Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thiết tha kêu mời gọi tín hữu để tâm chiêm ngắm và bắt chước Đức Maria, “trước hết, như là người nữ đã có thái độ ngoan ngoãn vâng nghe tiếng của Thần Khí; như là người nữ biết thinh lặng và để ý lưu tâm; như là người nữ của lòng trông cậy và hệt như Abraham, là người đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa với lòng trông cậy dù không còn gì để cậy trông vào” (x. Rm 4:18). Đức Maria là hình ảnh phản chiếu trọn vẹn niềm trông cậy sống động nơi những người nghèo của Giavê Thiên Chúa, và là một gương mẫu sáng chói của những ai biết đặt trọn tâm hồn mình vào những lời Thiên Chúa hứa. Thái độ của Mẹ trong suốt thời gian Chúa Giêsu, Con của Mẹ, phải chịu khổ cực, là thinh lặng: thinh lặng để hiến tế Con, thinh lặng để tha thứ và thinh lặng trong niềm tin, niềm hy vọng vào sự Phục Sinh.
Thinh lặng để hiến tế Con
Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân cây Thập giá để hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng dạ mình sinh ra. Việc Đức Maria đứng dưới chân cây Thập giá, không phải là một tình cờ hay do lòng thương tự nhiên của một người mẹ, song do ơn Chúa và thánh ý. Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Công đồng Vaticano II đã quả quyết: “Đức Trinh Nữ trung thành hiệp nhất với con cho đến bên cây Thập giá là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở đó. Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy tế của con, với một tấm lòng của một người mẹ hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng dạ mình sinh ra”.
Cuộc tiến bước của Đức Maria lên núi Sọ có tính cách hoàn toàn tự nguyện và khởi sự từ rất sớm. Có thể nói nó bắt đầu ngay từ lời tiên báo của cụ già Simêon khi Mẹ tiến dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem lúc Ngài mới được 40 ngày tuổi theo luật Môisê. Bồng ẵm Hài Nhi trên tay cụ già Simêon dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và nói: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng – còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà”. Ngay lúc khởi đầu cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã thoáng thấy tấn thảm kịch trên núi Sọ. Ngôi Lời nhập thể là để thực hiện hy tế ấy. Ngài đã đến trong trần gian này là vì “giờ” của khổ nạn, giờ Ngài vượt qua thế gian này để về cùng Cha. “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12, 27). Thảm kịch trên núi Sọ không phải là một biến cố có tính ngẫu nhiên, có tính cách tình cờ đối với Mẹ nhưng Mẹ đã được chuẩn bị cho tấn thảm kịch đó từ lâu và mỗi ngày Mẹ càng tiến sâu vào đau khổ hơn.
Sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ đã nói Mẹ sẽ là Mẹ của Con Đấng Tối Cao. Trong thực tế, Mẹ phải sinh Con nơi hang bò lừa hôi tanh trong một đêm đông lạnh giá. Mẹ đã phải cùng Con sống lưu lạc trên đất khách quê người trốn bạo vương Hêrôđê. Mẹ đã cùng Con sống tại làng quê nghèo Nazareth. Mẹ đã chủ động bước theo sát Con trên bước đường khổ giá.
Cũng như Con yêu dấu của mình, Mẹ đã im lặng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, không kêu khóc, than van, phản đối, phẫn nộ gì cả và Mẹ đã nhìn nhận trong các biến cố đau thương ấy theo thánh ý Cha trên trời với tất cả lòng tin, lòng cậy, lòng mến.
