Đức Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành

Suy niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót – Bài 5: Đức Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,1-18)

ThuongXotNhuChuaCha.jpg

Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành

hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11)


Dẫn nhập

Nền văn hóa Ít-ra-en từ thời các tổ phụ làm nghề du mục, sau này chuyển sang chăn nuôi và trồng trọt. Thế nên, hình ảnh mục tử và đoàn chiên rất quen thuộc đối với người Do Thái. Hình ảnh đó được Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Trong Ga 10,1-18, Đức Giê-su dùng chính hình ảnh trên để quảng diễn tình yêu thương cao vời mà Người dành cho nhân loại. Người đón nhận các con chiên từ Chúa Cha, yêu thương đàn chiên, tập trung tất cả về một ràn,hướng dẫn, che chở, nuôi dưỡng, và rồi đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Như vậy, hình ảnh Đức Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành đã được Gio-an thống nhất, đào sâu và quảng diễn rộng rãi đến độ bao trùm toàn bộ công trình cứu độ.

Hình ảnh Mục Tử cũng được trình bày trong các Tin Mừng Nhất Lãm nhằm diễn tả: tính thiên sai của Đức Giê-su (Mc 6,34; Mt 9,36-38); lòng khoan dung và tha thứ của Người (Mt 18,12-14; Lc 15,3-7); sứ vụ của Người đối với dân Chúa (Mt 10,16; Lc 12,32). Nhưng tất cả những đặc tính trên của Vị Mục Tử nằm rải rác trong các Tin MừngNhất Lãm chứ không tổng hợp như Tin Mừng Gio-an.

Để hiểu rõ chân dung Vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su trong Tin Mừng Gio-an (Ga 10,1-18), trước hết, chúng ta cùng nhau khảo cứu hình ảnh người mục tử trong Kinh Thánh Cựu Ước.

  1. Hình ảnh người Mục Tử trong Kinh Thánh Cựu Ước

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được coi là Vị Mục Tử lý tưởng của dân Ít-ra-en. Thánh vịnh 23 đã diễn tả cách tuyệt vời sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân Người:

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4).

Ngôn sứ Isaia trình bày sống động hình ảnh Thiên Chúa như người mục tử chăm sóc cho chiên mình: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).

Thiên Chúa đã cắt đặt các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Ít-ra-en thay mặt Người lãnh đạo dân. Nhưng tiếc thay, trải qua dòng thời gian, họ đã thất bại trong việc chăm sóc đoàn dân được trao phó, đã lợi dụng chức vụ để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Thế nên, Thiên Chúa khiển trách nặng nề các mục tử xấu qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en (Gr 23,1-2; Ed 34,1-10) và chỉ định những mục tử tốt chăm sóc dân (Gr 3,15; 23,4).

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en còn loan báo rằng Đấng Mê-si-a, thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ là Vị Mục Tử của Thiên Chúa chăm sóc đoàn chiên Người (Ed 34,23-24). Người tập họp những con chiên tản mác, tập trung chúng từ các dân tộc và dẫn đến miền đồng cỏ tươi tốt trên các núi của Ít-ra-en. Người sẽ quan tâm đến mỗi con chiên và dùng sự công bình mà chăn dắt chúng (Ed 34,11-22). Đức Giê-su là Đấng sẽ thực hiện lời hứa đó, qua Người, Thiên Chúa chăn dắt và nuôi dưỡng dân Người.

  1. Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,1-18)

Gio-an đặt diễn từ Vị Mục Tử Nhân Lành sau phần bế mạc Lễ Lều (7,37). Bấy giờ đang xảy ra cuộc tranh luận và chia rẽ giữa những người tin nhận Đức Giê-su và những kẻ khước từ Người: “Dân chúng bàn tán nhiều về Ngài. Kẻ thì bảo đó là một người tốt; kẻ thì nói … ông ta mê hoặc dân chúng” (7,12). “Vậy vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ” (7,43). Sau đó là câu chuyện chữa lành người mù (ch. 9), nói lên sự đối kháng của cấp lãnh đạo Do Thái đối với Đức Giê-su.

