Đức Thánh Cha: Sự kỳ thị đối với người khuyết tật là rất “xấu”

Không một cá nhân người nào giá trị hơn người khác, đặc biệt khi đó là những người bị thiểu năng, Đức Thánh Cha nói hôm thứ Bảy, nhấn mạnh rằng những người này có một sự phong phú cách riêng, và ngài nói rằng sự kỳ thị đối xử với họ là “một trong những điều xấu xa nhất” chúng ta có thể làm.

PopeFrancis-11Jun2016-01.jpg

Khi một phụ nữ trẻ 25 tuổi tên Serena, ngồi trong xe lăn hỏi rằng tại sao một số người khuyết tật không thể Chịu Mình Thánh Chúa hay đi lễ như những thành viên khác trong giáo xứ, Đức Thánh Cha nói rằng câu hỏi đã đụng chạm đến một trong những điều xấu xa nhất của chúng ta: sự kỳ thị đối xử. Nó là một điều rất xấu.”

Khi nói rằng “anh không giống tôi, anh ra đằng kia” hay nói rằng ai đó không được học giáo lý vì “giáo xứ này chỉ dành cho những người bình thường giống nhau, không bị dị biệt,” thì đó là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Đức Phanxico, nói ứng khẩu rằng nếu một linh mục làm điều này với bất kỳ một ai đó, linh mục đó phải “hoán cải”, vì tính đa dạng không có nghĩa là một ai đó “có đủ 5 giác quan hoạt động ổn định thì tốt hơn một người bị mù hay bị điếc. Không, điều đó hoàn toàn không đúng.”

“Tất cả chúng ta đều có cùng khả năng để phát triển, để tiến bước, để mến yêu Thiên Chúa, để  làm những việc tốt lành, để hiểu giáo lý Ki-tô. Tất cả chúng ta đều có cùng khả năng lãnh nhận các bí tích.”

Ngài nói, quả thật cần có sự chuẩn bị tốt khi một người muốn rước Mình Thánh Chúa, nhưng phải có một cách nào đó phù hợp cho những người bị thiểu năng có thể rước Mình Thánh Chúa và cũng được chuẩn bị như bất cứ ai khác.

Ví dụ, nếu một người bị điếc, cần phải tạo ra “cơ hội trong giáo xứ để chuẩn bị cho người đó bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều này rất quan trọng.”

Đức Thánh Cha Phanxico nói với mấy trăm người khuyết tật và những người chăm sóc họ hôm 11 tháng 6, đây là một phần của hội nghị được tổ chức bởi Phòng Giảng dạy Giáo lý cho Người Thiểu năng thuộc Văn phòng Giảng huấn Quốc Gia của Ý nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.

Hội nghị có chủ đề “… và các ngươi sẽ luôn mãi ngồi ăn cùng bàn với ta!” diễn ra cùng lúc với Năm thánh Cho Bệnh nhân và Người khuyết tật từ 10-12 tháng 6, và đây là phần mở rộng của Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Phanxico nói với những người tham dự rằng nếu một thế giới trong đó mọi người đều giống nhau “thì chán lắm,” và sự đa dạng là một ân ban. Ngài bỏ văn bản đã được chuẩn bị sẵn sang một bên, và nói dí dỏm “chắc tất cả chúng ta đều biết, đọc văn bản soạn sẵn chán lắm, phải không?”

Sau đó ngài lấy 3 câu hỏi từ những người ngồi trong nhóm khán giả. Câu thứ nhất của một phụ nữ tên Lavinia, chị nói về sự sợ hãi thường có khi phải hỗ trợ những người thiểu năng.

Trong phần trả lời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “tất cả chúng ta đều khác biệt. Chẳng ai giống ai,” và rằng sự sợ hãi khi gặp một người khác biệt với chúng ta vì sự gặp gỡ đó tạo cho chúng ta một cơ hội thử thách.

“Nó là một sự thử thách. Nó sẽ thoải mái hơn nếu chỉ ở yên vị, nếu bỏ qua tính đa dạng và giả vờ rằng chúng ta đều như nhau,” ngài nói, và nhấn mạnh rằng mọi thử thách đều đem lại một vài trạng thái sợ sệt nào đó, nhưng đa dạng “là một sự phong phú,” vì mỗi người đều có thể cho đi một cái gì đó cho người khác.

“Tôi có cái này, bạn có cái khác, vậy chung vào với nhau chúng ta có cái gì đó to lớn hơn và đẹp hơn. Đây là cách để chúng ta cùng tiến bước.”

Đức Phanxico thừa nhận rằng có một số khác biệt giữa các cá nhân có những nguyên nhân đau đớn do bệnh tật, nhưng chúng cũng góp phần làm phong phú thêm, vì chúng thách thức chúng ta và giúp chúng ta vượt qua được những nỗi sợ hãi.

