Trước tình trạng hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây đều có quá nhiều vấn đề, Đức Cha John Paprocki của giáo phận Springfield, bang Illinois khẳng định rằng thật là chính đáng nếu một cử tri Công Giáo không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống kỳ này vì lý do lương tâm.
Viết trên báo của giáo phận Springfield, Đức Cha Paprocki nhấn mạnh rằng cử tri có thể “viện dẫn lương tâm để nói rằng không thể bỏ phiếu cho một trong hai” ứng cử viên tổng thống chính trong năm nay. Trong trường hợp đó, theo Đức Cha, sự lựa chọn của họ có thể là hỗ trợ một ứng cử viên độc lập thứ 3, hoặc đơn giản là “đừng đi bỏ phiếu nếu thấy lương tâm cắn rứt.”
Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong năm nay hoàn toàn không đá động đến các vấn đề đạo đức ảnh hưởng đến sự sống và gia đình. Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ hai hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, vào phút chót của chiến dịch tranh cử tổng thống, đã nhấn mạnh đến chủ đề này khi một khán giả hỏi các ứng cử viên về quan điểm của họ đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Tòa án Tối cao.
Bà Hillary Clinton đã lập lại lời thề của mình sẽ chỉ định các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ủng hộ phá thai và ủng hộ “hôn nhân” đồng tính, và đồng thời nắm lấy cơ hội này để tấn công Donald Trump về lập trường phò sự sống và ủng hộ gia đình của ông ta.
“Tôi muốn có một Tòa án Tối cao gắn bó với Roe v. Wade và quyền của phụ nữ được lựa chọn và tôi muốn có một Tòa án Tối cao ủng hộ quyền bình đẳng hôn nhân”, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết như trên vào cuối cuộc tranh luận tổng thống hôm Chúa Nhật.
Bà Hillary Clinton nói thêm “Donald đã đưa ra danh sách của một số người, là những người sẽ đảo ngược Roe v. Wade và chống lại hôn nhân bình đẳng. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp và sẽ đưa chúng ta quay lại.”
Trump trả lời bằng cách nói rằng ông đang “tìm kiếm việc bổ nhiệm các thẩm phán theo khuôn mẫu của thẩm phán Scalia … Đó là người sẽ tôn trọng Hiến pháp của Hoa Kỳ.” Ông không đề cập đến việc phá thai hay “kết hôn” đồng tính.
Cuộc tranh luận thứ hai đã diễn ra trong bối cảnh một băng ghi âm từ năm 2005 được tung ra trong đó Trump đã nói những lời tục tĩu liên quan đến chuyện sờ mó phụ nữ. Trong phần mở đầu cuộc tranh luận, tập trung vào băng ghi âm này, Trump từ chối chưa bao giờ tấn công tình dục bất cứ ai. Ông trả đũa những lời chỉ trích của bà Clinton bằng cách chỉ rằng chồng bà đã bị buộc tội cưỡng hiếp phụ nữ và khi còn là một luật sư, bà Clinton đã biện hộ cho một người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp một bé gái mới 12 tuổi.
Tháng 2 năm nay, thẩm phán Antonin Scalia qua đời, do đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chỉ còn 8 vị thẩm phán, thiếu mất một người. Nếu Scalia được thay thế bởi một thẩm phán “liberal”, nghĩa là “phò sự chết hơn sự sống, phò ‘hôn nhân’ đồng tính” thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có một đa số năm người tha hồ mặc sức thông qua nhiều nghị trình đối kháng triệt để với các giáo huấn Công Giáo.
Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới còn có 3 thẩm phán nữa quá tuổi 78 cần phải thay thế là Ruth Bader Ginsburg (83 tuổi), Stephen Breyer (78 tuổi) và Anthony Kennedy (80 tuổi). Ruth Bader Ginsburg và Stephen Breyer từ lâu được coi là “liberal”, trong khi Anthony Kennedy, một người Công Giáo, lúc đầu chống đối nhưng sau lại sẵn sàng ủng hộ phá thai và “hôn nhân” đồng tính.
Việc bổ nhiệm và xác nhận Thẩm phán cho Tòa án Tối cao Hoa Kỳ liên quan đến một số bước được quy định bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, và được phát triển qua nhiều thập kỷ. Các ứng viên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử và phải đối diện với một loạt các phiên điều trần trong đó cả ứng cử viên lẫn các nhân chứng khác phải trả lời trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trước khi ủy ban đề cử ra trước toàn thể Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu Thượng viện đồng ý thì quyết định bổ nhiệm của tổng thống sẽ có hiệu lực.
Đặng Tự Do (VCN)