|
Trong bộ môn thể dục dụng cụ, nữ lực sĩ Simone Biles thu gom huy chương và thêm một lần nữa, cô sáng chói ở Thế vận hội Rio, cô đem về hai huy chương vàng, một huy chương đồng. Cầm tràng chuỗi trong tay, giữa các kỳ thi đấu, cô tìm giờ để đi lễ.
Cô không phải là trường hợp duy nhất, các lực sĩ khác trước cô cũng để cho Chúa in dấu trên đời mình, và các trường hợp này không hiếm. Lực sĩ chạy bộ Jamaica Usain Bolt, một tài năng phi thường mà khoa học không hiểu nổi, anh xuất thân từ một gia đình công giáo. Anh mang tượng Thánh Catherine Labouré trong mình và tên riêng thứ nhì của anh là «Thánh Lêô», tên của Giáo hoàng Cả Lêô I. Các lực sĩ bơi lội Mỹ Michael Phelps và Katie Ledecky cũng được biết là những người có đức tin sâu đậm và đã trau dồi tinh thần cố gắng của mình trong các trường công giáo.
Các lực sĩ vì vinh quang của Chúa
Lực sĩ quần vợt Mỹ Michael Chang trở lại đạo lúc lên 15 tuổi, năm 1989, anh đã thắng giải Quốc tế Roland-Garros, Pháp khi anh mới 17 tuổi. Vào thời đó, anh đã tuyên bố: «Tôi cám ơn Chúa Giêsu Kitô, vì không có Ngài, tôi chẳng là gì. Tôi có thói quen cầu nguyện với gia đình… Chúng tôi cầu nguyện trước mỗi trận đấu. Chúng tôi không cầu nguyện để thắng giải… Chúng tôi cầu nguyện để tôi làm sáng danh Chúa, để Ngài cho chúng tôi sức mạnh và bình tâm và để tôi làm theo ý Chúa. Ngài dùng tôi để sáng danh Ngài».
Cédric Claessens, thể thao gia người Bỉ, say mê môn xe đạp ‘bay’ BMX, anh chơi môn thể thao này bán-nghề nghiệp. Anh gặp Chúa vào Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1991, anh cảm nhận niềm vui của các bạn trẻ chung quanh anh sâu đậm hơn là niềm vui trên bục thế vận. Bây giờ anh phục vụ cho Chúa Kitô khi anh trả lời «vâng» theo tiếng gọi chức thánh. Hiện nay anh là linh mục ở địa phận Namur.
Hai mươi lần thắng giải thế giới, hai mươi năm chỉ biết thể thao, nữ lực sĩ bộ môn trượt tuyết nhào lộn người Pháp Raphaelle Monod biết rành thế giới tranh giải bộ môn trượt tuyết. Sự trống rỗng càng ngày càng đào sâu trong đời sống của cô, trong kỳ Thế vận Albertville năm 1992, một sự mất thăng bằng đã làm cô không đoạt giải, một giải mà cô cầm chắc là được. Một tiếng nói vang lên từ trong lòng cô: «Không! Raphaelle, không phải con hôm nay!». Một kinh nghiệm đã làm thay đổi đời cô hoàn toàn: «Ngày hôm đó đã thật sự thay đổi cái nhìn của tôi về việc tranh giải. Tôi không còn thấy tranh giải như một cuộc chiến để đè bẹp người khác, nhưng là một kỷ luật để giúp tôi vưọt lên, nhờ tài năng của các đối thủ tôi, với lòng mong muốn chúc mừng nhau và cám ơn nhau.» Có thể cô được cảm nghiệm từ chiều sâu thiêng liêng của người bác của cô, nhà chiêm niệm thiên nhiên học nổi tiếng Théodore Monod…
Về phần mình, Ryan Hall, lực sĩ chạy bộ Mỹ nổi danh khẳng định: «Tôi chạy với tinh thần của tôi và với Thần Khí của Chúa có trong tôi.» Hay: «Là kitô hữu không có nghĩa là chết cho đam mê, cho ước muốn, cho niềm vui của mình. Ngược lại, đó là thúc đẩy mình làm tối đa. Đó là sống trọn cuộc sống và sống trọn vẹn với Chúa Kitô để được triển nở.»
Các kỳ thi Thế vận năm 2012 đặc biệt tác động đến lực sĩ Mỹ Jennifer Nichols. Mất tin tưởng và nghi ngờ sâu đậm về đức tin của mình… «Trong tất cả những chuyện này, Thiên Chúa cho thấy Ngài công chính và trung tín». «Mục đích của tôi là vinh danh Chúa. Đương nhiên tôi thích có huy chương thế vận. Nhưng rốt cùng, tôi muốn đến nơi mà Chúa hướng dẫn tôi đến để vinh danh Ngài.»
Bạn bè gọi anh là «người đáng kính»
Joel Abati là lực sĩ bóng ném nổi tiếng, từ mười bốn năm nay, anh ở trong Đội Xanh. Nổi tiếng về tinh thần chiến đấu trên sân và sự bình thản làm dịu tinh thần các bạn đồng đội, anh có đức tin sâu đậm, và đó đã là một yếu tố thiết yếu cho những người tuyển chọn anh. Không dùng để lôi kéo, anh dựa trên Sách Thánh để gặp Đấng Tạo Dựng của anh.
Tinh thần thế vận và Giáo hội
Người ta thường quên, nhưng lịch sử thế vận mang ơn rất nhiều một người của Giáo hội, cha đã hợp tác để tái xây dựng lại Thế vận hội hiện đại, Đó là Linh mục Henri Didon (1840-1900), người có rất nhiều tài năng. Ngài là tu sĩ Dòng Đa Minh, giảng hay và có năng khiếu thể thao. Là tuyên úy quân đội trong chiến tranh 1870, Linh mục Didon là hiệu trưởng và tu viện trưởng Trường Albert Thánh Cả ở Arcueil. Là người cổ động cho thể thao, linh mục đã tổ chức nhiều trận thi đấu thể thao.
Năm 1891, ông Pierre de Coubertin gặp linh mục Didon để xin cha hỗ trợ tổ chức các kỳ thi đấu giữa các cơ sở nhà tu và giáo dân. Nhân dịp này mà linh mục Didon đã có sáng kiến cho khẩu hiệu «Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, Citius, Altius, Fortius» mà sau này trở thành khẩu hiệu của Thế vận hội trong kỳ họp thế vận năm 1894.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 17.08.2016 /
Radio Vatican, 2016-08-16)