Đức Bênêđíctô XVI trả lời phỏng vấn của nhật báo Avvenire

Theo tin LifeSiteNews.com, ngày 16 tháng Ba vừa qua, Đức Bênêđíctô XVI đã dành cho nhật báo Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý một cuộc phỏng vấn, trong đó, ngài đề cập tới “cuộc khủng hoảng sâu xa hai mặt” mà Giáo Hội đang phải đương đầu sau Công Đồng Vatican II.

PopeBenedictXVI.jpg

Ngài nhắc để ta nhớ tới xác tín trước đây của người Công Giáo: họ tin rằng ta có thể mất phần rỗi hay có thể xuống hỏa ngục: Các nhà truyền giáo thế kỷ 16 tin chắc rằng những người không rửa tội bị trầm luân đời đời. Sau Vatican II, niềm xác tín ấy hoàn toàn bị bác bỏ. Kết quả: ta có cuộc khủng hoảng hai mặt, rất sâu xa. Không có sự lưu ý tới phần rỗi, Đức Tin mất hết nền tảng.

Ngài cũng nói tới “sự biến hóa sâu xa của tín điều” nhất là tín điều: không có cứu rỗi ở bên ngoài Giáo Hội. Theo Đức Bênêđíctô XVI, sự biến hóa của tín điều này dẫn tới việc mất hết nhiệt tình truyền giáo trong Giáo Hội: “mọi động lực đối với dấn thân truyền giáo trong tương lai đều bị tháo gỡ”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI hỏi nhiều câu hỏi sâu sắc về sự thay đổi thái độ rõ ràng ấy trong Giáo Hội: “Tại sao bạn còn cần phải cố gắng thuyết phục người ta chấp nhận đức tin Kitô Giáo khi họ có thể được cứu rỗi mà không cần có nó?”

Còn đối với các hậu quả khác của thái độ trên trong Giáo Hội, theo Đức Giáo Hoàng Hưu Trí, chính những người Công Giáo cũng ít gắn bó hơn đối với đức tin của họ: Nếu có những người có thể cứu linh hồn họ bằng các phương tiện khác, thì “tại sao các Kitô hữu lại cần phải gắn bó với việc nhất thiết phải có Đức Tin Kitô Giáo và nền luân lý của nó?” Và ngài kết luận: “Nhưng nếu Đức Tin và Sự Cứu Rỗi không còn liên lập với nhau nữa, thì đến Đức Tin cũng trở nên kém động viên hơn”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng bác bỏ cả ý niệm “Kitô hữu nặc danh” do Karl Rahner khai triển, cũng như ý niệm dửng dưng (indifferentism) cho rằng mọi tôn giáo đều có giá trị và hữu hiệu như nhau để đạt được sự sống đời đời.

Ngài nói: “Càng ít chấp nhận được hơn là giải pháp do các lý thuyết đa nguyên về tôn giáo đề xuất, theo đó, mọi tôn giáo, theo cách riêng, đều là đường đưa tới cứu rỗi và, theo nghĩa này, phải được coi là tương đương về hiệu quả”. Trong bối cảnh này, ngài cũng đề cập tới các ý niệm có tính thăm dò của vị Hồng Y Dòng Tên là Henri de Lubac, về việc “đền tội thay” gần như chính thức; ngày nay, các ý niệm này cần được suy nghĩ thêm.

Liên quan tới mối tương quan của con người với kỹ thuật và tình yêu, Đức Bênêđíctô XVI nhắc ta nhớ tới sự quan trọng của xúc cảm con người; ngài nói rằng: tâm hồn con người vẫn mong “được người Samaria Nhân Hậu đến cứu giúp”.

Ngài nói tiếp: “trong cảnh khắc nghiệt của thế giới kỹ thuật, trong đó, cảm xúc không còn đáng kể nữa, niềm hy vọng có được một tình yêu cứu vớt đang lớn dần, một tình yêu được ban cho một cách tự do và đại lượng”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng cho hay: “Giáo Hội không phải tự mình mà có, nó được Thiên Chúa tạo nên và liên tục được người tạo hình. Điều này tìm được biểu thức trong các Bí Tích, nhất là Phép Rửa: tôi gia nhập Giáo Hội không phải bằng một hành vi bàn giấy, nhưng với sự giúp đỡ của Bí Tích này”.

Cuộc phỏng vấn trên do Cha Jacques Servais, một thần học gia Dòng Tên, thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã mạnh mẽ ủng hộ việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì theo ngài, dù gì, “vẫn còn nhận thức này là tất cả chúng ta đều cần ơn thánh và sự tha thứ”. Thừa nhận việc này chính là chủ đề chính của triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và hiện nay được triều giáo hoàng Phanxicô tiếp nối.

Ngài giải thích: “chính lòng thương xót lái chúng ta về hướng Thiên Chúa, trong khi đức công bằng khiến ta run sợ trước nhan Người. Tôi tin điều này cho thấy: bên dưới lớp sơn tự tin và tự coi mình công chính, nhân loại ngày nay đã dấu không cho thấy sự hiểu biết sâu xa về các thương tích và bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa. Nhân loại đang mong chờ lòng thương xót”.

Nói về bản chất đức tin Kitô Giáo, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng đức tin bản thân nối kết chặt chẽ với Giáo Hội: “một đàng, đức tin là cuộc thông đạt có tính bản thân sâu sắc với Thiên Chúa, một cuộc thông đạt liên hệ tới cốt lõi con người tôi và đặt tôi vào thế trực tiếp giao tiếp với Thiên Chúa hằng sống đến nỗi tôi có thể nói với Người và bước vào hiệp thông với Người. Đồng thời, kinh nghiệm có tính bản thân cao độ này có liên hệ mật thiết với cộng đồng: trở thành một trong con cái của Thiên Chúa trong cộng đồng các anh chị em hành hương là một phần của yếu tính đức tin”.

Đoạn đáng lưu ý trong cuộc phỏng vấn này là đoạn sau đây liên quan đến việc công chính hóa:

“Trên hết, tôi phải nhấn mạnh một lần nữa điều tôi đã viết trên tạp chí Communio năm 2000 về vấn đề công chính hóa. Đối với con người thời nay, liên quan tới thời Luther và tầm nhìn cổ điển về đức tin Kitô Giáo, theo một nghĩa nào đó, sự việc quả đang bị đảo ngược, hay hiện không còn ai tin rằng họ cần phải biện minh trước mặt Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, họ cho rằng Thiên Chúa phải tự biện minh vì tất cả những điều khủng khiếp hiện nay trên thế giới và đứng trước những khốn cùng của con người, mọi sự mà phân tích đến cùng đều tùy thuộc Người”.

Về vấn đề này, ngài nói rằng điều đáng lưu ý là có một thần học gia Công Giáo dám cho rằng “Chúa Kitô có lẽ không chịu khổ hình vì tội lỗi con người, nhưng đúng hơn, có thể nói, Người triệt tiêu các sai lầm của Thiên Chúa. Ngay lúc này, đa số các Kitô hữu không ủng hộ việc đảo ngược đức tin như thế…”

(Vũ Văn An, VCN 16.03.2016)