Đức Tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Là vị thứ sáu trên danh sách các tân Hồng Y được Đức Phanxicô công bố ngày 4 tháng Giêng, 2015, là Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 76 tuổi, của Hà Nội, thủ đô Việt Nam. Ba trong bốn vị tiền nhiệm của ngài đều là Hồng Y.

 

dhynhon.jpg

 

Sinh tại Đà Lạt năm 1938, một thành phố vốn là trung tâm giáo dục Công Giáo tại Nam Việt Nam trước đây, ngài được giáo dục tại TCV Thánh Giuse, Sài Gòn, rồi Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, và chịu chức linh mục năm 1967. Ngài có cử nhân văn chương Pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2009, ngài cho biết: “Trong mọi gia đình Công Giáo, đều có ít nhất một ơn gọi đi tu. Trong gia đình tôi, trong số 6 người con, hai người chị của tôi đã gia nhập tu viện, còn tôi thì vào chủng viện. Chúng tôi lớn lên một cách đơn giản. Đi lễ hầu như mỗi ngày. Chịu lễ. Đọc kinh tối, đọc kinh trước và sau các bữa ăn. Tất cả các điều này đều diễn ra trong các gia đình Công Giáo Việt Nam”.

Từ năm 1968 tới năm 1972, ngài là giáo sư tại chủng viện địa phương, và trong 3 năm sau đó, ngài là giám đốc chủng viện.

Năm 1975, năm Cộng Sản cưỡng chiếm Nam Việt Nam, Cha Nguyễn Văn Nhơn được cử làm tổng đại diện Giáo Phận Đà Lạt. Đức GH Gioan Phaolô II cử ngài làm giám mục phó của Đà Lạt năm 1991, và ngài nối ngôi tòa này 3 năm sau đó.

Tháng tư năm 2010, Đức GH Bênêđíctô XVI cử ngài làm TGM phó TGP Hà Nội, giữa lúc có những tranh chấp giữa chính phủ và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, 57 tuổi, về tài sản của Giáo Hội. Tờ Asia Times hồi ấy cho rằng Vatican buộc Đức TGM Kiệt phải từ chức vì lợi ích ngoại giao.

Đức TGM Kiệt từ chức một tháng sau đó, và Đức TGM Nhơn lên thay thế.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2009, Đức TGM Nhơn cho biết rõ: ngài ủng hộ các cố gắng nhằm đòi lại các tài sản của Giáo Hội.

Lúc ấy, ngài tuyên bố: “Chúng tôi không cố ý giành giật tài sản để làm giầu hay có quyền thế. Chúng tôi chỉ yêu cầu điều tối thiểu để có thể tiếp tục làm việc và phục vụ giáo dân. Giáo Hội đang phát triển, và cần những phương tiện tối thiểu để chu toàn sứ mệnh tông đồ và trợ giúp người nghèo”.

Theo tường trình của Radio Free Asia trong tháng Giêng này, Đức Tân Hồng Y nhận định rằng hiện tình tự do tôn giáo tại Việt Nam “tùy từng nơi và từng thời”. Ngài nói thêm: “Có lúc, một số vấn đề trồi lên có lúc lại không. Có thể có vấn đề tại nơi này mà không có vấn đề nào tại các nơi khác. Tuy nhiên, nói chung, tôi thấy nhiều dấu hiệu tích cực”.

Giáo Hội còn nhiều việc phải làm tại Việt Nam

Trên đây là tường trình của Catholic World News. Mặc Lâm của Đài Tự Do Á Châu, thì cho hay, thứ Hai, ngày 5 tháng Giêng, 2015, Đức Tân HY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nói rằng ngài đương đầu với một nhiệm vụ nhiều thách đố nhưng động thái của Đức GH Phanxicô cho thấy đã có tiến bộ trong các liên hệ giữa Vatican và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ngài, Giáo Hội Công Giáo “vẫn còn nhiều việc phải làm’ cho khoảng 6 triệu tín hữu của mình. Đây là tôn giáo lớn thứ nhì sau Phật Giáo. Dân số cả nước là 92.5 triệu người.

Vatican và Hà Nội chưa có liên hệ ngoại giao chính thức kể từ ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, dù bắt đầu tái lập cuộc đối thoại vào năm 2007 với việc thiết lập Nhóm Làm Việc Hỗn Hợp.

