
“Dựa trên trình thuật Tin Mừng về “Người thanh niên giàu có”, Đức Thánh Cha cho thấy những gì đang ngăn cản khiến chúng ta chưa đạt được hạnh phúc.”
Dù đang dần bình phục, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa trực tiếp hiện diện tại các buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư. Tuy nhiên, như những tuần trước, Vatican vẫn công bố bài suy niệm của ngài.
Ngày 9 tháng 4 năm 2025, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài suy niệm về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, và cách các cuộc gặp gỡ ấy khơi dậy niềm hy vọng nơi con người.
Tuần này, ngài mời gọi chiêm niệm về cuộc gặp giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có – một nhân vật đã được lưu truyền trong truyền thống Kitô giáo – để từ đó suy ngẫm về hạnh phúc đích thực, tình yêu nhưng không, và cả căn bệnh cô đơn đang lan rộng trong thế giới hôm nay.
Không ai hạnh phúc chỉ vì sống đúng lề luật
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có. Theo Tin Mừng Máccô, người này đã tuân giữ các điều răn từ thời niên thiếu, nhưng vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó. Anh vẫn đang kiếm tìm – có thể là chưa đủ dứt khoát, dù bề ngoài xem ra đạo hạnh.
Thật vậy, vượt lên trên những việc ta làm hay những thành tựu đạt được, điều làm nên hạnh phúc chính là điều ta mang trong lòng. Một con tàu, dù hiện đại và lộng lẫy đến đâu, cũng không thể ra khơi nếu còn bị neo lại nơi bến cảng. Người thanh niên ấy cũng vậy – như một con tàu sang trọng chưa thể khởi hành.
Ánh mắt yêu thương của Chúa
Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, anh chạy đến, quỳ xuống và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Mc 10,17). Hãy để ý đến những động từ: làm gì – để có – sự sống đời đời. Dù đã tuân giữ lề luật, anh vẫn không cảm thấy bình an. Chính vì thế, anh tìm đến Thầy Giêsu.
Anh chưa hiểu được ngôn ngữ của tình yêu nhưng không. Với anh, mọi thứ đều cần được “đổi lấy”. Sự sống đời đời dường như chỉ là phần thưởng cho người tuân giữ giới răn. Nhưng nếu mọi sự chỉ dựa trên trao đổi, thì còn chỗ nào cho tình yêu?
Tình yêu không dựa trên công trạng
Chúa Giêsu không dừng lại ở vẻ bề ngoài. Dù người thanh niên đưa ra một “bản lý lịch” đẹp, Ngài vẫn nhìn sâu vào lòng anh. Thánh Máccô viết: “Người nhìn anh ta” (c.21). Chính ánh nhìn ấy cho phép Chúa thấy được sự thật nơi cõi lòng con người.
Ngài thấy gì? Cũng như nơi mỗi người chúng ta, Ngài thấy sự mong manh và nỗi khao khát được yêu thương đúng với con người thật của mình.
“Người nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21). Trước khi mời gọi bước theo, Chúa đã yêu anh – yêu chính con người hiện tại của anh. Tình yêu ấy hoàn toàn nhưng không, trái ngược với kiểu sống dựa trên công trạng mà anh vẫn quen thuộc.
Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi nhận ra mình được yêu thương như thế – bằng một tình yêu nhưng không, được trao ban như một hồng ân. Điều này cũng đúng trong các mối tương quan: nếu ta cố “mua” tình yêu hay tìm kiếm sự chú ý, ta sẽ không bao giờ thật sự được yêu, và cũng không thể hạnh phúc.
Chỉ tình yêu mới gọi đúng tên ta
Chúa Giêsu mời người thanh niên ấy thay đổi cách sống và cách tương quan với Thiên Chúa. Như tất cả chúng ta, anh vẫn còn thiếu một điều, đó là khát vọng được yêu thương. Một “vết thương” nằm sâu trong phận người, và chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành.
Để được chữa lành, không phải là tìm thêm hay nắm giữ điều gì, mà là “bán đi” những gì khiến lòng ta trở nên nặng nề. Không còn tích trữ, nhưng là trao ban – sống vì người khác.
Sau cùng, Chúa Giêsu mời anh bước vào một tương quan. Bởi chỉ trong tương quan, con người mới thật sự được gọi tên. Nếu sống một mình, ta sẽ không bao giờ nghe thấy tên mình được một người yêu thương thốt lên, và sẽ mãi là “một người nào đó”, vô danh giữa đời.
Ngày nay, trong một thế giới đậm tính cá nhân và đề cao sự tự túc, biết bao người đang sống trong bất hạnh, vì không còn nghe thấy tên mình được một người yêu thương gọi lên cách nhưng không.
Hy vọng vẫn còn, cho ai dám nhổ neo
Người thanh niên ấy đã không đón nhận lời mời gọi. Anh tiếp tục sống một mình, vì gánh nặng của cải giữ chặt anh lại. Nỗi buồn trên gương mặt anh là dấu hiệu cho thấy: anh chưa sẵn sàng rời bến.
Nhiều khi, điều ta tưởng là của cải, lại chính là gánh nặng khiến ta không thể lên đường. Nhưng vẫn còn hy vọng rằng: người thanh niên ấy, và cả mỗi người chúng ta, một ngày nào đó sẽ thay đổi và dám nhổ neo ra khơi.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy phó thác nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu tất cả những ai đang do dự, đang buồn bã, đang sống trong cô đơn, để họ cảm nhận được ánh mắt đầy yêu thương của Chúa, Đấng luôn nhìn sâu vào cõi lòng ta bằng một ánh nhìn đầy xót thương.
Tác giả: Kathleen N. Hattrup
Xuân Đại lược dịch từ Aleteia.org
Để lại một phản hồi