Trên đường trở về từ Châu Phi ngày 30/11/2015, được hỏi về việc Giáo Hội khước từ việc nại tới bao cao su để phòng ngừa sida, Đức Thánh Cha đã đặt ưu tiên « nghĩa vụ săn sóc ».
Vả lại Đức Thánh Cha đã tố giác chủ nghĩa duy chính thống tôn giáo (fondamentalisme religieux) trong Giáo Hội.
« Đang khi virus sida tiếp tục lan truyền, như ở Kenya và Ouganda, phải chăng đây không phải là lúc thay đổi lập trường của Giáo Hội chống lại việc sử dụng bao cao su để ngăn ngừa những sự lây nhiễm trong tương lai ? » Được hỏi trực tiếp bởi một phóng viên người Đức trên chuyến bay trở về từ Châu Phi, hôm thứ Hai 30/11/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tìm cách tránh cái bẫy của vấn đề này vốn « đặt luân lý Giáo Hội trước một sự phức tạp » như Đức Thánh Cha nhìn nhận.
Đức Thánh Cha đã không trả lời là phải hay không phải. « Vâng, đó là một trong các phương pháp », ngài nói, nhưng lập tức ngài nhắc lại « lệnh truyền » của Giáo Hội rằng « mối quan hệ tình dục cần mở ra cho sự sống ».
Một vấn đề được nhận định « quá hạn hẹp và thiên vị »
Đức Thánh Cha đã không che giấu sự bực mình của ngài trước một vấn đề được nhận định « quá hạn hẹp và thiên vị » và ngài đã tìm mọi cách để không khép kín nó trong một cuộc tranh luận giữa được phép hay cấm đoán. « Đó không phải là vấn đề. Vấn đề thì lớn hơn », ngài cho biết và đồng thời so sánh câu hỏi với câu hỏi của các tiến sĩ luật chất vấn Chúa Giêsu – để gây khó khăn cho Ngài – để biết liệu được phép chữa một người trong ngày Sabát hay không.
Đối với Đức Thánh Cha, « Ở đây buộc phải săn sóc ! » và « đừng nghĩ rằng liệu có hợp pháp hay không việc săn sóc trong ngày Sabát » : « Tôi không hài lòng khi đi xuống những suy tư giải ca như thế đang khi người ta đang chết vì thiếu nước hay vì đói, hay không có điều kiện cư trú ». Đức Thánh Cha tố giác, vượt quá vấn đề chỉ sida, « những căn bệnh bi thảm » khác và những tai họa, như « các cuộc chiến tranh », nguyên nhân của biết bao cái chết. « Tôi nói với nhân loại : « Hãy chấm dứt và khi mọi người được chữa lành (…) lúc đó ta sẽ có thể nói về Sabát ».
« Thực tại quan trọng hơn ý tưởng »
Câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được xây dựng trên một nguyên tắc mà ngài thường lặp đi lặp lại : « Thực tại quan trọng hơn ý tưởng ». Nó cũng phù hợp với cái nhìn của ngài về một Giáo Hội như là « bệnh viện dã chiến sau cuộc chiến » mà, vốn không phải là « một tổ chức phi chính phủ », không để các cuộc tranh luận của mình làm cho Giáo Hội xa rời với nỗi đau khổ của con người. Câu trả lời của Đức Thánh Cha có thể được hiểu như là một ý muốn bước sang một trang mới, qua đó ngài không muốn để cho sự thù nghịch với nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo chống lại bao cao su tiếp tục trở thành đối tượng của một định kiến như thế.
Trên thực tế, Giáo Hội đã thường phải giải thích về vấn đề nhạy cảm luân lý này. Câu hỏi được đặt ra hôm thứ Hai đã từng được đặt ra cho đức Bênêđictô XVI vào năm 2009 trên chuyến bay đến Camerun và Angola và câu trả lời của ngài đã gây ra một làn sóng công kích và ngộ nhận.
Năm sau đó, trong cuốn sách đối thoại « Ánh sáng thế gian » của ngài, đức Bênêđictô XVI đã giải thích rằng « đương nhiên Giáo Hội không coi bao cao su như là giải pháp đích thực và luân lý » nhưng trong một số trường hợp, « với ý hướng làm giảm sự lây nhiễm », thì việc sử dụng bao cao su « có thể là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến một tính dục được sống một cách khác, nhân bản hơn ».
« Có phải người Kitô hữu chúng ta đã gây nên biết bao cuộc chiến tranh, không chỉ những cuộc chiến tranh tôn giáo mà thôi ? »
Cuộc họp báo một giờ đồng hồ đã mang lại cho đức Phanxicô cơ hội phát biểu về vấn đề não trạng duy truyền thống tôn giáo, vốn dẫn đến chủ nghĩa khủng bố, như ở Paris. « Người ta không thể xóa bỏ một tôn giáo bởi vì có nhiều nhóm duy chính thống quá khích ở một thời điểm của lịch sử », ngài trả lời cho một câu hỏi về Hồi giáo, một tôn giáo mà ngài cho là có thể đối thoại : « Họ có nhiều giá trị có tính xây dựng ».
Đức Thánh Cha đã quay về lịch sử Kitô giáo : « Có phải người Kitô hữu chúng ta đã gây nên biết bao cuộc chiến tranh, không chỉ những cuộc chiến tranh tôn giáo mà thôi ? Cuộc cướp phá Rôma (năm 1527), đó không phải là người Hồi giáo đã thực hiện ! » « Chúng ta cũng phải xin lỗi », Đức Thánh Cha nói và đồng thời trích dẫn cuộc chiến 30 năm (1618-1648) và cuộc tàn sát vào ngày lễ thánh Bartôlômêô (24/8/1572) : « Catherine de Médicis đã không phải là một vị thánh ! »
« Não trạng duy chính thống là một căn bệnh »
« Não trạng duy chính thống là một căn bệnh vốn có nơi mọi tôn giáo », Đức Thánh Cha nhận định và đồng thời nói về Giáo Hội của mình : « Chúng ta, người Công giáo, chúng ta có nhiều người như thế nghĩ là nắm giữ chân lý tuyệt đối và làm bẩn người khác, bằng sự bôi nhọ vu khống, và làm hại ». « Tôi nói điều này bởi vì đó là Giáo Hội của tôi ».
Vào ngày 10/11/2015, ở Florence, Đức Thánh Cha cũng đã tuyên bố rằng : « Thật vô ích khi tìm kiếm những giải pháp trong chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa duy truyền thống, trong việc phục hồi những hành xử và những hình thức quá thời vốn không còn khả năng mang lại ý nghĩa nữa, ngay cả về mặt văn hóa ».
(Tý Linh chuyển ngữ, XBVN 02.12.2105/
theo La Croix)