Đức HY Nhơn nói rằng “Dựa vào các cuộc thăm viếng nhau giữa hai bên và nhất là sự hiện diện… của vị đại diện Vatican ở Hà Nội, chúng ta có thể thấy đã có những cố gắng để duy trì cuộc đối thoại có kết quả.

“Cuộc đối thoại này đòi có kiên nhẫn và thành thực. Tôi đã thấy các cố gắng hiển nhiên từ phía Vatican, cũng như từ phía chính phủ [Việt Nam]. Hướng đi xem ra tích cực, nhưng con đường còn dài và ta cần có thời gian”.

Tháng Chín, các giới chức Việt Nam và Vatican sẽ có những buổi thương thuyết về viễn tượng tái lập các liên hệ ngoại giao đầy đủ. Đức Tân HY Nhơn nói rằng các kinh nghiệm phục vụ gần đây trên khắp xứ sở khiến ngài tin rằng người Công Giáo, nói chung, lạc quan đối với việc cải thiện tự do tôn giáo tại xứ sở. “Tuy nhiên, [hiện tình tự do tôn giao tại Việt Nam] tùy từng nơi và từng thời”.

Con đường kiên nhẫn

Nhân dịp này, độc giả cũng nên đọc lại cuộc phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Gianni Valente năm 2009, lúc ngài còn là GM Đà Lạt và là Chủ Tịch HĐGM/VN.

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Cha Nhơn gần như tin chắc: năm 2010 sẽ là năm có cuộc tông du đầu tiên của một vị giáo hoàng tới Việt Nam, vì năm này kỷ niệm năm thứ 50 ngày Đức GH Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và đồng thời kỷ niện năm thứ 350 ngày thiết lập hai tông tòa đầu tiên. “Người ta đang nói nhiều về những việc này. Họ nói tới nói lui. Và nếu Chúa muốn…”.

Nếu Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam thì ngài sẽ thấy tình huống nào vào thời điểm này trong lịch sử?

Đức Cha Nhơn: Chúng tôi thấy việc xuống dốc kinh tế khắp hoàn cầu đang đè nặng lên cả các lãnh vực tư riêng của đời sống như thế nào. Ở đây, 90% dân chúng làm nghề nông, nhưng vì cuộc khủng hoảng kinh tế, sản phẩm nông nghiệp không còn cung cấp kế sinh nhai được nữa. Nên nhiều người đang rời bỏ đất đai và đang tụ về các thành phố. Họ lìa bỏ gia đình, tình âu yếm, các phong tục. Là di dân, nhiều người kết cục trở nên bối rối trước các nan đề phải đương đầu. Trong một thời gian ngắn, hai triệu di dân đã ùa vào Sài Gòn, trong số họ, cũng có cả hàng trăm nghìn người Công Giáo; những người này cảm thấy bị lãng quên và vô vọng. Nhiều người kết cục không đi nhà thờ nữa, không cầu nguyện nữa. Thế là việc này cũng xẩy tới vì cuộc khủng hoảng.

Còn ngài, ngài trở thành Công Giáo rồi một linh mục như thế nào?

Đức Cha Nhơn: Trong mọi gia đình Công Giáo, đều có ít nhất một ơn gọi đi tu. Trong gia đình tôi, trong số 6 người con, hai người chị của tôi đã gia nhập tu viện, còn tôi thì vào chủng viện. Chúng tôi lớn lên một cách đơn giản. Đi lễ hầu như mỗi ngày. Chịu lễ. Đọc kinh tối, đọc kinh trước và sau các bữa ăn. Tất cả các điều này đều diễn ra trong các gia đình Công Giáo Việt Nam. Tôi cám ơn Chúa và tôi sung sướng đã giữ vững ơn kêu gọi của mình.

Và bây giờ cũng vẫn vậy sao? 

Đức Cha Nhơn: Nhiều điều đã thay đổi. Đối với nhiều người, đời sống hiện nay đầy những cam kết và việc làm, ít thì giờ để đi lễ. Chúng tôi luôn cám ơn Thiên Chúa vì nói chung, trong các gia đình Kitô Giáo, lòng đạo đức và việc sùng kính hôm nay vẫn còn. Với một đức tin đơn sơ, nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và các bí tích. Và có nhiều người lớn trở lại Kitô Giáo.

Việc ấy thường diễn ra ra sao? 

