Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” chắc hẳn đã quá quen thuộc với mỗi người Kitô hữu, với Giáo hội Công giáo và với rất rất nhiều người.
|
Câu hỏi này quen thuộc bởi thời đại nào người ta cũng muốn chất vấn hay truy tìm căn tính của Đức Giêsu thành Nazarét. Trên hành trình truy tìm ấy, có nhiều người mến tin trông cậy và không ít người chống đối kém tin.
Còn nhớ từ thuở giáng sinh, ba nhà đạo sĩ hỏi về vị vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu? Rồi khi Đức Giêsu lớn hơn một chút, người ta ngạc nhiên và không ngừng thắc mắc cậu ấy là ai mà ngồi giữa các bậc thầy người Do thái, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi! Ba năm trên đường sứ vụ, người ta vẫn không hiểu tại sao Giêsu chẳng phải là con bác thợ mộc và bà Maria đó sao, vậy bởi đâu mà ông ấy làm được những chuyện tốt lành như thế?!
Câu hỏi ấy trở nên gay cấn trong những cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và giới Do Thái. Trong Tuần Thánh, khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, họ càng thắc mắc về căn tính và nguồn gốc đích thực của Giêsu. Người Do thái chất vấn chính Đức Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Thực ra, Đức Giêsu trước đó đã nói nhiều lần về căn tính của Ngài: “Tôi và Chúa Cha là một”, nhưng nhiều người bất tin và cũng chẳng thèm để tâm suy nghĩ. Vì họ cho lời ấy là phạm thượng, là xúc phạm đến Đức Chúa của họ nên họ phẫn nộ lấy đá ném Đức Giêsu. Đúng là khi không tin ai đó thì những việc tốt lành của người ấy thấm thía vào đâu, và căn tính của người ấy lại thành cớ cho người ta tấn công!
Có thể nói, người ta không phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu. Vả lại, họ còn công nhận biết bao việc tốt lành Ngài đã thực thi; họ chỉ trách cứ là tại sao Giêsu lại làm những việc ấy trong ngày Sabbath! Cầm hòn đá trên tay, họ phản đối Đức Giêsu: “Chúng tôi ném đá ông vì một lời nói phạm Thượng. Ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa.” Phải, Đức Giêsu là một con người giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Triết gia Karl Jasper sau này xác nhận Đức Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là một trong bốn cá nhân mẫu mực cho người đời noi theo. Nếu nói Đức Giêsu là vĩ nhân thì chưa đủ và không đúng! Bằng chứng là chính Đức Giêsu muốn cho người ta nhận ra Ngài chính là Đấng Cứu Thế.
Trong Tuần Thánh này, thiên tính nơi con người Giêsu khiến cho người ta ngờ vực hoang mang. Không hoang mang sao được khi ĐứcGiêsu khẳng định căn tính của mình: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Vì lời nói phạm thượng này mà họ tìm cách bắt Đức Giêsu và cũng quy tội chết cho Ngài vì “Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa.” Hóa ra vì không thể phủ nhận thiên tính trong Ngôi Lời Nhập Thể mà Đức Giêsu chấp nhận bị người đời bắt bớ thủ tiêu. Nói đúng hơn, những ai không tin vào Đức Giêsu, không chấp nhận căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, nên họ không tin và chống đối Ngài.
Hạnh phúc thay cho những ai tin rằng: “Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa Hằng sống.” Là Kitô hữu, mỗi người đã, đang và sẽ tiếp tục tin yêu nơi Đức Giêsu vì chúng ta biết Đức Giêsu là Ai. Mỗi môn đệ Chúa đều trải nghiệm được tại sao ta lại bước theo một Thầy Giêsu vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Xin Thầy Giêsu kể với từng người về căn tính và lòng thương xót của Ngài trong hành trình chúng ta cùng bước với Ngài lên đỉnh đồi Canvê…!
(Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J., dongten.net 21.03.2016)