Ngài nói, “Chúng ta đừng bao giờ e sợ tính đa dạng,” ngài giải thích rằng để có thể để cho điều này diễn ra, chúng ta phải học cách nối kết với những điểm chung chúng ta cùng có. Ngài nói, một cử chỉ cụ thể để chúng ta có thể bắt đầu theo cách này là “đưa bàn tay ra.”

“Khi tôi đưa bàn tay tôi ra, tôi đưa ra cái chung mà tôi có và anh cũng có. Nếu một người đưa bàn tay ra một cách chân thành, tôi đưa cho anh bàn tay của tôi có và anh đưa cho tôi bàn tay của anh có.”

Đức Thánh Cha Phanxico cũng chọn 1 câu hỏi của 1 linh mục, cha Luigi, ngài chịu trách nhiệm giảng dạy giáo lý trong 1 giáo xứ ở phía nam Roma, về cách dạy cho các cộng đoàn giáo xứ cách chào đón và lắng nghe mọi người đến với giáo xứ.

Trong câu trả lời, Ngài Phanxico nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chào đón tất cả mọi người, không ngoại trừ ai. Nếu một linh mục không làm điều này, “Đức Thánh Cha cho lời khuyên như thế nào?” ngài đặt câu hỏi, rồi ngài cho biết câu trả lời sẽ là “Làm ơn đóng tất cả mọi cánh cửa của giáo xứ – hoặc là tất cả mọi người, hoặc là không ai cả!”

Ngài nói, vai trò của linh mục, được hỗ trợ bởi giáo dân và các giáo lý viên, là phải bảo đảm rằng tất cả  mọi người hiểu rõ đức tin, hiểu được sự yêu thương, và cách để cùng đồng hành, ngay cả giữa những khác biệt.

Ngài cũng nhấn mạnh sự quan trọng của điều mà ngài gọi là “mục vụ của đôi tai,” nghĩa là phải lắng nghe. Trong khi Giáo hội làm được rất nhiều điều tốt đẹp trong công tác mục vụ của mình, thì đây là điều mà mọi người, đặc biệt là các linh mục, “phải làm nhiều hơn nữa.”

Cho dù các câu chuyện nghe có vẻ hơi cũ, nhưng những câu chuyện đó không được kể bởi cùng một người, ngài nói, và thêm rằng “Thiên Chúa ở trong tâm hồn mỗi người, và anh chị em phải có kiên nhẫn để lắng nghe, để chào đón và để lắng nghe mọi người.”

Trong câu trả lời cho câu hỏi thứ ba của Serena, Đức Thánh Cha lưu ý về những cách mà người khuyết tật thường bị phân biệt đối xử, thậm chí bằng “những từ ngữ khó nghe,” và ngài nhấn mạnh rằng điều này không được xảy ra.

Đức Phanxico nói, một số linh mục xứ đạo có thể nói rằng họ từ chối giảng dạy giáo lý hay những thông tin cần thiết chuẩn bị cho những người khuyết tật trước khi đón nhận các bí tích vì những người đó không thể hiểu được, đây không phải là lý do.

“Mỗi chúng ta có một cách hiểu vấn đề khác nhau … nhưng mỗi chúng ta đều có khả năng biết Chúa,” ngài  nói, và dẫn chứng về quyết định của Thánh Pio X năm 1910 cho phép các trẻ em 7 tuổi được Rước Lễ lần đầu.

“Rất nhiều người cảm thấy bị xúc phạm” vì quyết định này, họ nói rằng trẻ em không thể hiểu được sự màu nhiệm của bí tích, Đức Phanxico nhận xét. Tuy nhiên, Thánh Pio X “đã làm một điều khác thường, một sự cân bằng, vì ngài biết rằng trẻ em hiểu theo một cách khác.”

Mỗi người đều có một sự phong phú riêng của mình khác với của người khác, ngài nói, nhưng ngài lưu ý rằng trong thánh lễ và các bí tích, mọi người đều bình đẳng nhau vì tất cả chúng ta đều có Chúa Ki-tô và tất cả chúng ta đều có chung một người mẹ, Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha Phanxico sau đó cảm ơn những người có mặt vì họ đã đến tham dự, và xin họ cầu nguyện. Ngài xướng và đọc kinh Kính mừng với nhóm người trước khi dành nhiều phút chào hỏi người cao tuổi và người khuyết tật ở những hàng ghế đầu trong khán phòng.

PopeFrancis-11Jun2016-02.jpg

PopeFrancis-11Jun2016-03.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-04.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-05.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-06.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-07.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-08.jpg
 PopeFrancis-11Jun2016-09.jpg
PopeFrancis-11Jun2016-10.jpg

[Nguồn: catholicnewsagency]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/06/2016]