Đức Hồng Y Muller: Cái hiểu của Kitô Giáo về con người nhân bản

Ngày 13 tháng Năm vừa qua, tại Cao Đẳng Christendom ở Front Royal, Virginia, Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Muller đã đọc một bài diễn văn khai mạc, nói về cái hiểu của Kitô giáo đối với con người nhân bản.

card-muller.jpgNhư đã thấy Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller được Đức Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y năm 2014 và duy trì ở chức vụ bộ trưởng thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, một chức vụ ngài nắm giữ từ năm 2012 tới năm 2017. Đức Hồng Y tích cực tham gia trong ngành giáo dục gần như suốt đời. Ngài từng giữ chức giáo sư thần học tín lý tại Đại Học Ludwig-Maximilian ở Munich trong các năm từ 1986 tới năm 2002. Ngài được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục Regensburg năm 2002, và trở thành thành viên của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo và Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo năm 2012. Ngài thành lập Viện Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI năm 2008, để thu thập và xuất bản toàn bộ các công trình của Joseph Ratzinger. Cho tới nay, ngài có hơn 500 ấn phẩm học thuật.

Sau đây là tóm lược bài diễn văn của ngài:

Với Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, tựa là Gaudium et Spes, Công Đồng Vatican II đã đưa ra một “Đại Hiến Chương” cho việc phát triển trọn vẹn con người. Giáo Hội tự coi mình như một phần của nhân loại, nối kết chặt chẽ với “các vui mừng và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của con người nhân bản ngày nay” (GS 1). Bạn không thể nào tách biệt “các vấn đề về xu hướng hiện nay của thế giới, về vị trí và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của cá nhân và các cố gắng tập thể, và về số phận tối hậu của thực tại và của nhân loại” (GS 3). 

Con đời đời của Thiên Chúa, Đấng “vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi đã sinh ra làm người” là tiên mẫu của con người vì các người khác. Cũng thế, như Dietrich Bonhoeffer từng nói, Giáo Hội “chỉ là Giáo Hội bao lâu là Giáo Hội vì các người khác”. Các Nghị Phụ Công Đồng, sau khi giải thích nguồn gốc, yếu tính và sứ mệnh của Giáo Hội trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đã nói tới việc Giáo Hội phục vụ một cách cứu vớt đối với việc phát triển toàn bộ con người nhân bản trong Gaudium et Spes

“Con người nhân bản xứng đáng được duy trì; xã hội nhân bản xứng đáng được đổi mới. Do đó, trọng điểm trình bầy của chúng tôi sẽ là chính con người, trọn vẹn và toàn bộ, thân xác và linh hồn, trái tim và lương tâm, trí khôn và ý chí” (GS 3). Như thế, tập chú của Công Đồng là “thế giới con người;… một thế giới vốn là sân khấu của lịch sử con người, và người thừa hưởng các năng lực, các thảm kịch và các chiến thắng của họ; một thế giới được người Kitô Giáo coi như được tạo nên và được duy trì bằng tình yêu của Đấng Hóa Công, quả thực đã sa vào vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng nay đã được giải thoát nhờ Chúa Kitô, Đấng chịu đóng đinh nhưng đã chỗi dậy để bẻ gẫy gọng kìm của thần ác, để thế giới được tái tạo theo kế sách của Thiên Chúa và đạt tới thành tựu của nó” (GS 2). 

Các Vấn Đề Cấp Thiết Nhất Thời Ta

Đây là chủ đề đối thoại của nhiều người thuộc thế giới hiện đại. Giáo Hội tự hiến mình cho toàn thể nhân loại có thiện chí để hợp tác tìm ra các giải pháp cho các vấn đề cấp thiết nhất của thời ta: phẩm giá bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người, công bằng xã hội, hòa bình giữa gia đình các quốc gia, và đấu tranh chống các sức mạnh và thế lực phá hoại và các kẻ thù của nhân loại. 

