VATICAN. ĐTC khuyến khích các công nhân Công Giáo hoạt động liêm chính, có tinh thần chia sẻ và làm chứng tá về sự siêng năng.
Lập trường trên đây được ngài trình bày trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy, 16-1-2015, dành cho 7 ngàn thành viên phong trào Công nhân Công Giáo. Đi từ chứng từ của hai đại diện công nhân được trình bày trong cuộc gặp gỡ, ĐTC rút ra 3 điều:
– Trước tiên ngài cổ võ việc huấn luyện các công nhân theo tinh thần một thuyết nhân bản mới về lao công, trong đó con người chứ không phải lợi nhuận được đặt ở vị trí trung tâm, nghĩa là kinh tế phục vụ cho con người, chứ không phải con người phục vụ cho kinh tế. Một khía cạnh khác trong việc giáo dục là giúp công nhân đừng chiều theo sự lường gạt của những người chủ trương rằng lao công, sự dấn thân hằng ngày, sự hiến thân và việc học hỏi là những điều không có giá trị… Ngày nay cần cấp thiết huấn luyện để công nhân viên theo đuổi con đường liêm chính sáng ngời và đòi nhiều cố gắng, tránh đi đường tắt để tiến thân bằng những ân hỏa hoặc sự tiến cử đề bạt nhau. Những cám dỗ lớn nhỏ như thế luôn hiện hữu: đó là những thứ mua bán luân lý, không xứng đáng với con người và chúng tạo nên tình trạng bất hợp pháp, làm cho con người và xã hội hư vọng. Sự bất hợp pháp giống như một con bạch tuộc, người ta không thấy, nó ẩn nấp, nhưng những tua của nó tóm bắt và làm ô nhiễm.
– Điều thứ hai ĐTC nhấn mạnh là tinh thần chia sẻ. Lao công phải liên kết con người với nhau, chứ không được làm cho họ xa cách, khép kín đối với nhau. Ngài nói: ”Làm việc với nhau bao nhiêu giờ trong ngày, đó là cơ hội để chia sẻ cuộc sống thường nhật, quan tâm tới nhau, và đón nhận sự hiện diện của người khác nhưu một hồng ân và trách nhiệm.”
– Sau cùng là làm chứng tá ngay trong công việc làm, vượt thắng sự lười biếng. Thánh Phaolô đã cảnh giác: ”Ai không làm việc thì cũng đừng ăn” (2 Ts 3,10).
ĐTC nhận xét rằng ngày nay có những người muốn làm việc, nhưng không có việc.. “Anh chị em gặp bao nhiêu người trẻ không có công ăn việc làm, họ là những người bị loại trừ trong thời đại chúng ta ngày nay, và bị tước mất phẩm giá. Công lý nhân trần đòi làm sao để mọi người có công ăn việc làm. Cả lòng từ bi thương xót của Chúa cũng gọi hỏi chúng ta.. Đứng trước những người gặp khó khăn hoặc ở trong tình cảnh cơ cực, những bài giảng không ích gì, trái lại cần thông truyền hy vọng, an ủi bằng sự hiện diện, nâng đỡ bằng những trợ giúp cụ thể.
Trước khi ĐTC tiến vào đại thính đường Phaolô 6 để tiếp kiến, các công nhân đã tụ họp tại đây để sinh hoạt và chia sẻ, cũng như nghe chứng từ của nhiều người, trong đó có cả ĐHY Sepe, TGM giáo phận Napoli, nam Italia, Đức Thượng phụ Fouad Twal từ Jerusalem (SD 16-1-2016)
G. Trần Đức Anh OP