Vị Bộ trưởng Bộ Truyền giáo sẽ ở lại Iraq với các gia đình Kitô giáo trong suốt Tuần Thánh. Đức Thượng phụ Louis Sako (nghi lễ Canđê), cũng như Đức Tổng giám mục Petros Moshe, Tổng giáo phận Mosul (nghi lễ Syria), thay mặt cho các Kitô hữu nói lên niềm vui lớn lao vì “cảm thấy được gần gũi”.
Hồi tháng Tám năm ngoái, Đức hồng y Filoni cũng đã được Đức Thánh Cha cử đến khu tự trị của người Kurd và đến Baghdad, để thăm viếng các cộng đoàn thiểu số đang là mục tiêu tấn công của quân thánh chiến Daech. Đức Thánh Cha nói rằng ngài muốn đích thân đến Kurdistan, nhưng tình hình xung đột ở khu vực này không cho phép.
Trong chuyến viếng thăm lần này, trước hết Đức hồng y Filoni đã dành hai ngày ở tại Jordan. Ngài đã đi thăm hai giáo xứ ở thủ đô Amman, tại đây Đức hồng y đã gặp nhiều người tị nạn Iraq. Ngài đã trao đổi với cơ quan Caritas ở Jordan và nói rằng Toà Thánh ca ngợi và cảm phục họ về các công việc họ đã làm. Đức hồng y cũng đã đến thăm trường học “Đức Maria, Mẹ Giáo hội”, nơi 300 học sinh đang học và là nơi có các khóa học tiếng Anh dành cho người lớn.
Đức Thánh Cha mong ước các gia đình phải tản cư ở Iraq “sẽ được trở về và tiếp tục sinh sống ở miền đất mà hàng trăm năm nay họ đã sống và tạo được các mối quan hệ sống chung tốt đẹp với mọi người”.
Các tổ chức bác ái của Giáo hội rất tích cực trợ giúp những người tị nạn –dù là Kitô hữu hay là người ngoài Kitô giáo– ở các nước láng giềng của Syria và Iraq. Một phái đoàn của Cor Unum, cơ quan phụ trách các công việc bác ái của Toà Thánh, cũng đến Kurdistan để an ủi và cứu trợ người tị nạn.
Tình hình các Kitô hữu Đông Phương bị bách hại hẳn sẽ là một trong những chủ đề của Đàng Thánh giá truyền thống mà Đức Thánh Cha sẽ chủ sự tại Đấu trường Colosseum vào tối thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.
(Nguồn: WHĐ)