ĐTC Phanxicô kêu gọi chấm dứt bạo lực, xây dừng hoà bình và hoà giải

Phải tìm cách để Lời nhập thể trong một tình trạng cụ thể và sinh bông hạt của cuộc sống mới, mặc dù bề ngoài xem ra chúng không hoàn thiện và trọn vẹn. Cả khi các xung khắc, bạo lực hay các tâm tình trả thù có kéo dài, chúng ta đừng ngăn cản công lý và lòng thương xót gặp nhau trong một vòng tay ôm…
ĐTC Phanxicô kêu gọi chấm dứt bạo lực, xây dừng hoà bình và hoà giải

Tính tới ngày thứ bẩy hôm qua chuyến công du mục vụ Colombia của ĐTC đã tiến hành được hơn một nửa. Ban sáng ĐTC lấy máy bay đi Medellin cách thủ đô Bogota 215 cây số. Tại đây lúc 10 giờ 15 phút sáng ngài dâng thánh lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Vào ban chiều ĐTC đến thăm nhà gia đình Hogar San José của tổng giáo phận, nơi đón tiếp hàng trăm trẻ em nạn nhân của bạo lực và bị bỏ rơi. Tiếp đến ĐTC gặp gỡ 12.000 người gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và gia đình các vị tại trung tâm La Macarena.

Sau đây chúng tôi xin kính mời quý vị theo dõi các sinh hoạt của hoạt của ĐTC chiều thứ sáu và sáng thứ bẩy.

Như quý vị đã biết sáng thứ sáu lúc 9 giờ rưỡi sáng giờ địa phương ĐTC đã chủ sự thánh lễ phong chân phước cho ĐC Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca và cha Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận. Sau khi từ giã tín hữu, ĐTC đã gặp một phái đoàn nạn nhân của lũ lụt tỉnh Mocoa và tặng ĐGM giáo phận này một số tiền để trợ giúp các nạn nhân. Tiếp đến ngài đi xe về Compoud Maloca del Joropo, cách đó một cây số rưỡi, để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến công viên Las Malocas vào lúc gần 4 giờ chiều để găp gỡ đại diện các nạn nhân của bạo lực, giới quân nhân và cảnh sát cũng như các cựu du kích quân… Trước khi lên xe ĐTC đã vào viếng Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện có tượng Đức Mẹ Chirajana và chúc lành cho khoảng 140 linh mục giáo phận.

Công viên Las Malocas nằm về mạn đông của thành phố Villavicencio, trong đó du khách có thể làm quen với môi trường của thổ dân Ilanos (ianos). Nó có các đặc thái của vùng đồng bằng gồm một phần sình lầy, có sông Orinoco chảy qua, và trải dài ở miền bắc Colombia và Venezuela. Trong công viên có dựng lại các nhà cửa và các làng mạc của thổ dân Ianos chuyên sống về nghề chăn nuôi súc vật. Có rất nhiều tượng trình bầy nền văn hoá và huyền thoại địa phương. Trong công viên cũng có cây cối và súc vật gồm các chỗ nuôi bò, ngựa và các thú vật nhỏ, cũng như một vườn bách thảo với các loại cây trong vùng.

** Cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia diễn ra trong hình thức một buổi cử hành lời Chúa trong một cơ cấu có mái che có chỗ cho 6.000 người.

Sau lời chào của ĐC Oscar Urbina Ortega, TGM Villavicencio, là hoạt cảnh thánh vịnh 85, thánh ca hoà bình và phần chứng từ của 4 người. Sau mỗi chứng từ có một ngọn nến được thắp lên và đặt dưới chân Thánh Giá. Tiếp đến mọi người trao ban bình an cho nhau.

Ngỏ lời với đại diện các nạn nhân của bạo lực, giới quân nhân và cảnh sát cũng như các cựu du kích quân ĐTC nói:

Anh chị em mang trong tim và thịt xác anh chị em các dấu vết lịch sử sống động của dân tộc anh chị em, bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm, nhưng cũng tràn đầy các cử chỉ anh hùng, có tính nhân bản lớn và có giá trị của đức tin và niềm hy vọng… Với lòng tôn trọng tôi đến một vùng đất được tưới gội bằng máu của hàng ngàn nạn nhân vô tội, và với nỗi đớn đau xé lòng của các thân nhân và người quen của họ. Các vết thương khó trở thành sẹo và khiến cho chúng ta tất cả đau đớn, bởi vì mỗi một bạo lực chống lại một con người là một vết thương trong thịt xác của nhân loại; mỗi một cái chết bạo lực khiến cho chúng ta ít là người hơn.