Bất cứ ai đề xuất một cùng đích cũng phải biết phương tiện để đạt cùng đích ấy. Nếu phương tiện vô luân, thì cùng đích sẽ bị tổn thương và bác bỏ. Nếu chiều hướng hiện hữu và mục đích của lịch sử được hiểu theo lối cộng sản (tạo ra một thiên đường ngay ở trần gian), hay theo lối thực dụng (hạnh phúc ở mức cao nhất cho lượng người ở mức lớn nhất) hay theo lối của Thuyết Darwin xã hội (thể hiện việc sống còn của những sinh vật khỏe mạnh nhất), hay theo lối chủ nghĩa đế quốc (sự thống trị của một quốc gia lên các dân tộc khác), hay theo lối chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế (luật khai thác các tài nguyên thế giới và phẩm giá công nhân để phục vụ sự giầu có), thì phương tiện sử dụng sẽ vi phạm phẩm giá con người và cản trở viêc phát triển trọn vẹn con người.

Lịch sử chứng tỏ rằng cái nhân của hiện hữu và phát triển con người nằm ở chỗ nhìn nhận Thiên Chúa như là nguyên nhân đệ nhất và là cùng đích của mọi tạo thế. Toàn bộ phạm vi lịch sử con người là Nước Thiên Chúa ở trên trời và ở dưới đất.

Chúng ta không thể ý niệm hóa một cách suy lý Nước Thiên Chúa hay tạo ra nó từ bàn tay ta, từ sức mạnh của riêng ta. Nước Thiên Chúa là ơn thánh, và ơn thánh đem Chúa Thánh Thần vào trần gian, Thánh Thần đức ái, Đấng thánh hóa và trợ giúp, Thánh Thần hiểu biết và yêu thương, thay đổi tâm hồn ta và dẫn đưa cả một phong trào tự do vào mọi mối tương quan nhân bản. Thánh Thần ban các nhân đức đối thần tin cậy mến, các nhân đức trụ cột khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ, cũng như mọi ơn phúc và đặc sủng khác, ban cho ta vì các người khác, biến ta thành các cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc xây dựng Nước Trời. Nước này đã bắt đầu ngay bây giờ và ở đây, khi, với sự xuất hiện của Đấng Xức Dầu, Giáo Hội thi hành sứ mệnh của mình trong Chúa Thánh Thần, tức “mang tin vui đến cho người nghèo, công bố tự do cho người bị giam cầm và phục hồi thị lực cho người mù, giải phóng người bị áp bức, và công bố một năm đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 4:18-19). Trong tinh thần các Mối Phúc của Bài Giảng Trên Núi, ta phải phục vụ các anh chị em đang đau khổ của ta bằng những việc thương người phần hồn và phần xác, nhận ra chính Chúa Kitô ở trong họ. 

Kitô Giáo Trọn Vẹn 

Kitô Giáo không thể bị giản lược vào việc thích ứng sứ điệp của Đức Kitô theo kiểu tiểu tư sản nghĩa là chỉ bao gồm nội tâm tính, yêu thương người lân cận và bác ái cá nhân. Nước Thiên Chúa không phải chỉ ở trên và ở ngoài thế giới, cũng không phải là sự cứu rỗi cho đời này mà thôi, theo nghĩa một Cơ Quan Phi Chính Phủ về xã hội và chỉ có tính nhân đạo. 

Việc tôn kính đối với Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế giới luôn liên kết chặt chẽ, bất khả phân, trong Chúa Kitô, Đấng không đến thế giới này để giải phóng ta khỏi thế giới, nhưng để dẫn dắt con người và thế giới tới cùng đích chân chính của họ, theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Thực thế, bao lâu còn là một tạo vật, trong trọn hiện sinh của họ, con người luôn đứng trước mặt Thiên Chúa, Đấng dựng nên họ, cứu chuộc họ và làm họ thoả mãn hoàn toàn. Tuy nhiên, rõ ràng là con người nhân bản, với mọi giới hạn tinh thần của nó, có khả năng đánh mất các ơn phúc, làm đủ thứ sai phạm về luân lý, và không thể tự cứu được mình.Tất cả những điều tốt lành thoáng qua và của cải đời này đều không thể thỏa mãn lòng thèm khát vô hạn đối với hạnh phúc trong tâm hồn con người nhân bản. Mọi kiến thức và suy nghĩ phát xuất từ lý trí hữu hạn không bao giờ có khả năng bật mí được bức màn mầu nhiệm của hiện hữu. Ngay các việc có tính vị tha nhất đều vô dụng “nếu không có đức ái” (1Cr 13:1) và nếu cùng đích của chúng không ở trong tình yêu mà Thiên Chúa đã “đổ tràn vào trái tim ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5:5).

