Khi thường xuyên nói về nhận định, lòng thương xót và cầu nguyện, Đức Phanxicô tìm cách để Dân của mình có được “tự do nội tâm”, một truyền thống tiêu biểu của linh đạo I-Nhã.
Đức Phanxicô luôn cảm hứng từ người cha thiêng liêng của mình, Thánh I-Nhã, nhà sáng lập Dòng Tên. Và bây giờ ngài tự cho mình “sứ mệnh” mở ra cho càng nhiều người biết các giảng dạy của mình. Bằng cách nào? Bằng cách học các khái niệm chủ yếu của các Bài tập Linh thao.
Đức Giáo hoàng, một cách gián tiếp khuyến khích chúng ta học các “bài tập linh thao” nhỏ. Đến mức chúng ta không còn ngạc nhiên khi nghe ngài nói về nhận định, lòng thương xót, cầu nguyện. Không phải là chuyện ngẫu nhiên!
Truyền thống của Đức Phanxicô
Linh mục Dòng Tên Gaetano Piccolo giáo sư thần học lý thuyết ở Giáo hoàng Học viện Gregoria, giải thích cho báo Aleteia biết, các lời kêu gọi nhận định của Đức Giáo hoàng có từ một truyền thống xưa: “Cuộc tranh luận dữ dội giữa linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha Luis de Molina với các nhà thần học Dòng Đa Minh liên quan đến ơn của Chúa và tự do của con người vào thời thế kỷ 16”. Dòng Tên cho rằng “dù mang tội tổ tông, con người vẫn có tự do chọn lựa giữa điều thiện và điều ác”. Truyền thống mà nguồn gốc chắc chắn dính chặt vào các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã (1491-1556), người “đã làm cách mạng truyền thống thiêng liêng trong năm thế kỷ vừa qua”. Tác phẩm được Giáo hoàng Phaolô III chấp nhận ngày 31 tháng 7 năm 1548. Cuộc tranh luận bắt đầu năm 1595.
Nhận định và cầu nguyện
Theo truyền thống I-Nhã, “nhận định (nghĩa đen là ‘tạo một sự khác biệt giữa’) không có nghĩa đơn giản là chọn theo đúng lẽ nhưng là đặt mình vào tự do nội tâm để cảm nhận Chúa đẩy mình hướng về chuyện gì. Chính vì thế mà chỉ có thể nhận định trong khi cầu nguyện. Và, nếu các bài tập linh thao này tương đương với một tiến trình cầu nguyện lâu dài và sâu đậm, thì người ta mới hiểu rõ hơn vì sao Thánh I-Nhã đưa các nguyên tắc nhận định vào trong bài học của ngài”.
Bốn giai đoạn
Linh mục Gaetano Piccolo nói tiếp, dù Thánh I-Nhã biết “tiến trình tuần tự” này có thể đi theo nhiều cách, nhưng “đầu tiên ngài nghĩ chỉ dẫn này có thể đi qua bốn giai đoạn hay bốn tuần”. Điều khởi đầu là tình yêu nhận được từ Chúa, ơn ở trong tình bằng hữu với Ngài, hay nói theo thuật ngữ Thánh Kinh, đó là ơn của giao ước. Nhưng như sách Sáng Thế đã nói, giao ước này tiếp tục “vỡ hàng ngàn mãnh khi chúng ta có tội”.
Lòng thương xót ở trọng tâm của tất cả
Nhà thần học và triết gia Dòng Tên giải thích (tác giả của quyển Esercizi spirituali di Sant’Ignazio di Loyola), tuần đầu tiên là tuần “người tham dự tĩnh tâm ý thức về tội của mình, đứng trước Lòng thương xót của người cha. Đối với Thánh I-Nhã, đây là sống kinh nghiệm của ơn tha thứ. Và chúng ta hiểu trong trường hợp này, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến chủ đề lòng thương xót.
Trọng tâm của tuần thứ nhì là “đời sống của Chúa Kitô”: người đi tĩnh tâm “chiêm niệm từng giai đoạn một trong đời sống của Chúa Giêsu” và “tự hỏi mình có muốn bắt chước Chúa, theo Chúa và sống với Chúa không”.