Tôi ở đây không phải để nói nhưng để gần gũi anh chị em và nhìn vào mắt của anh chị em, để lắng nghe anh chị em và mở rộng con tim của tôi cho chứng tá cuộc sống và đức tin của anh chị em. Và nếu anh chị em cho phép, tôi cũng muốn ôm anh chị em trong vòng tay và cùng khóc với anh chị em, tôi muốn chúng ta cùng nhau cầu nguyện và tha thứ cho nhau – cả tôi nữa cũng phải xin tha thứ – và như vậy cùng nhau tất cả chúng ta có thể nhìn và tiến tới với đức tin và niềm hy vọng.

Chúng ta tụ tập nhau dưới chân Chúa bị đóng đanh của Bojayá, ngày mùng 2 tháng 5 năm 2002 đã chứng kiến và khổ đau vì cuộc tàn sát hàng chục người chạy trốn vào trong nhà của Ngài. Hình tượng này có một giá trị biểu tượng tinh thần mạnh mẽ. Khi nhìn nó, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng điều xảy ra hôm đó, nhưng cũng chiêm ngưỡng biết bao khổ đau, chết chóc và biết bao cuộc sống bị bẻ gẫy, biết bao nhiêu máu đã đổ ra tại Colombia trong các thập niên cuối cùng này.

Trông thấy Chúa Kitô bị què quặt như vậy, gọi hỏi chúng ta. Ngài không còn cánh tay nữa, và thân thể Ngài không còn nữa, nhưng duy trì được gương mặt và với nó Ngài nhìn chúng ta và yêu thương chúng ta. Chúa Kitô bị chặt cắt tan thành từng mảnh vì chúng ta còn là “Chúa Kitô hơn nữa”, bởi vì Ngài cho chúng ta thấy một lần nữa rằng Ngài đến để khổ đau vì dân Ngài và với dân Ngài; và cũng để dạy chúng ta rằng thù hận không có tiếng nói cuối cùng, rằng tình yêu mạnh hơn cái chết và bạo lực. Ngài dạy chúng ta biến đổi khổ đau thành suối nguồn sự sống và sự sống lại, để cùng Ngài và với Ngài chúng ta học hiểu sức mạnh của sự tha thứ, sự vĩ đại của tình yêu thương.

** Tiếp đến ĐTC đã cám ơn các anh chị em chia sẻ chứng từ cuộc sống của họ. Đó là các câu chuyện của khổ đau và cay đắng, nhưng cũng và nhất là những câu chuyện của tình yêu thương tha thứ, nói về sự sống và niềm hy vọng, không để cho thù hận, báo oán và khổ đau chiếm đoạt con tim. Lời sấm cuối thánh vịnh 85 “Tình yêu và chân lý gặp nhau, công lý và hoà bình ôm hôn nhau” đến sau lời cảm tạ và khẩn nài Thiên Chúa: Lậy Chúa xin đổi mới chúng con! Lậy Chúa chúng con cám ơn Chúa vì chứng ta của những người đã gây ra khổ đau và xin lỗi, của những người đã đau khổ một cách bất công và đã tha thứ. Điều này có thể làm được với sự trợ giúp và hiện diện của Chúa và nó đã là một dấu chỉ khổng lồ rằng Chúa muốn tái xây dựng hoà bình và hoà hợp trên đất Colombia này.

Tiếp đến ĐTC cám ơn chị Pastora Mira đã muốn đặt mọi khổ đau của mình và của hàng ngàn nạn nhân dưới chân Chúa Chịu Đóng Đanh, để kết hiệp nó với nỗi khổ đau của Chúa và biến thành phúc lành và khả năng tha thứ hầu bẻ gẫy dây xích bạo lực đã thống trị Colombia. Chị có lý vì bạo lực chỉ làm nảy sinh ra bạo lực, hận thù sinh hận thù, chết chóc sinh chết chóc. Chúng ta phải bẻ gẫy dây xích này xem ra không tránh được, nhưng điều này chỉ có thể làm được với sự tha thứ và hoà giải. Chị và biết bao nhiêu người khác chứng minh cho thấy đó là điều có thể làm được, Phải, với sự trợ giúp của Chúa Kitô sống giữa cộng đoàn, có thể chiến thắng hận thù, có thể chiến thắng cái chết, có thể bắt đầu trở lại và trao ban sự sống cho một Colombia mới. Chứng tá của chị thật là một thiện ích cho tất cả mọi người, và chiếc áo mà Sandra Paola con gái của chị đã tặng cho Jorge Anibal con trai của chị không chỉ là kỷ vật cái chết của hai anh em, nhưng còn là niềm hy vọng hoà bình chiến thắng vĩnh viễn tại Colombia này.