Do đó, lý trí con người phải luôn được xem xét trong bối cảnh đức tin siêu nhiên vốn hằng soi sáng để ta có được cái hiểu thích đáng về tự do.

Các Giới Hạn của Ý Thức Hệ và Tính Hiện Đại 

Các ý thức hệ chính trị mà ta vốn là nạn nhân và phải chịu đựng trong thế kỷ 20 và ngày nay, vẫn còn tiếp tục cải trang, đều chỉ quan tâm tới việc lớn mạnh của chủ nghĩa toàn trị của chúng, với quyền lực tuyệt đối của con người trên con người. Đàng sau chủ nghĩa toàn trị là mưu toan chiếm giữ, bằng tư tưởng và hành động, các khía cạnh nền tảng của việc làm người, của con người nhân bản trong thế giới, và thay thế sáng thế của Thiên Chúa bằng sáng thế của tay người. Các nhà thống trị toàn trị tự coi mình khôn ngoan và có khả năng hơn Thiên Chúa. Chương trình của chủ nghĩa toàn trị là một chủ nghĩa nhân bản không có Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa. Nó là một dự án ngược hẳn lại việc phát triển con người toàn diện mà Giáo Hội vốn đề nghị cho thế giới bằng Tin Mừng của Chúa Kitô. Viễn kiến của Giáo Hội xây dựng trên việc tổng hợp tạo thế và cứu thế, đức tin và lý trí, ơn thánh và tự do, sự viên mãn của hiệu năng Thiên Chúa và sự hợp tác chân thực của con người trong việc thể hiện ý chí phổ quát và cứu rỗi của Thiên Chúa. 

Chúng ta cũng thấy các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, nhằm hiện đại hóa mà thực ra chỉ hung hăng đem tới một hình ảnh méo mó về con người nhân bản, hình ảnh tự gọi là xã hội phúc lợi (xem Populorum Progressio, 52).

Tiêu chuẩn của một xã hội phúc lợi như trên phải xem xét các quốc gia trong thế giới đang phát triển chứ không thể chỉ xem xét tới Âu Châu và Bắc Mỹ. Nếu không, chắc chắn sẽ có vấn đề bác bỏ các nền văn hóa khác như là thiếu chân chính và thiếu pháp lý.

Hình Ảnh Con Người Nhân Bản 

Sự khác nhau giữa việc phát triển con người toàn diện theo quan điểm xã hội, vật chất, kinh tế và chính trị và việc phát triển toàn trị với các chương trình tự cứu chuộc của nó nằm ở hình ảnh con người nhân bản, nằm ở khoa nhân học. 

Con người nhân bản, từ nền tảng, vốn là một tạo vật của Thiên Chúa chứ không phải là một sản phẩm tình cờ của vật chất mù quáng và tùy hứng hay là một cấu trúc của các kỹ sư xã hội. 

Trong yếu tính, con người nhân bản phát xuất từ ý niệm Thiên Chúa vốn có về họ và Người khai triển ý niệm này trong bối cảnh thời gian và lịch sử. Bằng nhận thức và ý chí, con người suy tư và trình bầy trong thế giới sự thật và sự tốt lành của Thiên Chúa. Như thế, con người nhân bản lớn lên bằng tư duy và việc làm, bằng các thái độ tâm linh và xác tín luân lý. Do đó, từ khởi thủy, con người đã là một hữu thể văn hóa, hữu thể khoa học, và hữu thể nghệ thuật lý thuyết và thực hành. Không có nguyên tội, chắc chắn chỉ có việc phát triển toàn diện; tuy nhiên, sau và phù hợp với việc cứu chuộc ta trong Chúa Kitô, vẫn tiếp tục còn cuộc chiến đấu liên tục chống lại quyền lực và tội lỗi phá hoại. 

Nhờ Mạc Khải, ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng con người trong trạng thái toàn vẹn. Sẽ là một hiểu lầm khi nhìn trạng thái nguyên thủy của bản nhiên toàn vẹn như một câu truyện thần tiên hay như một điều có thể chứng minh được một cách thực nghiệm, vào lúc khởi đầu theo thứ tự thời gian của lịch sử nhân loại. Đúng hơn, tạo dựng có ý nói đến nguồn gốc và yếu tính của tạo vật trong ý niệm coi Thiên Chúa như khởi nguyên và cùng đích của toàn thể nhân loại. Do đó, Thiên Chúa là thước đo và qui phạm của việc hiện hữu làm người thực sự. Con người nhân bản, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, tham dự vào và tượng trưng cho sự chân và sự thiện có tính yếu tính của Thiên Chúa. “Thiên Chúa thấy điều Người đã tạo nên, và thấy nó tốt lành” (St 1:31).