Công đồng Vatiacano II đã nói trong Tín lý về Giáo Hội: “Lời ưng thuận trong ngày truyền tin mà Người đã không ngần ngại giữ vững bên Thập giá”. Giờ đây lời xin vâng ấy trở nên đau đớn hơn, biến thành “xin vâng” đồng thống khổ. Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã cộng tác vào việc dâng lên Thiên Chúa Cha một lễ tế đền tạ tội lỗi trần gian để nhận được ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Thinh lặng để tha thứ
Mẹ thinh lặng dưới chân Thập giá không chỉ để hiến tế Con mà còn để tha thứ. Yêu thương của Mẹ cũng là yêu thương của Chúa Giêsu: một yêu thương sẵn sàng tha thứ. Yêu thương đó cũng còn là cầu nguyện cho những kẻ làm khổ mình.
Mẹ thinh lặng trước sự thay lòng đổi dạ của dân chúng. Mẹ không oán trách họ. Mẹ thinh lặng để cho những làn sóng vô ơn bạc nghĩa tràn vào lòng Mẹ. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại âm thầm của trái tim dâng hiến.
Mẹ thinh lặng trước tình trạng coi như phá sản của 12 tông đồ. Mẹ không trách cứ họ. Mẹ đón nhận cảnh tan rã thê thảm của các tông đồ vào lòng. Thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực có sức thánh hoá. Đó là một thứ đối thoại dịu dàng của tấm lòng hiền mẫu.
Mẹ thinh lặng trước bản án sai trái của quan Philatô và trước những độc ác của quân thi hành bản án đối với Chúa Giêsu. “Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô đã đặt “Lời của Thập Giá” đối lập lại với khôn ngoan của lời; nghĩa là, ngôn ngữ Thập Giá và ngôn ngữ của khôn ngoan nhân loại đối lập nhau. Sự khác biệt nằm ở chỗ: khôn ngoan của lời hay khôn ngoan của thế gian thì diễn tả bằng lời nói, bằng những diễn từ văn hoa. Ngược lại Thập Giá diễn tả bằng thinh lặng. Ngôn ngữ của Thập Giá là thinh lặng” (Lm. Giuse Hoàng Văn Tới, Thánh mẫu học).
Thinh lặng trong niềm tin, niềm hy vọng vào sự Phục sinh
Nếu vào giờ của khổ nạn, giờ của tăm tối, các môn đệ thân tín đứng trước thử thách của lòng tin, đã bấn loạn đến tan rã, khi thấy Thầy mình là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi. Riêng Mẹ vẫn thinh lặng đứng vững không lay chuyển trong lòng tin của mình. Mẹ vẫn tin vào Người Con bị đóng đinh vào Thập giá, vẫn tiếp tục nhìn nhận Ngài như Vị Cứu tinh của nhân loại, tiếp tục nhìn nhận Ngài như là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi.
Dưới mắt của nhiều người việc Chúa Giêsu bị bắt và bị hành quyết có vẻ là một thất bại rõ rệt nhưng bất chấp những dấu hiệu bên ngoài đó, Mẹ vẫn xác tín thảm kịch đang diễn ra trước mắt rồi đây cũng sẽ kết thúc bằng một sự vinh thắng của Con mình. Khi chứng kiến Con đau khổ và chịu chết Mẹ đã phải đau đớn đến nát ruột nát gan nhưng Mẹ vẫn kiên trì trong niềm hy vọng của mình, Mẹ vẫn đầy lòng cậy trông và không bao giờ thất vọng cả. Cũng như lời Kinh Thánh nói về Abraham, Đức Maria đã tin mạnh mẽ rằng Thiên Chúa đủ quyền năng làm cho Con mình sống lại “cũng từ trong kẻ chết”.
Mẹ quả là tín hữu tuyệt thế. Mẹ đã dự phần vào cái chết của Con mình, vào cái chết có sức đem lại ơn cứu độ. Tiếng fiat được Mẹ không ngừng thốt lên trong từng giây phút của cuộc sống và đặc biệt trong những biến cố đầy cam go thử thách. Điều này đã bộc lộ được ý nghĩa trọn vẹn đến mức tuyệt đỉnh của nó qua thái độ thinh lặng của Mẹ trên đồi Canvariô.
NL. Cecilia, Dòng Đaminh