Cách cấu trúc riêng của Gio-an là trình bày các sự kiện và tiếp theo là diễn từ giúp suy tư chúng. Chương 10 xuất hiện như dòng suy tư phê phán và lên án thái độ của giới lãnh đạo Ít-ra-en về những biến cố đã nói trên. Điều này cho phép ta xác định đoạn Vị Mục Tử Nhân Lành bắt đầu bằng công thức long trọng: “Thật Tôi bảo thật các ông” (10,1) là một diễn từ mạc khải nối kết với đoạn trước. Ta còn gặp thấy trong Ga 10 những quy chiếu rõ ràng về người mù bẩm sinh (10,19-21.24-25), những quy chiếu ấy như lấy lại những lời tranh luận đã kết thúc ở Ga 9,39-41.

Diễn từ Vị Mục Tử Nhân Lành nối kết chặt chẽ với đoạn sau. Lời tuyên bố “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,10) được tiếp nối bởi trình thuật Phục Sinh La-da-rô nói lên Đức Giê-su là Đấng ban sự sống: “Thầy là sự sống lại và là sự sống” (11,25).

Như thế, Ga 10,1-18 được coi như cầu nối giữa trình thuật “chữa lành người mù bẩm sinh” (diễn tả Đức Giê-su là Đấng khai quang soi sáng) và trình thuật “phục sinh La-da-rô” (diễn tả Đức Giê-su là Đấng ban sự sống).

  1. Dụ ngôn người Mục Tử

Trong Ga 10,1-6, Đức Giê-su trình bày hình ảnh của một ràn chiên, bao gồm người mục tử và đàn chiên. Người giữ cửa mở cho anh ta vào. Người mục tử gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Đàn chiên nghe tiếng của chủ và đi theo, anh đi trước và chiên theo sau. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (10,1-2).

Dụ ngôn này xây dựng trên sinh hoạt hằng ngày của dân Do Thái. Đàn chiên không phải chỉ vài con (x. Lc 15,4) mànhà mục tử thì lại chật. Tối đến các mục tử gởi đàn chiên mình vào chung một ràn. Ràn chiên có tường bao quanh và có người canh giữ. Chỉ có cách duy nhất để mục tử đến với chiên là đi qua cửa, nếu không thì là kẻ trộm (Ga10,1-2). Khi nói phải “qua cửa mà vào,” Đức Giê-su nhằm công kích giới lãnh đạo Do Thái là những kẻ trộm, không chăm lo đến dân Chúa.

Chủ biết rõ chiên, gọi tên từng con. Chiên quen (biết) tiếng chủ, nghe chủ gọi – nó nhận ra và đi theo. Chiên nghe tiếng người lạ, nó không theo nhưng còn chạy trốn. Thế nên, tuy chỉ có một ràn với nhiều mục tử, nhưng không hề lẫn lộn chiên (cc. 3-5). “Biết” và “nhận ra” đều có chung một từ Hy Lạp “oida.” Đây là một bức tranh tuyệt đẹp nhằm nói lên chủ quyền của Thiên Chúa trong ‘sự kêu gọi của chủ chiên’, và con người đáp trả trong ‘sự lắng nghe, biết và theo của con chiên’. Chúng ta tìm thấy chủ đề “lượng định” trong dụ ngôn này, bởi vì không phải chỉ có chủ gọi, nhưng rất nhiều tiếng gọi chiên. Theo Đức Giê-su, nghĩa là từ chối theo những người khác, người tự xưng là chủ chiên.

Đức Giê-su kể dụ ngôn nhằm ám chỉ đến nhóm Pha-ri-sêu, nhưng họ đã không hiểu (c. 6). Họ là những người đã tự xưng là có thể nhìn (9,40-41), nhưng đã không có khả năng hiểu. Đức Giê-su dùng chủ đề chăn chiên để giải thích những gì vừa xảy ra với người mù (9,1-40). Đức Giê-su là Vị Mục Tử, người Pha-ri-sêu là người lạ nên chiên (anh mù) đã không theo họ.