ĐTC cũng cám ơn chị Luz Dary vì những lời chị nói: các vết thương của con tim sâu đậm và khó lành hơn các vết thương trên thân xác. Nhưng không thể sống trong hận thù, tình yêu giải phóng và xây dựng. Với tư tưởng ấy chị đã bắt đầu chữa lành các vết thương của các nạn nhân khác và tái tạo nhân phẩm của họ. ĐTC cũng cám ơn chị đã tặng cho ngài chiếc nạng của chị. Tuy các vết thương trên cơ thể còn đó nhưng dáng đi tinh thần của chị đã nhanh nhẹn và vững vàng mà không cần tới nạng, vì chị nghĩ tới các người khác và muốn giúp đỡ họ.

Ngài cũng cám ơn chứng tá hùng hồn của chị Deisy và anh Juan Carlos. Cả hai đã cho mọi người hiểu rằng sau cùng, trong một cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều là nạn nhân, vô tội hay có tội, nhưng tất cả đều là nạn nhân. Vì tất cả đều bị mất tính nhân bản qua bạo lực và cái chết. Chị Deisy đã bắt đầu đi học trở lại, và hiện nay làm việc để trợ giúp các nạn nhân để cho giới trẻ không rơi vào mạng lưới của bạo lực và ma tuý. Có niềm hy vọng cho cả người đã làm sự dữ; Chúa Giêsu đến là vì thế: chưa mất hết tất cả. Cần phải tích cực góp phần chữa lành xã hội bị xâu xé bởi bạo lực.

** Thật khó chấp nhận thay đổi những ai dùng bạo lực tàn ác để thăng tiến các mục tiêu của họ, để bảo vệ các buôn bán bất hợp pháp và làm giầu, hay để ảo tưởng tin rằng mình đang bảo vệ sự sống của anh em mình. Chắc chắn đó là một thách đố đối với từng người tin tưởng rằng họ có thể tiến tới những ngưòi đã tạo ra khổ đau cho các cộng đoàn và cho toàn nước. Rõ ràng là trong một cánh đồng rộng lớn như Colombia này còn có chỗ cho cỏ lùng… Nhưng anh chị em hãy chú ý tới hạt lúa, và đừng mất bình an vì cỏ lùng. Người gieo giống không hoảng sợ, khi trông thấy cỏ lùng. Phải tìm cách để Lời nhập thể trong một tình trạng cụ thể và sinh bông hạt của cuộc sống mới, mặc dù bề ngoài xem ra chúng không hoàn thiện và trọn vẹn. Cả khi các xung khắc, bạo lực hay các tâm tình trả thù có kéo dài, chúng ta đừng ngăn cản công lý và lòng thương xót gặp nhau trong một vòng tay ôm của lịch sử đau đớn của Colombia. Chúng ta hãy chữa lành nỗi đớn đau ấy, và hãy đón tiếp mọi người đã phạm tội ác, thừa nhận chúng, hối hận và dấn thân đền bù, bằng cách góp phần xây dựng trật tự mới trong đó rạng ngời lên công lý và hoà bình.

Như anh Juan Carlos đã cho thấy, cần phải biết chấp nhận sự thật trong tiến trình dài, khó khăn nhưng giàu hy vọng hoà giải này. Đó là một thách đố lớn nhưng cần thiết. Sự thật là bạn đường không thể tách rời khỏi công lý và lòng thương xót. Hiệp nhất chúng nòng cốt cho việc xây dựng hoà bình, và đàng khác  riêng rẽ chúng cản ngăn hai yếu tố kia bị hư hại và biến thành dụng cụ của báo thù chống lại ai yếu đuối hơn. Thật vậy, sự thật không được dẫn đưa tới báo thù, nhưng tới hoà giải và tha thứ. Sự thật là kể cho các gia đình bị phá hủy bởi khổ đau biết điều gì đã xảy ra cho các bà con của họ bị mất tích. Sự thật là xưng thú điều gì đã xảy ra cho các trẻ vị thành niên đuợc tuyển mộ bởi những kẻ bạo lực. Sự thật là thừa nhận nỗi khổ đau của các phụ nữ nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.

