“Tôi hiểu, dù đang ở đây, nhưng trái tim anh chị em vẫn đập theo nhịp của đất nước, không chỉ rung lên vì yêu mến mà còn thổn thức trước nỗi thống khổ do chiến tranh và những khó khăn kinh tế mang lại”, Đức Thánh Cha nói.
“Tôi đến đây để nói với anh chị em tôi luôn ở bên anh chị em: bằng trái tim, bằng cầu nguyện, khi dâng Thánh lễ. Tôi cầu xin cho niềm hy vọng đừng bao giờ bị dập tắt trong trái tim mỗi người, nhưng được can đảm bước tới phía trước, luôn luôn bắt đầu lại, đổi mới”.
Nhà thờ Thánh Sophia, cũng là một Vương cung thánh đường, được xây dựng năm 1963, và được Chân phước Phaolô VI cung hiến vào năm 1969. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm giáo xứ này, sau vị thứ hai là Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984.
Ngôi thánh đường được thiết kế theo kiểu kiến trúc thánh đường Ukraina thời trung cổ. Đây là nhà thờ của 14.000 giáo dân Ukraina đang sinh sống tại Giáo phận Roma.
Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina là Giáo hội lớn nhất trong số các Giáo hội Công giáo Đông phương thuộc quy chế sui iuris (có thẩm quyền tự trị), hiệp thông trọn vẹn với Roma.
Tuần qua, Đức cha Sviatoslav Shevchuk, Tổng giám mục Cả của Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nói với EWTN (Mạng lưới Truyền hình Công giáo Hoa Kỳ) rằng cộng đoàn Thánh Sophia rất vui mừng được đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm.
“Ngày nay sự hiện diện của người Ukraina chúng tôi tại Italia có một ý nghĩa rất quan trọng’, Đức Tổng giám mục nói. “Tất nhiên, tại ngôi Vương cung thánh đường này, chúng tôi có một cộng đoàn Ukraina rất sống động. Vì thế, Đức giáo hoàng đang đến thăm dân của ngài”.
Đức Tổng giám mục cũng nhắc lại sứ vụ bác ái của Đức giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu tại Ukraina hai năm trước đây. Tòa Thánh đã viện trợ 5 triệu euro giúp những người đang lâm cảnh khó khăn tại đất nước Ukraina.
“Đức Thánh Cha là tiếng nói của chúng tôi, ngài là người che chở, là người đồng hành với chúng tôi trong lúc này, tôi muốn nói đến giai đoạn rất bi thương và khó khăn này trong lịch sử của chúng tôi”, Đức Tổng giám mục Shevchuk nói.
Trong chuyến viếng thăm lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chăm chú nghe bài phát biểu của Đức Tổng giám mục Shevchuk, trước khi ngài ngỏ lời với cộng đoàn Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina hiện diện trong nhà thờ, cũng như đang theo dõi qua các màn ảnh truyền hình đặt bên ngoài nhà thờ.
“Cùng với các cộng đoàn Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina khắp thế giới, anh chị em đã diễn tả một cách rõ rệt kế hoạch mục vụ của mình trong một câu: Giáo xứ sống động là nơi gặp gỡ Đức Kitô hằng sống”, Đức giáo hoàng nói.
Từ đó, ngài muốn chú ý đặc biệt đến hai từ: gặp gỡ và hằng sống.
Đức Thánh Cha giải thích: Giáo hội là nơi gặp gỡ, nơi giúp vượt thắng cám dỗ sống lẻ loi và tách biệt, nơi “chia sẻ niềm vui và khốn khó, cưu mang những gánh nặng cõi lòng, những phiền muộn trong cuộc sống và nỗi nhớ quê hương”.
Từ thứ hai là ‘hằng sống’. Chúa Giêsu là Đấng hằng sống, Đức Thánh Cha nói. “Chúa trỗi dậy và đang sống, nhờ đó chúng ta gặp Người trong Giáo hội, trong cử hành Phụng vụ, trong Lời Chúa. Chỉ như vậy, mỗi người trong các cộng đoàn của Chúa mới có thể cảm nhận được hương vị cuộc sống”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích giới trẻ hãy tham gia đời sống giáo xứ: “Các con cần phải tham dự vào đời sống Giáo hội”.
Ngài đã ứng khẩu nói về tầm quan trọng của những người mẹ, người bà trong việc thông truyền đức Tin, đồng thời ca ngợi sự mạnh mẽ dũng cảm của họ: “Phụ nữ Ukraina thật anh hùng”.
Sau bài huấn từ, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước mộ của Đức cha Stefan Czmil, vốn là vị thừa sai tại Argentina, và Đức Thánh Cha hồi còn nhỏ đã từng thụ huấn với ngài.
“Tôi đã được học nơi ngài về vẻ đẹp phụng vụ của anh chị em”, Đức Thánh Cha nói: “Từ những câu chuyện ngài kể, tôi lĩnh hội chứng từ sống động về đức Tin đã được tôi luyện qua thử thách thời bách hại vô thần khủng khiếp trong thế kỷ vừa qua”.
Đức Thánh Cha cũng đã đến viếng mộ Đức hồng y Josip Slipyi, người lãnh trách nhiệm gây quỹ xây dựng ngôi vương cung thánh đường tại Roma sau 18 năm sống trong các nhà tù Xô-viết tại Siberia và Mordovia.
Đức Thánh Cha nói: “Đức hồng y Slipyi đã mong muốn và đã xây ngôi Vương cung thánh đường nguy nga này để trở thành một dấu chỉ tiên tri, chiếu tỏa ánh quang tự do trong những năm tháng nhiều nhà thờ bị ngăn chặn không thể đến được”.
“Nhưng ngài đã dâng lên Chúa những đau khổ, xin Chúa giúp ngài xây một đền thờ khác, thậm chí còn nguy nga, lộng lẫy hơn, một công trình xây dựng bằng những viên đá sống động, chính là tất cả anh chị em”.
Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến Đức hồng y Lubomyr Husar, vị Tổng giám mục Cả của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina cho đến khi về hưu năm 2011 vì sức khỏe. Ngài qua đời ngày 31 tháng Năm 2017, thọ 84 tuổi, và được mai táng trong hầm mộ Nhà thờ Chính tòa Thượng phụ tại Kiev.
Đức hồng y Lubomyr Husar “không những là người cha và thủ lãnh của Giáo hội anh chị em, mà còn là người hướng dẫn và người anh của nhiều người”, Đức Thánh Cha nói.
Tất cả ba vị thuộc “số các chứng nhân trong quá khứ” này, Đức Thánh Cha nói tiếp: “đều mở lòng đón tương lai của Thiên Chúa, và vì thế, mang lại niềm hy vọng cho hiện tại. Nhiều người trong anh chị em có lẽ đã may mắn được biết các vị ấy”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Khi anh chị em bước qua ngưỡng cửa đền thờ này, xin hãy nhớ đến những người cha, người mẹ trong đức Tin, vì các ngài là nền tảng dẫn dắt chúng ta: các ngài chính là những người lấy cuộc đời mình dạy chúng ta về Tin Mừng, các ngài vẫn đang định hướng và đồng hành cùng chúng ta trong hành trình cuộc sống”.
(Nguồn: CNA)