Đức Cha Nhơn: Nhiều người trở thành thanh viên của Giáo Hội khi họ cưới một người Công Giáo, nam hay nữ. Nhiều người, trí thức hơn, sống những cuộc sống không được đáp trả, tự đặt cho mình những câu hỏi, rồi có lẽ nhờ gặp một ai đó, một linh mục, một giáo dân, một tu sĩ, giúp họ tìm được câu trả lời.

Chịu phép rửa có dễ dàng không?

Đức Cha Nhơn: Việc chuẩn bị cho các dự tòng đòi hỏi 2 năm học giáo lý. Nhưng thông thường họ thực hiện trong vòng 6 tháng hay 1 năm. Trong giáo phận tôi, mỗi năm, chúng tôi có 8, 9 ngàn người chịu phép rửa, trong đó, có 3 ngàn người lớn, và từ 5 tới 6 ngàn trẻ em thuộc các gia đình Kitô hữu. Tại các giáo phận lớn, 4, 5 ngàn người lớn được chịu phép rửa mỗi năm.

Nhưng chịu phép rửa có còn là một chọn lựa xa lạ vì đã chọn một “tôn giáo Tây Phương” nữa không? 

Đức Cha Nhơn: Những người đưa ra luận điểm đó chỉ là để tuyên truyền hoặc khuấy động lên các tranh cãi xưa. Chúa Giêsu Kitô vốn sinh ra tại Á Châu. Các dụ ngôn của Người luôn nhắc đến lối cư xử của các dân tộc Á Châu. Thế rồi, Tin Mừng tới Việt Nam nhờ các nhà truyền giáo Pháp và Bồ Đào Nha, thành thử một số người cho rằng nó là một thứ hàng ngoại quốc. Nhiều người khác bảo không, Kitô Giáo vốn là một tôn giáo của Đông Phương. Đối với tôi, có lẽ tốt hơn đừng nên phí thì giờ cho các luận điểm này. Hay ít nhất, xét chúng đúng tầm cỡ. Công Giáo dành cho mọi người. Dĩ nhiên, sứ mệnh tông đồ luôn luôn phải tính tới bản chất của văn minh trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Trong hội nghị gần đây ở Thái Lan, nơi thảo luận tới việc truyền giáo ở Á Châu, người ta đã nhắc lại rằng sẽ thích đáng hơn khi ta nói tới đời sống của Chúa Giêsu một cách phù hợp hơn với việc chính Người đã giảng dạy ra sao cách nay 2 ngàn năm, bằng các dụ ngôn. Theo lối đông phương, chứ không theo lối duy lý.

Có nên làm dịu các tường trình về các bất đồng gần đây với chính phủ Việt Nam về việc hoàn trả các tài sản của Giáo Hội không? 

Đức Cha Nhơn: Đây là một vấn đề cần được xét trong lịch sử đất nước chúng tôi. Có thời, quyền tư hữu là một lối sống ở đây. Rồi một hệ thống đặt căn bản trên quyền sở hữu tập thể được đưa vào. Chắc chắn, thế giới thuộc về mọi người, điều Thiên Chúa đã dựng nên, Người đã dựng nên cho mọi người. Nhưng nói như thế có vẻ quá trừu tượng. Có những cá nhân, các nhóm xã hội với các quyền lợi của họ. Nếu các quyền này bị bỏ qua một bên vì thiện ích lớn hơn, thì ai cũng hiểu. Nhưng nếu tư hữu bị trưng thu để bảo đảm nó thuộc về mọi người nhưng thực tế bị sử dụng một cách ích kỷ, để làm giầu cho một số ít người, thì điều này không đúng, và lúc ấy, bạn không thể biện luận là vì ích chung được.

Có phải đó là điều đã xẩy ra cho tài sản của Giáo Hội không?

Đức Cha Nhơn: Đôi lúc, những tài sản bị trưng thu nói trên không được sử dụng để sinh ích cho ích chung. Giáo Hội yêu cầu được hoàn trả chúng không phải vì chính mình, vì muốn tích lũy và nên giầu có, nhưng để bảo đảm việc chúng được sử dụng vì ích lợi của mọi người.

Vì cuộc tranh chấp này, đã có những cuộc biểu tình công khai trong những tháng qua chủ yếu tại Hà Nội, với việc đọc kinh mân côi ở các công trường, và cả những giờ phút căng thẳng với cảnh sát. 

