Một ngày đẹp trời kia, ở cái vườn nọ có cái tên là Ê-đen có hai vợ chồng đang sống trong an bình hạnh phúc bỗng dưng hóa trần truồng …
Không gian, thời gian, con người và sự kiện đó nhiều người biết đến qua câu chuyện ghi lại trong sách Sáng Thế.
Thiên Chúa là vị Thiên Chúa tuyệt hảo. Thiên Chúa tạo dựng trời đất, muôn vật muôn loài và Ngài đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Hơn thế nữa, nét đẹp của tấm lòng Thiên Chúa đó là :
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại,
nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. (Tv 8, 6-9)
Nhưng, hỡi ôi, hai ông bà nguyên tổ đã không đủ tỉnh thức đủ để nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Hai ông bà đã khước từ, đã đánh đổ tình thương đó. Và, ngay lúc ông bà phạm tội, tình yêu Thiên Chúa vẫn dẫy tràn trên cuộc đời của hai ông bà. Ta bắt gặp tình thương đó ở sách Sáng Thế, chương 3, 14.15 : Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
Dòng giống được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương đó sẽ là dân riêng của Ngài và sẽ chiến thắng con rắn dữ xưa, chiến thắng kẻ thù mưu ma chước quỷ xưa trong vườn Địa Đàng. Dòng giống Thiên Chúa tuyển chọn ấy có tên là Israel.
Qua dòng chảy lịch sử cứu độ, ta thấy Israel là một dân sống bằng hy vọng bởi vì họ đã ra đời, đã dựng nước, đã sống dựa trên một lời hứa của Thiên Chúa làm nền tảng. Lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham được nhiều lần lặp lại bằng cách này hay cách khác với các con cháu của ông : “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc hùng mạnh, sẽ ban cho ngươi một miền đất phì nhiêu làm quê hương, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và con cháu ngươi, và qua ngươi, Ta chúc phúc cho các dân tộc khác. Ta sẽ là Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân riêng của Ta”.
Lời hứa mà Thiên Chúa hứa với Abraham đã được long trọng lặp lại nhiều thế kỷ sau với vua Đavít qua miệng Ngôn sứ Nathan. Ngôn sứ nói rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện từ dòng dõi nhà vua một người con; người con này sẽ là vị Cứu Tinh, Người sẽ tái lập vương quốc Đavít và sẽ trị vì mãi mãi.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, lịch sử của dân tộc Israel cũng vậy. Ta thấy có những thời Israel cực thịnh nhưng cũng có những lúc cực suy và có những lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát gần như tuyệt vọng. Trong nỗi thất vọng nhưng có một niềm hy vọng vẫn lóe lên trong cuộc đời của họ. Niềm hy vọng của Israel như là sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt qua dòng lịch sử. Họ luôn luôn quay về với Lời Hứa của Chúa để tìm lẽ sống cho mình, nhất là những khi cùng đường tuyệt vọng. Và Chúa luôn luôn tỏ ra rất trung thành với lời hứa, có điều là lắm khi đường lối của Người theo rất lạ lùng, khó hiểu.
Sống dưới ách nô lệ của Ai Cập, dân Do Thái vẫn ngóng trông, vẫn mong đợi ngày giải phóng suốt mấy trăm năm. Thế rồi Thiên Chúa đã sai Môsê đến làm vị cứu tinh của họ.
Vừa bước chân ra khỏi Ai Cập, dân Do Thái lại ngóng chờ được vào chỗ định cư, nơi có sữa và mật chảy thành suối như lời hứa.
Niềm hy vọng của dân Do Thái không dừng lại ở đất hứa. Khi vừa đặt chân đến đất hứa rồi, họ vẫn chưa hết chờ mong vì vẫn chưa được như lòng sở nguyện. Sau những thế kỷ lập quốc khá hùng mạnh, đến lúc họ lại bị nước mất nhà tan và bị bắt đi lưu đầy ở Babylon, năm 586 trước công nguyên. Nơi chốn lưu đày họ lại mong lại chờ, và Chúa đã sai vua Kyrô nuớc Ba Tư đưa họ về quê cha đất tổ và tái thiết lại Đền Thờ. Đền thờ cuối cùng bị phá huỷ là vào năm 70 thời tướng Lamã Titus. Dân Israel lại rơi vào ách thống trị của đế quốc Rôma. Và họ lại chờ mong một vị cứu tinh mới.
Nhìn lại niềm hy vọng của Do Thái, ta thấy niềm hy vọng của họ chỉ gói ghém, chỉ hạn hẹp, chỉ được giới hạn ở cái nhìn của phàm tục, của vật chất, của hư danh dẫu rằng quá nhiều lần cũng như quá nhiều ngôn sứ nhiều lần dạy họ phải mở rộng cái nhìn vật chất hẹp hòi đó. Các ngôn sứ đã hướng họ nhìn và trông mong Đấng Cứu Độ trần gian chứ không phải đấng đến để làm cho họ được vinh quang với cái vẻ bên ngoài.
