“Abbà”, “Cha ơi!” là từ Chúa Giêsu gọi Chúa Cha khi cầu nguyện với Người. Tất cả sự mới mẻ của Tin mừng và trọng tâm của lời cầu nguyện của Kitô hữu được tóm gọn trong lời thưa “Abbà” – “Cha ơi!”.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, ngày 16.01, ĐTC Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Liên kết với từ “Abbà”, cách Chúa Giêsu gọi Chúa Cha, ĐTC nhắc các tín hữu rằng Chúa Cha như người cha trong dụ ngôn người cha nhân lành, không bao giờ thôi yêu thương con cái mình, ngay cả khi con cái lỗi phạm. ĐTC mời gọi các tín hữu trong những thời điểm khó khăn, khi cảm thấy lạc xa Thiên Chúa, khi bị đè nặng trong cảm giác tội lỗi, khi cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới này, hãy tìm sức mạnh cầu nguyện với Chúa Cha, bằng tiếng gọi thân thương “Abbà”, như một đứa trẻ gọi cha của mình với tất cả sự tin tưởng phó thác.
Cốt yếu của lời cầu nguyện: gọi Thiên Chúa là “Abbà” – Cha
Bắt đầu bài giáo lý ĐTC nhận định rằng trong Tân ước, việc cầu nguyện dường như muốn đạt đến điều cốt yếu, đến độ chỉ chú trọng đến một lời: “Abbà, lạy Cha.” Và ĐTC giải thích: Trong thư gửi các tín hữu Rôma thánh Phaolô viết: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi’ (8,15). Và trong thư gửi các tín hữu Galát, thánh Phaolô nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’ (Gl 4,6).
Lời cầu nguyện này được lặp lại 2 lần và cô đọng toàn bộ Tin mừng. Sau khi đã nhận biết Chúa Giêsu và lắng nghe lời giảng dạy của Người, Kitô hữu không còn xem Thiên Chúa như là một bạo chúa đáng sợ, không còn sợ hãi nữa nhưng cảm thấy trong tâm hồn mình nảy sinh sự tín thác nơi Người: anh ta có thể gọi Đấng Tạo Hóa là “Cha” khi thưa chuyện với Người. Thành ngữ này rất quan trọng đối với các Kitô hữu đến nỗi nó thường được giữ ở nguyên ngữ tiếng Aramaico “Abbà”.
Rất hiếm khi các thành ngữ tiếng Aramaico trong Tân ước không được dịch sang tiếng Hy lạp. Chúng ta phải tưởng tượng rằng các từ tiếng Aramaico này như được ghi âm lại từ tiếng nói của chính Chúa Giêsu: họ tôn trọng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Trong từ đầu tiên của Kinh Lạy Cha chúng ta gặp thấy ngay sự mới mẻ tận căn của kinh nguyện Kitô giáo.
Gọi Thiên Chúa là Cha như em bé gọi ba mình
Tiếp đến, ĐTC giải thích ý nghĩa của việc gọi Thiên Chúa là Cha. Nó không phải chỉ là cách dùng biểu tượng – trong trường hợp này là nhân vật người cha – để nối kết với mầu nhiệm của Thiên Chúa; ngược lại, có thể nói, toàn bộ thế giới của Chúa Giêsu ở trong trái tim của Người. ĐTC khẳng định rằng nếu chúng ta thực hiện hành động này, chúng ta có thể đọc Kinh Lạy Cha thật sự, vì như ĐTC nói: Việc thưa “Abbà” là điều gì đó thân thiết và cảm động hơn chỉ đơn giản gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đó là lý do một vài người đã đề nghị dịch từ gốc Aramaico này thành từ “ba” hay “bố”. Thay vì gọi “Cha chúng con” thì nói “ba”, “bố”. Chúng ta tiếp tục đọc “Lạy Cha chúng con” nhưng với trái tim chúng ta được mời gọi gọi “Ba ơi”, được mời gọi có mối liên hệ với Thiên Chúa như một em bé với ba của mình, người mà em gọi là “ba” hay “bố”. Thật ra các cách gọi này gợi lên tình yêu thương, sự ấm áp, một điều gì đó đưa chúng ta vào trong khung cảnh của tuổi thơ: hình ảnh một em bé được vòng tay của người cha ôm choàng cho thấy sự dịu dàng chăm sóc vô vàn của người cha dành cho đứa con. Vì thế, để cầu nguyện tốt, cần có trái tim của một em bé, như một em bé trong vòng tay của người cha, của ba mình, của bố mình.
