Truyền thông Công giáo phải mang niềm hy vọng và tin tưởng vào tương lai. Bởi vì chỉ khi tương lai được đón nhận là một thực tế tích cực và có thể xảy ra, thì hiện tại cũng trở nên đáng sống. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến phái đoàn của Tuần báo Công giáo Tertio ở Bỉ, sáng 18/9, tại Sảnh Clemente trong nội thành Vatican.
Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn của Tuần báo Công giáo Tertio ở Bỉ (� Vatican Media)
Năm nay, Tuần báo Công giáo Tertio kỷ kiệm 20 năm thành lập. Để ghi nhớ mốc lịch sử quan trọng, Tuần báo đã tổ chức một chuyến hành hương đến Roma và trong dịp này phái đoàn được Đức Thánh Cha tiếp kiến.
Trong bài đáp từ ngắn dành cho các cộng tác viên của Tuần báo, trước hết Đức Thánh Cha nói về tầm quan trọng của thông tin trong xã hội, đặc biệt những thông tin có chất lượng. Và điều này cần phải được chú ý hơn nữa đối với các phương tiện truyền thông Kitô, chuyên cung cấp thông tin có chất lượng về đời sống của Giáo hội trên thế giới, có khả năng góp phần vào việc huấn luyện lương tâm.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói về tên gọi của Tuần báo có mối liên hệ đến Tông thư “Ngàn năm Thứ ba Đang đến” của Thánh Gioan Phaolô II, nhằm chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Đức Thánh Cha nói: “Tham chiếu này, không chỉ là một lời mời gọi hy vọng, nhưng nhắm làm cho tiếng nói của Giáo hội và của giới tri thức Kitô được lắng nghe trong một thế giới truyền thông ngày càng bị tục hóa”.
Từ những nhận định trên, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, đối với Giáo hội, truyền thông là một sứ vụ quan trọng. Các Kitô hữu dấn thân vào lĩnh vực này được kêu gọi thực hiện một cách cụ thể lời mời gọi của Chúa đi vào thế giới và loan báo Tin Mừng (Mt 16,15). Vì lương tâm nghề nghiệp, các nhà báo Kitô được khuyến khích trao ban một chứng tá mới trong thế giới truyền thông, không che giấu sự thật, không bóp méo thông tin.
Về điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Vì thế, nhà báo Kitô phải là người mang niềm hy vọng và tin tưởng vào tương lai. Bởi vì chỉ khi tương lai được đón nhận là một thực tế tích cực và có thể xảy ra, thì hiện tại cũng trở nên đáng sống. Những suy tư này cũng có thể giúp chúng ta, đặc biệt là ngày nay, nuôi dưỡng hy vọng trong hoàn cảnh đại dịch mà thế giới đang trải qua. Anh chị em là những người gieo hy vọng này cho một ngày mai tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng này, điều quan trọng là các phương tiện truyền thông xã hội đóng góp giúp mọi người không bị rời vào trình trạng cô đơn và có thể nhận được một lời an ủi”.
Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện bằng những lời khích lệ động viên các nhà báo của Tuần báo Công giáo Tertio: “Tôi tạ ơn Chúa vì chứng tá của anh chị em trong suốt 20 năm qua. Anh chị em đã tạo được tiếng tốt cho tổ chức này. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh ‘Giáo hội nhìn vào anh chị em, những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông với sự tin tưởng và kỳ vọng. Bởi vì anh chị em được kêu gọi để đọc và giải thích thời hiện tại và nhận ra cách thức thông truyền Tin Mừng theo các ngôn ngữ và cảm thức của con người thời nay”.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 18.09.2020)