PHILADELPHIA. Hãy sống ơn gọi ngôn sứ ngay trong gia đình ngang qua những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống hằng ngày. ĐTC đã nhắn nhủ như trên trong bài giảng thánh lễ kết thúc Đại Hội Thế giới lần thứ 8 của các gia đình, cũng là thánh lễ cuối cùng của ĐTC tại Hoa Kỳ, được cử hành vào lúc 16h ngày 27.09.2015, tại lễ đài ở đại lộ B. Franklin ở Philadelphia.
Hiện diện trong thánh lễ với ĐTC có rất đông các Hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và đông đảo các tín hữu.
Thánh lễ được cử hành với tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Bài đọc thứ hai được một nữ tu công bố bằng tiếng Việt.
Giảng trong thánh lễ, ĐTC nói:
“Trong Tin Mừng, thánh sử Gioan thuật lại cho Đức Giêsu rằng các môn đệ đã ngăn cản một người trừ các thần ô uế nhân danh Đức Giêsu…Các môn đệ, về phần mình, đã hành xử trong đức tin tốt đẹp; nhưng cơn cám dỗ khiến họ căm phẫn với tự do của Thiên Chúa, là Đấng cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ gian tà (Mt 5, 45)”
ĐTC nói thêm: “Đức Giêsu nói đừng cản trở những gì tốt đẹp, nhưng ngược lại, hãy hỗ trợ để nó được lớn lên. Nghi ngờ hoạt động của Thần Khí, làm cho có ấn tượng rằng hoạt động của Thánh Thần chẳng có gì để làm cả với những ai không thuộc về “nhóm của chúng ta”, những ai không giống “như chúng ta”, luôn là một cám dỗ nguy hiểm.
Nhấn mạnh về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, ĐTC nói: “Đức tin mở ra “cánh cửa sổ” cho sự hiện diện đầy hiệu năng của Chúa Thánh Thần và điều này cho chúng ta thấy, cũng như hạnh phúc, sự thánh thiêng luôn bị trói buộc bởi những cử chỉ nhỏ bé. “Ai cho anh em một bát nước lã vì danh Thầy…sẽ không mất phần thưởng đâu”, Đức Giêsu nói (Mc 9, 41). Đó là những cử chỉ nhỏ nhặt mà một người phải học ở nhà.”
ĐTC quảng diễn thêm về điểm này như sau: “Đức Giêsu mời gọi chúng ta không ngăn cản những cử chỉ phép lạ nhỏ bé này, thậm chí, còn muốn chúng ta cỗ vũ chúng, cũng như làm cho chúng được lớn lên, muốn chúng ta đồng hành một cuộc sống như chúng ta được giới thiệu, giúp đỡ để gợi lễn tất cả những cử chỉ nhỏ bé của tình yêu ấy, là những dấu chỉ của sự hiện diện sống động và hoạt động của Ngài trong thế gian.”
Để kết thúc bài giảng, ĐTC mời gọi:
“Giá như mỗi người chúng ta mở lòng ra trước những phép lạ của tình yêu để cho lợi ích của tất cả các gia đình trên thế gian, và như thế có thể vượt qua những căng-đan của một tình yêu hẹp hòi và thiếu tin tưởng, đóng kín trong bản thân mình, thiếu kiên nhẫn với tha nhân!
Thật là tốt biết bao nếu khắp mọi nơi, ngay cả tại nơi đây, có thể củng cố và quý mến ơn gọi ngôn sứ và phép lạ này! Hãy canh tân đức tin của chúng ta trong Lời Chúa vốn mời gọi các gia đình đến sự cởi mở này; mời gọi tất cả tham dự vào ơn gọi ngôn sứ của giao ước giữa người nam và người nữ, vốn sản sinh sự sống và vén mở Thiên Chúa.
Mỗi người hãy mong muốn tạo dựng trên thế gian này một gia đình biết dạy dỗ cho các con cái được vui hưởng niềm vui của mỗi hành động đề xuất để chiến thắng sự dữ – một gia đình vốn tỏ bày rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang sống động và hoạt động – sẽ tìm thấy lòng biết ơn và sự quý mến của chúng ta, bất kể dân tộc, vùng miền hay thuộc về tôn giáo nào.”
Trong phần Lời nguyện giáo dân có một ý nguyện được dâng bằng tiếng Việt.
Sau đó thánh lễ diễn ra như bình thường. Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Philadelphia, Đức Cha Charles J. Chaput đã có lời cám ơn và chào tạm biệt ĐTC cũng như tất cả mọi người. Kế đó, Đức Tổng GM Vicenzo Paglia, Chủ tịch của Hội đồng Toà Thánh về gia đình đã tuyên bố Đại Hội Thế giới của các gia đình lần thứ 9 sẽ được tổ chức năm 2018 tại Dublin, Ireland.
Trước khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã trao cuốn Tin Mừng Luca cho năm gia đình đại diện cho mỗi châu lục trong đó có một gia đình đến từ Hà Nội, Việt Nam, đại diện cho cả Á Châu.
Theo chương 16 giờ bắt đầu thánh lễ thì 15:45 đoàn xe tháp tùng Đức Giáo Hoàng đã xuất hiện dẫn đưa xe ngài đi một vòng quanh mọi nẻo đường để chào các tín hữu đang chờ mong ngài từ sáng sớm và có những người ngủ lại suốt đêm hôm qua…
Đặc biệt trong thánh lễ có những bài thánh ca Việt Nam do ca đoàn tổng hợp của cộng đoàn công giáo địa phương và bài đọc thứ hai do sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đến từ Việt Nam đọc, lời nguyện cầu cho Đức Thánh Cha cũng bằng tiếng Việt, nhất là cuối thánh lễ có một gia đinh đến từ Hà Nội đại Điện cho Á Châu lãnh nhận cuốn Tin Mừng theo Thánh Luca từ tay Đức Thánh Cha cùng với đại diện của mỗi Châu lục.
Đức Giáo Hoàng đã giảng bằng tiếng Tây Ban Nha và được phụ đề bằng Anh ngữ trên các màn ảnh lớn để mọi người theo dõi…
(Lược dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai, dongten.net 28.p09.2015)