Đồng cảm với tội nhân nhưng không dàn xếp sự thật

VATICAN. Công bố Lời Thiên Chúa không bao giờ được tách rời khỏi sự cảm thông về yếu đuối của con người.

Đây là thông điệp trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 20.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Khởi đi từ đoạn Tin Mừng, thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Pha-ri-sêu về vấn đề ngoại tình, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa siêu vượt hơn cái nhìn của nhân loại, muốn giới hạn Ngài chỉ vào một phương trình những trường hợp đúng sai (như thế này là đúng, như thế kia là sai. Không có cảm thông và thương xót).

PopeFrancis-20May2016-01.jpg

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy nhiều cạm bẫy. Đó là những cái bẫy mà người Pha-ri-sêu và các tiến sĩ luật đặt ra để thử Đức Giêsu, khiến Ngài phải lỡ lời, để làm mất đi uy tín và thẩm quuyền của Ngài trước mặt dân chúng. Câu hỏi ngày hôm nay họ đặt ra để chất vấn Đức Giêsu là: chồng có được phép rẫy vợ không?

Chân lý, không đơn thuần là đúng hay sai

Đức Thánh Cha nói về cạm bẫy trong những trường hợp đúng-sai do một nhóm nhỏ những ‘thần học gia học cao biết rộng’ (người Pha-ri-sêu và các tiến sĩ luật) đặt ra. Họ xác tín rằng họ nắm trong tay tất cả tri thức và mọi lẽ khôn ngoan của Dân Thiên Chúa. Đức Giêsu đã vượt qua cạm bẫy và Ngài cũng chỉ ra một điều cao xa hơn, chạm đến sự tròn đầy của hôn nhân. Trước đây nhóm Xa-đốc cũng đã từng gài bẫy Ngài như thế khi họ đề cập đến một người phụ nữ đã có bảy đời chồng. Đức Giêsu khẳng định rằng, trong ngày phục sinh, người phụ nữ ấy sẽ chẳng là vợ của ai hết, vì trên Nước Trời, người ta sẽ không dựng vợ gả chồng nữa. Như vậy, Đức Giêsu đã nhìn đến khía cạnh cứu cánh tròn đầy của hôn nhân.

Còn đối với người Pha-ri-sêu, Đức Giêsu mời gọi họ tiến đến sự tròn đầy của sự hòa hợp nơi công trình tạo dựng: ‘Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Họ không còn là hai, nhưng chỉ một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.’ Như thế, cả trong trường hợp về vấn đề hôn nhân hợp pháp mà nhóm Xa-đốc đặt ra và trường hợp ly dị của Pha-ri-sêu, Đức Giêsu đều trả lời bằng một chân lý hết sức rõ ràng, chắc chắn và thẳng thắn. Ngài không lèo lái hay dàn xếp để đạt đến chân lý. Còn những người này, nhóm nhỏ các ‘thần học gia có học thức này’, luôn dàn xếp sự thật, giới hạn sự thật chỉ trong một phương trình của đúng và sai. Đức Giêsu không bao giờ dàn xếp sự thật. Những gì Ngài nói chính là chân lý bất biến về đời sống hôn nhân, ngoài ra không còn gì khác.

Chân lý và sự cảm thông

Đức Giêsu luôn giàu lòng thương xót. Ngài thật cao cả và vĩ đại, chẳng bao giờ khép cửa lại với tội nhân. Và vì thế, Ngài không giới hạn trong việc công bố chân lý về Thiên Chúa nhưng còn tiến xa hơn bằng cách hỏi người Pha-ri-sêu điều mà Mô-sê đã viết trong Lề Luật. Và khi họ trả lời ông Mô-sê cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ, Đức Giêsu nói: ‘Chính vì các ông lòng chai dạ đá, ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.’ Điều ấy có nghĩa là Đức Giêsu luôn phân biệt giữa chân lý và sự yếu đuối của con người, không có sự lẫn lộn.

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, với một nền văn hóa tạm thời, thực tại tội lỗi này càng trở nên mạnh mẽ. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng tuy có cứng lòng, có tội lỗi nhưng vẫn tồn tại sự tha thứ, sự thấu hiểu, sự cảm thông, đồng hành, sự hội nhất và khả năng biết phân định. Chân lý không bao giờ được đem ra trả giá hay buôn bán. Đức Giêsu có khả năng công bố cách rõ ràng dứt khoát những chân lý cao vời nhưng đồng thời Ngài cũng biết cảm thông với tội nhân, với những kẻ yếu đuối.

Sự tha thứ không phải là một phương trình đúng sai

Ngày hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta hai điều: chân lý và sự cảm thông. Đây chính là điều mà những ‘thần học gia học cao biết rộng’ không biết đến, vì họ đã khép mình trong những cạm bẫy của một phương trình toán học: Điều này có thể làm. Điều kia không thể làm. Vì thế, họ không có khả năng để chạm tới những chân trời rộng mở cũng như tình yêu và sự cảm thông với yếu đuối của con người. Khi chiêm ngắm Đức Giêsu cư xử với chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, ta thấy Ngài tế nhị và dịu dàng đến là dường nào: ‘Ta không kết án chị đâu. Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.’

Xin Đức Giêsu giúp chúng ta có được một trái tim gắn chặt với chân lý, đồng thời cũng có một sự cảm thông, thấu hiểu với tất cả anh chị em của chúng ta, những người đang gặp khó khăn, thử thách. Đây chính là một món quà, là điều mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta. Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta, chứ không phải là những bậc tiến sĩ học sâu biết rộng dạy chúng ta giới hạn sự tròn đầy, sự toàn hảo của Thiên Chúa trong một phương trình toán học đúng-sai. Xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta.”

(Vũ Đức Anh Phương SJ, RadioVaticana 21.05.2016)