Phát biểu tại buổi giới thiệu một cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô tại Rôma hôm thứ Sáu 20 tháng 5, Đức Tổng Giám mục Gänswein nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là hai giáo hoàng “trong một cuộc cạnh tranh” với nhau, nhưng đại diện cho một sự “mở rộng” của sứ vụ Thánh Phêrô với “một một vị đương nhiệm” và “một vị chiêm niệm.”
Theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người vừa là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Danh dự, vừa là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã không từ bỏ sứ vụ Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Celestine V vào thế kỷ 13 nhưng tìm cách tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô của mình một cách thích hợp hơn với thể trạng yếu đuối của ngài.
“Vì vậy, từ ngày 11 tháng 2 năm 2013, sứ vụ Giáo Hoàng không giống như trước đây. Đó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; nhưng đó là một nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã biến đổi sâu sắc và lâu dài bởi triều đại giáo hoàng ngoại thường của ngài.”
Phản ánh về thời gian Đức Bênêđíctô thứ 16 cai quản Giáo Hội, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng ngài là một “homo historicus” – nhà sử học – cổ điển, một người Tây phương tiêu biểu xuất sắc cho sự phong phú của truyền thống Công Giáo, nhưng đồng thời “ngài rất táo bạo để mở ra cánh cửa cho một giai đoạn mới, cho một bước ngoặt lịch sử mà năm năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.”
Bình luận về cuốn sách được viết bởi Roberto Regoli có tựa đề: “Oltre la crisi della Chiesa. Il pontificato di Benedetto XVI” nghĩa là “Vượt lên những khủng hoảng của Giáo Hội, Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ca ngợi cuốn sách là “xuất sắc và khai sáng” cũng như “có tài liệu phong phú và đầy đủ”
Đức Tổng Giám mục Gänswein cũng khẳng định lại một lần nữa là vụ “Vatileaks” hoặc các vấn đề khác “có rất ít hoặc không có liên hệ gì” với quyết định thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 11 tháng Hai năm 2013.
Trong phần mô tả về Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng năm 2005, Roberto Regoli cho biết lúc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, Giáo Hội có 183 Hồng Y, trong đó có 117 Hồng Y cử tri. Tuy nhiên, do Đức Hồng Y Jaime Sin của Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của Monterrey đau ốm không đến được chỉ có 115 vị Hồng Y tham gia bầu Giáo Hoàng.
Theo Roberto Regoli, cuộc bầu cử Giáo Hoàng đã diễn ra “gay go” vì có một nhóm các Hồng Y ủng hộ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gọi là nhóm “Muối Đất” (đặt theo tựa cuốn sách phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger) bao gồm Đức Hồng Y Lopez Trujillo, Ruini, Herranz, Ruoco Varela và Medina; trong khi có một nhóm khác không ủng hộ ngài là nhóm “Thánh Gallen” bao gồm Đức Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini, Murphy O’Connor, Walter Kasper và Lehmann.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận những nhận xét của Roberto Regoli và nói thêm là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y Đoàn, với tựa đề “Chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đã có yếu tố quyết định.
Trong ngày đầu tiên là ngày 18 tháng Tư, 2005, có một vòng bỏ phiếu và Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 47 phiếu (40.87%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio (là Đức Đương Kim Giáo Hoàng) được 10 phiếu (8.7%).
Cuộc bầu cử kết thúc vào ngày thứ hai là ngày 19 tháng Tư, 2005 sau 4 vòng bỏ phiếu. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 84 phiếu (73.04%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được 26 phiếu (22.61%).
Đặng Tự Do