  1. Đức Giê-su là cửa ràn chiên

Bởi vì những người lãnh đạo Do Thái không hiểu điều Đức Giê-su nói, nên Người giải thích cách khác, trong đó Người chính là cửa: “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (10,7). “Tôi là cửa” có thể hiểu theo hai cách: (1) cửa để người mục tử vào với chiên; (2) cửa để chiên đi qua để đến đồng cỏ suối nước.

Trường hợp (1) phân biệt người mục tử thật với kẻ trộm cướp; trường hợp (2) diễn tả trung gian sự sống. Đức Giê-su cho biết Người là cửa duy nhất dẫn đến cứu độ; mọi người phải qua cửa nghĩa là qua Đức Giê-su để được cứu (x. 14,6). Người đến cho chiên được sống và sống dồi dào (10,10).

“Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (10,8). Những người đã đến trước Đức Giê-su không phải là Mô-sê, các ngôn sứ hay Gio-an Tẩy Giả (vì họ làm chứng cho Người), nhưng là giới lãnh đạo Do Thái; và chiên đã không nghe họ. Họ bị Đức Giê-su quở trách là bọn đạo đức giả, cản đường người khác gia nhập Nước Trời, ăn ở bất công, có lòng tham lam, dẫn dường đui mù và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính (x. Mt 23,13-32).

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). “Tôi là cửa” nối kết chặt chẽ với “Tôi [Thầy] là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(14,6). “Là Cửa” – Đức Giê-su là con đường mà người ta phải đi qua để vào Nước Trời, để được nuôi dưỡng và để được hưởng tự do đích thực. Chúng ta là những con chiên cần chủ chăn, giống như người mù từ thuở mới sinh cần ánh sáng. Đến với Đức Giê-su và qua Người, chúng ta sẽ được chữa lành cả về thể xác lẫn tinh thần, và tìm được nguồn sống chan hoà trong an vui và hy vọng.

  1. Đức Giê-su bảo vệ chiên

Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành – chăm lo bảo vệ chiên, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Điều này hoàn toàn ngược lại với kẻ chăn thuê – ‘không thiết gì đến chiên’ (10,11-13):

– Người chăn thuê “bỏ chiên mà chạy,” còn Đức Giê-su thì: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (14,18);

– Người chăn thuê: để “sói vồ lấy chiên,” Đức Giê-su: “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (10,28);

– Người chăn thuê: “làm cho chiên tán loạn,” Đức Giê-su: chết để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,52).

Như vậy, Ga 10,12-13 cho thấy tinh thần thiếu trách nhiệm của người chăn thuê, người mà chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân chứ không quan tâm đến đoàn chiên. Qua đây, Đức Giê-su tiếp tục lên án giới lãnh đạo Ít-ra-en, nhưng Người chú trọng hơn đến các đặc tính của Vị Mục Tử, đặc biệt là mối tương quan hiệp thông thắm thiết của Mục Tử đối với chiên.

  1. Đức Giê-su biết rõ chiên

“Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha. Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,14-15).

Đức Giê-su biết rõ chiên và chiên biết Người được so sánh đến sự hiểu biết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Sự liên hệ mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con là nguồn gốc, kiểu mẫu và là căn nguyên cho mối dây liên hệ của Đức Giê-su và các môn đệ Người. Sự hiểu biết nói đến ở đây không đơn thuần là quen biết hay biết một cách hời hợt, nhưng chính là hiệp thông, thân mật, yêu thương và gắn bó – như Chúa Cha là một với Chúa Con (10,30).

Đức Giê-su biết rõ từng người mà Người được Cha trao phó, với tất cả phẩm chất, hiện trạng, tâm tư và khát vọng. Người yêu thương, chấp nhận và mời gọi tất cả đi vào trong sự hiệp thông với Người, bước theo Người trên con đường tốt lành và công chính. Chính trong tương quan tình yêu này, Đức Giê-su đã tận tình dẫn dắt, chăm sóc, dưỡng nuôi, kiếm tìm và thí mạng vì chiên. Người đọc được trái tim của những người mà Người gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng đi theo mình, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương cảm (x. Mt 9,36); Người đã bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18,12-14); chữa lành những kẻ đau yếu (x. Mt 14,14); và hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x. Mt 15,37).

