Trong bài diễn văn tại cuộc gặp, Đức Thánh Cha đã lưu ý giới chức chính quyền và xã hội dân sự, qua đó, đến mọi tầng lớp dân chúng, về “virus” tham nhũng đang làm suy yếu xã hội Pêru.
Trước đó, ngài nhấn mạnh chủ đề chuyến tông du của ngài đến Pêru là “Hiệp nhất nhờ Hy vọng”, đồng thời khẳng định: “Giáo hội Công giáo, vốn đồng hành với cuộc sống của đất nước này, đang dấn thân vào nỗ lực chung nhằm đưa Pêru tiếp tục là một miền đất của niềm hy vọng.
Sau đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa Quý vị trong Chính phủ và Ngoại giao đoàn; Quý vị đại diện xã hội dân sự; Quý Bà và Quý Ông, cùng tất cả quý vị,
Khi đến toà dinh thự lịch sử này, tôi cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho tôi cơ hội một lần nữa được đặt chân trên mảnh đất Pêru. Tôi muốn được gửi lời chào và cảm ơn đối với từng người nam nữ của đất nước này đã gìn giữ và làm phong phú kho tàng khôn ngoan của tiền nhân bao đời, và rõ ràng, đây là một trong những di sản chính yếu quý vị thừa hưởng.
Xin cảm ơn Ngài Tổng thống Pedro Pablo Kuczynsky đã mời tôi đến thăm đất nước Pêru, và đã thay lời nhân dân Pêru chào mừng tôi.
Chủ đề chuyến viếng thăm Pêru của tôi là: “Hiệp nhất nhờ Hy vọng”. Cho phép tôi được nói lên rằng: cứ nhìn mảnh đất này, sẽ thấy tự nó đã là lý do để hy vọng.
Một phần lãnh thổ của quý vị thuộc vùng Amazon mà sáng nay tôi đã đến thăm. Đây là rừng nhiệt đới lớn nhất và là hệ thống sông ngòi rộng nhất hành tinh. “Lá phổi” này, như người ta vẫn gọi, là một trong những vùng đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, vì là nơi có nhiều chủng loại sinh vật.
Quý vị lại phong phú đa dạng về văn hoá, ngày càng thêm gắn kết, tạo nên linh hồn của dân tộc này. Đó là linh hồn với những phẩm chất do tiền nhân để lại, như lòng hiếu khách, quý mến mọi người, tôn trọng và biết ơn đất mẹ, và tinh thần sáng tạo hướng đến cái mới. Hơn nữa còn là ý thức cùng nhau san sẻ trách nhiệm nhằm thăng tiến mọi người, cùng với tinh thần liên đới, tất cả đều từng được quý vị thể hiện khi phải giải quyết các tai hoạ.
Đến đây, tôi muốn đề cập tới giới trẻ. Họ là hồng ân của đất nước này. Với tinh thần năng động và hăng hái, giới trẻ hứa hẹn và thúc giục chúng ta mơ ước một tương lai tràn đầy hy vọng, một niềm hy vọng được sinh ra từ cuộc gặp gỡ giữa kho tàng khôn ngoan của tổ tiên và cái nhìn mới mẻ của tuổi trẻ.
Tôi còn vui mừng vì thực tế lịch sử cho thấy niềm hy vọng của đất nước này mang một gương mặt thánh thiện. Pêru đã sản sinh các vị thánh mở ra những con đường sống đức Tin cho toàn châu Mỹ. Chỉ cần nêu một vị là Thánh Martinô Porres, người con của hai nền văn hoá, cũng đủ cho thấy ta sẽ nên mạnh mẽ và phong phú nếu biết đặt trọng tâm vào tình yêu. Tôi có thể kể ra cả một danh sách dài những lý do, về vật chất và tinh thần, khiến chúng ta hy vọng. Pêru là mảnh đất hy vọng đang mời gọi và thách đố người dân của mình hãy hiệp nhất với nhau. Người dân của đất nước này có trách nhiệm giữ gìn sự hiệp nhất, nói chính xác là bảo vệ tất cả những lý do hy vọng này.
Tuy nhiên niềm hy vọng này bị một bóng tối đang dần phủ lên, một mối đe doạ đang xuất hiện. “Chưa bao giờ nhân loại có được sức mạnh như thế trên chính mình, và chẳng có gì bảo đảm rằng sức mạnh đó được sử dụng một cách khôn ngoan, nhất là nếu xem xét cách thức sử dụng sức mạnh đó hiện thời” (Thông điệp Laudato Si’, 104). Điều này thật hiển nhiên khi thấy cách chúng ta đang tước đoạt nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất vốn rất cần cho mọi hình thái sự sống. Việc biến mất các thảo nguyên và rừng rậm không chỉ là sự biến mất các chủng loại, vốn có thể sẽ là nguồn dự trữ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với mai sau, mà còn là sự biến mất những mối tương quan sống còn đưa đến sự thay đổi của toàn bộ hệ thống sinh thái (x. tlđd, 32).
