Đức Giáo hoàng Phanxicô nói gì về di dân, người tị nạn, và người nhập cư

Chúng ta không biết chính xác Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ nói thêm gì về vấn đề nhập cư trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng này, hay thậm chí không biết ngài có trực tiếp nói về tranh luận nhập cư này hay không.

 ruocle.jpg

Cho rước lễ tại biên giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ

 

Hồi đầu tuần này, hướng đến Đại hội Gia đình Thế giới ở Philadelphia với sự hiện diện của Đức Thánh Cha, tổng giám mục Charles Chaput đã phác họa quan điểm của các giám mục Hoa Kỳ về chính sách nhập cư, và các phản ứng chi tiết trước những biến chuyển mới đây trong lĩnh vực này, bao gồm dự luật bãi bỏ tư cách công dân bẩm sinh và việc giam giữ các gia đình nhập cư. Đức Thánh Cha có lẽ không can thiệp cụ thể vào chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, nhưng chắc chắn những vật lộn, các thiên tư và hi vọng của người di dân, tị nạn và nhập cư, là mối bận tâm sâu trong lòng và là ưu tiên hàng đầu của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng như triều giáo hoàng của ngài. Ngài sẽ nói đến các vấn đề này trong chuyến công du như thế nào?

 

Trong các phát biểu mới đây, chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ kêu gọi một tinh thần đoàn kết hơn nữa, một đức tính mà thánh Gioan Phaolô II mô tả là ‘không phải một lòng thương mơ hồ hay sự đau lòng hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người xa gần’ nhưng là ‘một quyết tâm chắc chắn và kiên định dấn thân cho lợi ích chung, nghĩa là sự tốt đẹp cho tất cả và mỗi một cá nhân, bởi chúng ta thực sự có trách nhiệm với tất cả mọi người.’ Đức Thánh Cha đã lên án ‘toàn cầu hóa sự lãnh đạm’ là thủ phạm cho sự hờ hững trước những người di dân và tị nạn. Ngài đã nhiều lần lặp lại câu Chúa hỏi Cain, ‘Anh em của ngươi đâu?’ để thúc giục chúng ta nhìn nhận những di dân và người tị nạn là anh chị em vói chúng ta, và nhận ra sự đồng lõa của chúng ta gây ra cảnh ngộ khốn khổ của họ.

 

Chuyến công du của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến vào thời điểm mà con số người bị buộc phải bỏ quê nhà đang cao hơn lúc nào hết, kể từ Thế chiến II. Chiến tranh, xung đột, đàn áp, vi phạm nhân quyền, và sự lãnh đạm chung toàn cầu, đã khiến gần 60 triệu người phải bỏ quê hương, và nội trong năm 2014 là 13.9 triệu người. Trẻ em giờ chiếm hơn phân nửa những người tị nạn trên thế giới, và 45% người tị nạn rơi vào cảnh này trong vòng 5 năm qua. Trong khi Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và cộng đồng quốc tế đã thất bại trong nỗ lực thực hiện những phản ứng thiết thực và hợp nhất trước các cuộc khủng hoảng, thì hàng ngàn người thiệt mạng hàng năm trong những chuyến đi liều mạng băng qua Địa Trung hải (5600 người chết trong vòng chưa đầy 2 năm qua), biên giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ, biển Andaman, sa mạc Sahara, và còn nhiều nơi khác nữa.

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm một quốc gia với lịch sử tự hào về việc mở cửa chào đón những người tị nạn và không nơi nương náu, nhưng cũng là quốc gia đang có sự thù địch, hoài nghi và chống đối lớn nhất với các chương trình bảo vệ người tị nạn trong vài thập niên qua. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi đoàn kết thật đúng lúc và mạnh mẽ. Đức Phanxicô sẽ nói về tình đoàn kết của Giáo hội Công giáo trong các buổi gặp riêng những người nhập cư, và cả việc cỗ vũ cho Mạng lưới Tự do Toàn cầu, một sáng kiến đại kết mà ngài đã thiết lập để nhổ tận gốc nạn nô lệ thời hiện đại.

Lampedusa.jpg
Đức Phanxicô dâng thánh lễ tại Lampedusa không lâu sau khi nhậm ngai giáo hoàng, một hành động thể hiện tình liên kết ưu tiên hàng đầu dành cho người di dân của ngài

 

Đức Phanxicô có lẽ sẽ nói rõ về trách nhiệm cốt lõi của nhà nước là tạo nên những điều kiện cho người dân được sinh sống thịnh vượng nơi quê nhà của mình, một quyền để cho họ không phải tìm đường di cư. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã nói rằng: ‘Giải pháp căn bản là đừng để tồn tại nhu cầu buộc phải di cư, bởi khi họ có đủ công việc nơi quê nhà, có một khối xã hội ổn định thì không ai phải di cư.’ Còn Đức Phanxicô đã kêu gọi ‘lòng dũng cảm và sáng tạo cần thiết để phát triển một trật tự kinh tế và tài chính công bằng và chính đáng hơn, trên tầm mức toàn cầu, cũng như một sự dấn thân không ngừng tăng đối với hòa bình, điều kiện không thể thiếu cho bất kỳ tiến bộ đích thực nào.’ Ngài có lẽ sẽ kêu gọi Hoa Kỳ có tinh thần lãnh đạo hơn nữa đối với những hoàn cảnh đang đẩy người ta di cư và không thể trở về quê nhà.

