Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Phanxicô và vị Giáo chủ – được bầu vào chức vụ này hồi tháng 1 năm 2014.
Ngỏ lời với Đức giáo hoàng, Tổng giám mục Rastislav đã so sánh hai người lãnh đạo Giáo hội với hai môn đệ trên đường Emmaus: họ chỉ nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh trước mặt họ. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể cùng nhau bẻ Bánh hằng sống, Tổng giám mục Rastislav nói, chúng ta “vẫn là những môn đệ cùng đi với nhau” như những người đang trên đường hành hương.
Đáp lời vị Giáo chủ Chính thống, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc lại di sản của các vị Tông đồ người Slav vào thế kỷ thứ 9, Thánh Kyrillos và Thánh Methodios, mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố là hai vị đồng bổn mạng của châu Âu để tôn vinh sứ mạng loan báo Tin Mừng của các ngài.
Di sản của hai Thánh Kyrillos và Methodios
Đức giáo hoàng nói: Hai anh em – đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang ngôn ngữ Slav -, nhắc nhở chúng ta về “di sản lớn lao chung của chúng ta về sự thánh thiện”. Cũng như vô số chứng nhân và các vị tử đạo của những thế kỷ đầu, Đức giáo hoàng nói, ngày nay cũng có nhiều người bị bách hại dưới chế độ cộng sản vô thần và những người vẫn còn tiếp tục chịu đau khổ vì đức tin của mình.
Thứ hai, Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng hai vị Tông đồ Kyrillos và Methodios đã mạnh dạn dịch các sách Phúc âm sang một ngôn ngữ mà người trong vùng có thể hiểu được, vùng này có tên gọi là Đại Moravia.
Những mẫu gương loan báo Tin Mừng hiện đại
Ngày nay hai anh em ấy vẫn còn là một mẫu gương cho chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng, Đức giáo hoàng nói, vì kiên trì với cách làm việc cố hữu của mình thì không đủ, nhưng chúng ta còn phải lắng nghe Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng cho chúng ta những cách dịch sứ điệp Tin Mừng mới mẻ cho con người thời nay, gồm cả những người đang sống trong những quốc gia Kitô giáo truyền thống, thường mang nét đặc trưng là thế tục và vô cảm.
Hiệp nhất nghĩa là hoà giải sự đa dạng
Cuối cùng, Đức giáo hoàng nói rằng hai Thánh Kyrillos và Methodios đã có thể vượt qua những chia rẽ giữa các cộng đồng Kitô giáo thuộc các nền văn hoá và truyền thống khác nhau, do đó trở thành “những người tiên báo đích thực về đại kết”. Các ngài nhắc nhở chúng ta, Đức giáo hoàng nhấn mạnh, rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là hoà giải sự đa dạng trong Chúa Thánh Thần.
Đức giáo hoàng kết luận: Ước gì chứng từ của hai vị Tông đồ Slav đồng hành với chúng ta trên đường dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn, cũng nhờ công việc của Uỷ ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.
(Vatican News)