Đức Thánh Cha nói chuyện với sinh viên đại học Sophia, Nhật

VATICAN. Sáng ngày 18-12-2017, ĐTC Phanxicô đã nói chuyện viễn liên Video với các sinh viên Đại học Sophia ở thủ đô Nhật Bản.

PopeFrancis-19Dec2017-02.jpg

Đại Học Sophia của dòng Tên, được thành lập năm 1913 tại thủ đô Tokio và hiện có 11 ngàn sinh viên thuộc 8 phân khoa với tổng cộng 27 ban khác nhau. Số nhân viên các cấp của Đại học là 1 ngàn người.

 Trong cuộc nói chuyện với khoảng 100 sinh viên và trả lời 8 câu hỏi họ nêu lên, ĐTC cho biết làm Giáo Hoàng ngài có rất nhiều niềm vui, nhất là khi có thể được tiếp xúc với dân chúng, đặc biệt là các trẻ em, người già và bệnh nhân. Việc tiếp xúc này giúp đỡ ngài rất nhiều vì làm cho ngài trẻ trung, hạnh phúc và vui tươi hơn.

 Đáp một câu hỏi khác về giáo dục, đặc biệt là thứ giáo dục nhắm kiến tạo một xã hội cạnh tranh, ĐTC nói đến những nguy cơ của chủ trương chỉ nhắm đến công danh sự nghiệp. ”Nền giáo dục như thế thay vì làm cho bạn tăng trưởng thì lại làm cho bạn bị thu nhỏ, phục vụ cho chủ trương tùy thuộc công trạng. Công trạng là điều quan trọng, nhưng khi các bạn đặt công trạng ở trung tâm mọi sự, thì nó trở thành một xã hội phục vụ cho công trạng, trong đó nhiều khi người ta đi tới những điều rất xấu xa. Một nền giáo dục không nhắm phục vụ tha nhân, thì nó sẽ đi tới chỗ thất bại”.

 ĐTC cũng bày tỏ quan tâm nhiều khi thấy những ngừơi trẻ đánh mất căn cội, không còn nhớ văn hóa, lịch sử, những căn cội gia đình và con người của mình. Trong chiều hướng này ngài khuyến khích các bạn trẻ đối thoại với người già, tìm lại ký ức tức là những căn cội của mình.

 Trong cuộc đối thoại, ĐTC cũng nhắc đến tầm quan trọng của tôn giáo và nói rằng ”tôn giáo không phải là một điều người ta bịa ra như một vở tuồng, nhưng nảy sinh từ ước muốn nơi tâm hồn con người, ước muốn vượt lên trên bản thân và trong cuộc tìm cách vượt lên trên chính mình, con người tìm được tuyệt đối là Thiên Chúa. Theo ĐTC, ”mỗi tôn giáo làm cho bạn tăng trưởng. Nếu chúng ta thấy một người nói mình có tôn giáo mà không tăng trưởng, không phục vụ tha nhân, thì người ấy không phải là người có tôn giáo, nhưng là ngừơi thờ thần tượng. Họ tìm lợi lộc trong lãnh vực tôn giáo.. Tôn giáo là cho bạn tăng trưởng, và những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại là những người có tôn giáo.”

 ĐTC cũng nhận xét rằng ”trong mỗi tôn giáo đều có một nhóm nhỏ cực đoan không đáp ứng lý tưởng tôn giáo và tình trạng này đưa tới những hành động khủng bố”.

 Trả lời một câu hỏi khác về môi trường và nghèo đói, ĐTC nói rằng ”Ngày nay nhân loại đứng trước một chọn lựa bắt buộc, đó là coi trọng môi trường, nếu không muốn đi tới sự hủy diệt nhân loại”.

 Ngài kể là đã tiếp kiến tại Vatican một số vị quốc trưởng ở Châu Đại Dương, các vị ấy nói với ngài về thảm họa một số hải đảo sẽ biến mất trong vòng 20 năm tới đây vì mực nước biển dâng cao, do sự hâm nóng trái đất. ĐTC nói: ”Chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm và chăm sóc trái đất chúng ta”. Ngài cũng đề cập đến nạn phá rừng ở vùng Amazzonia hoặc các vùng rừng bao la khác như dưỡng khí của trái đất. Nạn phá rừng tạo nên một sự chênh lệch to lớn. ĐTC tố giác những kẻ chỉ tìm lợi lộc kinh tế, không quan tâm đến ai khác ngoài bản thân họ và nói: ”Chúng ta không thể chỉ phục vụ tiền bạc!” (Rei 18-12-2017)

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 19.12.2017)