Sau cùng ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

Sau cùng như là người anh em và người cha tôi  nói:  Hỡi Colombia, hãy mở rộng con tim của dân Thiên Chúa và để cho mình được hoà giải. Đừng sợ hãi sự thật và công lý. Anh chị em Colombia thân mến, đừng sợ hãi xin và cống hiến sự tha thứ. Đừng kháng cự lại sự hoà giải khiến cho anh chị em lại gần nhau, tìm lại nhau như anh chị em và thắng vượt các thù nghịch. Đã đến giờ chữa lành các vết thương, xây các cây cầu, mài dũa các khác biệt. Đã đến giờ dập tắt hận thù, khước từ báo oán và rộng mở cho sự chung sống dựa trên công bằng, sự thật và việc tạo dựng một nền văn hoá đích thực của sự gặp gỡ huynh đệ.

ĐTC đã dâng lên Chúa mọi ý chỉ này và đọc lời cầu nguyện xin Chúa Chịu Nạn giúp mọi người dấn thân tu sửa lại thân mình Ngài: Ước chi chúng con là chân của Chúa để đi gặp gỡ ngươì anh em cần trợ giúp, là cánh tay của Chúa để ôm người đã mất nhân phẩm của mình, là bàn tay của Chúa để chúc lành và an ủi ai khóc than trong cô đơn. Xin làm cho chúng con trở thành các chứng nhân tình yêu và lòng xót thương vô biên của Chúa.

** Sau khi ĐTC ban phép lành toà thánh cho mọi người đã có hai em bé lên ngỏ lời cám ơn ĐTC. Tiếp đến ĐTC đã từ giã mọi người và đi xe đến công viên các vị lập quốc Colombia Los Fundadores, cách đó 14 cây số.

Đây là công viên lớn nhất thành phố Villavicencio, rộng 6 mẫu tây, có một quảng trường hình tròn nơi có đài kỷ niệm các vị lập quốc Colombia, do ông Rodrrigo Arenas Betancourt xây. Bức tượng đồng diễn tả một người đàn ông thuộc chủng tộc Ianos, đặt trên hai con ngựa, hai cánh tay cầm con chim Corocora là loại chim đặc biệt của vùng này. Công viên có nhiều đường lát đá, các vườn cây, vùng giải trí giáo dục dành cho trẻ em, các ao hồ và một phông ten lớn tân thời gồm ba cổng mầu xanh đa trời. Đây là nơi có rất đông khách du lịch và dân chúng lui tới, và là nơi tổ chức nhiều biến cố văn hoá và nghệ thuật.

Cây Thánh Giá hoà giải được dựng tại quảng trường các vị lập quốc  là cây Thánh Giá đã được rước qua vùng Đông Ianes hồi năm 2012. Dưới đế Thánh Giá có gắn một bảng ghi số các nạn nhân của các vụ bắt cóc, sát hại và mìn chống người gây đổ máu cho vùng này trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới 2016.

ĐTC đã đến công viên lúc 17 giờ 20. Hiện diện tại công viên có tổng thống Colombia, khoảng 400 trẻ em và một nhóm thổ dân. ĐTC được vài trẻ em tiếp đón và tháp tùng tới Thánh  Giá hoà giải, trong khi một ca đoàn hát một bài thánh ca truyền thống. Tiếp đến là tiếng kèn truy diệu và một phút thinh lặng cầu nguyện cho những người đã chết. Sau lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân ĐTC đã trồng một cây kỷ niệm, như biểu tượng cho một cuộc sống mới. Kết thúc lễ nghi ĐTC đã từ giã mọi người để ra phi trường cách đó 10 cây số rưỡi đáp máy bay trở về thủ đô Bogota. Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã về tới phi trường quân sự Catam của thủ đô Bogota sau 40 phút bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Sứ Thần cách đó 12 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Trước Toà Sứ Thần có đông đảo các nạn nhân của bạo lực, quân nhân, cảnh sát và cựu du kích quân chào đón ĐTC.