Bất cứ ai làm điều tốt, dù chưa minh nhiên nhận biết Thiên Chúa, đều là một trung gian của sự tốt lành của Thiên Chúa. Con người tôn vinh Thiên Chúa và làm cho sự tốt lành của Thiên Chúa trở thành hữu hình. Do đó, ta có thể cộng tác với mọi người thiện chí vì lợi ích của nhân loại; ta có thể học hỏi từ triết lý, từ khoa học, từ những người không phải là Kitô hữu. Lấy Aristốt và Mahatma Gandhi, chẳng hạn, sẽ là điều sai lầm khi ta phân chia quá đáng các Kitô hữu và những người khác trong nhân loại, như thể quả quyết rằng “mọi đức hạnh của người ngoại đạo đều xấu xa, và mọi nhận thức của họ đều chỉ là sai lạc và lầm lẫn”. Ơn thánh và tự nhiên, đức tin và lý trí, phải khác biệt nhưng không tách biệt, để mối liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, giữa tôn giáo và xã hội, được ấn định bởi việc hợp tác vì ích chung, chứ không phải bởi việc kình chống nhau. Bởi thế, Gaudium et Spes nói tới sự trợ giúp mà Giáo Hội vốn nhận được từ thế giới hiện nay (số 44), sau khi giải thích điều Giáo Hội hiến tặng cho thế giới.

Đối Chất với Sự Ác Một Cách Xây Dựng

Tuy nhiên, nhờ Mạc Khải ta cũng biết nguồn gốc của sự ác. Sự ác không phát khởi từ việc thiếu sót trong công trình tạo dựng hay từ một Thiên Chúa ma mãnh, nhưng từ hành động tiêu cực của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Với nguyên tội của Ađam và các hậu quả của nó, tan rã đã nhập vào mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, vào mối tương quan giữa các con người nhân bản, vào mối tương quan của con người với thế giới động vật và môi trường, và vào vai trò của nó trong lịch sử sống. Việc nhân thừa các sự ác thể lý chỉ là một biểu hiện của sự ác luân lý. Ta không thể tách biệt ta ra khỏi vũng sâu nước mắt này. Không ai tự mình có thể quyết định trở thành vị cứu chuộc cho người lân cận của mình. Mọi thử nghiệm để tạo ra một nhà nước lý tưởng qua các hệ thống triết lý và các phương tiện của quyền lực chính trị đều đã thất bại một cách thảm hại và chỉ để lại đàng sau các tai họa mà thôi. 

Mà cả diễn trình bất tận của việc tối đa hóa nhân loại cũng không hề có, vì khả thể lạm dụng luôn đi đôi với tiến bộ khoa học. Các mạng lưới xã hội đều có thể được sử dụng một cách xây dựng lẫn phá hoại. Việc trồng cấy các bộ phận, tuy cứu được mạng sống, cũng đã đem lại nhiều khả thể mới cho tội ác chống nhân loại qua việc mua bán các bộ phận đầy tính thương mại. Tiến bộ kỹ thuật vẫn lưỡng nghĩa về phương diện đạo đức. Việc chọn lựa giữa tốt và xấu không còn được trân trọng, tất cả đều vì tiến bộ và nhân danh tiến bộ. Bao lâu tinh thần con người còn đặt câu hỏi về sự thật của hiện hữu và về giá trị luân lý của một hành vi, nó vẫn không tránh khỏi việc phải có một lập trường, với lựa chọn sau đây đã được thiết lập trên một nền tảng vững chắc: coi Thiên Chúa như nguyên ủy và cùng đích của con người nhân bản.

Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể là Đấng Cứu Chuộc. Không như một không tưởng của nhân loại, Chúa Kitô mang đến cho họ Nước Thiên Chúa. Chỉ ở nơi Thiên Chúa thống trị bằng tình yêu, con người nhân bản mới thực sự tự do. Trong Phép Rửa, ta trở nên một tạo thế mới, được trang bị để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa, bằng mọi sức lực, tài năng, và các đặc sủng tâm linh và thể xác của ta, để cuối cùng, dự án trong thánh ý cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất ở trời mới đất mới. “Vì ta là công trình của tay Người, được dựng nên trong Chúa Giêsu Kitô vì các việc làm tốt lành mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ trước và chúng ta nên sống trong đó” (Ep 2:10). Việc công chính hóa người có tội đem đến sự phục hồi toàn vẹn con người nhân bản, nay được nhận làm con trai con gái của Thiên Chúa. Như thế, ta được mời gọi thắng vượt thế giới cũ của tội lỗi, của vị kỷ, và của các thù nghịch cả ở trong mình lẫn ở ngoài thế giới. 

Thay vì làm việc một cách phá hoại, ta muốn cộng tác vào việc lớn mạnh của Nước Thiên Chúa một cách xây dựng, bất chấp các vấp phạm và thất vọng. Chúa Kitô đã thiết lập ra Nước Thiên Chúa, dù vẫn còn dấu ẩn; Giáo Hội, nếu muốn trung thành với Người, có nhiệm vụ phải công bố Tin Mừng, chuyển tải ơn thánh của Chúa Thánh Thần qua các bí tích, và hỗ trợ dự án cứu rỗi toàn diện của Thiên Chúa, qua việc tham dự vào việc phát triển toàn diện con người nhân bản. Mỗi con người nhân bản là một cùng đích trong chính họ, và người ta không bao giờ được biến một người khác thành phương tiện cho một cùng đích thấp hèn hơn là cùng đích cao cả này: thể hiện thánh ý Thiên Chúa cho con người đặc thù này.

Người Kitô hữu chiến đấu chống lại các sự ác thể lý và tinh thần và góp phần xây dựng các điều kiện sống có liên hệ tới phẩm giá của con người nhân bản. Ở nền tảng của phẩm giá này, là các quyền có nơi ở, có thực phẩm và quần áo, cũng như quyền kiếm sống cho mình và cho phúc lợi gia đình mình, và trong việc làm, quyền tăng tiến và phát triển về khả năng và ngược lại, quyền đóng góp vào việc thâm hậu hóa ý thức đối với bản sắc riêng của mình. Vì con người nhân bản là một hữu thể tâm linh và hoàn toàn được phú bẩm tự do, nên họ bước vào thách thức được tham dự vào đời sống chính trị, vào xã hội, và vào mọi thực tại thế trần, và quyền tự lập tương đối của họ ở đấy được Giáo Hội và huấn quyền Giáo Hội nhìn nhận.

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay được ngỏ với mọi người, kể cả người vô thần, với mục đích đề nghị với mọi người nam nữ có thiện chí một cuộc đối thoại thành thực về các chủ đề quan trọng nhất liên quan tới hòa bình và chiến tranh, phát triển các vũ khí hiện đại và khả năng tiêu diệt toàn thể nhân loại của chúng, và liên quan tới các khả thể lạ lùng của khoa học và kỹ thuật vốn làm cho tương lai phẩm giá trở thành khả hữu đối với gia đình nhân loại. 

Chúng ta không được quay mặt, khi càng ngày càng có nhiều người hơn đói khát, bị tước đoạt quyền lợi, và bị giản lược vào nạn nô lệ; khi bi kịch tỵ nạn tới các bãi biển Âu Châu và ngay tại biên giới Hoa Kỳ đang gia tăng; và khi các nguy cơ và thách đố của việc hoàn cầu hóa hiện diện ở khắp nơi.

Giáo Hội đang tham dự vào thế giới đương thời không phải như một cơ quan “vận động hậu trường”, chỉ lưu tâm tới các quyền lợi đặc thù của mình. Toàn bộ Gaudium et Spes hướng về phía phẩm giá con người nhân bản, cộng đồng nhân bản, và ý nghĩa tối hậu của hiện hữu và hành động của con người; nó “đặt nền tảng cho mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, và cung cấp căn bản cho cuộc đối thoại giữa đôi bên” (số 46). Nó không chỉ đề xuất một cuộc đối thoại, mà còn cả sự hợp tác nữa, “cho đến khi đạt được tình anh em giữa mọi người” (số 3). Xin trích dẫn phần kết luận của nó: 

“Trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Ðấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa”.

 

(Vũ Văn An, vietcatholic 25.10.2017)