SANTA CRUZ. ĐTC mời gọi các linh mục, tu sĩ Bolivia hãy trở thành chứng nhân về lòng từ bi thương xót của Chúa, chứ không phải về một ý thức hệ. Lòng thương xót làm cho họ có khả năng gần gũi dân chúng.
Lúc 4 giờ chiều ngày thứ năm 9-7-2015, ĐTC tiếp tục các hoạt động tại thành phố Santa Cruz, Bolivia, với cuộc gặp gỡ hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Hội trường của trường Don Bosco.
Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với phần trình bày chứng từ của 1 LM, 1 nữ tu và một chủng sinh.
Đức Cha Roberto Bordi, GM đặc trách đời sống thánh hiến tại Bolivia, nói rằng những người được kêu gọi loan báo Tin Mừng là những người đầu tiên cần được liên tục “tin mừng hóa”. Chỉ ai để cho mình được Thiên Chúa hoán cải, thì mới làm cho người khác được lây niềm vui của Tin Mừng. Đức Cha cũng liệt kê những thách đố Giáo hội tại Bolivia đang phải đương đầu: trào lưu tục hóa lan tràn, khủng hoảng gia đình, nạn tham nhũng, buôn bán ma túy, nghèo đói, chống đối chính trị và ý thức hệ. Nhưng tất cả đều ý thức rằng điều thiện mạnh hơn sự ác, vì mang lại sự sống đích thực.
Tiếp đến một LM ở Cochabamba thuật lại gốc gác nông dân của mình và cho biết đã nghe tiếng Chúa và từ bỏ mọi sự. Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống cộng oàn để sống đức tin.
Nữ tu Gabriela, trong chứng từ, nói về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống trong kinh nguyện, trong Thánh Thể, trong sự lắng nghe Lời Chúa và trong công tác giáo dục. Chị nói: ‘Ngày nay, càng ngày chúng ta càng cần phổ biến niềm hy vọng trong một thế giới ngày càng buồn thảm hơn”.
Sau cùng một chủng sinh, con của một công nhân thợ mỏ, nói về ơn gọi của thầy, nảy sinh nhờ bà mẹ luôn dạy thầy đừng bao giờ quên cầu nguyện.
Sau đó mọi người nghe đọc bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,46-52) thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bị mù.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Tin Mừng vừa được đọc và ngài giải thích rằng một đàng có tiếng kêu của người hành khất mù, và đàng khác có những phản ứng khác nhau của các môn đệ. Ngài nói:
Có 3 câu trả lời cho tiếng kêu của người mù là: Hãy tránh xa, im đi, và hãy can đảm, đứng lên!
Câu trả lời thứ nhất là hãy tránh xa. Có lẽ một vài người không nghe thấy nên tránh xa, đi qua. Đó là tiếng vọng của sự dửng dưng, đi cạnh cách vấn đề và làm sao để những vấn đề đó đừng động đến ta. Chúng ta không nghe thấy, không nhận ra các vấn đề ấy. Đó là cám dỗ coi đau khổ là chuyện bình thường, tự nhiên, và trở nên quen thuộc với bất công. Chúng ta tự nhủ: đó là chuyện bình thường, trước giờ vẫn luôn như vậy. Đó là tiếng vọng nảy sinh từ một con tim khép kín, bị bọc thép, không còn khả năng ngạc nhiên và vì thế không có khả năng thay đổi. Đó là con tim quen đi qua và không để cho mình bị động chạm đến; đó là một cuộc sống tránh sang bên kia đường, không ăn rễ sâu được trong cuộc sống của dân chúng. Đó là những người chạy theo những gì mới nhất, những thứ mới bán chạy nhất, nhưng không có được một tiếp xúc, một quan hệ và không để cho mình được liên hệ. Họ đi qua không nghe tiếng kêu đau đớn của dân chúng, không ăn rễ sâu trong cuộc sống của dân, cũng giống như nghe Lời Chúa mà không để cho Lời ấy bén rễ trong chúng ta và trở nên phong phú. Một cây, một lịch sử không có rễ, đó là một sự sống khô cằn. Cũng như chúng ta lắng nghe Kinh Lạy Cha như thế nào, cũng ta cũng phải lắng nghe dân trung thành của Thiên Chúa như vậy.
Thái độ thứ hai là bảo: Hãy im đi, đừng quấy rầy, đừng làm xáo trộn nữa. Khác với thái độ thứ I, người có thái độ này lắng nghe, nhìn nhận, tiếp xúc tới tiếng kêu của người khác. Họ biết rằng có tiếng kêu ấy, và phản ứng một cách rất đơn giản bằng cách khiển trách. Đó là thảm trạng của một lương tâm bị cô lập, của những ngừơi nghĩ rằng cuộc sống của Chúa Giêsu chỉ dành cho những người nghĩ là mình thích hợp. Chỉ những người cho là được phép, một giai cấp của những người khác, họ dần dần tách biệt, trở nên khác với dân của mình. Họ coi căn tính của họ là vấn đề trổi vượt hơn người khác. Nhu cầu trở nên khác biệt làm cho con tim họ họ bị chặn đứng.
Vui với người vui, khóc với người khác, đó chính là thần phần của mầu nhiệm con tim linh mục.
ĐTC nói tiếp:
Thái độ thứ ba là: Hãy can đảm lên, và đứng dậy! Một tiếng vọng không nảy sinh trực tiếp từ tiếng kêu của người mù Bartimeo, nhưng từ nhận xét về lối cư xử của Chúa Giêsu trước tiếng kêu của người hành khất mù. Đó là tiếng kêu biến thành một Lời, một tiếng mời gọi, thay đổi, một đề nghị về sự mới mẻ đứng trước các cách thức phản ứng của chúng ta trước dân thánh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dừng lại trước tiếng kêu của một người. Ngài ra khỏi tình trạng vô danh của đám đông để nhận ra người mù và dấn thân với anh ta. Và thế là dần dần Ngài trả lại phẩm giá anh đã đánh mất. Ngài làm cho anh được hội nhập. Thế là thay vì nhìn anh mù từ bên ngoài, Ngài có can đảm đồng hóa với những vấn đề của anh và qua đó biểu lộ sức mạnh biến đổi của lòng từ bi thương xót. Đó là hướng đi phát sinh từ thái độ không sợ đến gần đau khổ của dân chúng ta. Cho dù bao nhiêu lần thái độ ấy chỉ là đứng cạnh họ và biến cơ hội ấy thành dịu cầu nguyện. Đó chính là hướng đi của người môn đệ Chúa. Đó là điều mà Chúa Thánh Linh thực hiện với chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta không phải là chứng nhân về một ý thức hệ, một công thức, về cách nghiên cứu thần học, nhưng chúng ta là chứng nhân về tình yêu thương chữa lành và từ bi của Chúa Giêsu. Chúng ta làm chứng về hành động của Chúa trong đời sống các cộng đoàn của chúng ta.
Cuộc gặp gỡ kết thúc khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương với bài ca Lạy Nữ Vương và phép lành của ĐTC.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 10.07.2015)