Dưa hấu ngày Xuân

Tết Nguyên Đán, thường được gọi là Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ truyền, Năm Mới hay chỉ đơn giản là Tết. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.

duahau.jpgChuẩn bị cho Tết thật lắm công phu. Người ta thường nói “23 Tết”, “10 Tết” là nói những ngày ảnh hưởng do những công việc để chuẩn bị đón Tết hay dư âm còn lại của những ngày Tết. Từ rằm tháng chạp các gia đình đã lặt lá mai để hy vọng mai nở đúng vào dịp Tết.

Chiều 23 tháng chạp, mỗi nhà thường tổ chức lễ tiễn đưa ông bà Táo về chầu trời, để tấu trình mọi việc dưới trần gian cũng như việc trong nhà.

Các ngày 24, 25, 26 Tết, đàn ông con trai lo sơn phết nhà cửa, hàng rào, cửa ngõ, đánh bóng những bộ lư hương bằng đồng, dọn dẹp trang hoàng tủ thờ… Tất cả phải làm thật mới để đón Xuân về mừng Tết đến. Đàn bà, con gái thì trổ tài làm bánh mứt đủ loại như : Bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh kẹp, báng gai, bánh bông lan, bánh in… Mứt thì cái gì cũng làm mứt được hết: Khóm, hạt Sen, Me, Mãng cầu… thật đủ màu đẹp mắt. Đặc biệt là đi chợ Tết để mua hoa. Muôn màu muôn sắc rực rỡ chợ hoa Tết. Vạn Thọ, Mai, Cúc, Thược Dược, Huệ, một vài chậu kiểng, cành Đào, nhành Mai…đem về tỉa gọt cắt xén, chăm sóc kỹ càng, nâng niu từng nụ hoa, từng thế cành, sao cho hoa kịp nở thật đẹp đúng vào sáng Mồng Một Tết.

Sau khi chuẩn bị xong trong nhà, đã có đầy đủ các thứ trái cây như: Dưa Hấu, Vú Sữa, Mẵng Cầu, Đu Đủ, Dừa Xiêm, Xoài, Cam, Quýt, Bưởi, Khóm, Chùm Sung…thì các bà nội trợ bắt đầu chuẩn bị gói bánh Chưng, bánh Tét, bánh Ít…

Trên bàn thờ ông bà, thường có bộ lư hương bằng đồng được lau chùi sáng bóng, hai bên có chân đèn cắm nến đỏ, một cặp dưa hấu đẹp nhất đặt trang trọng trên bàn thờ. Những dây đèn điện tử nhiều màu giăng giăng nhấp nháy nhộn nhịp. Rồi thêm đủ loại trái cây, bánh mứt, hoa quả. Bàn thờ Tổ Tiên ngày Tết khác hơn mọi ngày. Mâm ngũ quả đều có trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt. Màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo và ý nghĩa sâu xa.

Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ “ngũ hành”: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Tư tưởng cùng hình ảnh “ngũ hành” hội nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện. Một trong những độc đáo của hội nhập “ngũ hành” là mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam. Mâm ngũ quả truyền thống thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh… Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo… Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt. (theo Tác giả Nguyễn Sơn Hà).

Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, ớt, bưởi, quất. Có thể thay thế bằng cam, quýt, trứng gà (lêkima), hồng xiêm. Chuối xanh cong lên ôm bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người.

Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý “cầu sung vừa đủ xài”. Người dân Nam bộ quan niệm rằng: “Tết đến trong gia đình không có cặp dưa hấu đỏ thì bất thành Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc”.

Ngoài mâm ngũ qủa, phong tục ngày Tết thường có thêm một nét đẹp nữa là mỗi nhà nấu một nồi chè đậu xanh đêm giao thừa và dựng cây nêu, sáng Mồng Một cắt đôi quả dưa hấu. Ngày đầu năm mới, ngày thiêng liêng nhất, chủ gia đình bổ quả dưa hấu. Mọi người hồi hộp đợi chờ. Ruột đỏ tươi vị ngọt dòn, chia đều mỗi người một miếng, đưa vào miệng thưởng thức vị “Ngọt thanh như đường cát, mát chẳng kém đường phèn”, nghe mát lạnh khắp châu thân. Ngâm nga bài thơ “Dưa hấu ngày xuân” của Thi sĩ Lê Ngọc Hồ, lòng bừng lên niềm vui ngọt ngào mùa xuân.

 

Bên chậu mai vàng chị xẻ dưa
Hạt đen, ruột đỏ đẹp dư thừa
Đàn em xúm xít chia phần lớn
Cươì rộ reo hò xuân nắng thưa
Ngũ quả mẹ bày trông quá xinh
Gia nhân theo chị cúng trên đình
Trái dưa xanh biếc no tròn đẹp
Bàn độc sơn, vàng sơn mới tinh
Cha gọt nâng niu chậu thuỷ tiên
Cùng mâm ngũ quả cúng gia tiên
Trái dưa lớn nhất trông mà thích
Phiên chợ ba mươi chọn, mẹ hiền
Đẹp biếc vỏ xanh dưa hấu đỏ
Truyện xưa tích cũ một An Tiêm
Xin dâng hoàng phụ, lòng cung tiến
Dưa đảo đầu xuân trái ngọt hiền

 

Không rộn ràng như mai vàng, không ồn ào như đào thắm, dưa hấu hiện diện cách khiêm tốn trên bàn thờ như nó vốn là. Với hình thể tròn lẳn, ruột đỏ vỏ xanh, căng tròn mọng nước, dưa hấu là hình tượng của những gì viên mãn, là hình ảnh của sức sống ẩn kín được bày trang trọng trên các bàn ăn, bàn thờ.