Đức Cha Nhơn: Chúng tôi biết rằng mình phải thương thuyết và phục vụ. Thương thuyết cả lúc khó khăn và cần kiên nhẫn. Thương thuyết để tìm công lý, và bác ái, để phục vụ thiện ích mọi người. Hiện nay đang có đôi chút chậm trễ, chúng tôi đã hiểu nhau hơn một chút, nhưng chúng tôi biết cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn và chạm trán chẳng giúp gì cho ai.

Khi tường thuật tình thế này, một số người của truyền thông Tây Phương nhấn mạnh rằng chế độ cộng sản Việt Nam sợ Giáo Hội địa phương.

Đức Cha Nhơn: Chúng tôi là Giáo Hội. Giáo Hội luôn theo con đường đối thoại. Và tôn trọng quyền bính dân sự. Đức Giáo Hoàng mới đây cho rằng Giáo Hội kêu gọi các con cái mình làm việc cách phải lẽ để xây dựng một xã hội công lý và gắn bó. Nói với chính chúng tôi trong cuộc thăm viếng Ad Limina, Đức Bênêđíctô XVI cho hay Giáo Hội “bất cứ trong trường hợp nào cũng không hề có ý định thay thế những người có trách nhiệm trong chính phủ, nó chỉ muốn, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tương kính, góp phần riêng của mình vào đời sống quốc gia để phục vụ mọi người”.

Trong sự bất ngờ có tính lịch sử tế nhị này, việc hoàn trả các tài sản giữa cuộc tranh chấp này có phải là ưu tiên khẩn cấp đối với Giáo Hội không? 

Đức Cha Nhơn: Chúng tôi không có ý giành giật tài sản để làm giầu hay có quyền thế. Chúng tôi chỉ yêu cầu điều tối thiểu để có thể tiếp tục làm việc và phục vụ giáo dân. Giáo Hội đang phát triển, và cần những phương tiện tối thiểu để chu toàn sứ mệnh tông đồ và trợ giúp người nghèo. Căn cứ vào công trình ấy, các phương tiện có thể giúp ích.

Diễn biến về quan hệ giữa Giáo Hội và chính phủ ở Việt Nam có phải là mẫu mực cần ghi nhớ để vượt qua các bất bình thường do cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa cảm nhận hay không?

Đức Cha Nhơn: Tôi nghĩ trong đời sống Giáo Hội, không có việc xuất cảng các mẫu mực. Giáo Hội Việt Nam thích hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam. Trung Hoa quá lớn và phức tạp. Tôi không biết liệu những gì đang được thực hiện ở Việt Nam có thể thực hiện được ở Trung Hoa hay không. Nhưng nếu ta nhìn lên Chúa Giêsu và Giáo Hội như Người đã thiết lập, thì đó là mẫu mực cho mọi người. Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người trên Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm ngài. Và đó là mẫu mực áp dụng cho mọi người, ở Việt Nam, ở Trung Hoa, ở Hoa Kỳ và ở bất cứ nơi nào khác.

Nhưng cũng có nhiều khác biệt. Thí dụ, Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội khiêm nhường, phần không nhỏ là do lịch sử nó phải trải qua. 

Đức Cha Nhơn: nhưng thân phận khiêm nhường này là một ơn gọi đối với mọi người. Toàn thể Giáo Hội phải khiêm nhường, đơn sơ, có lòng bác ái, noi gương Chúa Giêsu. Điều này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội, cho cả Giáo Hội tại Hoa Kỳ, nếu đó là Giáo Hội của Chúa Kitô.

Ngay trên đường bình thường hóa các quan hệ giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, việc chọn sống kiên nhẫn trong khiêm nhường đã và đang đem nhiều kết quả tốt. Nhiều vị đã gieo rất tốt từ trước tới nay, một cách âm thầm, không muốn nổi nang. 

Đức Cha Nhơn: Cuộc tiếp cận thứ nhất đã xuất phát từ Đức HY Etchegaray in 1989. Từ đó, đã có nhiều cuộc viếng thăm chính thức. Đức Cha Pietro Parolin, Phó Phủ Quốc Vụ Khanh, người hiện đang theo dõi các biến cố ở Việt Nam, đã tới thăm chúng tôi 4 lần trong mấy năm gần đây. Và đã có những kết quả còn tốt hơn nữa. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều vì việc mở ra các liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam sẽ có nghĩa là có một vị đại diện của Đức Giáo Hoàng tại chỗ trên căn bản thường trực, chứ không phải mỗi năm một lần. Từ từ, nó sẽ đến, chẳng sớm thì chầy.

 

(Vũ Văn An, VCN 30/-1/2015)