Trò chuyện với các nhà đào tạo của chủng viện Milano nhân kỷ niệm 150 năm ra đời của tạp chí Trường học Công giáo, Đức Thánh Cha mời gọi họ suy tư về ba khía cạnh của thần học: phục vụ đức tin sống động của Giáo hội, đào tạo các chuyên gia về lòng nhân đạo và gần gũi, và phục vụ loan báo Tin Mừng.
Thần học giúp cho đức tin sống động của Giáo hội
Trước hết, Đức Thánh Cha lưu ý rằng nhiều người nghĩ rằng thần học cần thiết để đào tạo các linh mục tương lai, các tu sĩ nam nữ và, nếu có, các nhân viên mục vụ và giáo viên tôn giáo, nhưng không nhận thấy rằng thần học quan trọng trong việc giúp cho đức tin sống động của Giáo hội.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng đôi khi các bài giảng hay các bài giáo lý quá “luân lý” nhưng thiếu “thần học”, “nghĩa là chúng không thể nói với chúng ta về Chúa và trả lời các câu hỏi về ý nghĩa đi kèm với cuộc sống của con người, và thường là không có can đảm để diễn tả một cách cởi mở.”
Thần học soi sáng hành trình cuộc sống
Một trong những căn bệnh lớn nhất của thời đại chúng ta là mất đi ý nghĩa. Do đó, theo Đức Thánh Cha, ngày nay hơn bao giờ hết, thần học có trách nhiệm lớn lao trong việc khơi dậy và hướng dẫn nghiên cứu, soi sáng hành trình.
Chúng ta hãy luôn tự hỏi mình làm thế nào để có thể truyền đạt các chân lý đức tin ngày nay, trước những thay đổi về ngôn ngữ, xã hội, văn hóa, và sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại nhưng không bao giờ làm suy giảm, làm suy yếu hoặc “ảo hóa” nội dung được truyền tải. Cần ghi nhớ mối liên hệ giữa đức tin và cuộc sống.
Thần học đào tạo những chuyên gia đầy tình người và gần gũi
Điểm thứ hai Đức Thánh Cha chia sẻ là thần học có thể đào tạo những chuyên gia đầy tình người và gần gũi. Mỗi con người là một huyền nhiệm với lịch sử gia đình, cá nhân, thiêng liêng của riêng họ. Cần xem xét ơn gọi của họ cách toàn diện. Tiến trình đào tạo nhắm đào tạo các linh mục và tu sĩ trưởng thành, nhân bản và gần gũi chứ không phải là các chức sắc thánh.
Thần học phục vụ loan báo Tin Mừng
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò của thần học đối với việc loan báo Tin Mừng, điều không phải là chiêu dụ tín đồ nhưng là thu hút đến với Chúa Kitô, giúp gặp gỡ Người và biến đổi cuộc sống, mang lại hạnh phúc và là dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “giảng dạy và nghiên cứu thần học có nghĩa là sống ở nơi mà Tin Mừng đáp ứng nhu cầu thực sự của dân chúng.” “Cả Giáo hội và thế giới đều không cần một nền thần học ‘bàn giấy’, nhưng là một suy tư có khả năng đồng hành với các tiến trình văn hóa và xã hội, đặc biệt là những chuyển đổi khó khăn, và trách nhiệm giải quyết những xung đột.”(CSR_2555_2022)
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi