ít gặp khó khăn trong việc chọn lựa giữa cái xấu và cái xấu hơn. Đó là kết tinh của sự cân nhắc lựa chọn từ trước đến nay mà ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần.
Kết luận
Trong yến hội, Aristophanes đã mạnh dạn đứng lên và dõng dạc tuyên bố: “Tình yêu là khao khát được trở nên hoàn thiện, là lòng theo đuổi cái toàn vẹn.” Chính xác là như vậy, tình yêu làm cho nhân vị được tròn đầy, là thứ làm cho con người trở về căn tính của mình, vì lẽ: “Nếu không có tình yêu, chúng ta đánh mất khả năng sở hữu một căn tính thích hợp, còn nếu có tình yêu tức là có sự xác nhận thường hằng về bản thể của chúng ta” (Alain de Botton). Nhờ sự phản ánh của nhau trong tình yêu mà người ta hiểu được người khác và cả chính mình. Với bản thân, “yêu là chạy trốn sự sa đọa của chính ta”, là lấp đầy những thứ bất trị của mình bằng cách dọi phóng lên một người lý tưởng. Với tha nhân, yêu là đi vào huyền nhiệm con người, là viết tiếp Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 145 (Tháng 01 & 02 năm 2025)
Để lại một phản hồi