Thiên Chúa cũng đã thử thách dân Do Thái nhiều lần và nhiều cách. Có lúc niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian bừng lên mạnh mẹ nhưng rồi cũng có những người chán nản thất tín bất trung. Nhiều đại họa đến với dân và làm cho dân nản chí nản lòng.
Trong số những người Do Thái chờ đợi trong niềm tin, hy vọng trong niềm cậy trông đó nổi lên khuôn mặt hết sức dễ thương đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Maria (Miryam), một tên rất phổ biến, giống như tên Mai, Lan, Cúc, Trúc trong giới phụ nữ Việt Nam ta. Giả như Maria sinh ra ở Việt Nam, Maria sẽ mang một cái tên hết sức gần gụi Trần Thị …, Đặng Thị … Đơn giản là như thế. Về quê quán, Đức Maria là người làng Nazareth (Lc 1, 26), một làng rất tầm thường như về sau ông Nathanael một môn đệ Đức Giêsu đã nhận xét: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1, 46).
Mẹ đã đến thế gian, Mẹ đã đi vào trần gian, Mẹ được sinh hạ bởi tình yêu, bởi huyết nhục của GioaKim và Anna.
Cũng như bao nhiêu người nữ khác nói riêng và như bao nhiêu người Do Thái, Mẹ Maria cũng trông chờ Đấng Cứu Độ trần gian đến. Giản đơn, qua lịch sử, ta thấy Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Ngày ngày, Maria lên Đền Thờ cầu nguyện và nghe Lời Chúa. Maria đã sống niềm hy vọng vào Đấng Cứu Độ trần gian từ độ còn xuân. Maria luôn luôn nghiền ngẫm Thánh Kinh để rồi Maria nhớ lại lời Chúa đã dùng ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavít xưa.
Và rồi, cũng bỗng đến ngày kia, giờ kia, không phải là cái giờ đại họa đến cho con người khi ông bà nguyên tổ phạm tội mà đến cái giờ con người được hưởng hồng phúc, được hưởng ơn cứu độ. Giờ ấy chính là giờ sứ thần truyền tin cho Maria.
Hoàn toàn bất ngờ, hoàn toàn không hiểu, hoàn toàn ngạc nhiên. Chẳng bao giờ Maria nghĩ đến lời ngôn sứ ngày xưa lại rơi vào cuộc đời của mình. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình có thể sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi?
Thế nhưng, bình tĩnh để nghe sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria đã khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Niềm hy vọng của Maria được nung nấu, được nuôi dưỡng trong tâm tình tỉnh thức, chờ đợi và đặc biệt nhất đó là hoàn toàn khiêm hạ để đón Ơn Cứu Độ trần gian đến trong đời của Mẹ. Nếu như Mẹ không tỉnh thức, không suy niệm lời Chúa, không hoàn toàn bỏ ngõ đời mình cho Thiên Chúa, cho Thánh Ý Thiên Chúa thì Đấng Cứu Độ trần gian sẽ không đến với Mẹ.
Với tâm tình đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành thánh mẫu của Thiên Chúa.
Ta bắt gặp Đức Maria đã sống hết sức mạnh mẽ niềm hy vọng chờ mong ơn cứu độ của dân tộc mình. Hơn thế nữa, Mẹ đã trở thành dụng cụ đặc biệt Chúa dùng để thực hiện ý định cứu độ vì Mẹ là một tâm hồn nghèo khó, khiêm nhường, tuyệt đối tin tưởng và gắn bó trọn vẹn vào Thiên Chúa.
Sống Mùa Vọng, Giáo Hội đặt chúng ta lại trong thái độ khao khát chờ mong Chúa đến cứu độ chúng ta.
Ta chờ ai, mong ai, đón ai đến trong cuộc đời của ta ?
Bài học của dân Do Thái ngày xưa dẫu là xưa nhưng vẫn là bài học còn rất mới và rất tốt cho mỗi người chúng ta. Đôi khi, ta cũng lầm đường lạc lối là hy vọng, chờ mong, đạt được những cái gì hạn hẹp trong cái đợi, cái mong của vật chất, của hạ giới chứ không về thượng giới, về Ơn Cứu Độ.
Nếu chúng ta cứ lầm lũi chờ đợi vật chất, danh vọng, quyền lực, lợi lộc trần gian ta sẽ đánh mất cái cảm thức của chờ đợi Đấng Cứu Thế. Và với tâm tình đó, ta sẽ không khiêm hạ đủ như Mẹ Maria để đón Đấng Cứu Độ trần gian vào đời mình như bao nhiêu người đã đánh mất Ơn Cứu Độ.
Ta hãy thức tỉnh và đặc biệt hơn cả là hãy noi gương Đức Maria: ý thức mình là kẻ nghèo khó khiêm nhu, sống phó thác vào Chúa. Và cũng cần lắm là noi gương của Mẹ sẵn sàng để cho Chúa sử dụng vào công cuộc cứu độ của Người đang thực hiện cho bản thân chúng ta và cho toàn thế giới.
Anmai, CSsR