** Lúc gần 8 giờ sáng thứ bẩy mùng 9 tháng 9 ĐTC đã rời Toà Sứ Thần để tới sân bay quân sự CATAM lấy máy bay đi Medellin cách đó 215 cây số. Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới phi trường Rionegro của Medellin sau 50 phút bay. Tiếp đón ĐTC tại phi trường Jose Cordoba tỉnh Sonson Rionegro có ông thị trưởng và đại tá chỉ huy phi trường. Từ đây ĐTC đi trực thăng tới phi trường Enrique Olaya Herrera của Medellin cách đó 20 cây số.

Medellin là thành phố có hơn 2,8 triệu dân, và nổi tiếng là “thành phố của mùa xuân vĩnh cửu” vì có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nó là thủ phủ của vùng Antioquia. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đây là vùng đất của các thổ dân Yamesies,   Niquias, Nutables, và Aburraes  trong thung lũng Aburrá. Người Tây Ban Nha tới đây lần đầu tiên năm 1544, nhưng thành phố đã chỉ được chính thức thành lập năm 1616 tại công viên El Poblado với tên gọi là San Lorenzo de Aburrá. Năm 1675 thành phố được đổi tên là Nuestra Segnora de la Candelaria de Medellin. Năm 1826 nó trở thành thủ phủ vùng này, nhưng thành phố đã chỉ thực sự phát triển hồi đầu thế kỷ XX, nhờ có đường xe lửa, các đồn điền trồng cà phê và các quặng mỏ.

Từ Đệ Nhất Thế Chiến trở đi Medellin và la Valle de Aburrá trở thành trung tâm thương mại chính của Colombia một phần cũng nhờ kỹ nghệ dệt. Nền kinh tế phồn thịnh cũng một phần nhờ kỹ nghệ trồng hoa. Các loại hoa lan đẹp nhất Colombia được trồng tại đây. Medellin cũng là một trong các trung tâm văn hoá chính của Colombia, nơi tổ chức nhiều đại nhạc hội  quan trọng, và là nơi có nhiều sinh hoạt hàn lâm và khoa học, khiến cho nó được gọi là “thành phố đại học”. Hồi tháng 7 vừa qua Ngày chống đối xử tàn tệ với trẻ em đã được thành lập tại Medellin, và được cử hành ngày 19 tháng 11 hằng năm. Thành phố đã được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm trong chuyến công du năm 1986.

Tổng giáo phận Medellin được thành lập năm 1868, có gần 4 triệu dân, 76% theo công giáo. Giáo phận gồm 332 giáo xứ, có 23 nhà thờ lớn. Nhân lực của giáo phận  gồm 737 linh mục triều, 48 Phó tế vĩnh viễn, 214 chủng sinh thần học và triết học, 680 tu huynh,  2.945 nữ tu. Giáo phận điều hành 362 cơ sở giáo dục, 88 trung tâm bác ái.

TGM Medellin là ĐC Ricardo Antonio Tobón Restrepo, 66 tuổi.

ĐTC đã được ĐTGM và ông thị trưởng Medellin tiếp đón và lên xe díp đi một vòng để chào tín hữu tụ tập tại phi trường để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành.

** Phi trường Enrique Olaya Herrera đã được khánh thành năm 1932 và mang tên vị tổng thống cai trị Colombia giữa các năm 1930-1934 và chỉ có các chuyến bay nội địa. Phi trường có thể chứa được 1 triệu người. Vì giá trị lịch sử và kiến trúc của nó thành phố đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là gia tài của nhân loại năm 1995. Năm 1986 trong chuyến công du Colombia Đức Gioan Phaolô II cũng đã cử hành thánh lễ tại đây cho tín hữu.

Thánh lễ kính thánh Pietro Claver dòng Tên tông đồ của người nô lệ da đen bị đi đầy.

Giảng trong thánh lễ ĐTC khích lệ Giáo Hội Colombia dấn thân chuẩn bị và đào tạo các môn đệ thừa sai với nhiều táo bạo hơn như các Giám Mục đã đề nghị trong hội nghị Aparecida năm 2007, và luôn luôn trung thành vững vàng trong Chúa Kitô để sống trọn vẹn ơn gọi là môn đệ thừa sai.

Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ kiểu vâng lời đi theo chân ngài. Và con đường theo Chúa ấy đặt để họ trước các người phong cùi, các người bại liệt, các kẻ tội lỗi. Thực tại này đỏi hỏi họ nhiều hơn là một đơn thuốc kê sẵn, một điều luật xác định. Các môn đệ học biết rằng đi theo Chúa bao gồm nhiều ưu tiên khác, nhiều duyệt xét khác để phục vụ Thiên Chúa. Khi là môn đệ điều quan trọng là không bám víu vào một kiểu sống nhất định nào đó, vào các thực hành nào đó khiến cho chúng ta giống vài người Pharisêu thời Chúa Giêsu.

Để theo Chúa Giêsu cần cố gắng thanh tẩy tâm trí và cung cách suy tư hãnh xử của mình mỗi ngày cho phù hợp với kiểu sống và tinh thần của Chúa Giêsu, đi vào điểm nòng cốt, tự canh tân và để cho mình bị Chúa lôi cuốn, chứ không bám víu vào việc thực hành các điều lệ có sẵn hay các thói quen và truyền thống cứng nhắc.

Đi đến điều nòng cốt có nghĩa là đi vào chiều sâu, sống kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và luôn luôn hướng tới Chúa Kitô.

Canh tân chính mình đòi hỏi hy sinh và can đảm để có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách tốt đẹp hơn, không sợ hãi đổi mới, và dám lượng định các luật lệ, khi nó liên quan tới việc theo Chúa, khi các vết thương của Ngài còn mở, khi tiếng kêu đói khát công bằng của Ngài gọi hỏi chúng ta, và đòi buộc phải có các câu trả lời mới.

Và thứ ba là để cho mình bị lôi cuốn vào công việc của Chúa mà không sợ vị vấy bẩn. Chúa đòi hỏi chúng ta lớn lên trong sự táo bạo và can đảm theo tinh thần phúc âm, biết trông thấy và đáp trả các nhu cầu của những người đói khát Thiên  Chúa, đói khát phẩm giá là người, vì họ đã bị bóc lột tất cả. Là kitô hữu chúng ta phải trợ giúp họ chứ không cản ngăn họ gặp Chúa, không giăng bảng cấm vào, không nói đây là đất của tôi. Giáo Hội là của Chúa, chứ không phải của chúng ta.

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi!” (Mt 14,16): đó là công việc phục vụ của chúng ta. Thánh Pietro Claver đã hiểu những điều này và đã lấy khẩu hiệu là “nô lệ của người da đen”, vì ngài hiểu rằng như là môn đệ của Chúa Giêsu ngài không thể thờ ơ trước nỗi khổ đau của các người  bị bỏ rơi và lăng nhục thời ngài và cần phải làm cái gì đó để làm vơi nhẹ nỗi khổ đau đó. Chúng ta hãy là các môn đệ thừa sai biết duyệt xét các thực tại với đôi mắt và con tim của Chúa Giêsu.

Xin Mẹ Maria de la Candelaria đồng hành với chúng ta trên con đường là môn đệ Chúa để chúng ta là các thừa sai đem ánh sáng và niềm vui Phúc Âm tới cho hết mọi người.

Từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về đại chủng viện Conciliar cách đó 8 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến thăm các trẻ em mồ côi và nạn nhân của bạo lực tại nhà thánh Giuse, và gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thân nhân các vị vào ban chiều.

Đại chủng viện Thánh Tâm Chúa Giêsu  cũng gọi là đại chủng viện Conciliar de Medellin đã được khánh thành năm 1830 có thánh Toma thành Aquino là bổn mạng. Tọa lạc trên một mảnh đất rộng 20.000 mét vuông chủng viện gồm một nhà nguyện có mái tròn cao và 4 dẫy nhà gồm 250 phòng, một thính phòng, một nhà thể thao, một thư viện và một hồ bơi.

PopeFrancis-Colombia-22.jpg

PopeFrancis-Colombia-26.jpg

PopeFrancis-Colombia-27.jpg

PopeFrancis-Colombia-28.jpg

PopeFrancis-Colombia-29.jpg

PopeFrancis-Colombia-30.jpg

PopeFrancis-Colombia-33.jpg

PopeFrancis-Colombia-36.jpg

PopeFrancis-Colombia-39.jpg

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 09.09.2017)