Do đó, “hiệp nhất để bảo vệ niềm hy vọng” nghĩa là thúc đẩy và phát triển môi trường sinh thái toàn vẹn, thay cho “mô hình phát triển đã lỗi thời vốn chỉ làm con người, xã hội và môi trường bị xuống cấp” (Thông điệp Urbi et Orbi, Giáng sinh 2017). Điều này kêu gọi phải lắng nghe con người và dân chúng địa phương, thừa nhận và tôn trọng họ là những đối tác thật sự. Họ giữ mối liên kết trực tiếp với đất, biết rõ thời điểm và diễn tiến của đất đai mình, vì thế, biết được những hậu quả tai hại do biết bao dự án gây ra nhân danh sự phát triển. Hệ cấu trúc có ý nghĩa sống còn làm nên đất nước bị xáo trộn. Sự xuống cấp của môi trường, đáng buồn thay, không thể tách rời sự xuống cấp của những cộng đồng chúng ta. Chúng ta không thể coi đó là hai thực trạng tách rời nhau.
Ví dụ, việc khai thác khoáng sản thị trường chợ đen đã trở thành hiểm hoạ đang tàn phá cuộc sống người dân; rừng và sông ngòi cùng với tất cả tài nguyên của chúng đang bị hủy hoại. Quá trình xuống cấp này liên quan đến các tổ chức và thúc đẩy chúng hoạt động ngoài các cơ cấu pháp lý, làm băng hoại rất nhiều anh chị em chúng ta, đưa họ vào con đường buôn người (một hình thức nô lệ mới), làm việc bất hợp lệ và tội ác… và những tệ nạn khác ảnh hưởng đến phẩm giá của bản thân, đồng thời, phẩm giá của quốc gia.
Việc cùng nhau giữ niềm hy vọng đòi chúng ta phải lưu ý đến hình thức khác, vốn khó nhận ra, của môi trường bị xuống cấp đang ngày càng làm ô nhiễm toàn bộ hệ thống cuộc sống, đó là tham nhũng. Biết bao tệ nạn đang xảy đến với người dân châu Mỹ Latinh và những nền dân chủ tại châu lục này vì thứ “virus” xã hội này, một tình trạng đang nhiễm vào mọi thứ, khiến người nghèo và đất mẹ chịu tác hại nhiều nhất. Tất cả những gì người ta có thể làm để chống lại thảm hoạ xã hội này cần được chúng ta lưu tâm và giúp đỡ… Đây là một trận chiến cần có sự tham gia của tất cả chúng ta. “Hiệp nhất để bảo vệ niềm hy vọng” đòi phải có một nền văn hoá minh bạch hơn nữa nơi mọi thực thể xã hội, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Ở đây tôi không loại trừ các tổ chức của Giáo hội. Không ai có thể đứng ngoài tiến trình này. Có thể ngăn chặn được tham nhũng và mọi người đều được mời gọi tham gia vào việc ngăn chặn ấy.
Tôi mong mỏi và đề nghị tất cả những ai đang giữ những vị trí trong chính quyền, trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy chú tâm vào tiến trình này để mang lại cho người dân và đất nước quý vị sự an toàn, cảm thấy Pêru là nơi mang lại niềm hy vọng và cơ hội cho mọi người, chứ không phải cho một thiểu số. Như vậy, mọi người Pêru có thể cảm thấy Pêru là đất nước của mình, chứ không phải của ai khác, thấy nơi đây mình có thể kết mối dây thân ái và bình đẳng với mọi người chung quanh, và giúp mọi người đang túng thiếu. Một đất nước họ có thể nhận ra tương lai của mình, Và như thế biến Pêru thành một nơi “mọi dòng máu” đều có chỗ (José María Arguedas, Todas las sangres, Buenos Aires, 1964), là miền đất “cuộc sống đầy hứa hẹn của người Pêru” (Jorge Basadre, La promesa de la vida Pêruana, Lima, 1958) trở thành hiện thực.
Tôi muốn nhắc lại với quý vị: Giáo hội Công giáo, vốn đồng hành với cuộc sống của đất nước này, đang dấn thân vào nỗ lực chung nhằm đưa Pêru tiếp tục là một miền đất của niềm hy vọng.
Xin Thánh Rosa Lima chuyển cầu cho từng người trong quý vị và cho quốc gia được Chúa chúc phúc này.
Một lần nữa, xin cảm ơn quý vị.
(Nguồn: WHĐ – Theo Libreria Editrice Vaticana)