 

Những người biện hộ cho thuyết ưu tiên dân bản địa [nativism] đã chiếm ưu thế trong cuộc đua vào nhà trắng trong vài tháng qua, họ thổi bùng hơn nữa nỗi sợ đánh mất căn tính và văn hóa quốc gia Hoa Kỳ. Một ứng viên đã tìm cách bảo đảm sự ủng hộ cho mình bằng lời kêu gọi hủy bỏ quyền công dân bẩm sinh, một hòn đá góc trong nền dân chủ hiến pháp của Hoa Kỳ, và ông còn kêu gọi trục xuất 11 triệu người nhập cư không giấp phép ở Hoa Kỳ cùng với con cái của họ.

 

Văn hóa cũng có một vị trí hàng đầu trong quan điểm nhập cư và căn tính quốc gia của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng lại theo một hướng hoàn toàn khác. Trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Phanxicô tuyên bố rằng ‘thông điệp được mặc khải không đồng nhất với bất kỳ nền văn hóa riêng biệt nào và sự đa dạng văn hóa không phải là mối đe dọa đến sự hiệp nhất Kitô giáo.’ Trong quan điểm của ngài, tất cả mọi văn hóa cần phải nhân văn và phúc âm hóa. Hơn nữa, sự hiệp nhất đích thực phải được xây dựng trên các giá trị cốt lõi, là công lý, phẩm giá, bình đẳng và đoàn kết, những điều thiết yếu nhưng lại đang được thực hiện dở dang trong nhiều nền văn hóa khác nhau của cả người bản địa lẫn người nhập cư.

 

Đức Gioan Phaolô II cũng đã kêu gọi hiệp nhất ‘từ lập trường của Chúa Kitô, Đấng đã chết để quy tụ con cái phân tán của Thiên Chúa, để đưa về đàn những người bị loại trừ, và đưa lại gần nhau những người xa cách, để hợp nhất tất cả trong một cộng đoàn không dựa trên sắc tộc, văn hóa hay xã hội.’ Đức Phanxicô đã thúc giục các quốc gia ‘hãy rộng lượng mở ra, hơn là e sợ mất đi căn tính địa phương của mình, và điều này sẽ chứng minh cho chúng ta thấy những dạng mới của tổng hợp văn hóa.’ Ngài xem người nhập cư và người tị nạn là những nhân vật trung tâm trong việc tạo lập một văn hóa đón nhận và đoàn kết, trong đó không ai bị xem là vô dụng, không có chỗ, hay bị thải loại.’ Ngài đã mô tả những người nhập cư không phải là một vấn đề, nhưng là ‘một dịp mà Đấng Quan Phòng đã cho chúng ta để xây dựng một xã hội công bằng hơn, một nền dân chủ hoàn hảo hơn, một đất nước hợp nhất hơn, một thế giới thân ái hơn và một cộng đồng Kitô giáo phúc âm hơn.’

 

Nhiều chính trị gia và các nhân vật truyền thông Hoa Kỳ đã dấy lên chống lại điều mà họ đã sai lầm nhận định là các dự luật ‘ân xá’ cho những người mà họ xem là ‘tội phạm.’ Còn với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã đưa lòng thương xót làm nhân  đức chủ đạo cho triều giáo hoàng của mình, thì với ngài phải là ân xá chứ không nguyền rủa. Có lẽ ngài nhắm đến Năm toàn xá trong Cựu Ước, thời điểm phục hồi quyền công dân trọn vẹn cho tất cả mọi người trong cộng đồng, và cũng là lúc chia sẻ trọn vẹn những của cải của cộng đồng. Ngài sẽ nhắc nhở chúng ta rằng, người Kitô hữu tin mình là người được hưởng sự ân xá lớn lao nhất trong lịch sử, ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, một sự ân xá đã thay đổi vận mệnh của tất cả chúng ta, trong khi chúng ta chẳng làm được gì đáng để đạt đến.

 

Trên tất cả, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp cận vấn đề nhập cư qua lăng kính phẩm giá con người. Ngài sẽ phản đối những nỗ lực đang cố gắng tội phạm hóa những con người đầy hi sinh, đã phải từ bỏ quê hương cội rễ, những con người làm việc cật lực, lo cho gia đình và đóng góp cho cộng đồng mới của mình. Những con người bị một số người xem là kẻ phá luật, thì ngài lại thấy ra là những thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp và trên hết là ‘các anh chị em của chúng ta cần được chào đón, tôn trọng và yêu thương.’ Ngài hẳn sẽ nhắc nhở các chính trị gia và học giả Hoa Kỳ về một nguyên tắc tôn giáo nền tảng rằng: con người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa không thể là bất hợp pháp được. Thiên Chúa không tạo ra các gia đình bất hợp pháp, không tạo ra các bà mẹ, ông bố, anh chị em bất hợp pháp, và Ngài cũng không tạo ra người Hồi giáo, Phật tử, người Do Thái, hay Công giáo bất hợp pháp.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 07.09.2015/
Donald Kerwin, Giám đốc điều hành Trung Tâm Nghiên cứu Di dân,
The Hufington Post – 04/9/15)