Bạn thân mến,
Nếu được bầu chọn ai là người đau khổ nhất trần gian, chắc nhiều người sẽ bỏ phiếu chọn Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ được nhiều đặc ân và được đưa lên trời cả hồn và xác lại chịu nhiều đau khổ đến thế? Đó phải chăng là câu chuyện nhiệm mầu kể từ ngày sứ thần truyền tin cho tới khi con Mẹ là Đức Giêsu chết trên thập giá. Giáo Hội Công giáo có rất nhiều ngày lễ mừng Đức Mẹ, nhưng ngày 15 tháng 09 hôm nay, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
Nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Đức Mẹ không đi trên con đường nhung lụa. Sau tiếng xin vâng, Mẹ chấp nhận cùng với con của Mẹ là Đức Giêsu bước vào một hành trình đi ngược với thế gian. Để làm chứng cho Tin Mừng, Mẹ cũng như con của Mẹ phải chịu rất nhiều đau khổ; riêng con của Mẹ còn bị khai trừ và giết chết tại Giêrusalem. Chính dưới chân thập giá trên đồi Can-vê, trái tim Mẹ đau đớn tựa lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn, như lời tiên báo năm xưa của cụ già Simêon dành cho Mẹ.
Thực ra lễ Đức Mẹ sầu bi còn có một tên gọi khác thể hiện những nỗi đau khổ của Mẹ vốn gắn liền với Đức Giêsu: Lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà. Đó là lần Thánh gia trong đêm tối phải trốn sang Ai-Cập để tránh khỏi cuộc tàn sát của ông vua Hêrôđê Cả bạo tàn. Rồi khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Mẹ hoang mang lo lắng khi lạc mất con, phải mất ba ngày Mẹ và thánh Giuse mới tìm thấy Giêsu trong Đền Thờ. Và năm nỗi đau còn lại là đỉnh điểm của người Mẹ sầu bi khi chứng kiến cuộc thương khó của con mình.
Có nhiều người luận lý tại sao Thiên Chúa quyền năng yêu thương không cất đau khổ khỏi trần gian. Hoặc tại sao lại có đau khổ, và nếu tin Chúa Giêsu tôi có hết khổ đau không. Câu trả lời là không! Như đức Phật nói đời là bể khổ, hoặc như triết gia nói đau khổ là một thực tại. Để vượt qua đau khổ, người ta phải chịu một đau khổ lớn nhất và sau cùng đó là cái chết. Những khổ đau ấy người ta tưởng rằng Đấng Mêsia đến, khổ đau sẽ chấm dứt. Không! Khổ đau vẫn còn đó và chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người để „mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.” Phải chăng đau khổ vẫn luôn là một huyền nhiệm khiến người ta vẫn hoài hứng chịu?
Tuy nhiên, trong Đức Giêsu khổ đau mang một chiều kích của sự sống bình an. Nếu đau khổ có một ý nghĩa và giá trị để giúp con người thành toàn chính mình theo thánh ý Chúa, thì chính đau khổ lại là cơ hội để con người được nên giống Chúa hơn. Hơn ai hết, cuộc sống của Mẹ Maria gắn chặt với cuộc đời của Đức Giêsu. Đức Giêsu vui, Mẹ mừng; Đức Giêsu đau khổ, Mẹ sẽ khổ đau. Đức Giêsu chiến thắng thần chết, Mẹ cũng được phúc lên trời cả hồn và xác. Phải chăng đó là lý do Mẹ hằng tín thác vào Thiên Chúa cho dẫu cuộc đời còn lắm gian nan.
Chắc chắn ai cũng biết nỗi đau tột cùng của Mẹ trong vài ngày con của Mẹ bị bắt, bước vào cuộc thương khó, và chết trong mồ. Chứng kiến từ đầu đến cuối cực hình của Giêsu, trái tim mẹ như ngàn gươm giáo đâu thâu. Mẹ tin rằng Con của Mẹ sẽ chiến thắng, nên Mẹ can đảm theo Đức Giêsu đến cuối con đường. Khi nhìn con chết trên thập giá, Mẹ lặng im nguyện cầu. Lúc này là người Mẹ hết mực yêu thương con, Mẹ đã khóc hết nước mắt khi chứng kiến người con Mẹ hằng yêu dấu chịu khổ đau chết chóc.
Khi ông Gio-xếp hạ xác Đức Giêsu xuống, Mẹ ôm xác con vào lòng. Đó là một buổi chiều tang tóc thê lương. Từ đây Mẹ mất Con, môn đệ mất Thầy, người dân mất vua. Giây phút ấy, Mẹ không chỉ sầu khổ đớn đau, Mẹ còn hoang mang về kế hoạch huy hoàng mà ngày xưa Thiên sứ báo tin cho Mẹ: “Người sẽ nên cao cả…” Không một ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi đau buồn của Mẹ lúc này. Cũng chẳng lời nào diễn tả được nỗi đau của người ở lại mất đi người mà mình hằng yêu quý. Có chăng là sự hiện diện để chia vơi nỗi đau với người trong cuộc.
Bởi đó, trong ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, trong giây phút tột cùng của nỗi đau, hẳn là mỗi người ước mong được khóc, được đau, được thông phần với nỗi đau của Mẹ. Chúng ta cũng bắt chước Mẹ hằng tin tưởng vào Thiên Chúa. Rồi đây Con của Mẹ sẽ sống lại. Lúc ấy vấn nạn trên đây được sáng tỏ hơn trong Đức Giêsu Phục sinh. Bởi nói như cha Teilhard de Chardin SJ: “Ý nghĩa thật sự của Thập Giá không là đau khổ mà là cuộc vượt thoát của con người ra khỏi thế gian này để đạt đến đích điểm thực sự. Đích điểm ấy chính là sự hiệp nhất trong Đức Kitô.”
Chiêm ngắm Mẹ Maria sầu bi, chúng ta nhận ra “người Mẹ đã vững bước trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hiệp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập giá, theo đúng chưng trình của Thiên Chúa.” (LG 58). Là con cái của Mẹ, chúng ta cũng hy vọng được chung phần với Mẹ trong những giây phút Mẹ sầu buồn ấy. Để khi đối diện với khó khăn, gian nan của phận người, chúng ta không oán trời trách đất, nhưng vững bước theo Mẹ trong đau khổ. Được như thế, chắc hẳn Mẹ không lãng quên những đau khổ của ta, nhưng Mẹ và Đức Giêsu sẽ ân thưởng hạnh phúc vinh quang.
Trong ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, hẳn mỗi người cũng đến nguyện cầu với Mẹ:
“Lạy Mẹ Maria sầu bi, chúng con không có khả năng loại bỏ khổ đau. Đó là thực tại hằng gắn liền với đời sống chúng con. Tuy nhiên với Mẹ và trong Đức Giêsu, chúng con có con đường vững chắc để tìm được hạnh phúc. Khi chúng con kính nhớ tình yêu Mẹ dành cho Thiên Chúa, xin Mẹ giúp chúng con chuyển hóa những đau khổ thành cơ hội đền bù tội lỗi của chúng con. Được như thế, hy vọng Mẹ con mình được trùng phùng trên Thiên Quốc. Nơi ấy không còn khổ đau hay sầu buồn, nhưng chỉ còn hạnh phúc bình an.” Amen.
Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ngày 15 tháng 09.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(dongten.net 14.09.2017)