Đức Phanxicô, một hình ảnh khác của tôn giáo

Đức Phanxicô không tuyên chiến với thời của mình; ngài tố cáo các chuyện tàn ác dã man và cho thấy sự trống rỗng của thời buổi này. Ngài tìm cách tạo ảnh hưởng trên thế giới bằng cách đi vào nơi người ta không ngờ, ngài can thiệp vào những vấn đề lớn có nguy cơ đến tương lai nhân loại.

DGH.jpg 

Các bạn đừng đi tìm ai khác: chỉ còn duy ngài là lãnh đạo có tầm vóc thế giới. Bạn nhận ra rất dễ, người đó mặc áo trắng, đi đứng chậm rãi, thường bắt đầu câu chuyện bằng nụ cười hiền dịu, nói được nhiều thứ tiếng và không vợ con. Thế giới vừa thấy người đó đi chiếc xe Fiat 500, vừa gặp người đó đi thay mắt kiếng ở một tiệm kiếng Rôma, vừa nhậm chức, ngày hôm sau người đó đi trả tiền khách sạn vì không muốn thêm gánh nặng cho Vatican.

 

Ngôn ngữ của thời mình

 

Chắc chắn, người đó biết dùng ngôn ngữ của thời mình, ngôn ngữ “com”. Một vài người cười đùa, nhưng họ lầm. Có cái gì đó trong khả năng nắm bắt điều duy nhất, mà các người đương thời hiểu về sự trung tín tuyệt đối vào sứ điệp của Chúa Kitô. Chúa Giêsu là nhà truyền thông ngoại hạng, Ngài đã dùng dụ ngôn để người bình dân mù chữ thời Cổ đại hiểu được Lời Chúa; và chính cách này mà điều cốt tủy giáo huấn của Ngài được truyền từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.

 

Khả năng bắt mạch được thời đại thật diệu kỳ và khéo léo, mục đích nhắm làm sao để các chân lý vừa cổ xưa, vừa khó theo, được truyền tải ở thế kỷ 21 này. Đức Giáo hoàng nêu lên các đòi hỏi, những đòi hỏi mà ngài áp dụng cho chính ngài, ngược với các chính trị gia chỉ đưa ra các nguyên tắc hay các lời hứa chung chung. Một tín hữu chân thành tin rằng, khi mình thay đổi chính mình thì mình sẽ thuyết phục được người khác thay đổi, sẽ thay đổi được thế giới; trong khi bài diễn văn chính trị tuyên bố phải thay đổi thế giới để cải thiện đời sống nhân loại với những thành công mà chúng ta đã biết.

 

Trong cách tiếp cận một cách khác này, sự không ăn nhịp nhẹ nhàng mà Giám mục địa phận Rôma đem lại là một hình thức lật đổ theo kiểu mà Gilbert-Keith Chesterton, văn sĩ Anh giáo trở lại đạo Công giáo đã tóm tắt một cách hoàn hảo: “Đó là điều duy nhất giải thoát được con người khỏi làm nô lệ cho thời của mình”. Nếu nhìn sự chiến thắng Đức Phanxicô có được khi ngài đến bất cứ đâu, từ Cuba đến Philadelphia, vào ngày 25 tháng 9 ở Hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York thì sự lật đổ các tư tưởng thống trị của thế kỷ 21 đã có được một tiếng vang rất sâu đậm trong lòng dân chúng.

 

Ngọn đèn canh thức cho đạo đức và hy vọng

 

Đức Phanxicô, ngược với hai vị tiền nhiệm gần đây của mình, ngài không tuyên chiến với thời của mình; ngài tố cáo các chuyện tàn ác dã man và cho thấy sự trống rỗng của thời buổi này. Ngài thương xót nhiều hơn là lên án; ngài giải thích nhiều hơn là đả kích. Thái độ của ngài không phải kêu gọi tín hữu chống lại để bảo vệ một di sản được đánh dấu của chân lý vĩnh cửu, thái độ của ngài là tìm cách tạo ảnh hưởng trên thế giới này bằng cách đi vào nơi người ta không ngờ, ngài can thiệp vào những vấn đề lớn có nguy cơ đến tương lai nhân loại.

 

Ngài đã làm một cách xuất sắc trong Thông điệp “Chúc tụng Chúa” để bảo vệ thiên nhiên: “Sự hung bạo ở trong lòng con người (…) cũng thể hiện qua các triệu chứng bệnh mà chúng ta thấy nơi đất, nơi nước, nơi không khí và nơi các sinh vật sống.”

 

Nếu còn một tương lai cho Giáo hội trong một xã hội Tây phương đã giết Thượng Đế từ lâu và bây giờ trỗi lên khắp nơi – ở Trung Đông, Phi Châu, Á Châu -, thì ngài sẽ là tiếng nói của lương thức trong các quan hệ quốc tế. Giáo hội sẽ không bao giờ ở trong lòng quyền lực thế gian vì ảnh hưởng thật sự  của Giáo hội rất hạn chế nhưng Giáo hội có thể giữ ngọn đèn canh thức cho đạo đức và hy vọng, ngọn đèn còn tỏa ánh sáng nhỏ bé của mình nơi hàng trăm triệu người. Thế giới còn cần ngọn đèn này. Đức Giáo hoàng hiểu rõ điều này, ngài là người  thích đáng để truyền đi một hình ảnh khác của tôn giáo, hình ảnh của văn minh chứ không phải hình ảnh đặc thù của thời buổi chặt đầu người khác nhân danh Chúa. Nói tóm lại, chính hệ tại ở điểm này, ngài là người duy nhất còn dám đảm nhận bất trắc này.

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 10.10.2015/
lexpress.fr, Christian Makarian, 2015-10-04)