Màu đỏ của trái dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Bổ trái dưa mang màu sắc đỏ thắm ai ai cũng mừng vui, kỳ vọng cho công việc làm ăn cả năm được hưng thịnh. Nhưng nếu trái dưa nó không mang màu tài lộc thì sao, màu vàng, màu trắng chẳng hạn ?

Người Việt đều biết nguồn gốc trái dưa hấu từ câu chuyện cổ tích Mai An Tiêm. Màu đỏ là hình ảnh của sự may mắn, thành công; màu xanh ẩn chứa niềm vui hạnh phúc bên trong; vị ngọt thanh gợi cho mọi người nhớ tình thân của bạn bè, gia đình.

Ngày đầu năm, bổ đôi trái dưa ngọt ngào, người cắt nhát dao đầu tiên phải là người đứng đầu trong nhà. Miếng dưa bổ ra được chuyền tay mọi người với hy vọng các thành viên trong gia đình luôn gắn kết yêu thương nhau như miếng dưa được xẻ ra từ một trái. Màu sắc của dưa hấu nói lên ít nhiều sự hưng thịnh cửa gia chủ. Bởi thế khi mua dưa hấu người ta phải thận trọng, vì nếu mua phải trái dưa èo uột, màu sắc nhạt nhẽo thì năm ấy coi như xui xẻo từ ngày đầu; ngược lại, trái dưa mọng nước, đỏ tươi, ngọt lịm thì coi như bốc trúng quẻ tốt. Người mua dưa hấu bày Tết chọn rất kỹ từ màu sắc sáng, tròn đều, trái cân đối không lớn và nhỏ quá. Còn người buôn bán dưa hấu để bày Tết hầu hết họ phải lặn lội về tận các ruộng, rẫy trồng dưa, chọn đồng, chọn dưa, đặt cọc trước và giá luôn đắt hơn loại thường, tự họ chăm sóc trước cả tuần và không tưới nước nhiều cho đến ngày thu hoạch. Họ tính toán chi ly để bảo quản dưa Tết luôn luôn đẹp. Vận chuyển dưa hấu phải lót rất nhiều rơm xung quanh từng trái, xe chạy thật chậm, chăm sóc còn hơn vận chuyển trứng, tránh trầy xước, xe phải chạy vào ban đêm hoặc trời râm mát… tất cả đều phải công phu, cẩn trọng. Mua dưa mà như bốc quẻ xăm, quẻ bói đầu năm vậy. Hồi hộp và hy vọng. Ngày xưa, các bà các cụ thường căn cứ vào tài khéo khi mua dưa, khi bổ dưa để chọn vợ cho con trai mình.

Ngày Tết, sau những bữa cơm chán ngán vì thịt mỡ, bánh chưng, kẹo ngọt… thì không gì có thể hơn miếng dưa hấu ngọt lịm. Cầm trên tay miếng dưa như chiếc thuyền rồng đáy xanh, sơn son mịn cát lóng lánh, điểm vài nốt hạt đen. Cắn miếng dưa nhẫn nha cho dòng nước ngọt của đất từ từ trôi qua cổ họng mát rượi. Người ta nói, thơm nhất, ngọt nhất, ngon nhất là những trái dưa trồng trên miền đất cát, nắng gió quanh năm. Càng khắc nghiệt thời tiết, trái dưa càng tiết mật ngọt cho đời. Vì ưu ái mà Trời đã thưởng cho dân nghèo sống vùng đất khô cằn hạn hán thứ quả lạ đời này, như ngày nay Phan Thiết nổi tiếng với trái Thanh Long chỉ ngon ngọt nơi những miền đất khô khan nắng hạn.

Nhìn mâm ngũ quả trên bàn thờ, trái dưa hấu nổi bật với những chữ Hán nền vàng nổi bật trên nền xanh: Phúc, Lộc, Thọ, Cát… thật ý nghĩa. Những chị những cô khéo tay còn có thể là biến hoá thành những mảnh vuông tròn để người thưởng lãm không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt. Dưa hấu có thể là một vị thuốc dân gian, giải khát, vị hàn thanh… gặp lúc quá chén chếnh choáng, không có gì giã rượu nhanh bằng dưa hấu.

Một trong những yếu tố mang tới hạnh phúc cho con người là có sức khỏe tốt, ít bệnh tật. Thiên tài khoa học Albert Einstein có nhận xét: “ A table, a chair, a bowl of fruit and a violin; what else does a man need to be happy.” Một cái bàn, một cái ghế, một đĩa trái cây và một cây đàn violin; con người còn cần gì thêm nữa để được hạnh phúc!

Ngày nay với công nghệ hiện đại, người ta làm ra mâm ngũ quả bằng nhựa. Hoa giả, trái dỏm đặt trên bàn thờ tiên tổ nghe sao mà nhức lòng và thiếu thành tâm.


23 Tết Nhâm Thìn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An