Phần chúng ta, là các môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta phải để Người dẫn dắt đời ta, phải nên một với Người. Môn đệ phải ăn thịt và uống máu của Thầy, nhận sức sống từ nơi Thầy và lan tỏa sức sống đó đến anh em đồng loại; tột đỉnh của tình thương mến là hy sinh tính mạng vì anh em mình (Ga 15,13).

  1. Đức Giê-su hy sinh mạng sống cho chiên

Sứ mệnh và tình thương của Vị Mục Tử Nhân Lành là phổ quát, Đức Giê-su yêu thương tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ hay giai cấp. Người mời gọi tất cả gia nhập đoàn chiên của mình – cộng đoàn những người tin: “Tôi còn có những con chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (10,16).

Đoàn chiên của Đức Giê-su trong đó các cá nhân không sống đơn độc, đơn phương hay lẻ loi, nhưng mỗi thành viên tháp nhập cuộc sống mình vào trong cuộc sống của Thiên Chúa và liên kết với những thành viên khác.

Để chiên được sống, Mục Tử Giê-su đã tự ý hy sinh tính mạng của mình: “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (10,18a). Cái chết của Đức Giê-su là một hiến tế hoàn toàn ý thức và tự do – một tình yêu tột đỉnh: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (15,13). Nơi Đức Giê-su, hình ảnh Vị Mục Tử hòa lẫn với hình ảnh của con chiên. Chân dung cứu rỗi của Người Tôi Tớ Đau Khổ trong I-sai-a (Is 52,13–53,12) đã được thực hiện nơi bản thân Người Mục Tử Nhân Lành.

“Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga10,18b). Sự hy sinh tính mạng vì đoàn chiên của Đức Giê-su nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, và Người đã hòa hợp ý muốn của mình với ý muốn của Cha trong tình yêu vâng phục trọn hảo. Người đã chết đi vàrồi sẽ sống lại. Nhờ sự Phục Sinh của Đức Giê-su, công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa được hoàn tất (x. Ga 6,39).

Tóm lại, Đức Giê-su là Mục Tử Nhân Lành qua bốn điểm sau: (1) biết các con chiên và ân cần hướng dẫn, nuôi dưỡng cùng bảo vệ; (2) yêu thương chiên bằng tình yêu phát xuất từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con; (3) hy sinh mạng sống cho đoàn chiên; và, (4) quy tụ chiên tản mác về một ràn duy nhất. Đức Giê-su đã thực thi hoàn hảo bốn điểm này qua cuộc Khổ Nạn, Chết và Phục Sinh vinh hiển của Người.

Kết luận

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử được áp dụng cho Thiên Chúa. Khi tuyên bố “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11), Đức Giê-su khẳng định Người đến để hoàn tất lời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 34:11-16). Người là Đấng Mê-si-a được Cha sai đến để đưa toàn thể nhân loại tới sự sống đời đời, bằng việc biết chiên và sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên. Sứ mệnh của Người là quy tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất, nhờ vào sự Chết và Phục Sinh của Người.

Là con chiên trong đoàn chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành, mỗi người chúng ta, tùy theo ơn gọi và sứ mạng của mình, hãy sống xứng danh là con chiên chân thực của Chúa trong đàn chiên của Người là Hội Thánh; hãy bước đi dưới sự hướng dẫn của Người qua việc thực thi các giới luật của Người, đặc biệt là luật yêu thương: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình; và yêu mến tha nhân như chính mình” (Mc 12,30-31). Và tột đỉnh của tình yêu là “hy sinh tính mạng vì anh em mình,” theo gương Đức Giê-su (Ga 15,13; 10,11). Có như thế chúng ta mới có thể đạt tới miền đất hứa là Quê Hương vĩnh cửu trên Trời mà Vị Mục Tử Nhân Lành đã chuẩn bị sẵn cho từng con chiên của mình.   

(Nt Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, O.P., WHĐ 25.01.2015)