Cảm tính của chúng ta
Trong tuần lễ đầu tiên, các nguyên tắc được đưa ra là “bước khởi đầu để nội tâm mình phân biệt chuyện này, chuyện kia”, linh mục Gaetano Piccolo giải thích: Thánh I-Nhã nói tổng quát “an ủi” và “sầu khổ”. Các nguyên tắc này đòi hỏi phải có một cái nhìn sâu đậm về nhân chủng học: các phản ứng xúc cảm của chúng ta mà ngày nay chúng ta gọi là “tâm lý” sẽ không bao gồm trọn nhân cách chúng ta. Thánh I-Nhã thừa nhận trong con người, có một hạt nhân sâu đậm hơn, đó là “thần trí”, nói theo thuật ngữ Thánh Kinh. Thần trí là nơi chốn mà Chúa hành động trên chúng ta, nơi Ngài thúc bách chúng ta, như Thánh I-Nhã đã chọn chữ “cảm thức” (sentiment) để mô tả các tình trạng lâu bền hơn là cảm xúc và ít tùy thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Kẻ thù của bản chất tự nhiên của con người
Như thế nhận định là “nhận biết nguồn của các cảm thức này”: vì Chúa không phải là người duy nhất làm nội tâm chúng ta xao xuyến, còn một cái mà Thánh I-Nhã gọi là “kẻ thù của bản chất tự nhiên của con người”. “Chúng ta không thể bình thản dưới tác dụng của thần dữ tác động cách nào để giữ chúng ta lại trong tội lỗi, hoặc cảm thấy buồn bã vì thần lành tác động để kéo chúng ta ra khỏi sự đờ đẫn”, nhà thần học giải thích.
Bình thường, linh mục nói tiếp, “các cảm thức là kết quả của các tư tưởng của chúng ta, như thế chúng ta phải tập trung trên các tư tưởng này.Và nó trở nên rắc rối khi các tư tưởng này không còn tùy thuộc vào thần lành, thần dữ, có nghĩa là nó tùy thuộc vào cá tính, vào khí chất chúng ta”.
Cám dỗ
Trong tuần thứ nhì, người đi tĩnh tâm suy niệm một loạt nguyên tắc vì “khi tiến tới trên con đường thiêng liêng của mình, khi từ nay tất cả đã đủ cho thấy các cạm bẫy của kẻ thù, thì bộ mặt của cám dỗ trở nên rắc rối hơn và nó ở dưới hình dạng tưởng là tốt”. Như thế phải “nhận định trên cái tốt, trên tình yêu, vì một chuyện tốt tự nó không nhất thiết tốt cho họ trong giây phút chính xác này”, linh mục Gaetano Piccolo giải thích.
Đam mê
Vào tuần thứ ba, người đi tĩnh tâm chiêm niệm Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Ngài. Người đi tĩnh tâm cầu nguyện trước thánh giá, “nơi thiên tính che giấu đàng sau bộ mặt của người bị thất bại, họ cầu nguyện xem trong giây phút này mình mong làm gì cho Chúa Kitô”.
Sống Lại
Cuối cùng là tuần lễ thứ tư, cầu nguyện và chiêm niệm tập trung vào các câu chuyện kể về sự sống lại. Linh mục Gaetano Piccolo giải thích: “Các Bài tập Linh thao kết thúc bằng chiêm niệm cuối cùng là gạch nối giữa thời gian làm linh thao và đời sống bình thường mà người đi tĩnh tâm sẽ trở về: đó là điều tốt mình đã nhận, các ơn có được trong đời sống của mình, để sờ tận tay rằng các ơn này không thuộc về chúng ta, nó không để cho mình nhưng để chúng ta đem đi cho lại. Vì chính khi khôi phục lại tình yêu này mà chúng ta khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống”.
Phương pháp cầu nguyện
Như thế chúng ta hiểu các Bài tập Linh thao là một “kinh nghiệm và phương pháp cầu nguyện”. Cấu trúc của cầu nguyện trong suốt thời gian linh thao theo các chỉ dẫn chính xác: Thánh I-Nhã mời người đi tĩnh tâm “khởi đi từ ước muốn của mình, hay từ những gì thiết thân của mình để cảm nhận mình tham dự vào trong quan hệ với Chúa”. Như thế cầu nguyện không phải là một “buổi trình diễn các suy nghĩ nhưng chính là ý thức những gì đang xảy ra trong nội tâm mình: Thánh I-Nhã khẳng định, không phải nhiều hiểu biết là làm no nê và thỏa mãn tâm hồn, nhưng cảm nhận và nếm mọi sự bên trong mới làm thỏa lòng”, linh mục Gaetano Piccolo kết luận.
Tự do và trách nhiệm
Như thế có thể nói nhận định chỉ duy nhất trong ánh sáng của những gì xảy ra trong khi cầu nguyện, nhưng sẽ không thích đáng nếu nói lựa chọn mà không nói đến “tự do và trách nhiệm của con người đứng trước điều tốt và điều xấu”, như linh mục Molina đã nói.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 20.05.2016/
aleteia.org, Gelsomino Del Guercio, 2016-05-17)