Ngay trước chuyến tông du của Đức giáo hoàng Phanxicô đến Myanmar và Bangladesh (từ ngày 26 tháng Mười Một đến 2 tháng Mười Hai 2017), Giám đốc Phòng báo chí Toà thánh Greg Burke cho biết, cuộc tông du sẽ bao gồm 2 sự kiện không dự kiến trong chương trình ban đầu: một cuộc phỏng vấn với người lãnh đạo quân đội Myanmar và sự hiện diện của người Rohingya trong cuộc gặp gỡ tại Dhaka. Tuy nhiên, ông Greg Burke nhấn mạnh đặc biệt đến tính cách liên tôn của chuyến tông du.
Đức giáo hoàng sẽ đem đến một sứ điệp về hòa giải, ân xá và bình an cho hai quốc gia này. Trong viễn tượng này, sẽ có một cuộc hội kiến riêng vào ngày 30 tháng Mười Một với tướng Min Aung Hlaing. Chính Đức hồng y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, người gặp Đức giáo hoàng Phanxicô vào ngày 18 tháng Mười Một vừa qua, đã mong muốn có cuộc phỏng vấn này. Ngài giải thích, mục đích không phải là cổ võ những gì [viên tướng này] đã làm, nhưng để đối thoại với ông… Có lẽ điều này sẽ làm cho tâm hồn ông ta lắng dịu và có lẽ đó sẽ là bước đầu tiên hướng đến hoà bình”.
Ông Greg Burke cũng cho biết một nhóm người tị nạn Rohingya sẽ tham dự cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình, dự định diễn ra ngày 1 tháng Mười Hai tại Dhaka, Bangladesh.
Tại hai quốc gia này, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ di chuyển trên chiếc xe dành cho giáo hoàng đóng kín và không bọc thép. Ngài sẽ nghỉ tại Toà Tổng giám mục Yangon và tại trụ sở của Toà Sứ thần Toà thánh ở Dhaka.
Ông Burke nói với Đài phát thanh Vatican: Đây là chuyến viếng thăm thứ ba của Đức giáo hoàng Phanxicô tới châu Á, sau Hàn Quốc (tháng Tám 2014), Sri Lanka và Philippines (tháng Giêng 2015) và là chuyến đi đến “vùng ngoại vi”, đến các quốc gia xa xôi mà cộng đồng Công giáo ở đấy “rất nhỏ bé”. Tại Myanmar, người Công giáo chỉ ở mức dưới 1,5% dân số, với khoảng 700.000 tín hữu. Tại Bangladesh, 90% dân số là người Hồi giáo, 8% là người Ấn giáo, và thiểu số còn lại bao gồm Kitô hữu, Phật tử và tín đồ của các tôn giáo truyền thống.
Người phát ngôn của Toà Thánh nhấn mạnh: Chiều kích “liên tôn” ở hai quốc gia này sẽ là “rất quan trọng”. Myanmar là quốc gia với đa số dân theo Phật giáo, và Bangladesh chính thức là một quốc gia Hồi giáo. Cũng ở đây, Đức giáo hoàng một lần nữa muốn nói lên tầm quan trọng của tôn giáo đối với hoà bình và hòa giải.
Ông nói thêm: “Việc Đức giáo hoàng viếng thăm hai quốc gia này cũng là “một trợ giúp to lớn” cho người Công giáo, “một cách để củng cố họ trong đức tin. Điều thú vị là Đức giáo hoàng sẽ kết thúc chuyến tông du này bằng một cuộc gặp gỡ người trẻ. Qua chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng, các cộng đoàn Công giáo nhỏ cũng có thể tìm được niềm hy vọng lớn lao”.
Nhắc lại rằng gần đây Bangladesh đã chuyển từ một quốc gia “kém phát triển” sang một quốc gia “đang phát triển”, ông Greg Burke nêu bật sự khích lệ của Đức giáo hoàng đối với “những quốc gia nghèo như vậy”.
(Nguồn: WHĐ – Theo Zenit)