Thiên Chúa là Cha chỉ biết yêu thương
Nhưng chắc chắn rằng các Tin mừng dẫn đưa chúng ta đến ý nghĩa còn sâu xa hơn của từ này. Lời này có nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Kinh Lạy Cha có ý nghĩa và hay đẹp nếu chúng ta học đọc kinh này sau khi đã đọc dụ ngôn người cha thương xót trong chương 15 của Tin mừng thánh Luca (x. Lc 15,11-32). Chúng ta hãy tưởng tượng rằng kinh này được đứa con hoang đàng đọc, sau khi đã cảm nghiệm được vòng tay ôm của người cha, người đã chờ đợi suốt cả thời gian dài, một người cha không nhắc đến những lời bất hiếu mà đứa con nói với mình, một người cha giờ đây khiến đứa con hiểu cách đơn giản là ông đã nhớ mình bao nhiêu. Do đó, chúng ta khám phá ra những lời đó có sức sống, có sức mạnh thế nào. Và chúng ta tự hỏi: làm sao có thể là Ngài, hay Chúa, chỉ biết có yêu thương? Chúa không biết hận thù sao? Thiên Chúa sẽ trả lời. “Không! Ta chỉ biết tình yêu. Sự trả thù, đòi công lý, sự giận dữ vì danh dự bị tổn thương, nằm ở đâu nơi Chúa? Thiên Chúa trả lời: Ta chỉ biết tình yêu.
Người cha của dụ ngôn đó có những cách thức hành động mà làm chúng ta nhớ đến tấm lòng của một người mẹ. Điều đặc biệt là các bà mẹ tha thứ cho con cái họ, che dấu cho chúng, không mất đi sự đồng cảm đối với con cái, để tiếp tục yêu thương, ngay cả khi các con không còn xứng đáng với bất cứ điều gì.
Chỉ cần cầu nguyện với từ này – Abbà – bởi vì nó trở thành lời cầu nguyện Kitô giáo. Và thánh Phaolô, trong các thư của ngài, theo cùng hành trình này, và không thể khác hơn, bởi vì đó là con đường mà Chúa Giêsu đã dạy: trong lời cầu xin này có một sức mạnh thu hút tất cả phần còn lại của lời cầu nguyện.
Thai nghén của tình yêu
ĐTC nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta. ĐTC nói: Thiên Chúa tìm kiếm bạn, ngay cả khi bạn không kiếm tìm Người. Thiên Chúa yêu thương bạn, ngay cả khi bạn lãng quên Người. Thiên Chúa nhìn thấy một vẻ đẹp trong bạn, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn đã phung phí tất cả tài năng của bạn một cách vô ích. Thiên Chúa không chỉ là một người cha, Người giống như một người mẹ không bao giờ ngừng yêu đứa con mình tạo nên. Đàng khác, có một “sự thai nghén” tồn tại mãi mãi, vượt trên chín tháng mang thai thể lý; đó là một sự thai nghén hình thành nên một mạch tình yêu vô tận.
Đối với một Kitô hữu, cầu nguyện đơn giản là thưa “Abbà”, thưa “ba”, thưa “bố”, gọi Chúa là “Cha” nhưng với sự tin tưởng của một đứa trẻ.
Trong khó khăn, hãy can đảm gọi Chúa “Abbà!”
Có thể là chúng ta cũng đang đi trên con đường xa cách Thiên Chúa, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng; hoặc là trong sự cô đơn, chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới; hay là chúng ta sai lỗi và bị tê liệt trong cảm giác tội lỗi. Trong những lúc này, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sức mạnh để cầu nguyện bằng cách bắt đầu với từ “Abbà”. Thiên Chúa không dấu mặt đối với chúng ta; Người sẽ không khép mình trong sự im lặng: Người sẽ nói với chúng ta rằng Người không bao giờ không dõi theo chúng ta, và Người luôn ở đó, trung thành với tình yêu dành cho chúng ta.
Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
Vào cuối buổi tiếp kiến, ĐTC đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. ĐTC nói:
““Thứ sáu này, với buổi đọc Kinh Chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu sẽ bắt đầu, với đề tài: “Anh em hãy cố gắng trở nên người công chính đích thực ”. Trong năm nay, chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện, để tất cả Kitô hữu trở về với một gia đình duy nhất, theo mong ước của Chúa Giêsu, Đấng muốn “xin cho chúng nên một!” (Ga 17, 21). Mục đích của tuần cầu nguyện là phát triển một chứng tá chung và nhất quán trong việc khẳng định một nền công lý đích thực và hỗ trợ những người yếu đuối nhất, thông qua các hành động cụ thể, phù hợp và hiệu quả.”
Hồng Thủy
(VaticanNews 16.01.2019)